Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ

808
https://lh4.googleusercontent.com/ExSfdxhUs4LROn1M_uCdnKH1t6_pRGtsSW_mcDPZ3YwIl3pq8Z83AoFjhbNhMgfhKOp63EEmh2EkyrwSP0abu_HnFQaiRMwhjU4d4s9L1WfOE37oszvjjLX9YxMSC55h35R5KZVE
Pope At An Audience With New Ambassadors – Copyright: Vatican Media

Bảo đảm sự sẵn sàng của Giáo hội giúp họ hoàn thành trách nhiệm

19 tháng Mười Hai, 2019 10:27

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

“Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc.”

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc nhở điều này với các tân đại sứ hôm nay, ngày 19 tháng Mười Hai năm 2019, trong Khán phòng Clementine nhân dịp trình ủy nhiệm thư của các tân đại sứ đến Tòa Thánh từ Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria.

Trong phát biểu của mình, Đức Phanxico nói với họ về hy vọng của ngài rằng sứ mạng của họ “sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ và công việc quan trọng của họ, bảo đảm “sự luôn luôn sẵn sàng” của ngài và của Giáo triều Roma để giúp họ hoàn thành trách nhiệm của mình và ban phép lành Tòa Thánh cho họ.

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp phát biểu của Đức Thánh Cha:

***

Thưa quý vị,

Tôi rất hân hạnh được đón tiếp quý vị nhân dịp trình Ủy nhiệm Thư mà quý vị được bổ nhiệm là những Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của đất nước mình tại Tòa thánh: Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria. Tôi xin quý vị vui lòng truyền đạt lại những tình cảm quý trọng của tôi tới các vị Nguyên thủ quốc gia của quý vị, cùng với những lời cầu nguyện của tôi cho họ và cho đồng bào của quý vị.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra hôm nay khi người Ki-tô hữu trên khắp thế giới chuẩn bị kỷ niệm sự chào đời của một Người mà chúng tôi gọi là Thái tử Hòa bình. Thật vậy, hòa bình là khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại. Nó là một hành trình của hy vọng, trong đó gồm có đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái (x. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2020). Trong một thế giới mang dấu ấn đáng buồn bởi những cuộc xung đột dân sự, khu vực và quốc tế, những chia rẽ và bất bình đẳng xã hội, điều vô cùng quan trọng là phải thực hiện một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và sáng tạo đặt nền tảng trên lòng trung thực và sự thật, với mục đích thúc đẩy sự đoàn kết huynh đệ mạnh mẽ hơn giữa các cá nhân và trong cộng đồng toàn cầu. Về phần mình, Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc. Tôi hy vọng rằng sứ mạng của quý vị sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.

Con đường dẫn đến hòa bình bắt đầu từ sự mở lòng để hòa giải, “nó đòi hỏi phải khước từ mong muốn thống trị người khác của chúng ta và học cách nhìn nhau là những con người, là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em” (nt., 3). Chỉ khi chúng ta gạt bỏ sự thờ ơ và sợ hãi thì bầu khí tôn trọng lẫn nhau mới có thể phát triển và được nuôi dưỡng. Từ đó dẫn đến sự phát triển một nền văn hóa bao gồm, một hệ thống kinh tế công bằng hơn và nhiều cơ hội cho sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống chính trị và xã hội. Sự hiện diện của quý vị ở đây là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của các quốc gia mà quý vị là đại diện và của cộng đồng quốc tế nói chung để giải quyết những hoàn cảnh bất công, phân biệt đối xử, nghèo đói và bất bình đẳng ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta và đe dọa những hy vọng và khát vọng của các thế hệ tương lai.

Càng ngày chúng ta càng thấy rằng con đường đi đến hòa bình cũng bị ngăn chặn bởi sự thiếu tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và đặc biệt là việc bóc lột những tài nguyên thiên nhiên được coi là một nguồn lợi nhuận trước mắt, mà không tính toán đến cái giá phải trả của những cộng đồng địa phương hoặc của chính thiên nhiên. Thế giới của chúng ta đang đối mặt với một loạt những thách thức phức tạp cho sự bền vững của môi trường, không những cho hiện tại mà còn cho tương lai cận kề. Thượng hội đồng gần đây về Vùng Pan-Amazon kêu gọi sự chân nhận mới về mối quan hệ giữa các cộng đồng và vùng đất, giữa hiện tại và quá khứ, và giữa kinh nghiệm và niềm hy vọng. Một đòi hỏi cấp bách về cam kết cho việc quản lý có trách nhiệm đối với trái đất và các nguồn tài nguyên của nó ở mọi cấp độ, từ sự giáo dục trong gia đình, đến đời sống xã hội và công dân, và việc đưa ra những quyết định về chính trị và kinh tế. Lợi ích chung và lợi ích của ngôi nhà nơi chúng ta cư ngụ đòi hỏi những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy việc nuôi dưỡng sự sống và sự phát triển toàn diện của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại.

Thưa quý vị Đại sứ, giờ đây khi quý vị bắt đầu sứ mạng của mình tại Tòa Thánh, tôi xin gửi đến quý vị những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất và tôi xin bảo đảm với quý vị về sự luôn luôn sẵn sàng của các văn phòng khác nhau thuộc Giáo triều Roma để hỗ trợ quý vị thi hành trách nhiệm của mình. Tôi thân ái khẩn xin phúc lành niềm vui và bình an của Chúa đổ xuống trên quý vị và gia đình, đồng nghiệp và toàn thể đồng bào của quý vị.

[Văn bản tiếng Anh bài phát biểu của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]

 

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]