Tại sao Đức Giáo Hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

412

Tri Khoan chuyển ngữ

Tại sao Đức Giáo Hoàng đọc Kinh Truyền tin chung vào các Chúa nhật

Đức Thánh Cha Phanxicô sau giờ đọc Kinh Truyền tin trong điện Tông tòa của Vatican ngày 29 tháng Ba, 2020. Credit: Vatican Media.

Hannah Brockhaus

Vatican City, 4 tháng Một, 2022 / 04:30 am

Mọi chuyện bắt đầu từ hơn 67 năm trước với ông Luigi Gedda, một bác sĩ Công giáo người Ý, nhà hoạt động chính trị và là nhà lãnh đạo giáo dân có ảnh hưởng.

Trong Năm Đức Mẹ, ông Gedda khi đó là chủ tịch của hiệp hội Azione Cattolica (Công giáo Tiến hành), đã thuyết phục người bạn của ông là Đức Giáo hoàng Piô XII đọc Kinh Truyền tin chung với tín hữu vào buổi trưa từ cửa sổ phòng làm việc riêng của ngài.

Vì vậy, vào ngày 15 tháng Tám năm 1954, ngày Lễ trọng Đức Mẹ Lên trời, Đức Piô XII qua Đài phát thanh Vatican đã ngỏ lời đến người Công giáo ở Rôma và khắp nơi trên thế giới, mời họ cùng thông công với ngài “trong lời kính chào sốt sắng dâng lên Mẹ Thiên Chúa”.

Đây là khởi đầu cho một phong tục của giáo hoàng diễn ra vào các Chúa nhật và Lễ trọng kính Đức Mẹ, khi đó đức giáo hoàng xuất hiện tại cửa sổ thư viện của ngài trong Điện Tông Tòa vào buổi trưa để xướng đọc Kinh Truyền tin bằng tiếng Latinh với các tín hữu tập trung dưới Quảng trường Thánh Phêrô.

Kinh Truyền tin có nguồn gốc từ một cách thực hành thời trung cổ là đọc ba Kinh Kính Mừng liên tiếp, theo đề nghị của Thánh Antôn Padua.

Vào những năm 1200, một nhóm các tu sĩ dòng Phanxicô đã đề nghị rằng việc thực hành này nên được thực hiện vào buổi tối sau khi đọc Kinh tối (giờ Kinh tối), như một cách suy niệm về mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Kitô. Một tiếng chuông sẽ được rung lên để nhắc nhở các tu sĩ và những người khác rằng đã đến giờ đọc các kinh Kính Mừng.

Qua nhiều thế kỷ, ba Kinh Kính Mừng bắt đầu được đọc vào các buổi sáng và buổi trưa.

Ngày nay, lời kinh cũng bao gồm của lời của Thiên sứ Truyền Tin, lời thông báo của Thiên Thần Gabriel với Đức Maria rằng Mẹ đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, và một lời kinh kết thúc.

Bằng chứng về sự lặp lại hiện nay được tìm thấy ngay từ những năm 1500, trong một quyển sách có tên Little Office of the Blessed Virgin Mary, được in ở Roma dưới triều đại của Đức Giáo hoàng Piô V, và một cuốn sổ tay dành cho người Công giáo xuất bản ở Antwerp năm 1588.

Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ Kinh Truyền tin tại Vatican ngày 12 tháng Mười Hai, 2021. Vatican Media.

Tại Vatican, nhiều văn phòng có phong tục tạm dừng công việc mỗi ngày để cùng nhau đọc Kinh Truyền tin vào buổi trưa.

Trong mùa Phục sinh, Kinh Truyền tin được thay thế bằng Kinh Regina Coeli (“Lạy Nữ Vương Thiên đàng”), một bản điệp ca Đức Mẹ được đọc hoặc hát trong Lễ Phục sinh.

Trong nhiều năm, các giáo hoàng đã dùng khoảng thời gian trước khi đọc kinh Đức Mẹ để giảng một bài giáo lý ngắn, thông điệp hoặc lời kêu gọi.

Đức Giáo hoàng Phanxicô không đến nghỉ tại lâu đài nghỉ hè của giáo hoàng là Castel Gandolfo, nằm bên ngoài Roma, nhưng các giáo hoàng trước đó đã đến và đọc Kinh Truyền tin từ lâu đài trong thời gian các ngài nghỉ hè.

Tại một số thời điểm nhất định trong đại dịch COVID-19, để tránh các đám đông người tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đọc kinh qua truyền hình trực tiếp từ phòng làm việc của ngài.

Kinh Truyền tin được phát sóng trực tiếp trên khắp thế giới và phát trực tuyến trên internet. Chuông của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô luôn vang lên vào buổi trưa, trước khi đức giáo hoàng xuất hiện tại cửa sổ điện tông tòa theo phong tục tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria này.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/1/2022]