Câu chuyện thú vị về Đền thờ Thánh Mẫu Quốc gia và Đức Bà Grotto Mellieħa, ở Malta

678

Câu chuyện thú vị về Đền thờ Thánh Mẫu Quốc gia và Đức Bà Grotto Mellieħa, ở Malta
Courtesy of Malta Tourism Authority

Jean Pierre Fava – Malta Tourism Authority
25 tháng Năm, 2020

Một trong những truyền thống lâu đời nhất là Thánh Luca đã vẽ bức bích họa trên tường này trong thời gian ngài lưu trú ở Malta, khoảng năm 60 sau Chúa Giáng sinh.

Thông tin được sưu tầm bởi Jean Pierre Fava, từ Malta Tourism Authority.

Trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến Đền thờ Thánh Mẫu Mellieha Quốc gia và linh ảnh Mẹ cổ xưa của nó. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ thêm những chi tiết về Đức Mẹ và Chúa Con. Chúng ta sẽ có một cái nhìn sơ lược về lịch sử hàng thiên niên kỷ của nó, không còn nghi ngờ gì về lòng sùng kính Mẹ Maria ở Malta đã có từ lúc khởi đầu của Kỷ nguyên Kitô giáo. Đức Bà Mellieħa có lịch sử rất dài bao trùm trong sự huyền nhiệm và truyền thống. Một truyền thống lâu đời nhất nói rằng người bạn đồng hành của Thánh Phaolô, Tác giả Tin mừng Luca, đã vẽ bức bích họa trên tường trong thời gian ngài lưu trú ở Malta khoảng năm 60 sau Chúa Giáng sinh. Một truyền thống khác khẳng định điều này và thuật lại rằng năm 409 sau Chúa Giáng sinh, một nhóm các Giám mục Công giáo đến viếng Đền Grotto linh thiêng và và thánh hiến nó như một Nhà thờ. Tuy nhiên, Linh ảnh hiện nay có nguồn gốc Siculo-Byzantine. Có thể nó được vẽ trong khoảng thế kỷ 13. Trong những thế kỷ sau đó lòng sùng kính Linh ảnh gia tăng mạnh mẽ.

Người hành hương từ mọi miền đất Kitô giáo thuộc Địa Trung hải và từ mọi hành trình cuộc sống đến để cầu nguyện tại Thánh địa nơi sinh của Đức Nữ Đồng trinh Diễm phúc. Đến đây họ xin những ơn đặc biệt, đôi khi là phép lạ, qua sự chuyển cầu của Đức Mẹ, như chứng tá được thể hiện qua nhiều bia tạ ơn đặt trong phòng áo.

Trong chuyến Tông du 30 năm trước, thậm chí chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến sùng kính cầu nguyện trước Mẹ Maria và Chúa Con. Đúng vậy, ngày này 30 năm về trước, vào ngày 26 tháng Năm năm 1990, vị Thánh nhân vĩ đại này đã đến thăm Malta và Đền thờ Thánh Mẫu Mellieħa dấu yêu! Một điều tuyệt diệu khác nữa là hôm thứ Hai ngày 18 tháng Năm, chỉ cách đây vài ngày, là kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của ngài! Khi ngài đến thăm Malta ngài vừa bước sang tuổi 70.

Ảnh của Tổng giáo phận Malta, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành kính cầu nguyện trước Đức Mẹ và Chúa Con – 26 tháng Năm năm 1990.

Nội dung của bức tranh phản ánh điều xác quyết của Công đồng Êphêxô (năm 431 sau Chúa Giáng sinh) về Mẹ Maria như là Theotokos (người ẵm Chúa). Mẹ ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay của Mẹ. Truyền thống về Thánh Luca là họa sĩ dựa trên một truyền thống khác nói rằng Thánh sử đã vẽ Mẹ Maria ở Giêrusalem là bức ảnh được đem đến Constantinople trong thế kỷ thứ 5. Bức tranh này được sao chép rộng rãi và nó trở thành một trong những ảnh phổ biến nhất về Đức Mẹ. Tuy nhiên một truyền thống khác lại đồng nhất bức vẽ của Thánh Luca với bức Salus Populi Romani ở Santa Maria Maggiore. Bắt đầu năm 2013, một dự án bảo tồn và phục chế mới đây đã thấy nó bị hư hỏng nặng do độ ẩm dưới lòng đất và môi trường không thân thiện. Phục vụ như một Thánh địa trong nhiều thế kỷ gây thiệt hại cho tất cả các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, sự chăm sóc rất khó khăn và tỷ mỷ và công việc phục hồi chuyên nghiệp đã đem lại cho chúng ta gia tài vô giá này.

Nhờ các tác phẩm này, những bí mật đáng kinh ngạc của Linh Ảnh được đưa ra ánh sáng – dòng chữ bên trái và bên phải, MAT DEI, là chữ viết tắt của ‘Mẹ Thiên Chúa; một bông hoa hoặc ngôi sao trên trán của Đức Maria tượng trưng cho sự đồng trinh trọn đời của Mẹ. Những nét thú vị khác đó là chi tiết của hai vầng hào quang, như ngọc trai, ánh sáng tỏa rạng; những vệt màu tối trên vầng hào quang của Chúa Hài đồng khi kết nối tạo thành hình thập giá bên trong nó. Biểu tượng này được tìm thấy trong nhiều ảnh Đức Kitô theo kiểu Byzantine. Màu sắc ban đầu của khăn trùm đầu Đức Mẹ có màu đỏ đậm — màu của uy quyền, trên thực tế được gọi là ‘Màu tím quyền uy,’ biểu tượng của Hoàng gia. Nó là truyền thống tiêu biểu của Byzantine, Mẹ Maria trong toàn bộ sự cao quý của Mẹ. Tác phẩm phục hồi cho thấy rằng người họa sĩ muốn gửi một thông điệp về Đức Trinh nữ Hodegetria (Mẹ là người chỉ đường). Mẹ ngụ ý rằng Chúa Con là con đường dẫn đến ơn cứu độ.

Courtesy of Valentina Lupo and Maria Grazia Zenzani – Atelier del RestauroIcon of Our Lady of Mellieħa after restoration interventions.

Đoạn mô tả sau đây tổng hợp một loạt các sự kiện và diễn biến mà Đền Grotto và bức họa đã trải qua, nó cũng làm sáng tỏ cách thức mà Linh Ảnh  phải chịu những thay đổi lớn qua thời gian do các cuộc tấn công lùng sục, điều kiện môi trường không thuận lợi và các can thiệp phục hồi được cho là để bù đắp cho những mất mát trong bức hình. Tôi cảm thấy rằng Valentina Lupo và Maria Grazia Zenzani, những người đã phục chế Linh Ảnh  cho hậu thế, xứng đáng với lòng biết ơn của chúng ta.

Ba chuyến thăm mục vụ quan trọng đến Thánh địa Mellieħa là: Đức Giám mục Senatore De Mello vào năm 1436, khi nó được phân định là một trong mười giáo xứ của Malta; Đức Giám mục Dusina vào năm 1575; và Đức cha Tommaso Gargallo vào năm 1587, khi đó ngài thấy rằng Linh Ảnh  bị hư hỏng nặng. Ngài quyết định chỉ định cho các tu sĩ Augustine phủ lên trên nó bằng một Linh Ảnh mới. Tuy nhiên, vào năm 1600, giáo xứ đã bị đàn áp do các cuộc tấn công thường xuyên của cướp biển Hồi giáo. Trên thực tế, vào năm 1614, Thánh địa bị phá hoại nặng nề trong một cuộc đột kích như vậy của những tay cướp biển Barbary. Phần dưới của bức tranh bị hư hại nghiêm trọng. Trước năm 1644, những người sùng kính Đức Trinh Nữ đã tài trợ cho việc phục chế Linh Ảnh  và phủ nó bằng một lớp Riza bạc, để lộ rõ khuôn mặt của Đức Mẹ và Chúa Con. Bất chấp nguy hiểm và khó khăn liên quan đến việc viếng thánh địa trong những thời điểm khó khăn đó, lòng sùng kính Đức Mẹ không bao giờ dừng lại, và thực tế những chuyến hành hương và khách hành hương thường xuyên đến viếng và xin Đức Mẹ bảo vệ ngay cả trong những thời gian khủng hoảng của đất nước, chẳng hạn trong những lúc có bệnh truyền nhiễm lây lan, nguy cơ bị xâm lược và hạn hán với chứng tá là khải hoàn môn được xây dựng năm 1719 tại đường dẫn vào sân thánh địa. Năm 1882, Thánh địa được Hồng y Charles Lavigerie đến viếng. Các hồ sơ ghi lại rằng Đức Hồng y thấy Linh Ảnh ở trong tình trạng rất kém, màu sắc bị phai và không thể nhận ra các khuôn mặt. Vào năm 1899, người ta quyết định phủ lên trên bức bích họa trên tường bằng một bức ảnh Đức Mẹ vẽ trên vải. Bức ảnh này được thực hiện bởi nghệ sĩ Favray thuộc thế kỷ 18. Năm 1972, trong quá trình phục chế các tác phẩm trên trần Thánh địa, Samuel Bugeja, là họa sĩ và nhà phục chế, cảm nhận bằng trực giác rằng có thể có một bức ảnh khác đằng sau Linh Ảnh. Ông xin Đức Tổng Giám mục Michael Gonzi cho phép tháo bỏ lớp thạch cao. Nhờ cái nhìn sâu sắc của Bugeja, một trong số những hình ảnh chồng lên nhau của Đức Mẹ đã được phát hiện. Điều này mở đường cho việc phát hiện ra Linh Ảnh gốc trong lần phục chế năm 2013 để ngày nay một lần nữa ảnh được khôi phục lại cho hậu thế. Nó được đưa ra ánh sáng sau khi bị chôn giấu 400 năm.

Hiện tại, Đền Linh Ảnh là một trong hai mươi Đền thờ Thánh Mẫu quốc gia tạo thành Mạng lưới Thánh Mẫu Châu Âu. Ngoài ra, Đền Thánh mẫu Mellieħa là một thành viên của Hiệp hội Maria Mẹ Châu Âu. Vào năm 2015, Hội đồng Giám mục Malta thiết lập thành Đền thờ Đức Mẹ Quốc gia cho giáo phận Malta.

Courtesy of the Archdiocese of Malta – church.mt/photos The Archbishop of Malta His Excellency Mgr. Charles Jude Scicluna celebrating Holy Mass at the National Marian Shrine during which he consecrated newly ordained priests to Our Lady – The Icon of the Madonna can be seen in the background.

Đền Thánh Mẫu Grotto của Mellieħa 

Hang Grotto dưới lòng đất tôn kính Thánh Mẫu tạo thành một phần của khu phức hợp Thánh địa Đức Mẹ Mellieħa, và gồm có một nhà nguyện được đẽo vào lớp đá vôi cứng, màu nâu – giấc mơ biến thành sự thật của một người đàn ông, người Sicilia sùng kính Đức Mẹ và là người khách thường xuyên đến viếng Thánh địa Thánh Mẫu Mellieħa. Để thực hiện ước nguyện cả đời của mình, sau đó ông đã dựng một bức tượng Đức Mẹ màu trắng ẵm Chúa Hài nhi trên cánh tay trái ở cuối Nhà nguyện.

Mario de Vasi, một nhà buôn rượu vang từ Catania thường đến thăm Đảo của chúng tôi vì công việc của ông. Ông là một người sùng mộ nhiệt thành của Thánh địa, đến nỗi ông muốn xây một Đền thờ nhỏ khác để tôn vinh Mẹ trên cùng một địa điểm. Thật vậy, nó nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà chiến thắng ở phía bên kia đường chính, liền kề với Thánh địa Thánh Mẫu Mellieħa. Năm 1644, de Vasi đã chi trả để cho người đục một phòng thánh nhỏ vào trong khối đá đằng sau Linh Ảnh của Thánh địa. Có người cho rằng ông cũng trả tiền để vẽ bức ảnh mới, hoặc trả tiền cho việc phục chế bức bích họa trên trần, thể hiện Thiên Chúa Cha cùng với một số giám mục chung quanh, là những vị theo truyền thống đã thánh hiến Giáo hội trong thế kỷ thứ 5 sau Chúa Giáng sinh.

AlamyStatue of Our Lady in the subterranean grotto.

Chứng thư để lại cho chúng ta thấy chi tiết của một hợp đồng được ký vào Chúa nhật, ngày 21 tháng Hai năm 1644 giữa de Vasi và hai thợ xây đá bậc thầy, là những người phải thực hiện nhiều công việc khác nhau kể cả việc tiến vào hầm mộ gần Thánh địa. Phong cách, những kích thước và số lượng các bậc thang được viết chi tiết. Nhà nguyện được đục vào đá như thỏa thuận. Các phòng trưng bày dưới lòng đất cũng được đào để tìm dòng chảy của nước, sau đó uốn dòng lại để nước chảy dưới chân tượng Đức Mẹ. Chẳng bao lâu sau nó được gọi là Đền Thánh Mẫu Grotto giữa các cộng đồng nông dân rải rác canh tác tại những thung lũng màu mỡ. Ngày Chúa nhật 6 tháng Bảy năm 1617, các cộng đồng nông nghiệp trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công cướp bóc của cướp biển Bắc Phi. Các kẻ tấn công người Hồi giáo lùng sục chiến lợi phẩm. Chúng cũng tấn công Thánh địa. Bất chấp sự kháng cự dũng cảm của cha sở được hỗ trợ bởi một số nông dân, Thánh địa Linh Ảnh bị thiệt hại nghiêm trọng. Ba bức tượng bằng đá, hai tượng Đức Mẹ và một tượng Thánh Giuse bị chặt đầu và bị bỏ trong hầm mộ như những lời nhắc nhớ về một cuộc tấn công tàn khốc.

Những nơi thờ phượng cổ xưa ở Malta và những nơi khác nằm rải rác trên vùng đất Kitô giáo thuộc Địa Trung Hải có lai lịch được tô điểm bởi nhiều truyền thuyết khác nhau. Nhà nguyện Grotto cũng không ngoại lệ. Ở đây chúng tôi có thời gian để nhắc đến ba truyền thuyết phổ biến. Đầu tiên là ở dạng câu đố, yêu cầu khách đến viếng đếm các bậc thang khi họ đi xuống, và sau đó đếm lại khi đi lên. Họ nói những con số tổng của bạn sẽ không bao giờ khớp nhau. Các bậc thang được xây dựng theo cách buộc bạn phải thận trọng. Nếu một ngày nào đó bạn ghé thăm Đền, hãy cố gắng giải câu đố này! Một truyền thuyết khác kể rằng: ‘Bức tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu bằng đá trắng được đưa lên Thánh địa ba lần, và mỗi lần người ta lại tìm thấy tượng trở về vị trí ban đầu trong hang Grotto.’ Họ không bao giờ di chuyển bức tượng nữa. Truyền thuyết thứ ba liên quan đến việc, ‘Vì lý do nào đó, một số phụ nữ trẻ đi dạo trong phòng trưng bày nước suối và họ biến mất không dấu vết. Tuy nhiên, có một điều là chắc chắn. ‘Qua những năm tháng, hàng ngàn người hành hương đã đến viếng Đền thờ dưới lòng đất và cầu nguyện với Đức Mẹ, cho rằng Mẹ đã thực hiện nhiều sự can thiệp và chữa lành kỳ diệu, cả về tâm linh và thế gian.’ Đáng chú ý là các sự kiện được ghi lại vào năm 1887, 1888 và 1948. Nhiều nhóm người khác nhau vào các ngày và thời gian khác nhau tập trung để cầu nguyện và chú ý thấy tượng Đức Mẹ trắng liên tục di chuyển bàn tay phải của Mẹ, làm Dấu Thánh giá. Trong Văn khố của Thánh địa có 13 tài liệu riêng biệt ghi lại những sự kiện này. Tất cả đều có mô tả rất chi tiết về mỗi lần xuất hiện và được ký có tuyên thệ bởi tất cả những người có mặt. Sự kiện đầu tiên xảy ra vào ngày 2 tháng Tám năm 1887, khi Thượng sĩ Vittorio Gauci tuyên bố rằng Đức Mẹ chuyển động cánh tay lên xuống vào ba thời điểm khác nhau trong cùng một ngày. Điều tương tự xảy ra đã được nhìn thấy vào ngày 13 tháng Tám bởi 10 người khác nhau, trong đó có linh mục xứ Mellieħa là Cha Franscesco Magri. Những sự kiện khác tương tự đã được chứng kiến và tuyên bố của các linh mục và giáo dân. Chúng lan nhanh như lửa trên khắp Đảo, và ngày 20 tháng Mười Một năm 1887, Đức cha Fra Antonio Buhagiar cùng với các Giáo sĩ và rất nhiều người hành hương đến viếng Đền Grotto và hát Te Deum.

Trong một lần viếng Đền Đức Bà Grotto ngày 20 tháng Ba năm 1893, Cha John M’hale dòng Tên, và một tu sĩ Dòng Tên khác đã đưa năm mươi thiếu niên trong một chuyến đi đến Mellieħa, đã nhìn thấy: ‘… tay phải của Đức Mẹ chuyển động chậm chậm. Rồi Hài nhi Giêsu cũng thực hiện các động tác tương tự. Các Ngài chúc phúc cho toàn bộ nhóm bằng cách làm Dấu Thánh Giá. Đầu Chúa Giêsu chuyển động một cách đáng yêu trong khi biểu cảm trên khuôn mặt là niềm hạnh phúc.’ Cha M’hale khẳng định tất cả điều này trong một bài viết dài, chi tiết, và tất cả đều công nhận các cử động kéo dài khoảng 30 phút. Lần gần đây nhất xảy ra điều tương tự được tường thuật sau Đệ Nhị Thế chiến, vào năm 1948. Một nhóm gồm 10 người tuyên bố có tuyên thệ rằng họ đã chứng kiến Đức Nữ trắng của Nhà nguyện chuyển động bàn tay phải của Mẹ. Những điều kỳ diệu đã xảy ra trong Đền Grotto khiêm tốn không được chôn giấu ở đó. Chúng phải được trân quý trong lòng chúng ta. Hàng ngàn người hành hương thường xuyên viếng Đền Grotto và cầu nguyện ở đó, tất cả đều bày tỏ sự mãn nguyện tinh thần. Bất chấp những khó khăn khi xuống Hầm, họ vẫn đến, mang theo những tấm bia tạ ơn, lễ vật, nến, của dâng cúng và những lá thư. Họ bày tỏ lòng tôn kính với Đức Mẹ yêu dấu của chúng ta, Theotokos, Mẹ Thiên Chúa.

Tham khảo:

The National Shrine of Our Lady of Mellieha, The Archdiocese of Malta

The Icon of Our Lady of Mellieha: A Journey through the multi-disciplinary conservation project, Valentina Lupo and Maria Grazia Zenzani (Aletier del Restauro Ltd.). Treasures of Malta No. 67 Christmas 2016, Volume 23, Issue 1.

Muscat J., “Il-Madonna tal-Għar – The subterranean crypt at Mellieħa”, Times of Malta, 19th September, 2017 

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/5/2020]