‘Trình thuật này là một tiếng gọi chúng ta buông bỏ bản thân tín thác vào Thiên Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống, đặc biệt trong những thời khắc thử thách và xao động’
09 tháng Tám, 2020 13:22
ZENIT STAFF
Dưới đây là bản dịch chính thức (ND: tiếng Anh) của Vatican huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay từ cửa sổ phòng làm việc của ngài với các tín hữu đứng giãn cách trong Quảng trường Thánh Phêrô, trước khi đọc Kinh Truyền tin giữa trưa:
* * *
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến,
Chào anh chị em!
Trích đoạn Tin mừng Chúa nhật này (x. Mt 14:22-33) kể về việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước của biển hồ đang giông bão. Sau khi cho đám đông ăn no với năm ổ bánh và hai con cá – như chúng ta đã nhìn thấy trong Chúa nhật trước – Chúa Giêsu bảo các môn đệ lên thuyền và trở về bờ bên kia. Người giải tán dân chúng và đi lên ngọn đồi một mình để cầu nguyện. Người đắm chìm trong sự kết hiệp với Chúa Cha.
Khi đang vượt qua biển hồ trong đêm, thuyền của các môn đệ bị cản trở bởi một cơn giông bão bất ngờ. Trong một thời điểm, các ông nhìn thấy một người đang đi trên mặt nước, tiến về phía các ông. Hoảng sợ, họ nghĩ đó là ma và kêu la lớn tiếng. Chúa Giêsu trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Rồi Phêrô thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Và Chúa Giêsu nói với ông: “Cứ đến”. Phêrô bước ra khỏi thuyền và đi được vài ba bước; rồi sóng gió làm ông kinh hãi và ông bắt đầu chìm xuống. Ông kêu lên: “Thưa ngài, xin cứu con với”, và Chúa Giêsu nắm lấy tay ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”.
Trình thuật này là một tiếng gọi chúng ta buông bỏ bản thân tín thác vào Thiên Chúa trong mọi giây phút của cuộc sống, đặc biệt trong những thời khắc thử thách và xao động. Khi chúng ta có những cảm giác hoài nghi và sợ hãi mạnh mẽ và dường như chúng ta sắp chìm, chúng ta đừng xấu hổ phải kêu lớn tiếng lên như Phêrô: “Thưa ngài, xin cứu con với” (c. 30). Đó là một lời cầu nguyện đẹp! Và hành động của Chúa Giêsu ngay lập tức đưa tay của Ngài ra và nắm lấy tay của người bạn của Ngài, cần phải được suy niệm thật lâu: đó là Chúa Giêsu; Ngài là bàn tay của Chúa Cha là Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta; bàn tay mạnh mẽ và trung thành của Chúa Cha là Đấng luôn luôn và chỉ muốn những điều tốt lành cho chúng ta. Chúa không phải là trận cuồng phong, không phải là lửa, không phải là động đất – như trình thuật về Tiên tri Êlia cũng nói đến hôm nay; Thiên Chúa là cơn gió nhẹ hiu hiu không bao giờ ép buộc mọi sự nhưng yêu cầu lắng nghe (x. 1 V 19:11-13). Có niềm tin có nghĩa là luôn giữ tâm hồn hướng về Thiên Chúa ngay giữa cơn phong ba, hướng về tình yêu của Người, về sự dịu dàng của Cha trên trời. Chúa Giêsu muốn dạy điều này cho Phêrô và các môn đệ của Ngài, và cho cả chúng ta hôm nay. Ngài biết rõ rằng đức tin của chúng ta còn thiếu và hành trình của chúng ta có thể có những trắc trở, bị cản trở bởi những sức mạnh đối nghịch. Nhưng Ngài là Đấng Sống lại, Thiên Chúa đi qua cái chết để dẫn đưa chúng ta đến bến bình an. Ngay cả trước khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Ngài thì Ngài đã hiện diện bên cạnh chúng ta. Và qua việc nâng chúng ta đứng dậy sau những lần vấp ngã, Ngài giúp chúng ta phát triển trong đức tin.
Con thuyền nằm trong cơn giông bão là hình ảnh của Giáo hội, trong mọi thời kỳ đều gặp những cơn gió ngược chiều, có những lúc gặp thử thách rất lớn: chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc bách hại kéo dài và liên tục của thế kỷ trước. Trong những hoàn cảnh như vậy, Giáo hội có thể bị cám dỗ suy nghĩ rằng Thiên Chúa đã rời bỏ Giáo hội. Nhưng trong thực tế, chính trong những giây phút đó mà chứng tá của đức tin, tình yêu và niềm hy vọng tỏa sáng rạng ngời nhất. Chính trong sự hiện hữu của Đức Kitô Phục sinh trong Giáo hội của Người đã trao ban những ơn làm chứng bằng phúc tử đạo, từ đó trổ sinh những Kitô hữu mới và hoa trái của sự hòa giải và bình an cho toàn thế giới.
Nguyện xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta kiên vững trong đức tin và tình yêu thương huynh đệ khi bóng tối và những cơn giông bão cuộc sống làm cho niềm tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa bị khủng hoảng.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/8/2020]