Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Người Nghèo Thế Giới lần thứ Ba

775
https://lh4.googleusercontent.com/XiYRrsiCmGXSWZgxN5gG-jcDuwvHFaURLIq_5VehW2i57l1OlkRspBmLks9-bAWXb4LLCr3fRU88yxUcgqfwBJsxoHh-NCNgYLq0lOWEfUS3HTUqVKppJ7s5N3IcoLx7LlONV61x
PHOTO.VA – OSSERVATORE ROMANO

Hy vọng người túng thiếu sẽ không mãi bị bỏ quên’

13 tháng Sáu, 2019 15:15
ZENIT STAFF

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp sứ điệp Ngày Người Nghèo Thế giới Lần Thứ Ba của Đức Thánh Cha Phanxico, sẽ được tổ chức ngày 17 tháng Mười Một, 2019, với chủ đề: ‘Hy vọng người túng thiếu sẽ không mãi bị bỏ quên’

***

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
NGÀY NGƯỜI NGHÈO THẾ GIỚI LẦN THỨ BA

Chúa nhật thứ 34 Mùa Thường Niên
17 tháng Mười Một 2019

Hy vọng người túng thiếu sẽ không mãi bị bỏ quên

1.

“Hy vọng người túng thiếu sẽ không mãi bị bỏ quên” (Tv 9:19). Những lời này của Thánh vịnh vẫn luôn phù hợp. Chúng diễn tả một sự thật sâu thẳm mà trước hết niềm tin đó khắc sâu vào tâm hồn của người nghèo, phục hồi lại niềm hy vọng đã bị tắt ngấm trước những bất công, những đau khổ và những sự bấp bênh của cuộc sống.

Tác giả Thánh vịnh mô tả tình trạng của người túng thiếu và sự kiêu căng của những người áp bức họ (x. 10, 1-10). Ngài khẩn xin sự phán xét của Chúa để lấy lại lại sự công bằng và chiến thắng sự ác (x. 10, 14-15). Trong những lời này, chúng ta nghe thấy tiếng vang vọng của những câu hỏi từ xa xưa. Làm sao Chúa có thể khoan dung cho sự bất bình đẳng này? Làm sao Người có thể để cho người nghèo bị hạ nhục mà không đến cứu giúp họ? Tại sao Người cho phép những kẻ áp bức được thịnh vượng mà không kết án họ, đặc biệt trước những sự đau khổ của người nghèo?

Thánh vịnh được viết tại một thời điểm kinh tế phát triển mạnh, và như vẫn thường xảy ra, nó dẫn đến những sự mất cân bằng nghiêm trọng về xã hội. Sự phân chia bất công của cải đã tạo ra một con số lớn người nghèo, tình trạng của họ hiện ra bi thảm hơn nhiều nếu so với của cải giành được bởi một số ít có đặc quyền. Nhìn thấy tình trạng đó, tác giả Thánh vịnh vẽ lên một bức tranh rất thật của thực tế.

Đã có một thời gian những người kiêu căng và vô thân săn đuổi người nghèo, tìm cách chiếm hữu cả đến những thứ nhỏ bé nhất họ có, và đưa họ vào cảnh nô lệ. Tình trạng đó ngày nay cũng không khác nhiều. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã không ngăn cản các nhóm nhiều người thu vén những tài sản mà chúng thường cho thấy vô cùng phi lý khi hàng ngày chúng ta bắt gặp những con số người nghèo quá lớn trên các con đường trong thành phố của chúng ta, họ thiếu cả những thứ thiết yếu tối thiểu cho cuộc sống và có những lúc bị quấy rầy và bị bóc lột. Những lời trong Sách Khải huyền lại hiện lên: “Ngươi nói: ‘Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi’; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh 3:17). Những thế kỷ trôi qua, nhưng tình trạng giữa người giàu và nghèo vẫn không thay đổi, dường như lịch sử chẳng dạy chúng ta được điều gì. Do đó, những lời của Thánh vịnh không phải nói về quá khứ, nhưng về chính hiện tại của chúng ta, vì nó sẽ đối diện trước sự phán xét của Thiên Chúa.

2.

Ngày nay cũng vậy, chúng ta phải thừa nhận có nhiều hình thức nô lệ mới đẩy hàng triệu người nam, nữ, người trẻ và trẻ em vào vòng nô lệ.

Hàng ngày chúng ta nhìn thấy những gia đình bị buộc phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống ở nơi khác; những trẻ mồ côi đã bị mất cha mẹ hoặc bị cướp khỏi vòng tay của họ bởi những phương cách bóc lột tàn ác; những người trẻ tìm kiếm việc làm chuyên môn nhưng bị ngăn cản không đến được với công việc vì những chính sách kinh tế thiển cận; những nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực khác nhau, từ mại dâm đến buôn bán ma túy, và bị mất phẩm giá nặng nề. Làm sao chúng ta cũng có thể quên được hàng triệu người di cư là những người trở thành nạn nhân cho bất kỳ lợi ích ngầm nào, thường bị bóc lột cho lợi ích chính trị, và không được hưởng tình đoàn kết và sự bình đẳng? Và tất cả những người vô gia cư và những người bị tẩy chay lang thang trên các con đường trong thành phố của chúng ta?

Không biết bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy những người nghèo lục lọi các thùng rác để tìm lại những thứ mà người khác bỏ đi như là đồ thừa, với hy vọng tìm được thứ gì đó cho sự sống hoặc để mặc vào người! Chính bản thân họ trở thành một phần của thùng rác con người; họ bị đối xử như những đồ bỏ đi, mà không hề có một chút cảm giác tội lỗi về phía những người có liên quan đến sự xấu xa này. Thường bị phán xét là những kẻ ăn bám xã hội, người nghèo không được tha thứ cho cái nghèo của họ. Sự phán xét luôn nằm đâu đó trong các góc. Họ không được phép rụt rè hay chán nản; họ bị xem như một sự đe dọa hay đơn giản là vô dụng, chỉ vì họ nghèo.

Các vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi họ không nhìn thấy đầu cuối con đường hầm của sự nghèo khó cùng cực. Chúng ta đã đi tới mức nghĩ ra một kiểu kiến trúc thù địch nhằm mục đích đánh bật sự có mặt của họ ra khỏi các đường phố, là những nơi cuối cùng dành cho họ. Họ đi lang thang từ đầu này đến đầu kia của thành phố với hy vọng tìm được một công việc, một căn nhà, một dấu hiệu của sự cảm thông … Một đề nghị nhỏ bé nhất cũng trở thành một tia sáng; ngay cả khi sự công bằng được dự đoán có thể sẽ thắng thế, họ vẫn gặp phải tính bạo lực và sự lạm dụng. Bị buộc phải làm việc suốt nhiều giờ đồng hồ dài vô tận dưới ánh mặt trời cháy bỏng để hái trái cây theo mùa, họ được trả lương cực kỳ thấp. Họ phải lao động trong những điều kiện mất an toàn và phi nhân làm họ không còn cảm nhận được bình đẳng với người khác. Họ thiếu trợ cấp lao động, các lợi ích, hoặc thậm chí những dự phòng cho bệnh tật.

Tác giả Thánh vịnh miêu tả hiện thực tàn ác của thái độ của người giàu cướp của người nghèo: “Nó phục nơi ẩn khuất rình bắt người nghèo khổ, lừa vào lưới nó giăng” (x. Tv 10:9). Cũng giống như cuộc săn bắt, người nghèo bị bẫy giăng, bị bắt và bị đày làm nô lệ. Kết quả là, nhiều người trong số họ trở nên chán nản, tâm hồn chai cứng và chỉ lo lắng làm sao thoát khỏi những ánh mắt. Nói một cách dễ hiểu, chúng ta nhìn thấy trước mắt chúng ta vô số người nghèo thường cục cằn và hầu như không chịu đựng được. Đối với mọi người họ trở nên những hiệu ứng vô hình và tiếng nói của họ không còn được lắng nghe hay chú ý trong xã hội. Những người nam và nữ đang ngày càng trở nên xa lạ giữa những ngôi nhà của chúng ta, và trở thành những người bị ruồng bỏ trong những khu xóm của chúng ta.

3.

Khung cảnh của Thánh vịnh nhuốm màu buồn bã trước sự bất công, sự đau khổ và thất vọng mà người nghèo phải gánh chịu. Đồng thời, nó đưa ra một định nghĩa xúc động về người nghèo: họ là những người “đặt niềm tin vào Thiên Chúa” (x. c. 10), vững tin rằng họ sẽ không bao giờ bị từ bỏ. Trong các Sách Thánh, người nghèo là những người tín thác! Tác giả Thánh vịnh cũng đưa ra lý do cho sự tín thác này: họ “biết” Chúa (x. nt.). Trong ngôn ngữ của Kinh Thánh, “sự hiểu biết” như vậy có trong một mối quan hệ riêng tư của sự cảm mến và yêu thương.

Cách miêu tả này hoàn toàn bất ngờ và rất ấn tượng như được thể hiện trong cách Người liên quan đến người nghèo, nó đơn giản diễn tả sự vĩ đại của Thiên Chúa. Quyền năng sáng tạo của Người vượt quá mọi sự mong đợi của con người và được thể hiện qua việc Người “lo liệu” cho từng cá nhân mỗi người. (x. c. 13). Chính niềm vững tin vào Thiên Chúa, sự chắc chắn là không bị từ bỏ, khắc ghi hy vọng. Do đó, người nghèo biết rằng Thiên Chúa không thể bỏ rơi họ, họ luôn sống trong sự hiện hữu của Chúa là Đấng luôn luôn lưu tâm đến hô. Sự trợ giúp của Chúa vượt xa tình trạng đau khổ hiện tại của họ để mở ra một con đường giải phóng củng cố vững chắc và biến đổi tâm hồn.

4.

Sách Thánh liên tục nói đến Thiên Chúa hành động thay cho người nghèo. Ngài là người “nghe thấy tiếng khóc của họ” và “đến cứu giúp họ”; Ngài “bảo vệ” và “bênh vực” họ; Ngài “giải thoát” và “cứu” họ … Thật vậy, người nghèo sẽ không bao giờ thấy Chúa thờ ơ hoặc im lặng với họ trước lời khẩn cầu của họ. Chúa là người trả lại sự công bằng và không lãng quên (x. Tv 40:18; 70:6); Người là chỗ tựa nương của họ và Người không bao giờ không đến cứu giúp họ (x. Tv 10:14).

Chúng ta có thể xây dựng không biết bao nhiêu bức tường và đóng chặt những cánh cửa với nỗ lực hão huyền để tìm cảm giác an toàn với tài sản của mình, với cái giá là chính những người bị gạt ra ngoài. Mọi việc sẽ không theo con đường như vậy mãi mãi. Như được mô tả bởi các ngôn sứ (x. Am 5:18; Is 2-5; Ge 1-3), “ngày của Đức Chúa” sẽ phá hủy những rào chắn được tạo ra giữa các dân tộc và thay thế sự ngạo mạn của một số ít người bằng tình đoàn kết của số đông. Tình trạng bị gạt ra bên lề mà hàng triệu con người phải chịu đựng một cách đau thương không thể tiếp tục lâu dài. Tiếng khóc của họ đang ngày một lớn hơn và bao trùm trái đất. Theo lời của Cha Primo Mazzolari: “người nghèo là một sự phản kháng liên tục chống lại những bất công của chúng ta; người nghèo là một thùng thuốc súng. Nếu nó bị bén lửa, thế giới sẽ nổ tung.”

5.

Chúng ta không bao giờ có thể né tránh tiếng kêu cầu khẩn thiết mà Kinh Thánh đưa ra thay cho người nghèo. Chúng ta có nhìn về đâu đi nữa, lời của Chúa vẫn hướng về người nghèo, họ là những người thiếu những thứ thiết yếu của cuộc sống vì họ phải lệ thuộc vào người khác. Họ là những người bị áp bức, người hèn kém và người bị khinh bỉ. Đứng trước không biết bao nhiêu đám đông người nghèo, Chúa Giê-su không e ngại đồng nhất hóa Ngài với từng người họ: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40). Nếu chúng ta từ chối thực hiện sự đồng nhất hóa này là chúng ta bóp méo Tin mừng và thu hẹp sự mạc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đến để mạc khải là một người Cha quảng đại, đầy lòng thương xót, không ngừng ban sự tốt lành và ơn sủng. Người ban niềm hy vọng đặc biệt cho những người bị thất vọng và thiếu niềm hy vọng cho tương lai.

Làm sao chúng ta không chú ý thấy rằng các Mối Phúc mà Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng về nước Chúa được bắt đầu bằng những lời này: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6:20)? Ý nghĩa của thông điệp đầy nghịch lý này là nước Chúa thuộc về người nghèo vì họ trong vị trí được đón nhận nó. Mỗi ngày chúng ta gặp gỡ không biết bao nhiêu người nghèo! Dường như là dòng thời gian trôi qua và những tiến bộ của nền văn minh lại làm gia tăng những con số hơn là giảm xuống. Những thế kỷ đi qua và các Mối Phúc thậm chí trở nên nghịch lý hơn: người nghèo luôn luôn nghèo hơn, và ngày nay họ trở nên nghèo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Chúa Giê-su thành lập vương quốc của Ngài bằng cách đặt người nghèo vào trung tâm, là muốn nói với chúng ta điều này: Ngài bắt đầu vương quốc của Ngài, nhưng Ngài trao phó lại cho chúng ta, những môn đệ của Ngài, trách vụ phải đưa nó tiến bước với trách nhiệm là trao tặng niềm hy vọng cho người nghèo. Đặc biệt trong những thời gian như thời đại của chúng ta, rất cần thiết phải làm hồi sinh lại niềm hy vọng và phục hồi lại sự vững tin. Trách nhiệm này không phải là một điều mà cộng đoàn Ki-tô hữu có thể xem nhẹ. Tính khả tín của việc tuyên xưng của chúng ta và chứng nhân của người Ki-tô hữu tùy thuộc vào nó.

6.

Trong sự gần gũi với người nghèo, Giáo hội nhận thức thấy rằng mình là một dân tộc, trải rộng trên nhiều dân tộc và được kêu gọi để bảo đảm rằng không ai cảm thấy mình là một người xa lạ hoặc bị ruồng bỏ, vì Giáo hội bao gồm mọi người trong một hành trình chung của ơn cứu độ. Hoàn cảnh của người nghèo bắt buộc chúng ta không được xa cách khỏi thân thể của Chúa, Đấng chịu đau khổ trong họ. Thay vì vậy, chúng ta được kêu gọi chạm đến da thịt của Ngài và cam kết thi hành việc phục vụ để trở thành một hình thức rao giảng phúc âm đích thực. Cam kết thăng tiến người nghèo, trong đó bao gồm việc thăng tiến xã hội cho họ, không là xa lạ với việc rao giảng Tin mừng. Ngược lại, nó tỏ lộ tính hiện thực của đức tin Ki-tô giáo và giá trị lịch sử của mình. Tình yêu trao tặng sự sống cho niềm tin vào Chúa Giê-su khiến cho những môn đệ của Ngài không thể bó mình trong chủ nghĩa cá nhân ngột ngạt hoặc thu mình vào trong những quỹ đạo nhỏ bé của sự mật thiết tinh thần, không có ảnh hưởng gì đến đời sống xã hội (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 183).

Gần đây, chúng ta rất đau buồn trước cái chết của một người tông đồ vĩ đại của người nghèo, Jean Vanier, với sự tận hiến của ngài mở ra những con đường mới để thể hiện tình đoàn kết với người bị gạt ra bên lề và làm việc cho sự tiến bộ của họ. Chúa đã ban cho Jean Vanier ơn tận hiến trọn đời cho những người anh chị em của chúng ta bị khuyết tật nặng, những người mà xã hội thường có khuynh hướng loại trừ. Ngài là một trong những vị thánh “hàng xóm”; nhờ vào lòng nhiệt huyết của ngài, ngài đã tập trung quanh mình rất nhiều người trẻ, những người đàn ông và phụ nữ, là những người làm việc mỗi ngày để trao tặng tình yêu thương và lấy lại nụ cười cho nhiều người dễ bị xúc phạm, cung cấp cho họ một “nơi nương náu” thật sự của sự cứu độ thoát khỏi tình trạng bị gạt ra bên lề và cô độc. Chứng tá của ngài đã thay đổi đời sống của không biết bao nhiêu người và giúp cho thế giới có cái nhìn khác về những người kém may mắn hơn chúng ta. Tiếng khóc của người nghèo đã được nghe thấy và tạo nên một niềm hy vọng vững chắc, xây dựng những dấu chỉ hữu hình của một tình yêu cụ thể mà ngay cả hôm nay chúng ta cũng có thể đụng chạm bằng bàn tay của mình.

7.

“Sự lựa chọn dành cho những người sau rốt, những người xã hội loại bỏ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 195) là một ưu tiên mà người môn đệ của Đức Ki-tô được kêu gọi phải theo đuổi, để không bài bác tính khả tín của Giáo hội nhưng để trao tặng niềm hy vọng thật sự cho nhiều người anh chị em dễ bị xúc phạm của chúng ta. Đức ái Ki-tô giáo tìm thấy cách thể hiện cụ thể nơi họ, vì lòng trắc ẩn và sự sẵn sàng của họ để chia sẻ tình yêu của Đức Ki-tô với những người thiếu thốn, chính bản thân họ được củng cố sức mạnh và khẳng định việc rao giảng Tin mừng.

Sự tham dự của người Ki-tô hữu trong Ngày Người nghèo Thế giới này và đặc biệt là trong những biến cố của mỗi ngày, và vượt xa hơn nữa là những sáng kiến hỗ trợ. Thật đáng khen và cần thiết là cách thứ hai, chúng có mục tiêu khuyến khích mọi người có sự quan tâm nhiều hơn đến những cá nhân rơi vào bất kỳ tình trạng đau khổ nào. “Sự yêu thương ân cần là khởi đầu của sự quan tâm thật sự” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 199) dành cho người nghèo và thúc đẩy lợi ích đích thực cho họ. Thật không dễ dàng trở thành những chứng nhân cho niềm hy vọng Ki-tô trong bối cảnh của văn hóa hưởng thụ, văn hóa lãng phí chỉ chú ý đến việc lan truyền một hạnh phúc hời hợt và phù du. Cần phải có một sự thay đổi về tâm thức, để tái khám phá điều gì là quan trọng và tạo ra chất liệu và cảm hứng cho việc rao giảng nước Chúa.

Niềm hy vọng cũng được truyền tải bởi ý thức về sự trọn vẹn phát xuất từ việc đồng hành với người nghèo không chỉ trong một thời gian nhiệt thành chóng vánh, nhưng qua một cam kết liên tục lâu dài. Người nghèo có được niềm hy vọng thật sự, không phải từ việc nhìn thấy chúng ta làm hài lòng bằng cách dành cho họ chút ít thời gian của chúng ta, nhưng từ việc nhận ra được một hành động yêu thương nhưng không trong những hy sinh của chúng ta không đòi hỏi đền đáp.

8.

Tôi xin nhiều người thiện nguyện, là những người xứng đáng được khen ngợi vì là những người đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng của sự quan tâm dành cho người nghèo, hãy kiên trì trong việc phục vụ cống hiến của mình. Anh chị em thân mến, tôi động viên anh chị em hãy tìm kiếm sự thiếu thốn thật sự nơi mỗi người nghèo mà anh chị em gặp, không chỉ dừng lại ở những nhu cầu vật chất căn bản nhất, nhưng hãy khám phá sự tốt lành trong nội tâm của họ, chú ý đến nền tảng và cách họ thể hiện bản thân, và qua cách này mở ra một sự đối thoại huynh đệ thật sự. Chúng ta hãy gạt sang một bên những chia rẽ do những quan điểm thuộc hệ tư tưởng và chính trị, và hướng mắt nhìn đến điều gì là quan trọng, những việc không cần nhiều lời dài dòng, nhưng là cái nhìn của yêu thương và của bàn tay vươn ra. Đừng bao giờ quên rằng “sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu là thiếu sự chăm sóc tinh thần” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 200).

Trên tất cả, người nghèo cần Thiên Chúa và tình yêu của Người, được thể hiện hữu hình bởi “những thánh nhân hàng xóm,” là những người với sự đơn sơ của cuộc sống hàng ngày diễn tả rõ ràng sức mạnh của tình yêu Chúa Ki-tô. Thiên Chúa dùng rất nhiều cách thức và vô vàn phương thế để chạm đến tâm hồn con người. Chắc chắn, người nghèo đến với chúng ta cũng vì chúng ta cho họ lương thực, nhưng những gì họ thật sự cần còn hơn cả việc chúng ta cho họ một bữa ăn nóng hay một ổ bánh mỳ. Người nghèo cần đôi bàn tay của chúng ta để được nâng dậy; cần tâm hồn chúng ta để cảm nhận một lần nữa hơi ấm của tình cảm; cần sự hiện diện của chúng ta để vượt qua được sự cô đơn. Nói tóm lại, họ cần sự yêu thương.

9.

Có những lúc, chỉ cần rất ít để lấy lại niềm hy vọng. Chỉ cần dừng lại một chút, một nụ cười và sự lắng nghe là đủ. Chúng ta hãy cố gắng một lần gạt việc thống kê sang một bên: người nghèo không phải là những con số thống kê để kể ra khi muốn phô trương công việc hay dự án của mình. Người nghèo là những con người để gặp gỡ; họ không cô đơn, trẻ và già, được mời đến nhà chúng ta để chia sẻ một bữa ăn; những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em tìm kiếm một lời thân thiện. Người nghèo cứu thoát chúng ta vì họ làm cho chúng ta được gặp gỡ dung nhan của Đức Giê-su Ki-tô.

Trong con mắt của trần gian, dường như là phi lý khi nghĩ rằng người nghèo khó và thiếu thốn có được sức mạnh giải thoát. Nhưng đó là lời dạy của Thánh Tông đồ, người nói với chúng ta rằng: “trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1:26-29). Nếu nhìn mọi việc theo quan điểm của con người, chúng ta sẽ không thấy sức mạnh giải thoát này, nhưng theo con mắt đức tin, chúng ta nhìn thấy nó hoạt động và trải nghiệm nó một cách riêng tư. Trong trái tim của người lữ khách Dân Chúa ở đó rộn lên nhịp đập sức mạnh giải thoát đó, nó không loại trừ bất kỳ ai và bao gồm tất cả mọi người trong một hành trình hành hương hoán cải thật sự, để nhận ra người nghèo và yêu thương họ.

10.

Chúa không bỏ rơi những ai tìm kiếm Người và kêu cầu danh Người: “Tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv 9:12), vì đôi tai Người luôn chú ý đến tiếng nói của họ. Niềm hy vọng của người nghèo bất chấp những hoàn cảnh đau thương, vì người nghèo biết rằng họ được Thiên Chúa yêu thương một cách đặc biệt, và điều này mạnh mẽ hơn bất kỳ sự đau khổ hay loại trừ nào. Sự túng thiếu không lấy mất của họ phẩm giá được Chúa trao ban; họ sống trong niềm tin vững rằng nó sẽ được chính Thiên Chúa phục hồi trọn vẹn cho họ, Đấng không thờ ơ trước hoàn cảnh của những người con trai và con gái bé mọn của Người. Ngược lại, Người nhìn thấy những sự phấn đấu và đau khổ của họ, Người cầm tay dẫn bước họ, và Người ban cho họ sức mạnh và lòng can đảm (x. Tv 10:14). Niềm hy vọng của người nghèo được khẳng định vững chắc rằng tiếng nói của họ được Chúa nghe thấy, rằng họ sẽ tìm thấy sự công bình thật sự nơi Người, rằng tâm hồn của họ sẽ được tăng sức mạnh và tiếp tục yêu thương (x. Tv 10:17).

Nếu người môn đệ của Chúa Giê-su muốn trở thành những người rao giảng phúc âm đích thực, họ phải gieo những hạt giống hy vọng hữu hình. Tôi kêu gọi tất cả các cộng đoàn Ki-tô hữu, và tất cả những người cảm thấy được thúc đẩy tạo ra niềm hy vọng và ủi an cho người nghèo, giúp bảo đảm rằng Ngày Người nghèo Thế giới này sẽ động viên thêm ngày càng nhiều người cộng tác một cách hiệu quả để không ai cảm thấy bị tước mất sự gần gũi và tình đoàn kết. Ước mong rằng anh chị em luôn lấy những lời của ngôn sứ công bố về một tương lai khác làm gia nghiệp: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3:20 [4:2]).

Từ Vatican, 13 tháng Sáu 2019

Lễ nhớ Thánh An-tôn Padua

Francis

© Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/6/2019]