Thông tin lạc quan về tiến trình án Tuyên Thánh Cha PX. Trương Bửu Diệp

7732

Để nghe Cha Peter Trần Thế Tuyên thuyết minh, click nút Play:

ooo
I. Giai đoạn cấp địa phận đã hoàn tất bằng nghi thức kết thúc, niêm phong hồ sơ và chuyển sang Rôma.     

Lượt qua chuyện cũ:

25.8.2011 – Toà Giám Mục Cần Thơ, bổ nhiệm Cáo Thỉnh viên và bắt đầu án tuyên thánh

25.8.2011 Giám Mục đương quyền địa phận Cần Thơ, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên chấp nhận Linh Mục Phêrô Trần Thế Tuyên làm Cáo Thỉnh Viên. Thế là án Tuyên Thánh chính thức khai mở.

Đức Cha Thiên tuyên thệ

5.1.2012 Toà án lo việc tuyên thánh cấp địa phận được thành lập và những thành viên, kể cả Đức Giám Mục địa phận đã tuyên thệ thực hiện án tuyên thánh. Danh hiệu “đầy tớ Chúa” dành Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã chính thức ban hành trong toàn địa phận.

2012-2015 Các chuyên viên về lịch sử, chưởng lý, lục sự, chánh án… Cáo thỉnh viên… đã làm việc tích cực và đã điều tra 15 nhân chứng còn sống gọi là De Visu; 3 nhân chứng nghe biết (auditu) và công nhận đức hạnh của Đầy Tớ Chúa và rất nhiều nhân chứng nhận ơn lành ơn lạ của Cha PX. Trương Bửu Diệp. 

Hồ sơ đáng tin: Hồ sơ Chabalier, tức Đức Cha Chabalier, Giám Mục Nam Vang, bao gồm cả Cần Thơ và khu Tây Nam bộ, tức Bạc Liêu, Cà Mau. Hồ sơ nầy do Cha Roland Jacques, tức Dương Hữu Nhân tìm thấy ở văn khố Hội Thừa Sai Paris. Hồ sơ được ghi lại dưới hình thức ngắn gọn theo kiểu nhật ký mục vụ. Đức Cha Chabalier viết: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp là một linh mục thánh thiện, bị chém chết ngày 12.3.1946 vì ở lại với đàn chiên. Người chém: Anh lính người Nhật đào tẩu sau khi quân đội Nhật bị giải giáp năm 1945.

Đức HY Phạm Minh Mẫn: Nhân chứng sống có thế giá bậc nhất.

Nhân chứng sống có thế giá và rất đáng tin:

(1) Đức HồngY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, sinh năm 1934. Thân phụ mẫu là Ông Sáu Hào và Bà Sáu Quới. Chính Cha Diệp đến Hoà Thành, nhà bà Quới và bảo: “Cho thằng Mẫn học kinh giúp lễ và đi tu”

(2) Lucia Huỳnh Thị Nghĩa đang sống ở San Jose, CA. USA.

(3) Maria Nguyễn Thị Nữ, Nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng, đang hưu trí ở Cù Lao Giêng.

Nhân chứng sống: Ba đồng nhi hát: Bà Ngọc Anh (Sài Gòn) – Bà Huỳnh Thị Nghĩa (San Jose) và Soeur Maria Nữ (Hưu dưỡng ở Cù Lao Giêng)

(4) Carola Võ thị Ngọc Anh, hiện ở Sàigòn… Đây là những đồng nhi hát, được Cha Diệp rửa tội và rất gần gũi với Cha…

Ba chị em: Trần Thị Hường, Trần Thị Phụng và Trần Thị Cảnh

(5) Ba chị em: Trần Thị Hường, Trần Thị Phụng và Trần Thị Cảnh có mặt trong lẫm lúa, nơi Cha Diệp bị giam giữ… Hường, Phụng, Cảnh là con Ông Bà Trần Văn Năng. ÔB Trần Văn Năng, mẹ ông Năng, anh Nghĩa và bé Cảnh, lúc đó 4 tuổi được rửa tội trước khi Cha ra đi lần cuối và bị chém chết. 

Chết cho người khác được sống…
như Chúa Giêsu…
Như Cha Maximilian Kolbe…

Yếu tố hy vọng được tuyên thánh: Cha PX. TBD hy vọng sẽ được tuyên thánh tử đạo vì ở lại và hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Rõ ràng là Cha Diệp giống như Chúa Kitô: Chết cho người khác sống! Ngài giống như Cha Maximilian Kolbe, dòng Phanxicô, người Ba Lan, chết thay cho ông Phanxicô năm 1941. 

Kết thúc hồ sơ điều tra cấp giáo phận: Ngày 21.4.2017, Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên và 15 chuyên viên đặc trách thực hiện án tuyên thánh cấp giáo phận đã làm nghi thức kết thúc (Closing Ceremony), niêm phong hồ sơ đầy tớ Chúa, Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Hồ sơ tuyên thánh ngoài tiếng Việt, còn phải được dịch ra tiếng Anh và  tiếng Pháp… Giám Mục địa phận, đóng ấn, niêm phong và trao cho sứ thần Toà Thánh, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli mang sang Bộ Tuyên Thánh ở Rôma ngày 30.5.2017.

Tạ ơn Chúa: Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, một linh mục nhà quê ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài việc ký tên trên 10 quyển số rửa tội còn để lại (rửa tội 2000 người), Ngài không viết một trang sách nào, Ngài không nói điều gì cao siêu hay trí thức, người ta chỉ nhớ Ngài quả quyết là: Đàn chiên ở đâu, chủ chiên phải ở đó! Chỉ có vậy!… Nhưng đời sống đức hạnh cao độ và tinh thần truyền giáo không ai sánh bằng: Thường xuyên đến 8 họ lẻ dâng lễ Chúa Nhật và sống thân tình, gần gủi với mọi người không phân biệt lương giáo. Không viết sách, không nói nhiều lại thành một lợi thế cho tiến trình… Bộ tuyên thánh và các luật sư toà thánh, chưởng lý, lục sự của Toà Thánh không phải tốn công và mất giờ để phân tích thần học, tín lý trên văn bản để lại.

Chúa thương kẻ hiền lành chất phác nhưng giàu lòng nhân ái từ tâm như Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Tạ ơn Chúa!

II. Giai đoạn ở Rôma từ ngày 30.5.2017      

Bốn giai đoạn trong tiến trình tuyên thánh:

Đầy tớ Chúa – Servants of God
Cha Diệp – Chờ tuyên bố nhân đức anh hùng hy sinh đời sống.

Bậc đáng Kính – Venerables
Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận – chờ phép lạ để tuyên phong chân phước.

Chân phước – Blesseds
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI – chờ tuyên phong hiển thánh

Hiển Thánh – Saints
117 Thánh tử đạo Việt Nam tuyên thánh ngày 19.6.1988

Bộ Trưởng Bộ Tuyên Thánh: Đức Hồng Y Angelo Amato.

Bộ Tuyên thánh – The Congregation for the Causes of Saints (LatinCongregatio de Causis Sanctorum) thuộc Giáo Triều Rôma, chuyên lo việc điều tra, duyệt xét và tìm bằng chứng xác thực để tuyên thánh một Kitô hữu. Tiến trình tuyên thánh thường kéo dài rất lâu, vì bộ tuyên thánh không muốn vướng mắc một sai lầm nào trong việc đưa danh tánh một kitô hữu vào danh sách các thánh. Đồng thời, bộ cũng hay dùng yếu tố thời gian để chờ những thông tin ngược lại nếu có. Bộ chủ trương: Không phải số lượng đông đảo các thánh mà là hạnh tích của những bậc được tuyên thánh. Họ thật sự là thánh. Từ ngày chính thức được thành lập, ngày 8.5.1969 cho đến nay, bộ Tuyên Thánh đã thực thi rất chuẩn mực vai trò tuyên thánh. Bộ trưởng hiện tại là Đức Hồng Y Angelo Amato từ năm 2008 cho đến nay.

Giai đoạn mới ở Rôma và những chuyên viên mới.

TGM Leopoldo Girelli, sứ thần toà thánh.

Đây là giai đoạn cam go nhất trong tiến trình tuyên thánh. Sau khi mở hồ sơ niêm phong được gửi đến từ Giám Mục địa phương… Bộ Tuyên Thánh có quyền vận dụng những luật sư của Toà Thánh chuyên về khoa tuyên thánh để đọc và duyệt xét hồ sơ đã nhận được. Thường bộ Tuyên thánh mướn từ 7-10 luật sư làm việc. Đồng thời Bộ Tuyên Thánh cũng cần những chuyên viên điều tra về lịch sử và nhất là sự xác thực về hồ sơ mà địa phận đã nộp. Bộ tuyên thánh trực tiếp với: Giám Mục hay đại diện Giám Mục ở Giáo hội địa phương và Cáo thỉnh viên thường trú ở Rôma. Địa phận Cần Thơ có nhiệm vụ chi trả mọi chi phí.

Cha Carôlô Hồ Bặc Xái

Cha Carôlô Hồ Bặc Xái, Tổng Đại diện Giáo phận Cần Thơ, Giám Đốc Đại chủng viện Cần Thơ… được Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên tín nhiệm trao quyền tiếp xúc với Bộ Tuyên Thánh về những vấn đề liên quan.

Cha Thomas Kloster Kamp, OMI. Bề trên dòng Hiến Sĩ ở Rôma đã được chọn làm Cáo Viên Thường Trú ở Rôma. Cha Thomas có thể nói thông thạo các ngôn ngữ: Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Latinh. Ngài có kinh nghiệm làm Cáo Thỉnh Viên những vụ án tuyên thánh trước của dòng OMI.

Cha Thomas Kloster Kamp. OMI. Bề trên dòng Hiến Sĩ ở Roma, được chọn làm Cáo viên thường trú cho án tuyên Cha PX. TBDiệp. Địa chỉ: Via Aurelia, 290, I-00165 Roma, Italy. Cell phone: 0039/3661360667 – Email. Klosterkamp@oblaten.de
Cha Roland Jacques, tức Dương Hữu Nhân là Phó Cáo Viên ở Rôma.

Cha Roland Jacques, tức Dương Hữu Nhân là Phó Cáo Viên ở Rôma. Cha Nhân là Cáo Viên cho Anrê Phú Yên, và 17 chân phước tử đạo của Lào… Ngài nói thông thạo: Latinh – Ý – Anh – Pháp – Đức – Tây Ban Nha -Bồ Đào Nha – Việt Nam…

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên, financial officer – nhân viên tài chánh, dưới sự chỉ đạo của Cha Carôlô Hồ Bặc Xái, đặc trách tuyên thánh của địa phận Cần Thơ.

Thông tin lạc quan được ghi nhận:

Ngày 30.1.2018, Đức Ông Giacomo Pappalardo, chưởng ấn Bộ Tuyên Thánh đã chính thức mở hồ sơ niêm phong của đấy tớ Chúa Cha PX. TBD. Không ai có thể xác quyết là: Bộ tuyên thánh làm gì trên những hồ sơ đó? Mất thời gian bao lâu để tiến tới bậc thứ hai gọi là bậc đáng kính?… Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa và trong sự làm việc nghiêm túc của Bộ Tuyên Thánh.  

Ngày 30.1.2018, Đức Ông Giacomo Pappalardo, chưởng ấn Bộ Tuyên Thánh chính thức mở hồ sơ niêm phong án tuyên thánh Cha PX. TBD đã nhận từ Cần Thơ Việt Nam .

Thông tin về tài chánh.

Có nhiều vần nạn về tài chánh như: (1) Quỹ tuyên thánh Cha PX. TBD đã có bao nhiêu tiền? (2) Ai đang giữ và đã chi dùng như thế nào? (3) Những tổ chức mang tên Cha TBD bên Nam Cali có đóng góp gì cho quỹ tuyên thánh không? Xin trả lời thành thật nhưng trong giới hạn và tế nhị là: Hiện nay, Quỹ tuyên Thánh Cha Diệp chỉ tạm đủ chi dụng trong giai đoạn đầu được dự định chừng 100 ngàn USD. Không ai giữ tiền nầy cả! Nó đã được bỏ vào Vatican Bank ở Rôma từ năm 2015 với chú thích: Cho án tuyên thánh Father Francis Diep. Ngoài ra địa phận Cần Thơ cũng có ngân sách dành riêng cho án tuyên thánh. Bao nhiêu? Tôi hoàn toàn không biết!

Những tổ chức tư nhân mượn danh Cha PX. TBD… cho mục đích riêng… chưa hề có một đóng góp nào cho án tuyên thánh như họ tuyên bố. Năm 2012, tôi có nhận $500 usd của một tổ chức ở đó giúp cá nhân tôi trả tiền máy bay đến từ Canada. Trước mặt Chúa và với lương tâm của một linh mục… tôi không hề nhận một đóng góp nào cho án tuyên thánh từ những tổ chức trên. Tôi cũng sẽ không nhận những đóng góp nhỏ lớn từ những tổ chức nầy trong tương lai. Những tổ chức nầy thường tuyên bố rằng: Đã gửi số tiền … … về cho Đức Cha Thiên, địa phận Cần Thơ… Tôi hoàn toàn không biết! Những gì tôi có trong Vatican Bank là do những đóng góp của bà con từ Mỹ, Canada, Úc, Thuỵ sĩ và cả Hoà Lan… những nơi tôi đi vận động cho Cha Diệp trong 5 năm qua. Ngay lúc đang viết những dòng thông tin nầy… nếu Chúa gọi… tôi thanh thản ra đi không chút sợ hãi trước toà phán xét chí công của Chúa. Đồng thời tôi cũng sẵn sàng trình bày Vatican Bank statement cho những vị hữu trách nếu các Ngài cần xem xét. Ở Nam Cali có vài tổ chức mang tên Cha Diệp… Tôi không có ý kiến! Chỉ có một tổ chức chính thức mang tên “Hội Yểm Trợ Án Tuyên Cha PX. TBD” toạ lạc số 13962 Seaboard Cir, Garden Grove CA. 92843. Tiền thân của của Hội nầy là “Văn Phòng Cáo Thỉnh Án Tuyên Thánh Cha PX. TBD” do tôi trách nhiệm đã bị ngưng hoạt động từ tháng 2. 2017 vì lý do….???. Hy vọng Hội Yểm Trợ Án Tuyên Thánh nầy sẽ được Văn Phòng Cáo Thỉnh ở Rôma hướng dẫn sao cho phù hợp với qui định của Giáo Quyền địa phương và mang ích lợi cho án tuyên thánh Cha PX. TBD. Tôi, một linh mục người miền Nam duy nhất, đơn độc và không “khôn khéo!” chút nào, đúng như bà con phê phán… lại rất yếu thế, dễ bị mắc bẫy và bị khai trừ không chút thương xót ở nơi có quá nhiều tiền bạc, thế lực và nhất là “khôn khéo”. Nhưng với ơn Chúa và sự trợ lực của Cha Diệp, tôi vẫn bước tới.

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên

Địa chỉ gửi thư: 15713 – 95 Ave. Edmonton AB. T5P 0A3 Canada
Điện thoại riêng: 780 554 6094
Email: petertuyentran@gmail.com
Nếu ai có lòng hảo tâm muốn ủng hộ tuyên thánh, xin đề:
Rev. Tuyen Tran và gửi về địa chỉ trên.
Bảo đảm sự đóng góp sẽ vô Vatican Bank account. Cám ơn! 

Phần phụ trang: 

Số 1. Trích dẫn từ quyển “10 vấn nạn liên quan đến Cha Diệp” phát hành năm 2015 có trích đăng hồ sơ Chabalier.

Vấn nạn 8: Ai đã giết chết Cha Trương Bửu Diệp (Nếu 2 người lính Nhật giết cha) thì lực lượng nào hay người đứng đầu nào đã hạ lệnh giết Cha Diệp? Người Nhật, người Cao Đài hay Việt Minh? 

Xin trả lời những vấn nạn dựa trên: (1) Hồ sơ Đức Cha Chabalier còn lưu trử tại Văn Khố của Hội thừa sai Paris ở Pháp ; (2) quyển sách mang tên «Hành Trạng của Đức Giáo Tông Cao Triều Phát» do con gái ông với pháp danh Huệ Khải xuất bản và (3) lời kể của nhân chứng auditu đáng tin là Cha Antôn Vũ Xuân Vinh, người đã tổ chức lễ giỗ đầu tiên cho Cha Diệp năm 1982 và là người đã trực tiếp nói chuyện vối ông Khu Phùng Xuân, người chứng kiến cảnh chém chết Cha Diệp ngày 12.3.1946.

Theo lời kể của Cha Antôn Vũ Xuân Vinh:

Chứng kiến cảnh giết Cha Diệp: Ông Cao Phùng Xuân, chết năm 1992 đã kể lại cho Cha Antôn Vũ xuân Vinh năm 1982 câu chuyện nầy: «Ông Cha Diệp là một Ông thánh! Ông Khu Phùng Xuân quả quyết như vậy, vì đêm hành quyết ông có chứng kiến – Hai người lính nhật đào tẩu ở lại VN. đầu quân cho Cao Triều Phát – thủ lãnh Cao Đài Giồng Bốm, vì chuyện Cha Diệp ở lại với đàn chiên Tắc Sậy làm cản trở việc kháng chiến của Cao Đài chống lại Pháp, cụ thể là quân đội Pháp ở Giá Rai, thường xuyên xuống Tắc Sậy và vùng phụ cận để giữ an ninh cho họ đạo Công giáo Tắc Sậy. Ông Khu Phùng Xuân nói, tôi làm lính Cao Đài vì vợ tôi rất sùng đạo Cao Đài… Khi chúng nó trói Cha Diệp và bắt Ngài quì gối bên bờ ao… Tên thứ nhất múa đao mà không chém được. Tên thứ hai uống rượu vào, lấy mả tấu và chém Cha… sau đó đạp xác chết Cha xuống ao… Cha chết xong họ ra lệnh: «Phải tản cư ngay lập tức, ai còn chần chừ, chúng tao giết không còn con đỏ!» Bà Trần Thị Hường nghe lính Cao Đài nói vậy.

Hồ sơ Chabalier «Những lá thư chung 1941 – 1947»

Ngày 12 tháng Ba [1946], Cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân».

[…] Trong cuộc đi kinh lý vào tháng Tư [1946], ở mỗi chặng đường, tôi đều nghe thấy việc thảm sát một số người uy tín trong cộng đoàn tín hữu của chúng tôi. Từ đó, các vụ ám sát [trang 77] càng gia tăng ; người ta sẽ  không bao giờ có thể biết số nạn nhân. 

[trang 102] Từ Cà Mau đến Bạc Liêu, tất cả những nhiệm sở nhỏ của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát.

[trang 103] Sóc Trăng… tất cả những cảnh tàn phá này là do phe Cao Đài gây ra, nhưng chính quyền tuyên bố bất lực không thể ngăn cản được những tội ác này.

[…] Nhất là tháng Tư 1946, các vụ ám sát bắt đầu ; xác chết bị ném trôi sông. Liệu người ta có bao giờ đếm nổi số nạn nhân không ? Đôi khi những vụ ám sát tàn ác vô phương tả. Chúng tôi phải thương tiếc cái chết của Cha David*, đã nói ở trên ; cái chết của một Cha An-nam, bị sát hại bởi một tên Nhật ly khai, vì Cha đã không muốn bỏ rơi đàn chiên của mình**  [trang 108] ; cái chết của hai Sơ người Pháp, bị thảm sát ở vùng Cà Mau…

* Pierre-Marie David, linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, bị lính Nhật chận lại và bị bắn chết ngày 22 tháng Tám  1945 ở Kratié, Campuchia.

** Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (Xem hồ sơ «Các thư chung 1941-1947».

Lý do gây ra cái chết  là vì: Cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân» Ngày 12 tháng Ba [1946]

Tại sao ở lại với giáo dân mà bị sát hại? Nói cách khác: Giáo dân Tắc Sậy ở lại Tắc Sậy vì có Cha Diệp. Thời đó, nếu chỗ nào có linh mục công giáo, thì tương đối an toàn hơn vì có quân đội Pháp giữ an nình – Nên việc ở lại với dân Tắc Sậy của Cha Diệp là một cản trở lớn cho việc kháng chiến chống Pháp. Họ đạo Tắc Sậy nằm gần như ở giữa Giồng Bốm (Bộ chỉ huy của Quân đội Cao Đài do Cao Triều Phát lãnh đạo) và Giá Rai, một quận lỵ có đồn lính Pháp. Ông Ba Lập, đi lính Tây kể là: Hàng ngày quân lính cao Đài mặc đồ trắng đi lùng tìm người Pháp để giết. Nếu gặp quân đội Pháp đông, họ đưa cờ trắng (cở đầu hàng) để người Pháp tha cho họ. Nhưng nếu chỉ có vài lính Pháp thì họ sẽ ra tay sát hại ngay.

Tại sao biết đó là lính Nhật và theo Cao Đài? Bà Trần thị Hường kể: Họ mặc toàn đồ trắng! Thật sự dân chúng bị lùa đi gần cả trăm người và nhốt vào hai lẫm lúa chứ không phải một. Bà Hường không bị nhốt chung với ông Trần Văn Năng là cha bà. Nên khi bà vừa khóc vừa chạy đi tìm cha mẹ bà… bị một anh lính kề dao vào cổ, bà té bẹp xuống đất… người lính Cao Đài nói cái gì đó mà bà nghe không hiểu – anh ta là người Nhật!- Người lính khác hỏi bả chạy đi đâu – Bà Hường trả lời: Đi tìm cha tôi… và họ cho bà vô nhốt chung với ông bà Trần Văn Năng.

Những dẫn chứng trên đi đến xác quyết: Hai người lính Nhật đầu quân cho thủ lãnh Cao Triều Phát đã sát hại Cha Diệp ngày 12.3.1946. Nhưng bằng chứng nào cho thấy là hai anh lính Nhật nầy giết Cha Diệp theo lệnh Cao Triều Phát? Chắc một điều là: Hai anh lính Nhật đào tẩu nầy không có thù hằn gì với Cha Diệp. Cũng chắc một điều là: Hai anh đào tẩu trốn lại Việt Nam, chắc chắn không có thân nhân bà con xa gần nào cả. Hai anh nầy, dù có chết cũng không gây chút thương cảm nào cho người còn sống. Họ như cây cỏ đồng nội thôi. Vì thế họ được dùng. Xin nghe lời kể của ông Nguyễn Văn Đức: «Có một người lính Cao Đài tên là Mười Thính nói rằng: Khi nghe báo tin Cha Diệp đã chết thì Cao Triều Phát kêu trời… nhưng sau nầy, chính Cao Triều Phát cho người thanh toán cả Cao Triều Thắng và Cao Triều Ngươn là hai anh lính Nhật để bịt đầu mối…»

Sau khi Cha Diệp bị sát hại, bà con tản cư…. Và nhà thờ Tắc Sậy cũng như những nhà thờ và cơ quan hành chánh trong vùng bị Cao Đài đốt phá. Nhiều Quới chức (hội đồng giáo xứ) ở các họ đạo bị thủ tiêu thả trôi sống như hồ sơ Chabalier minh định: «[…] Trong cuộc đi kinh lý vào tháng Tư [1946], ở mỗi chặng đường, tôi đều nghe thấy việc thảm sát một số người uy tín trong cộng đoàn tín hữu của chúng tôi. Từ đó, các vụ ám sát [trang 77] càng gia tăng ; người ta sẽ  không bao giờ có thể biết số nạn nhân.

[trang 102] Từ Cà Mau đến Bạc Liêu, tất cả những nhiệm sở nhỏ của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát.

[trang 103] Sóc Trăng… tất cả những cảnh tàn phá này là do phe Cao Đài gây ra, nhưng chính quyền tuyên bố bất lực không thể ngăn cản được những tội ác này.

[…] Nhất là tháng Tư 1946, các vụ ám sát bắt đầu ; xác chết bị ném trôi sông. Liệu người ta có bao giờ đếm nổi số nạn nhân không ? Đôi khi những vụ ám sát tàn ác vô phương tả. Chúng tôi phải thương tiếc cái chết của cha David*, đã nói ở trên ; cái chết của một Cha An-nam, bị sát hại bởi một tên Nhật ly khai, vì Cha đã không muốn bỏ rơi đàn chiên của mình**  [trang 108] ; cái chết của hai Sơ người Pháp, bị thảm sát ở vùng Cà Mau…

Căn cứ trên những chứng sử nầy, chúng ta sẽ đồng ý với Cha Roland Jacques: «Mỗi lần nhắc đến cái chết của Cha, người ta đều đưa ra một lý do đặc biệt: «Vì ngài đã ở lại giữa đàn chiên».‎ Chưa bao giờ người ta ám chỉ Việt Minh đã gây ra hay hạ lệnh giết chết ngài. Từ 1946-1947, kẻ sát hại đã được khẳng định: «Một tên Nhật ly khai». 

Đúng vậy, không có bằng chứng cho thấy có bàn tay của Việt Minh trong cái chết của Cha Diệp.

Vấn nạn 9: Một trong 3 lực lượng (Người Nhật, người Cao Đài hay Việt Minh) đã giết cha thì có chứng cớ nào xác minh là họ giết cha vì ghét đạo Công giáo hay chỉ vì tình hình xôi đậu của các lực lượng đối kháng nhau tại Tắc sậy lúc ấy mà Cha Diệp chỉ là nạn nhân của chiến tranh như bao nhiêu người dân vô tội khác mà thôi ?

Trên bức ảnh của Cha TBD ghi: Tử đạo ngày 12.3.1946. Rõ ràng hơn, nên ghi: Chết thay cho đàn chiên ngày 12.3.1946.

Hai anh lính Nhật chắc chắn không có thù ghét gì Cha Diệp và đạo Công giáo.

Thủ lãnh Cao Đài, Ông Cao Triều Phát cũng không có thù ghét đạo Công giáo theo nghĩa chống đạo hay tiêu diệt đạo như các vua chúa Việt Nam ngày xưa.

Tiêu diệt quân đội Pháp ?

Tuy nhiên có một điều chắc: Vì chính trị, vì quyết tâm tiêu diệt quân đội Pháp mà thủ lãnh Cao Triều Phát phải cho lệnh sát hại Cha Diệp như muốn khử trừ một «chủ chiên nhân hậu và can cường» làm nơi bám dữa cho đàn chiên Tắc Sậy. Nên Đức Cha Chabalier đã quã quyết là «Ngày 12 tháng Ba [1946], cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân».

Ngoài yếu tố chính là «ở lại với đàn chiên!», Cha Diệp còn có những giao du với người Pháp. Theo bà Lucia Huỳnh Thị Nghĩa ở San Jose kể thì: Có một gia đình người Pháp về nước để lại chiếc xe traction đậu trước nhà xứ. Dù không là của Cha và Cha cũng không xử dụng xe hơi… nhưng ít nhiều cũng là dấu chứng của việc «thân Pháp» chăng? Bà Lucia Huỳnh Thị Nghĩa cho biết thêm: Cha Diệp có cây súng hai nòng để giúp dân chúng xua trừ bọn cướp… như có lần Chệt Khọt, tên một người Tàu khá giã vùng đó… bị cướp, người ta la làng… Cha Diệp bắn lên 1 phát súng… bọn cướp bỏ chạy… Đây là những việc làm vì lòng nhân, nhưng cũng là dấu «thân Pháp» chăng?

Trong 8 giáo điểm có nhà thờ… có đồn điền của ông Tây tên Cambot…. là một trong những nơi mà Cha Diệp đến dâng lễ… Dù thực lòng Cha Diệp là một mục tử sống chết vì đàn chiên… Nhưng không tránh khỏi việc làm ngứa mắt người ghét Tây hay chống Pháp.

Yếu tố để tử đạo: Bị giết chết vì người ta ghét đạo như trường hợp 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuy nhiên có những vị thánh tử đạo đã không chết vì đạo hay vì người ghét đạo mà chết vì những nhân đức của đạo:

Thánh Maria Goretti, trinh nữ tử đạo (16.10.1890 – 6.7.1902) Thánh nữa bị giết chết vì anh thanh niên Alexander, người hàng xóm cuồng dâm. Thánh Maria Goretti tử đạo, vì bị giết chết vì nhân đức của đạo: Nhân đức khiết tịnh.

Thánh Maximilan Kolbe (1.8. 1894 – 14.8.1941). Trong trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba Lan, Cha đã xin chết thay cho anh Phanxicô, người bắt trúng thăm trong số 10 người chết thay cho anh tù vượt ngục. Cha được gọi là thánh tử đạo ngày 10.10.1982, không phải chết vì đạo, nhưng chết vì nhân đức của đạo: Đức Bác ái – hy sinh chết cho người khác.

Nên Cha Diệp hy vọng sẽ được gọi là thánh tử đạo, Cha không chết vì đạo. Người giết Cha cũng không ghét đạo, nhưng Cha chết vì nhân đức của đạo: Đức bác ái, hy sinh mạng sống cho người khác như Chúa Giêsu, chết cho nhân loại, như Cha Maximilian Kolbe, chết thay cho ông Phanxicô… Cha Diệp chết thay cho con chiên bổn đạo của mình. Bà Hường kể: Người ta chất rơm rạ trên nóc lẫm lúa và thiêu sống hết tất cả… Cha Diệp hy sinh thế mạng cho con chiên.

Vấn nạn 10: Nếu Cha Diệp bị chém bởi 2 người lính Nhật đào ngũ gia nhập lực lượng Cao Đài, thì đã xác định được là lực lượng Cao Đài chủ trương giết Cha Diệp. Vậy động lực nào Cao Đài giết Cha và có những chứng cớ thuyết phục nào họ giết Cha vì ghét đạo? Như thế lực lượng Việt Minh (Việt Cộng) lúc bấy giờ có phải là vô can trong cái chết của Cha Diệp?

Trong «Ghi chú cuối cùng của cha Roland Jacques» về hồ sơ Chabalier có nói: «Mỗi lần nhắc đến cái chết của Cha, người ta đều đưa ra một lý do đặc biệt: «Vì ngài đã ở lại giữa đàn chiên».‎ Chưa bao giờ người ta ám chỉ Việt Minh đã gây ra hay hạ lệnh giết chết ngài. Từ 1946-1947, kẻ sát hại đã được khẳng định: «Một tên Nhật ly khai». 

Đây là chuyện căn cứ trên sử liệu. Sử liệu chỉ ghi nhận những gì đã xảy ra và minh nhiên. Còn chuyện hậu trường có thực nhưng không bằng chứng minh nhiên thì không quết đoán được.

Thí dụ: (1) Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung là một sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Là cận vệ của tướng Dương Văn Minh, ông nổi tiếng vì có vai trò trong cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm tháng 11 năm 1963. Trong cuộc đảo chính 1.11.1963 này, Nguyễn Văn Nhung được cho rằng là người đã giết chết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.

Đọc đoạn văn trên không ai tin rằng kẻ chủ mưu sát hại ông Diệm và Nhu là thiếu tá Nhung. Thật ra thiếu tá Nhung cũng giống như anh lính Nhật giết Cha Diệp thôi. Ai là người chủ mưu?

(2) Thí dụ khác: Lúc 12:30 trưa ngày 22.11.1963 Tổng Thống John Kennedy bị Lee Oswald bắn chết ở Dallas, Texas. Rồi sau đó Jack Ruby thủ tiêu Oswald trước khi xét xử. Thế là thủ phạm vụ án Kennedy bị nhận chìm. Cho tới bây giờ không ai biết tại sao Oswald lại giết tổng thống Kennedy, không thấy một nguyên nhân nào cả. Rồi tại sao Jack Ruby lại bắn chết Oswald ? Ai cũng biết kẻ chủ mưu đằng sau tay súng Oswald… nhưng không có bằng chứng minh nhiên, không nói ra được.

Anh lính Nhật đào tẩu Cao Triều Thắng chắc chắn không có thù hằn gì với Cha Diệp. Kẻ chủ mưu giết chết Cha phải là thủ lãnh của anh lính Nhật nầy. Người ta nói đến lãnh tụ tối cao của Cao Đài Giồng Bốm lúc bấy giờ là ông Cao triều Phát… Đi xa hơn chúng tra thấy trong quyển Hành Trạng của Đức Giáo Tông Cao Triều Phát do con gái ông với pháp danh Huệ Khải ghi những chi tiết sau:

22-8-1945: Tiền Bối Cao Triều Phát làm Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Tỉnh Bặc Liêu.

01-10 đến 30.9.1945: Tiền Bối Cao Triều Phát làm Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Bặc Liêu.

Tháng 02-1946: Tiền bối Cao Triều Phát làm cố vấn quân sự tối cao quân khu 9.

25-4-1949: Tiền bối Cao Triều Phát được tặng huân chương độc lập hạng nhỉ, do quyết định số 32.SL, chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

09-9-1956 (05-8 Bính Thân): Lúc 2 giờ chiều tiền bối Cao Triều Phát quy thiên tại bệnh viện B303 – Hà Nội. Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, chủ tịch quốc hội Tôn Đức Thắng, thủ tướng Phạm Văn Đồng kính viếng với ba vòng hoa, đều có hàng chữ «Vô cùng thương tiếc cụ Cao Triều Phát!»

Những dẫn chứng trên cho thấy rằng: Tiền bối Cao Triều Phát thủ lĩnh của Cao Đài Giồng Bốm người rất yêu nước như nhiều người nhìn nhận… Ông xã thân chống Pháp và có lần ông bị thương nặng ngay trong trận địa Giồng Bốm… nhưng rồi những diễn tiến chính trị cho thấy tiền bối đã có một gắn bó chặt chẽ và một liên kết mật thiết với chính quyền Việt Minh nhen nhúm ở Miền Nam lúc bấy giờ, cũng như Đảng Cộng sản VN do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Có một số bức hình cho thấy tiền bối đã vào bưng kháng chiến chống Pháp và gắn bó với những lãnh tụ Cộng sản.

Cần suy nghĩ thêm về lý do tại sao Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, sinh ngày 2.12.1930 tại Cồn Phước, An Giang làm Giám Mục chính toà Cần Thơ từ 1990-2010 dứt khoát không xúc tiến hồ sơ tuyên thánh Cha PX. TBD.?

Lưu ý quan trọng: Giáo Hội Công Giáo khi thực hiện tiến trình tuyên thánh cho bất cứ ai là người Công Giáo và có đức hạnh đáng ca tụng thì chỉ nhắm vào một mục đích: Tôn vinh Thiên Chúa qua những vị thánh, là những người như chúng ta, nhưng đã sống chết vì đức tin và đáng nêu gương cho chúng ta. Tiến trình tuyên thánh rất chú trọng yếu tố khách quan và sự thật, nên phải điều tra cặn kẽ. Tuy nhiên… Giáo Hội và những chuyên viên thực hiện án tuyên thánh không hề có ý khơi quật quá khứ để kết án người nầy hay trù dập người khác vì gây ra cái chết cho các thánh nhân.

Không! Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Giáo Hội phải thể hiện lòng thương xót và tha thứ qua tiến trình tuyên thánh… Các vua chúa VN từng ghét đạo và giết chết người có đạo… nhưng đó là chuyện quá khứ… vì nhờ máu các thánh tử đạo mà thêm đông đảo con cái Chúa.

Không có gì để phải duy trì ân oán trong những biến cố lịch sử nầy.

Văn phòng cáo thỉnh.

Số 2. Văn thư TGM Cần Thơ tuyên bố chính thức khai mở án tuyên Cha PX. TBD 

Tòa Giám mục Giáo phận Cần Thơ
12 Nguyễn Trãi, TP. Cần Thơ (Việt Nam)

Kính gửi quý cha, quý tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Cần Thơ.
Từ lâu, nhân cách của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã rất chói sáng trên chúng ta. Cha là một linh mục dũng cảm và không mệt mỏi trong việc phục vụ nhiều cộng đoàn Kitô hữu của Giáo Phận chúng ta. Cha đã chết bi thảm trong tay kẻ thù ngày 12.3.1946 tại Tắc Sậy, tỉnh Bạc Liêu.

Nhiều người trong chúng ta và những nơi khác xem Cha như một chứng nhân thực sự của Đức tin và như một đấng cầu bầu đắc lực. Với tư cách là Giám mục, bổn phận của tôi là minh chứng danh tiếng này với một nền tảng vững chắc, và góp phần làm ích lợi cho các linh hồn. Vì thế tôi ước mong xúc tiến cuộc điều tra chính thức về cuộc sống và cái chết của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, như đã được thỉnh cầu. Vậy tôi xin quý cha, quý tu sĩ và giáo dân:

– Chuyển cho tôi tất cả những hồ sơ quý vị có được và hữu ích trong việc hỗ trợ điều tra, bằng bản gốc hay bản sao.

– Gửi cho tôi tất cả những thông tin quý vị biết và có thể có lợi cho cùng mục đích trên. Quý cha nên tạo thuận lợi cho việc thu thập và chuyển những hồ sơ và chứng cứ về trên.

Cần Thơ, ngày 25 tháng 08 năm 2011

+ Stêphanô Tri Bửu Thiên,
Giám mục Giáo phận Cần Thơ

3. Bổ nhiệm Cáo thỉnh viên và Phó Cáo thỉnh viên

Tòa Giám Mục Cần Thơ – Évêché de Cần Thơ
12 Nguyễn Trãi, Tp. Cần Thơ (Viêt-nam)

Déclaration – Bản Tuyên Bố

Nous, Stêphanô Tri Bửu Thiên, par la grâce de Dieu et la volonté du Siège apostolique évêque diocésain de Cần Thơ, avons reçu une demande de l’Association des Amis du Père François-Xavier Trương Bửu Diệp, datée du quinzième août 2011, Nous demandant d’approuver le postulateur nommé et les noms des personnes pressenties pour la charge de vice-postulateur dans la cause du susnommé Père François-Xavier Trương Bửu Diệp, prêtre de ce diocèse mort en 1946, à savoir :Chúng tôi, Stêphanô Tri Bửu Thiên, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và ‎ ý muốn của Tông Tòa,  giáo phận Cần Thơ, đã nhận được bản kiến nghị của Hội những người ái mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, đề ngày 15 tháng 08 năm 2011, yêu cầu Chúng tôi phê chuẩn cao thỉnh viên được bổ nhiệm và tên những người được đề cử đảm trách phó cao thỉnh viên trong vụ án phong chân phước và phong thánh cho cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, linh mục của giáo phân Cần Thơ, tử vong năm 1946, như sau đây :
–        le Révérend Père Peter Trần Thế Tuyên, chancelier du diocèse de Saint-Paul en Alberta, Canada, licencié en théologie et droit canonique, comme postulateur ;

–        Le Révérend Père Joseph Phạm Ðức Tuân, Curé de Cờ Ðỏ dans le diocèse de Cần Thơ,  comme vice-postulateur ;

–        Le Révérend Père Roland Jacques, o.m.i., docteur en droit canonique et en histoire du droit, licencié en théologie, domicilié à Fontenay-sous-Bois, diocèse de Créteil, France, comme vice-postulateur.

Par la présente, Nous accordons l’approbation demandée.

–        Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên, Chưởng ấn của Giáo phận St Paul, ở Alberta, Canada, cử nhân thần học và giáo luật, là cáo thỉnh viên ;

–        Lm. Giuse Phạm Ðức Tuân, chính xứ Cờ Ðỏ ở Giáo phận Cần Thơ, là phó cáo thỉnh viên ;

–        Lm. Roland Jacques, o.m.i., tiến sĩ giáo luật và lịch sử pháp luật, cử nhân thần học, cư trú tại Fontenay sous Bois trong giáo phận Créteil, Pháp, là phó cáo thỉnh viên.

Qua thư này, chúng tôi đồng‎ ý phê chuẩn yêu cầu trên đây.

En foi de quoi, Nous avons ordonné et ordonnons à Notre Chancelier d’établir la présente déclaration en double exemplaire, qu’il signera avec Nous et munira du sceau de Notre charge.Để làm bằng, Chúng tôi đã chỉ thị cho vị Chưởng ấn lập tuyên bố này thành hai bản và cùng ký tên và đóng dấu của Chúng tôi.
Fait à Cần Thơ, le vingt-cinq Août 2011Làm tại Cần Thơ, ngày 25 tháng 08,  2011

+ Stêphanô Tri Bủu Thiên
Giám mục Cần Thơ – Évêque de Cần Thơ

+ Rev. GB. Trần Trung Dung
Chưởng ấn – Chancelier

Số 4 : Nhân chứng sống

Số 5: Cha Antôn Vũ Xuân Vinh

Cha Antôn Vũ Xuân Vinh

Nhân chứng nghe biết có thế giá bậc nhất: Lễ giỗ đầu tiến 1982 và tiếp xúc với Khu Phùng Xuân, người chứng kiến cảnh chém chết Cha Diệp.

Mục tử cứu độ

Ngày 19.2.2018
Chịu trách nhiệm phổ biến:
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên