Thánh Catarina thành Siena, vị tông đồ hòa giải

814

Được đăng bởi Giáo hội Công giáo News vào tháng 7 23, 2020

Hình ảnh của một trong những vị thánh nổi bật nhất của Giáo hội

https://lh6.googleusercontent.com/ooqEQFSPqVK338LN8sbZXrVjML6n8OZJbHp7VfvOFL_j74Rgc3N3L2pdR1wf2vJt7v4Aa2zxBDj9tI1sgZ0qbbjIhfCmWQbogwP3mlEVfQ37FpKeG2clvYTjfp8Q-E5a-RxTept1

Xavier Le Normand
France 18 tháng Bảy, 2020

Thánh Catarina thành Siena là “một hiện tượng duy nhất … trong lịch sử (các thánh) dịu dàng nhất, độc đáo nhất và vĩ đại nhất từng được ghi lại.”

Đó là những lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI dùng để miêu tả vị thánh người Ý thuộc thế kỷ 14 trong một buổi tiếp kiến chung vào tháng Tư năm 1969.

Phải nói rằng trong suốt cuộc đời 33 năm của mình, người phụ nữ thành Siena này giống như một cơn gió sống động, lôi cuốn từ những người khiêm nhường đến vĩ đại của thế giới này và hướng họ về với Đức Kitô.

Thánh Catarina sinh năm 1347 tại thời điểm Châu Âu đang trong sự xáo trộn liên tục. Pháp và Anh bị cuốn vào cuộc Chiến Trăm năm. Những thành phố hiện nay thuộc nước Ý chống đối lẫn nhau. Và giáo hoàng, người phải trú ở Avignon, không thể đặt chân lên đất Roma.

Nước Cộng hòa Siena, nơi Thánh Catarina lớn lên, cũng không thoát khỏi tình trạng đó, với các gia đình nắm quyền hành chia rẽ lẫn nhau.

Những chia rẽ và chống đối đánh dấu khoảng giữa thế kỷ 14 có thể nhắc nhở chúng ta về các khía cạnh nhất định trong thế kỷ 21 của chúng ta … Thánh Catarina nhìn thấy sự chia rẽ bạo lực này là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, người nữ trẻ này đã chẳng được chuẩn bị điều gì ngoài một nền tảng đơn sơ – thánh nữ gần như không biết chữ – để đặt mình vào một vị trí giúp đưa các phe phái gây hấn đến hòa bình. Chẳng có gì khác hơn ngoài một đức tin rực sáng, được nuôi dưỡng bởi những thị kiến từ khi còn rất nhỏ.

“Một nhận thức mới phi thường về lòng thương xót”

Vào một thời điểm khi Kitô giáo đang bị chia rẽ, đặc biệt do những lợi ích chính trị đối chọi nhau giữa các hoàng thân, Thánh Catarina đã yêu cầu họ đối thoại với nhau.

Christiane Rancé, tác giả của một quyển sách viết về thánh nhân nói, “Catherine là một người nữ trẻ không dễ bị khuất phục, can đảm phi thường.”

Rancé cho biết, “Thánh nữ không chịu đầu hàng trước các nhà chức trách muốn ngăn trở ơn gọi của mình: thánh nữ đã không nghe theo cha mẹ, trong thời gian đó, thánh nữ bày tỏ sự không đồng tình với giáo hoàng khi ngài thất bại trong sứ vụ của mình. Nhưng thánh nữ luôn hoàn toàn vâng phục Tin Mừng và tinh thần của Đức Kitô.”

Mẹ Marie des Anges Cayeux, nữ tu Đaminh đã viết luận án tiến sĩ về Thánh Catarina thành Siena, nói rằng thánh nữ “đầy tính thời sự vì sự tự do trong cách nói về tất cả các yếu tố của xã hội, từ những hoàng thân ở vị trí cao nhất đến những người anh em đơn sơ nhất.”

Do đó, được tiếp thêm sức mạnh bởi tính vững chắc của việc rao giảng phúc âm, người nữ trẻ thách đố tất cả mọi người, thậm chí cả giáo hoàng, người mà thánh nữ không ngại nhắc nhở một cách thẳng thắn về những trách vụ của ngài. Đặc biệt, thánh nữ thúc giục ngài rời bỏ Avignon và trở về Roma – một việc mà cuối cùng giáo hoàng đã làm, được chứng thực trong trực giác của ngài qua thị kiến.

Rancé nói rằng Thánh Catarina “hiểu được những mối nguy hiểm của việc thay đổi vị trí và dành thời gian của mình để hòa giải giữa các thành phố với nhau.”

Thánh nữ tin rằng các vị thánh trong tương lai sẽ kêu gọi chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này cho thấy thánh nữ “có một nhận thức mới phi thường về lòng thương xót, kêu gọi tha thứ và từ bỏ sự báo thù đối với các thế hệ sắp tới.”

Giữ vững tinh thần Kitô giáo của Châu Âu

Rancé nói, “Trong xã hội bị rạn nứt ngày nay, với các cộng đồng ngày càng chống đối với nhau, Thánh Catarina nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải tha thứ, hòa giải và hiệp thông.”

Tác giả lập luận rằng vị Thánh người Siena ngày nay càng trở nên thích hợp hơn “vì hiện nay, nhân danh các bậc tiền nhân, chúng ta thấy những cá nhân yêu cầu đền bù thiệt hại cho những lỗi lầm mà họ không phải là nạn nhân đối với các nhóm cá nhân không gây ra những tội ác đó. Nó là một cuộc chiến của mọi người chống lại tất cả.”

Jean-Louis Fradon, một nhà viết tiểu sử khác, nói: “Thánh Catarina gặp gỡ mọi người, thánh nữ nói chuyện thẳng thắn và trực tiếp, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề để thúc đẩy con người yêu thương nhiều hơn.”

Ông quả quyết, “Ngày nay chúng ta phải noi gương thánh nữ để nói chuyện với nhau, như Đức Giáo hoàng Phanxicô thúc giục chúng ta làm.”

Mẹ Marie des Anges đồng ý rằng Thánh Catarina thành Siena vẫn có thể là nguồn cảm hứng cho ngày nay. Tuy nhiên mẹ cảnh báo rằng chúng ta không được tách đời sống và hoạt động của thánh nữ ra khỏi bối cảnh lịch sử của chúng.

Vị nữ tu dòng Đaminh nói: “Luôn có một chiều kích thiêng liêng trong các hành động của Thánh Catarina. Do đó, thánh nữ muốn chấm dứt những chia rẽ vì chúng có hại cho Kitô giáo, và đối với thánh nữ, đưa đến lợi ích cao hơn cho Giáo hội và của các linh hồn.”

Christiane Rancé khẳng định, “Ý định của thánh nữ là duy trì tinh thần Tin mừng ở Châu Âu, nơi muốn có các sức mạnh chính trị ở đó để thực hiện sự công bình của Đức Kitô, mà họ là những người bảo vệ trên trái đất này.”

“Một người yêu của Giáo hội”

Như vậy, chúng ta phải đặt Thánh Catarina vào một thời đại Kitô giáo mà hiện nay chắc chắn không còn?

Chắc chắn không phải, theo Đức Gioan Phaolô II là người vào năm 1999 đã công bố thánh nữ là “đồng bổn mạng của Châu Âu” cùng với các Thánh Brigitte của Thụy Điển và Thánh Edith Stein.

Mười năm sau đó Đức Benedict XVI giải thích rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã đưa ra quyết định này “để Châu Âu sẽ không bao giờ quên nguồn cội Kitô giáo là những nguồn gốc của sự tiến bộ của mình, và tiếp tục rút ra những giá trị nền tảng từ Tin Mừng để bảo đảm cho công bình và sự hòa hợp.”

Vì vậy, Thánh Catarina thành Siena là một sự hỗ trợ trong cuộc tranh luận từ lâu về nguồn gốc Kitô giáo của Châu Âu.

Trong thực tế, đằng sau cam kết với Kitô giáo Tây phương, mong muốn thực sự của Thánh Catarina và cũng là của Giáo hội, là Nhiệm thể của Đức Kitô. Nỗi sợ hãi lớn của thánh nữ là sự ly giáo, mà thánh nhân gọi là “dị giáo”.

Jean-Louis Fradon giải thích: “Thánh nữ là một người yêu của Giáo hội, nhưng Chúa biết rằng thánh nữ đã sống trong một Giáo hội bệnh tật với các giáo sĩ không làm gương mẫu.”

Thật không may, hành động không mệt mỏi của thánh nhân đã không ngăn được cuộc Đại Ly giáo của phương Tây năm 1378, hai năm trước khi thánh nữ qua đời.

Một lần nữa, nhà viết tiểu sử khẳng định, ở đây Thánh Catarina là một sự hỗ trợ vì Giáo hội dường như một lần nữa phải trải qua “những rạn nứt khiến người ta tự hỏi liệu một cuộc ly giáo có thể xảy ra không.”

Một tấm gương nhiệt thành, táo bạo cho ngày nay

Ông tiếp tục, “Thánh Catarina không đặt điều gì lên cao hơn sự hiệp nhất của Giáo hội, và mặc dù thánh nhân kêu gọi các giáo sĩ hãy tuân phục, thánh nhân không bao giờ nghi ngờ về sứ mệnh đã được trao phó cho mình.

Do đó, nó cũng giống như khi bước vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này với một luồng gió cải cách đang thổi qua Giáo hội, và nhà nhà thần bí không ngần ngại tham gia.

Fradon lập luận: “Đối với thánh nữ, cải cách Giáo hội không bao gồm những chuyển đổi về thể chế, nhưng là một sự chuyển biến nội tâm, quay trở về với mầu nhiệm vượt qua và một sự gắn bó mật thiết riêng tư với Chúa Kitô.”

Do đó, mối quan tâm của Thánh Catarina phù hợp với Đức Giáo hoàng Phanxico khi ngài tuyên bố trong Tông huấn Evangelii gaudium rằng “việc đổi mới những cấu trúc do yêu cầu của sự chuyển đổi mục vụ chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng này: như là một phần của nỗ lực làm cho những cấu trúc hướng đến sứ mạng nhiều hơn.”

Fradon giải thích, “Như Đức Giáo hoàng Phanxico nói Thánh Catarina muốn một Giáo hội tâm linh hơn và ít trần tục hơn.”

Vì vậy, nó là một thách đố vẫn còn phù hợp bảy thế kỷ sau.

Mẹ Marie des Anges Cayeux giải thích: “Với sự nhiệt thành, sự táo bạo và tự do, Thánh Catarina thúc giục con người trong thời đại của ngài dấn bước trên con đường hoàn thiện, và không ngần ngại nhắc nhở các giáo sĩ về bổn phận phải làm gương của họ.”

Và hãy nghĩ đến Thánh Catarina, là một giáo dân Dòng Ba Đaminh, đã thực hiện việc đó trong khi không mang bất kỳ trách nhiệm nào trong dòng hay tu viện.

Người nữ giáo dân đó đã có thể tạo ra những luồng gió thay đổi trong Giáo hội vẫn còn là một khát vọng cho hôm nay!

[Nguồn: la-croix]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2020]