Người khách lạ | Chương 1 & 2 | Norman Whitney

562

Nguyên tác: THE STRANGER
Tác giả: NORMAN WHITNEY
Chuyển ngữ Scarlett Le

CHƯƠNG I:
NGƯỜI KHÁCH LẠ XUẤT HIỆN Ở WOODEN

Vào ngày thứ Bảy 31.10.1964, một người đàn ông đến ngôi làng vào lúc giữa khuya. Anh ta tìm quanh để kiếm chỗ trọ lại qua đêm. Anh đến gõ cửa một ngôi nhà và một phụ nữ ra mở cửa.

– “Chào bà”, người đàn ông nói, “Xin lỗi vì đã đánh thức bà dậy lúc khuya thế này, nhưng mong bà hãy giúp tôi. Ở làng này có khách sạn nào không, thưa bà? Tôi muốn trọ lại đêm nay.”

Người đàn bà cười lớn:

– “Một khách sạn à? Ở cái làng Wooden này ư? Không, tôi e là không có đâu.”

–  “Thật tiếc. Tôi là một người lạ vừa ghé qua đây, và muốn được ngắm ngôi làng của bà vào ngày mai.”

Người lạ thật lịch sự. Anh ta cao, mái tóc sẫm màu và đôi mắt xanh lục kỳ bí.

Người đàn bà nói:

– “Có lẽ bà Harrison có thể giúp được  ông. Bà ấy có một phòng, ông có thể nghỉ lại. Đợi một chút, tôi vào lấy áo khoác rồi sẽ đưa ông đến đó.”

Và bà đưa người khách lạ đến nhà bà Harrison. Bà này đồng ý dành một phòng cho người khách trọ lại qua đêm. Người khách lạ vô cùng mừng rỡ vì đó là một đêm tháng Mười và ngoài trời đang rất lạnh.

Hôm sau là ngày Chúa Nhật, người đàn ông đi dạo quanh làng. Anh ta rất thích thú và quan tâm đến lịch sử ngôi làng này. Anh còn gặp gỡ vài cư dân trong làng và hỏi thăm cả tên tuổi họ nữa.

Thế nhưng anh ta lại không đến viếng nhà thờ.

Thật lạ lùng, vì ngôi nhà thờ làng Wooden này là công trình kiến trúc đẹp nhất ở đây, vậy mà người khách lạ lại chằng quan tâm đến. Anh ta cũng chẳng đi lễ  cùng dân làng, dù hôm đó là ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười.

Khi dân làng dự thánh lễ xong và ra khỏi nhà thờ thì anh ta đến. Anh ta nhanh chóng làm cho mọi người yêu thích mình. Các bà, các cô thì nghĩ anh chàng này có dáng vẻ ưa nhìn và cũng thật đáng mến.

Vài tuần sau, anh ta trở lại làng. Đó là ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Mười Hai. Dân làng đang đi đến nhà thờ dự thánh lễ. Trời tối âm u và lạnh cóng.

– “Chào quí vị, tôi lại quay về nơi đây. Thật vui gặp quý ông bà một lần nữa. Có lẽ các ông bà đây có thể giúp được tôi. Tôi đang tìm mua một căn nhà trong làng này.”

Lời anh ta làm dân làng kinh ngạc. Ở đây ư? Nhưng tại sao lại ở đây chứ? Nơi này không có việc làm cho người trẻ tuổi. Tất cả thanh niên ở đây đều phải rời làng đi tìm việc tại Lidney, một thành phố lân cận.

– “Tôi sẽ có một công việc ở nơi khác, có lẽ như ở Lidney chẳng hạn.” Người đàn ông đáp.

Thế là một dân làng nói cho anh ta biết về căn nhà cũ của ông Smith, người vừa qua đời vào mùa hè năm nay. Căn nhà đang bỏ trống và được rao bán. Căn nhà nằm ngay góc giao lộ giữa đường chính và con đường nhỏ dẫn đến nhà thờ.

– “Được, mai tôi sẽ đến hỏi về căn nhà đó. Có lẽ tôi sẽ may mắn mua được nó. Tạm biệt và tôi sẽ sớm gặp lại quý vị đấy.”

Người đàn ông nói xong thì rời đi. Dân làng nhìn theo. Họ trông thấy một chiếc xe hơi to lớn và sang trọng. Anh ta có vẻ rất giàu có.

Vài ngày sau, căn nhà của ông Smith đã được bán. Vào trung tuần tháng  Mười Hai, người khách lạ trẻ tuổi đến, dọn vào ở trong căn nhà và làm việc tất bật, nào là sửa lại mái ngói, thay kính cửa sổ đã bể, sơn phết và trang trí. Anh ta làm thay đổi toàn bộ diện mạo căn nhà.

Nhưng vẫn còn một ngạc nhiên lớn cho tất cả dân làng.

Vào buổi sáng ngày thứ Hai 21/12, một bảng hiệu lớn được gắn trước căn nhà. Trên bảng hiệu ghi dòng chữ: THE CORNER SHOP – Chủ sở hữu: DAVE SLATIN.

CHƯƠNG II:
HỌP MẶT DÂN LÀNG

Dân làng không tin nỗi chuyện đó. Một cửa hiệu ở làng Wooden này sao? Ai ai cũng bàn tán về nó. Trước đây cũng đã từng có một cửa hiệu được mở ở Wooden này, và nó đã phải dẹp tiệm từ 20 năm trước.

Dân làng, người thì mong muốn có một cửa hiệu ở đây, số khác thì không. Thế là họ hẹn cùng gặp nhau vào một buổi tối tại hội trường của làng. Mọi người đều đến dự vì ai ai cũng quan tâm đến cửa hiệu mới này.

– “Mở Corner Shop là một ý kiến hay.” Một số người nói. “Chúng ta cần một cửa hiệu ngay trong làng mình, thế là sẽ không cần phải đi đến Lidney nữa,”

– “Tôi cũng thấy vậy.” Bà Harrison lên tiếng, bà này vốn thích người khách lạ tên Dave Slatin. “Mở một cửa hiệu trong làng là ý kiến hay. Ở đây vốn quá vắng lặng. Làng Wooden ta cần một cửa hiệu.”

– “Vô lý,” bà Brown nói, bà này là một giáo viên trong làng, “Lidney cũng có xa xôi gì đâu chứ. Ở đó có khối cửa hiệu đấy thôi.”

Thế là mọi người tranh luận om sòm cả lên.

Ông Hart, một người thật bự con, cất giọng oang oang:

– “Yên lặng nào, mọi người. Chúng ta từ trước đến nay chưa bao giờ gặp rắc rối ở làng này. Chúng ta luôn luôn yên tĩnh và hạnh phúc. Vậy mà bây giờ cửa hiệu này lại gây ra cãi vả.”

Một dân làng nói:

– “Mọi người thôi đi nào. Sao không để cho anh Dave Slatin trình bày, nó là cửa hiệu do anh ấy mở mà. Để anh ấy nói đi đã.”

Dave Slatin lên tiếng:

– “Thưa quý ông, quý bà, tôi thật sự không muốn gây ra bất kỳ rắc rối nào. Ở làng của quý vị, tôi vẫn còn là một người xa lạ. Nhưng tôi rất mong muốn được xem là dân làng này như các vị đây. Tôi muốn là bạn của quý vị. Tôi yêu mến dân làng Wooden này.”

Anh ta mỉm cười và có vài người vỗ tay, họ thích anh ta rồi.

Dave Slatin nói tiếp:

– “Corner Shop sẽ bán nhiều thứ, sẽ có bán thực phẩm các loại và cả đồ gia dụng nữa. Và tôi xin hứa là mọi thứ sẽ được bán với giá phải chăng.”

Mọi người thận trọng lắng nghe.

– “Mà tôi còn ý kiến khác nữa đấy. Tôi sẽ bán những sản phẩm của làng mình nữa.”

– “Sản phẩm làng mình?” Cô con gái bà Brown hỏi. “Anh nói vậy là có ý gì?”

– “Cô Brown này, tôi sẽ nói ngay cho cô rõ. Tôi biết cô có thể làm ra những chiếc bánh mì và bánh ngọt, rất đẹp và rất ngon.”

Cô Brown tươi cười:

– “Quả thật vậy, ai cũng biết điều này mà.”

– “Và còn ông Hart nữa, tôi đã nhìn thấy những bông hoa do chính tay ông trồng.”

Giờ thì tới lượt ông Hart cười rạng rỡ.Thật thế, làng này ai lại không biết những bông hoa xinh đẹp của ông chứ.

– “Còn ông Everet làm ra những chiếc nồi.” Ai đó nói thêm vào.

– “Bà Davies làm ra những con búp bê nữa.” Một giọng khác cũng  chen vô.

Bà già Lucy Gray cũng nói:

– “Tôi thì vẽ những bức tranh về ngôi làng xinh đẹp này.”

– “Đúng vậy.” Dave Slatin nói. “Quý ông bà đây người nào cũng làm ra được thứ gì đó. Dân làng ta quả là rất thông minh và khéo tay. Ông bà sẽ làm ra được rất nhiều sản phẩm. Và ta sẽ bán chúng cho du khách. Vào mùa hè, làng Wooden ta chắc cũng kiếm được bộn tiền đấy.”

– “Nhưng còn tiền bạc thì sao?” Ông Hart hỏi. “Anh sẽ thanh toán cho chúng tôi thế nào đây?”

– “Ồ, đúng là một câu hỏi hay.”  Dave đáp. “Đây là câu trả lời: các ông bà đem sản phảm của mình đến cho tôi, tôi sẽ đứng ra  bán cho các ông bà. Tôi sẽ giữ lại một ít xem như lợi nhuận cho mình, phần còn lại tôi sẽ trao hết lại cho các ông bà.”

Cô Brown kêu lên:

– “Thật là hay đấy!”

Ông Hart cũng nói:

– “Được đó, tôi đồng ý.”

Tất cả dân làng đều đồng ý. Người nào cũng hài lòng với kế hoạch của Dave Slatin.

Thế là Corner Shop chính thức khai trương vào ngày thứ Hai 04.01.1965.

Chẳng bao lâu, của hiệu đã tấp nập người và Dave Slatin phải cần đến một người phụ việc.

Người phụ việc mới tại Corner Shop là Anna. Cô gái này bắt đầu công việc vào cuối tháng Giêng.

Đón xem lần tới: CHƯƠNG 3: CORNER SHOP