Trên TV, Đức Thánh Cha được hỏi “Người có bạn bè thực sự không?”

303

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh6.googleusercontent.com/nPNuTj2iMCTZgQbiPHp1L66XW62rHKaWtb0HtY5HmdW-ktqudIDnJBpjEsK27YRzpt6hJeXEqZp4xRwZovT6i7zXM6GgStMz6DVCX5Ppf3WuKrBV1l-GREhL0NK8IaWULVflFCbZ=w640-h359

Ary Waldir Ramos DiazKathleen N. Hattrup

07/02/22

Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến mọi vấn đề, từ chiến tranh như một “sự đối nghịch” của tạo hóa cho đến vũ điệu tango. Sau đây là những điểm nổi bật:

Đức Thánh Cha Phanxicô nói về tình bạn, về khiếu hài hước, chiến tranh, sự đau khổ của những người vô tội, và một loạt các chủ đề khác khi ngài xuất hiện trên mạng phát sóng của Ý trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình trước vào tối Chủ nhật, ngày 6 tháng Hai.

Nhà báo người Ý Fabio Fazio đến từ Milan đã phỏng vấn Đức Thánh Cha từ nơi ở của ngài tại Casa Santa Marta cho chương trình Che Tempo Che Fa của Kênh Truyền hình Rai-3.

https://lh4.googleusercontent.com/PCEDl29uUAz44EVDLE1igAjfcM1NbKkV4oll9nYpjSe56wGXBlcDtTgA_0_nfZ49EBuaoLmTUP40WReKjwvvuZThxI9IRcJGztO7n-83KIVKgVtTjUxdlKnl1T9nhpUl9hGrVl3T=w640-h426

Khiếu hài hước là liều thuốc

Trong khi chủ đề chính của buổi phỏng vấn là cuộc khủng hoảng di cư mà Châu Âu và thế giới đang đối mặt, nhưng cuộc trò chuyện cũng chuyển sang những vấn đề cá nhân.

Chẳng hạn, ông Fazio hỏi: “Người có bao giờ cảm thấy cô đơn không? Người có bạn bè thực sự không?”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời một cách quả quyết: “Có, tôi có những người bạn giúp đỡ tôi; họ biết cuộc sống của tôi như một người bình thường — […] và tôi thích ở bên bạn bè, đôi khi nói với họ những băn khoăn của tôi, [đôi khi] lắng nghe họ, nhưng quả thật, tôi cần bạn bè. Đó là một trong những lý do tại sao tôi không đến sống trong căn hộ của giáo hoàng, bởi vì các giáo hoàng ở đó trước đây đều là những vị thánh, nhưng tôi thì không nhiều, tôi không phải là một vị thánh. Tôi cần các mối tương quan của con người, đó là lý do tại sao tôi sống trong khu Santa Marta này, nơi anh tìm thấy những con người nói chuyện với mọi người, anh tìm thấy bạn bè. Đó là một cuộc sống dễ dàng hơn cho tôi; Tôi không có sức mạnh và tình bạn cho tôi sức mạnh. Tôi thực sự cần bạn bè, họ không nhiều, nhưng họ là những người bạn thật sự.”

Như đã chia sẻ trước đây, ngài cho rằng óc hài hước là chìa khóa, và ngài có một lời cầu nguyện yêu thích với Thánh Thomas More cho ý này. “Tôi đã dâng lời cầu nguyện này trong 40 năm. Khiếu hài hước là một liều thuốc. Óc hài hước khiến bạn tương đối hóa mọi điều và mang lại cho bạn nhiều niềm vui. Nó rất tốt.”

https://lh4.googleusercontent.com/AAB_-gAtx_yPy8I93Hl0RX6FHh77tigPpizNjbHzk8PanG_1kMgq0i-bWrirqSmTPBvM6Giv-iNgZyJt8zMT3K23PnHcWk1KO1-KUkchqlgFq7VZUoSm3NN3b62tc5HiODRSc7uM=w640-h426

Cầu nguyện như thế nào

Có lúc, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện. Ngài nói: “Cầu nguyện là điều một đứa trẻ làm khi cảm thấy bị hạn chế, bị bất lực”, giống như một đứa bé gọi “Bố ơi, mẹ ơi”. Đức Giáo Hoàng nói cầu nguyện có nghĩa là nhận ra “những giới hạn của chúng ta, những thiếu thốn của chúng ta, tội lỗi của chúng ta…. Cầu nguyện là đi vào với sức mạnh, vượt qua những giới hạn, vượt ra ngoài chân trời, và với người Kitô giáo chúng ta, cầu nguyện là gặp được ‘Papa.’”

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Đứa trẻ không đợi câu trả lời của Cha; khi người cha bắt đầu trả lời, thì đứa bé chuyển sang câu hỏi khác. Điều đứa trẻ muốn là ánh mắt nhìn của cha nó hướng về nó. Lời giải thích như thế nào không quan trọng, chỉ quan trọng là Papa nhìn vào nó, và điều đó mang lại cho đứa bé sự an toàn. Cầu nguyện phần nào đó là tất cả những điều này.”

Sự dữ lớn nhất mà Giáo hội đang phải đối mặt

Ngày nay “sự dữ lớn nhất mà Giáo hội đang phải đối mặt, cái lớn nhất”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một cách dứt khoát, “là tính trần tục thiêng liêng.”

Ngài cảnh báo chống lại hai dị thuyết vẫn hiện hữu ngày nay.

Thuyết Pelagiô (Pelagianism) và thuyết Ngộ đạo (Gnosticism). Ngài giải thích về thuyết Pelagiô “tin rằng tôi có thể tiến lên nhờ sức mạnh của chính mình.” Nhưng trên thực tế, ngài nói, “Giáo hội tiến lên với sức mạnh của Thiên Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa, và quyền năng của Chúa Thánh Thần.”

Ngài mô tả Ngộ đạo thuyết là một loại thuyết thần bí, “không có Thiên Chúa”, một “tâm linh trống rỗng”.

Tại sao trẻ em đau khổ?

Ngài nói: “Tôi chưa bao giờ biết cách trả lời câu hỏi này. Tôi không có câu trả lời cho điều này. Không có câu trả lời.”

Ngài nói về sự hủy diệt và thù hận nằm trong tay “kẻ khác”, tức là Satan. “Chúa Giêsu không bao giờ đối thoại với ma quỷ: Hoặc là Ngài đuổi hắn đi hoặc Ngài đáp lại bằng Kinh thánh. Ngài đã trả lời cho hắn ba lần bằng Sách Thánh, và điều này có giá trị đối với mọi cám dỗ.

“Nhưng với câu hỏi tại sao trẻ em phải chịu đau khổ, tôi chỉ tìm câu trả lời là hãy đau khổ cùng với chúng. Dostoevsky đã đúng trong việc này”.

https://lh5.googleusercontent.com/lxTZhuES03dLkDsBBFwXBzUYWxhmBQOae8hGeJR5Zx3XGibL7q2V_m2lcBGNsUkiUbGVk_RYHeLM6IE5fXhwX1XQS5h04PpeRA-50aZBm6NYMPwfZW9yK_7LOIzkXB17MYrXp8Xv=w640-h426

Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh đến việc cha mẹ phải gần gũi với con cái của họ.

“Khi các đôi vợ chồng trẻ đến xưng tội hoặc khi nói chuyện với họ, tôi luôn hỏi một câu: “Con có chơi với con cái của con không? “Đó là lòng quảng đại của người cha, người mẹ đối với đứa con.”

Ngài nói rằng cha mẹ không được “sợ” những gì con cái họ sẽ nói hoặc những câu hỏi của chúng. Và ngay cả những đứa con lớn hơn cũng cần sự gần gũi này: “một đứa trẻ vị thành niên khi chúng vấp ngã, hãy nói với chúng như một người cha, một người mẹ”.

Chiến tranh

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chiến tranh theo cách nào đó là “sự trái ngược của tạo vật”, ngược trở lại sách Sáng thế, giữa Cain và Abel, và Tháp Babel.

Ngài nói: “Chiến tranh giữa các người anh em” xuất hiện ngay sau khi Thiên Chúa tạo dựng ra người nam và người nữ. Có cái gì đó giống như một ‘anti-sense’ của tạo vật; đó là lý do tại sao chiến tranh luôn là sự hủy diệt. Chẳng hạn, canh tác đất đai, chăm sóc con cái, để nuôi dạy gia đình, làm cho xã hội phát triển: đây là xây dựng. Gây chiến tranh là để tiêu diệt. Đó là một quy trình của sự hủy diệt.”

Đức Thánh Cha than phiền không biết bao nhiêu tiền đã được chi cho vũ khí: “Với một năm không sản xuất vũ khí, cả thế giới có thể có đủ lương thực và giáo dục, nhưng việc này vẫn ở vị trí thứ hai”.

https://lh3.googleusercontent.com/3uGwk_6mFnY-RygUIMWsV1RsQ8w7vbszrGuUGCLTAgQYT0emaI7iNXd-TplaPvFi-S_n1IxsYhqCXTMJ18xmssBAaEAFfOI0GH1YF7ZEdPcflLLX330B0ZXUW7w3w9NkSjVC8mog=w640-h426

4 từ ngữ hướng dẫn người di cư

“Thực tế rằng Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất của Châu Âu phải làm cho chúng ta suy ngẫm,” Đức Giáo hoàng thúc giục phản ứng của Châu Âu trước tình trạng “nhục nhã” này.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ở Libya, người di cư đang ở trong các lagers (trại tập trung). “Tôi sử dụng từ này một cách nghiêm túc. Lagers ở Libya.”

Ngài nói các quốc gia phải đánh giá xem họ có thể tiếp nhận bao nhiêu người nhập cư. Các quốc gia phải làm việc cùng nhau, để các quốc gia gần nhất – Tây Ban Nha và Ý – không phải là những quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn đề này.

Người di cư phải luôn được đón nhận, đồng hành, thăng tiến và hòa nhập. “Đón nhận vì có những khó khăn, [cần có] sự đồng hành, thăng tiến và hòa nhập họ vào xã hội.” Trên hết, ngài nhấn mạnh, cần phải hội nhập họ vào các nước tiếp nhận để tránh tạo ra những khu ổ chuột và chủ nghĩa cực đoan sinh ra từ các hệ tư tưởng.

Âm nhạc và khiêu vũ

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng ngài yêu âm nhạc: “Tôi thích những tác phẩm kinh điển, nhưng tôi cũng rất thích tango”.

Ngài nói: “Tôi là một người đến từ Buenos Aires (un porteño) và tôi sẽ là người gốc Buenos Aires như thế nào nếu tôi không nhảy điệu tango?”

Đức Giáo hoàng đã chia sẻ về chuyến đi gần đây của ngài đến một cửa hàng băng đĩa ở Roma.

“Tôi không đến đó để mua. Những người ở đó là các người bạn từ nhiều năm trước, và họ đã sửa sang lại cửa hàng, và tôi đến làm phép cửa hàng… Vào ban đêm, trời tối. Họ nói rằng không có ai ở đó, nhưng ngày hôm đó, có một nhà báo ở đó đang đợi một người bạn để đón taxi… đó là lý do tại sao bản tin được loan ra.”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/2/2022]