Thánh Lễ cho Đội Hiến binh Vatican

1016
Thánh Lễ cho Đội Hiến binh Vatican
© Vatican Media

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết vì sự phục vụ của họ

28 tháng Chín, 2020 15:52ZENIT STAFF

Thứ Bảy, ngày 26 tháng Chín năm 2020, tại Bàn thờ Thánh Phêrô của Vương cung thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ cho đội Hiến binh Vatican, nhân Lễ Thánh Micae Tổng lãnh Thiên thần, là thánh bổn mạng, người bảo vệ của Cảnh sát Nhà nước Ý và Đội Hiến binh Vatican.

Dưới đây chúng tôi xin tường thuật nội dung bài giảng mà Đức Giáo Hoàng giảng ứng khẩu trong Thánh Lễ:

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Các bài đọc Chúa nhật này nói cho chúng ta biết về sự sám hối. Sự sám hối tâm hồn; sám hối có nghĩa là “thay đổi lối sống”, nghĩa là, tâm hồn chưa đi theo con đường tốt lành sẽ tìm thấy một con đường tốt lành.

Nhưng nó không chỉ là sự thay đổi của chúng ta: nó cũng là sự thay đổi của Thiên Chúa: “Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm – như chúng ta nghe thấy trong bài đọc một – mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống” (Ed 18: 27-28). Kẻ dữ hối cải. Chúng ta nói một cách dễ hiểu hơn: người tội lỗi hối cải và Thiên Chúa hoán cải tội nhân. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa, sự thay đổi, là từ cả hai phía; cả hai đều cố gắng gặp gỡ. Tha thứ không chỉ đơn thuần là chuyện đi đến đó, gõ cửa và nói: “Xin tha cho tôi,” và rồi họ trả lời cho bạn từ hệ thống điện thoại gọi cửa: “Tôi tha cho anh. Đi đi.” Tha thứ luôn luôn là một cái ôm của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa cũng lên đường để gặp gỡ chúng ta, cũng như chúng ta lên đường.

Đây là sự tha thứ của Chúa, con đường hoán cải. “Nhưng làm sao tôi đến được với Chúa? Tôi là một tội nhân trọng tội như vậy! Điều Chúa muốn là; là bạn hãy đến, bạn hãy đến với Người. Người cha của đứa con hoang đàng làm gì? – đứa con đã bỏ đi với số tiền và tiêu hết gia tài vào những điều trụy lạc – người cha đã làm gì? Khi ông nhìn thấy đứa con trở về – vì đứa con đã bỏ đi và nó phải trở về với cha nó; nó phải trở về vì sự cần thiết, nhưng dù sao đi nữa, đứa con đã cất bước – người cha đứng trên sân nhà, liền vội vã đi ra và đến gặp đứa con. Ông không chờ đứa con tại cửa với ngón tay chỉ vào đứa con, ông ôm nó! Và khi đứa con cất lời xin tha thứ, cái ôm chặn lại lời nói của nó. Đây là sự thay đổi. Đây là tình yêu của Chúa. Đó là con đường của sự gặp gỡ lẫn nhau.

Và về vấn đề này cha muốn nhấn mạnh rằng: một tâm hồn luôn rộng mở để gặp gỡ Chúa – đây là sự hoán cải, mở rộng lòng để gặp gỡ Chúa – đâu là mẫu gương? Mẫu gương đó là của Tin mừng, của người giàu, của người nghèo, mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô. Người đi ra để gặp gỡ chúng ta. Chúng ta đã nghe trong bài đọc hai: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa – Chúa Giêsu là Thiên Chúa – mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa – tức là giữ nguyên địa vị – nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. […] Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Phl 2,5-8).

Con đường hoán cải là sự tiếp cận, nó là sự gần gũi, nhưng là sự gần gũi phục vụ. Và câu nói này khiến cha phải nói với anh em, anh em đội Hiến binh thân mến. Bất cứ khi nào anh em tiếp cận để phục vụ, noi gương Chúa Giêsu Kitô. Mỗi lần anh em bước tới một bước để giữ trật tự, anh em hãy nghĩ rằng anh em đang phục vụ, anh em đang thực hiện một sự hoán cải phục vụ. Và cách anh em làm điều đó, anh em sẽ làm điều tốt cho người khác. Và vì điều đó, cha xin nói lời cảm ơn anh em. Sự phục vụ của anh em là một sự thay đổi hai chiều: sự thay đổi của anh em – giống như sự thay đổi của Chúa Giêsu Kitô -, bỏ lại sự thoải mái của mình, bỏ lại … “tôi sẽ đi phục vụ”; và sự thay đổi khác là sự thay đổi của người khác, là người không cảm thấy bị phạt, nhưng lắng nghe điều phải, với sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Do đó, Chúa Giêsu yêu cầu anh em hãy nên giống như Người: mạnh mẽ, kỷ luật, nhưng khiêm nhường và phục vụ.

Cha có lần nghe chuyện một ông cụ nói khi ông kể về người con trai của ông mắng chửi con anh ta: “Con trai tôi không hiểu rằng mỗi khi nó mắng chửi con cái là nó đánh mất uy quyền”. Uy quyền của anh em là ở sự phục vụ: đặt ra những giới hạn, để làm cho mọi việc diễn ra, nhưng trong sự phục vụ, trong đức ái, trong sự tốt lành. Và đây là sự thay đổi lớn lao của anh em. Với cha, thật là điều rất buồn nếu có người nói với cha: “Không phải vậy, đội Hiến binh của cha …, họ chỉ là người làm thuê, những người làm thuê, họ chỉ làm theo lịch công việc và chẳng quan tâm …” Không, không. Đây không phải là con đường thay đổi và làm người khác thay đổi. Con đường của anh em là con đường phục vụ, giống người cha đến thăm đứa con, giống như một người anh em nhìn thấy điều gì đó và nói: “Không được, không làm như vậy được, điều này không tốt.” Đây là cách thức nhưng phải nói với con tim, nói với sự khiêm nhường, nói với sự gần gũi.

Trong Tin mừng, Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu luôn đến với các tội nhân, với cả những người làm điều ác, nhưng họ cảm thấy gần gũi với Chúa Giêsu, họ không cảm thấy bị kết án. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ nói dối, không nói dối, Không: “Đây là sự thật, đây là con đường.” Nhưng Ngài nói với sự nhã nhặn, Người nói với con tim, Người nói như một người anh em.

Cảm ơn vì sự phục vụ của anh em. Cảm ơn anh em, Cha nhìn thấy sự phục vụ của an em theo con đường này. Đôi lúc có người vấp ngã một chút, nhưng trong cuộc sống ai là người không vấp ngã? Tất cả! Nhưng chúng ta đứng dậy: “Tôi đã không làm điều tốt, nhưng bây giờ …”. Luôn luôn phục hồi lại con đường vì sự thay đổi của con người và vì sự thay đổi của chính mình. Trong phục vụ Ngài không bao giờ sai lầm vì phục vụ là yêu thương, nó là đức ái, nó là sự gần gũi. Phục vụ là con đường Chúa đã chọn nơi Chúa Giêsu Kitô để tha thứ cho chúng ta, để biến đổi chúng ta.

Cảm ơn vì sự phục vụ của anh em, và hãy tiến bước, luôn luôn với sự gần gũi khiêm nhường và mạnh mẽ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Cảm ơn anh em.

[01117-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển VIệt ngữ: TRI KHOAN 29/9/2020]