‘Tín thác vào Chúa để chiến thắng nỗi sợ hãi’ – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô

946
Messa Santa Marta 26-06-2020

‘Tín thác vào Chúa để chiến thắng nỗi sợ hãi’ – Lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những thời khắc sợ hãi (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, cảnh báo chống lại sự sùng bái ngẫu tượng chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng.

26 tháng Ba, 2020 14:56
DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Khi tin tức về những gì đang xảy ra trên thế giới làm cho chúng ta buồn bã và sợ hãi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta phải hướng về Chúa để xin Người giúp chúng ta vượt thắng được nỗi sợ hãi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời nhắc nhở này hôm nay ngày 26 tháng Ba khi ngài dâng Lễ riêng tại nhà nguyện Thánh Marta cho các nạn nhân Coronavirus, cho đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 7500 ở Ý.

Trong bài giảng hôm nay, Đức Thánh Cha suy tư về Bài đọc một trích sách Xuất hành 32:7-14, để minh họa cho thấy cách thức các ngẫu thuần phá hủy đời sống chúng ta như thế nào, đặc biệt khi niềm tin và những ưu tiên của chúng ta đáng ra phải đặt vào Thiên Chúa, theo tường thuật của Vatican News.

Khi nói về một thực tại thật buồn, Đức Phanxicô nhận xét: “Trong những ngày này có quá nhiều sự đau khổ. Có quá nhiều sự sợ hãi.”

Ngài nói nỗi sợ hãi này bao gồm nỗi sợ hãi “của những người già cô đơn trong các nhà dưỡng lão, các nhà thương, hoặc ở nhà riêng của họ, và chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nỗi sợ hãi của những người không có công việc ổn định, và đang phải suy nghĩ cách để nuôi nấng con cái họ. Họ thấy trước tương lai họ phải chịu đói. Nỗi sợ hãi của nhiều nhân viên công vụ. Trong thời điểm này họ đang phải làm việc để giữ cho xã hội hoạt động và họ có thể bị nhiễm bệnh.”

Sau đó Đức Phanxicô nói, “cũng có nỗi sợ hãi, những nỗi sợ hãi, của từng người chúng ta.”

Ngài nói, “Mỗi người đều rõ những nỗi sợ hãi của mình là gì.”

Cũng trong bài giảng, sau đó cảnh báo về những ngẫu thần chỉ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa và sự trợ giúp cũng như sự gần gũi của Người, ngài dâng lời cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu nguyện với Thiên Chúa xin Người giúp chúng ta tin tưởng, chịu đựng và chiến thắng những nỗi sợ hãi này.”

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha mời gọi giáo hữu tham dự Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với việc tôn thờ Thánh Thể và Phép Lành.

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Trong Bài đọc một là cảnh phản bội của dân chúng. Ông Môi-sê lên núi để lãnh nhận Giới luật mà Thiên Chúa trao cho ông trên phiến đá, được viết bằng ngón tay của Người. Nhưng dân chúng chán nản và tụ tập với nhau quanh ông A-a-ron và nói với ông: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này.” Và A-a-ron, người sau đó trở thành tư tế của Chúa, nhưng lúc đó ông lại là một tư tế cho sự ngu ngốc của ngẫu thần, ông nói: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi,” và tất cả họ đưa đến và làm một con bê bằng vàng (X. Xh 32:1ff).

Trong Thánh vịnh chúng ta nghe tiếng than thở của Chúa: “Tại Khô-rếp, họ đúc một con bê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó. Họ đổi Chúa vinh quang lấy hình bò ăn cỏ.” Và bây giờ, lúc này đây, khởi đầu của Bài đọc là: “Đức Chúa phán với ông Môi-sê: ‘Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.’” — một sự bội phản thật sự! — từ Thiên Chúa hằng sống sang thờ ngẫu tượng. Họ không có kiên nhẫn chờ đợi Môi-sê trở về: họ muốn những sự mới lạ; họ muốn một điều gì đó, một buổi trình diễn nghi thức, một điều gì đó …

Cha muốn đề cập đến một số điểm liên quan đến việc này. Trước hết là sự hoài niệm mang tính sùng bái ngẫu tượng trong dân chúng: trong trường hợp này, họ nghĩ đến những ngẫu thần của Ai-cập, nhưng đó là sự nhớ nhung quay trở lại với những ngẫu tượng, trở về, trở lại với điều tồi tệ nhất, không thể chờ đợi Thiên Chúa hằng sống. Sự hoài niệm này là một căn bệnh và nó cũng là bệnh của chúng ta. Một người bắt đầu bước đi với sự hăng hái vì được tự do, nhưng rồi những kêu ca phàn nàn bắt đầu. “Nhưng đúng rồi, đây mới là thời gian khó khăn, sa mạc, tôi khát, tôi muốn nước uống, tôi muốn có thịt … nhưng ở Ai-cập họ được ăn hành, những thứ ngon lành, và ở đây chẳng có gì cả …” Sự sùng bái ngẫu tượng luôn luôn mang tính lựa chọn; nó khiến anh chị em suy nghĩ đến những điều tốt đẹp nó trao cho anh chị em, nhưng nó lại không cho anh chị em nhìn thấy những điều xấu. Trong trường hợp này, họ nghĩ đến cảnh họ ngồi tại bàn ăn với những bữa ăn ngon lành làm họ thỏa mãn, nhưng họ lại quên rằng đó là bàn ăn của cảnh nô lệ. Sự sùng bái ngẫu thần mang tính lựa chọn.

Rồi thêm một điều khác: sự sùng bái ngẫu tượng làm cho anh chị em mất hết mọi thứ. Để đúc hình con bê, A-a-ron yêu cầu họ: “Hãy đưa vàng và bạc đến cho tôi,” nhưng đó chính là vàng và bạc mà Chúa đã tặng ban cho họ, khi Người nói với họ: “Hãy hỏi người Ai-cập xin những đồ vàng và bạc,” và họ ra đi với những thứ đó; đó là món quà của Chúa, và họ lại đúc lên một ngẫu tượng với món quà của Chúa. Và đây là điều khủng khiếp. Tuy nhiên, cơ cấu này cũng xảy ra cho chúng ta, khi chúng ta mang lấy những thái độ dẫn đưa chúng ta đến với sự sùng bái ngẫu tượng, chúng ta gắn chặt với những thứ làm chúng ta xa cách Thiên Chúa, vì chúng ta đã đúc ra một thần khác và chúng ta làm ra nó bằng những món quà mà Chúa đã tặng ban cho chúng ta — với sự thông minh, với ý chí, với tình yêu, với con tim … đó là những món quà của Chúa, mà chúng ta sử dụng để thực hiện sự sùng bái ngẫu thần.

Đúng, anh chị em có thể nói với cha: “Nhưng con đâu có ngẫu tượng nào để ở nhà đâu. Con có một Thánh giá, có ảnh Đức Mẹ, đó đâu phải là ngẫu thần …” Không, không, trong tâm hồn anh chị em đó. Và câu hỏi hôm nay chúng ta phải hỏi là: ngẫu thần trong tâm hồn anh chị em là gì, trong tâm hồn tôi là gì — một con đường ẩn giấu mà tôi cảm thấy rất thoải mái, nó làm tôi xa rời Thiên Chúa hằng sống. Và chúng ta cũng có thái độ rất khéo léo với sự sùng bái ngẫu tượng: chúng ta biết cách che giấu các ngẫu thần, như Ra-ken đã làm khi cô ta chạy trốn cha mình và giấu đi các ngẫu tượng trong nhà dưới yên lạc đà và trong đống quần áo. Giữa những đống quần áo của tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng đã giấu đi nhiều ngẫu thần.

Câu hỏi tôi phải tự hỏi hôm nay là: ngẫu thần của tôi là gì? Đó là ngẫu thần thế gian của tôi … và sự sùng bái ngẫu thần đụng chạm đến sự thờ lạy vì họ muốn một con bê bằng vàng, không phải dành cho buổi diễn xiếc, không phải, nhưng để tôn thờ. “Họ sụp xuống lạy nó.” Sự sùng bái ngẫu tượng dẫn đưa bạn đến lòng sùng kính sai lệch, thật vậy: rất nhiều khi, theo tính thế gian đó là sự sùng bái ngẫu tượng khiến bạn biến việc cử hành Bí tích thành một lễ hội của thế gian. Ví dụ, cha không biết nữa, cha nghĩ đến, chúng ta hãy nghĩ đến, chúng ta hãy hình dung ra một lễ cưới. Người ta chẳng biết đó có phải là Bí tích không, là nơi đôi uyên ương thật sự trao cho nhau tất cả tình yêu trước mặt Chúa, và đoan hứa chung thủy trước mặt Chúa và đón nhận ân sủng, hay đó là một buổi trình diễn thời trang, người này người kia và người khác diện trang phục như thế nào … đó là tính thế gian; đó là sự sùng bái ngẫu tượng. Đây là một ví dụ. Vì sự sùng bái ngẫu tượng không dừng lại; nó luôn luôn tiếp diễn.

Câu hỏi hôm nay cha muốn hỏi tất cả chúng ta là: ngẫu tượng của tôi là gì? Mỗi người đều có của riêng mình. Những ngẫu tượng của tôi là gì? Tôi giấu diếm chúng ở đâu? — để Chúa sẽ không tìm thấy chúng? Và cuối đời chúng ta, Người nói với mỗi người chúng ta: “Ngươi đã hư hỏng rồi. Ngươi đã đi ra ngoài con đường ta đã chỉ cho ngươi đi. Ngươi đã sụp lạy trước một ngẫu tượng.”

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn biết được những ngẫu tượng của chúng ta. Và nếu chúng ta không thể tống khứ chúng đi, ít nhất nhốt chúng vào trong góc.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Lễ với việc Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha của ZENIT tại Nhà nguyện Thánh Marta]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2020]