13 tháng Ba, 2019
Theo các nghiên cứu khoa học, Đức tin đem đến những lợi ích về tâm lý và thể lý.
Một bài viết trong ấn bản Tháng Ba của tạp chí Wellbeing, Health with Soul (Hạnh phúc, Sức khỏe với Linh hồn) (BenEssere, la salute con l’anima) của Ý cho chúng ta cơ hội đi sâu hơn vào quan điểm khoa học về những tác dụng thuộc tâm lý và thể lý của đức tin, tiết lộ một bức tranh toàn cảnh đầy khích lệ. Tác giả là nhà báo chuyên mục khoa học, Piero Bianucci, ngay từ đầu đã cho biết rất rõ rằng ông không cố gắng đưa ra một kết luận cường điệu hóa và thực dụng kiểu như, “nếu anh tin vào Chúa, anh sẽ chẳng bị vấn đề gì về sức khỏe.” Thay vào đó, ông muốn chia sẻ với chúng ta những kết quả thú vị của các thí nghiệm khoa học thần kinh cho thấy tác động tích cực của trải nghiệm tôn giáo.
Sự cộng hưởng tâm linh
Bài viết này chủ yếu dựa theo quyển sách Psychotherapy of God (tạm dịch: Liệu pháp tâm lý của Thiên Chúa) (Tiếng Pháp là: Psychothérapie de Dieu), bằng tiếng Pháp) được viết bởi nhà tâm thần học người Pháp, ông Vladimir Cyrulnik, qua việc sử dụng những bản chụp MRI đơn giản, cho thấy rõ ràng rằng việc cầu nguyện và những trải nghiệm cảm xúc khác liên quan đến đức tin kích hoạt một vùng đặc biệt của não: thùy trán (prefrontal lobes), được kết nối với hệ viền (limbic system) — vùng ghi nhớ và những cảm xúc mạnh (được kích thích rất mạnh trong tuổi thơ ấu).
Do đó, ông nói, “Những nghiên cứu về mạch não (brain circuitry) không cho thấy sự hiện hữu của một ‘vùng của Chúa’ hay ‘vùng của tôn giáo’, nhưng chúng thể hiện rõ ràng một môi trường được kết cấu bởi niềm tin tôn giáo để lại dấu ấn sinh học trên não bộ của chúng ta, và nó tạo sự dễ dàng hơn để tái khám phá những cảm giác xuất thần hoặc siêu việt có từ tuổi thơ ấu.”
Điều này dẫn đến một phản ánh thú vị. Nó tương tự như việc chúng ta có một rương đựng báu vật bên trong mình, sẵn sàng mở ra khi chúng ta cần nó. Những hoạt động như đọc kinh tối khi chúng ta còn nhỏ, lần Chuỗi Mân Côi với bà nội hoặc bà ngoại, hay đi dự Lễ với cha mẹ không phải là những thời khắc thoáng qua sẽ tan biến trong không khí khi đến tuổi thiếu niên và trưởng thành. Ngay cả khi những đứa con đã trưởng thành của chúng ta từ chối lời mời đọc kinh, hoặc khi chúng dứt khoát quay lưng lại với tôn giáo, chúng ta có thể chắc chắn rằng những kinh nghiệm tốt lành chúng có được khi còn nhỏ trong việc chia sẻ những hoạt động đức tin với chúng ta vẫn còn ghi dấu ấn trên não của chúng, và sẵn sàng tái xuất hiện khi nào đứa con hoang đàng cảm nhận sự cần thiết phải quay trở về nhà.
Ca hát mang chúng ta đến với nhau
Ý kiến về sự lặp đi lặp lại là một việc làm tẻ nhạt là một khuôn mẫu rất sai lầm. Tất cả những ai hiểu được vẻ đẹp và niềm vui của việc đọc Kinh Mân Côi đều biết rằng lời kinh “lặp đi lặp lại” khiến chúng ta trở nên giống như một người nông dân gieo trồng trên cánh đồng. Khi xới đất và gieo hạt, mọi hoạt động hình như lặp đi lặp lại rất buồn tẻ, nhưng chỉ qua hoạt động lặp đi lặp lại đều đặn đó thì cánh đồng mới được canh tác và gieo trồng, trở nên phì nhiêu và trổ sinh đầy hoa trái.
Khoa học nghiên cứu tế bào thần kinh cũng đã phát hiện ra giá trị làm an lòng và động viên của các nghi thức. “Cầu nguyện và các thể thức thiêng liêng làm tan biến sự đau khổ do tình trạng cô đơn đem đến. Khi bạn hát một bài thánh ca, bạn không còn cô đơn. Những đồ vật thánh thiêng biểu trưng cho khả năng đến được với Người là Đấng bảo vệ tất cả chúng ta. Những hoạt động đức tin khơi gợi cho chúng ta một cảm giác thuộc về. Cảm giác của tình huynh đệ chữa lành những lo âu của chúng ta.”
Những mối quan hệ là động lực quan trọng nhất của con người, và chúng có hiệu quả mạnh nhất khi tình bằng hữu là thật, diễn ra trong đời thật. Nếu các mạng xã hội cho chúng ta cảm giác được ở bên nhau và cho chúng ta những diễn đàn để chia sẻ, trong đó mỗi người nêu lên ý kiến của riêng mình, thì Thánh lễ là một dấu chỉ mang tính cách mạng, là sự thể hiện như một ca đoàn, cùng chung lời hòa ca, qua đó chúng ta chân nhận nhau là bình đẳng, cùng có những giới hạn và những thiếu thốn. Chúng ta thấy hân hoan vì chúng ta cùng chung lời để bày tỏ lòng cảm tạ và ngợi khen, những lời dành cho tất cả chúng ta, và là những lời rất thật cho từng người chúng ta.
Tuổi thọ của nữ tu sĩ, sự hạnh phúc nam tu sĩ
Thông tin cuối cùng đầy ngạc nhiên trong bài viết của Piero Bianucci nói đến thế giới tu viện.
Có rất nhiều câu chuyện kể về những con người trong những năm gần đây, chứ không chỉ có trong quá khứ, đã đưa ra lựa chọn đi ngược với văn hóa đó là dám bỏ lại sau lưng sự tự do của trần gian để khóa mình trong một tu viện. Những con người này trở thành các chứng nhân cho niềm vui vô bờ, cho thấy rằng họ không thật sự xa lánh khỏi trần gian; mà ngược lại họ còn hiện hữu nhiều hơn nữa, cho dù họ ở ngoài những đường biên của thế gian.
Các nhà khoa học bây giờ có cái nhìn sâu vào trong đời sống nhiệt thành này, nó dường như tạo ra những tác dụng về thể lý và tâm lý: “Một nhóm các nhà nghiên cứu bắt đầu tò mò khi họ khám phá thấy rằng tuổi thọ của các nữ tu rất cao, đồng thời tỷ lệ xảy ra bệnh Alzheimer thấp khác thường. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng chính nhờ môi trường của tu viện, được xây dựng trên nền tảng đức tin và các nghi thức, giúp kéo dài tuổi thọ hơn và giữ cho não bộ của các nữ tu hoạt động một cách hiệu quả.”
Thật đẹp khi biết rằng những con người phục vụ cho sự thiện này có được nguồn năng lượng khác thường của tính bền đỗ, sự hăng hái, và sức mạnh để tiếp tục sứ mạng của họ và để giúp chúng ta trong những khó khăn hàng ngày bằng lời cầu nguyện của họ.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/3/2019]