Sau vụ tấn công ở Nice, lời chứng đau lòng của cha xứ nhà thờ Đức Mẹ

687

lepelerin.com, Pierre Wolf-Mandroux, 2020-11-01

Vài ngày sau vụ tấn công ở vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời ở Nice, Linh mục Franklin Parmentier trả lời phỏng vấn báo Le Pèlerin (Người hành hương). Vẫn còn bị chấn động, linh mục chia sẻ với cả sức mạnh và cảm xúc của một thông điệp hy vọng.

Cha xứ Franklin Parmentier của vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời ở Nice. © Laurent Carré, báo Le Pèlerin

Ngày thứ bảy 31 tháng 10, chúng tôi gặp Linh mục quản nhiệm Franklin Parmentier của vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời trong phòng của giáo xứ liền kề với nhà thờ ở Nice. Khu vực bị lực lượng an ninh vây quanh. Bận rộn trong việc chuẩn bị lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11, Linh mục Parmentier 44 tuổi không còn biết để đầu vào đâu. Giáo dân và các linh mục liên tục hỏi thăm ngài. Thời điểm quá hoảng loạn; vừa có một kẻ nào đó bắn Linh mục đứng đầu Nhà thờ Chính thống Hy Lạp ở thành phố Lyon. Một cảnh sát vừa đến xin đóng cửa nhà thờ vì có “người khả nghi” đang ở con phố gần đó. Cuối cùng Linh mục Parmentier cố gắng dành bốn mươi phút để nói chuyện với chúng tôi, những lời đã chín muồi trong đầu cha mấy ngày hôm nay.

Ngày 1 tháng 11, đó là ngày cha dâng thánh lễ nhận chức của tân chánh xứ nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời. Cuối cùng thì sẽ không có thánh lễ này…

Linh mục Franklin Parmentier: Đúng. Thay vào đó, chúng tôi có thánh lễ đền tạ lúc 6 giờ chiều (sẽ được phát trên kênh KTO) tiếp theo là lễ Các Thánh. Chúng tôi dâng lễ đền tạ để giao phó nhà thờ vào bàn tay Chúa, xin Ngài giúp chúng tôi tìm thấy ý nghĩa nhà thờ được tạo ra để làm gì. Tôi nghĩ thánh lễ cử hành ngày 1 tháng 11 không phải ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã cho chúng ta cơ hội để đáp lại hành động thù hận và cái chết bằng hành động hiệp thông và yêu thương, bằng việc phục hồi nơi Chúa ban sự sống. Tôi thấy đây là một dấu hiệu rất biểu tượng.

Như thế cha sẽ sớm mở cửa nhà thờ lại?

Đúng, ngày thứ hai, ngày lễ cầu nguyện cho Các Đẳng.

Một số tín hữu quá hãi sợ xin Giáo hội đóng cửa các nơi thờ phượng để không bị bất cứ rủi ro nào trong bối cảnh dễ nổ này. Tại sao không đóng cửa?

Vì bọn khủng bố chỉ chờ điều này. Chúng ta không thể khuất phục trước bạo lực, sợ hãi, man rợ. Tôi sẽ không để họ thắng. Tín hữu kitô chúng ta đã chứng nghiệm Chúa Kitô chết trên thập giá, giống như con chiên bị dẫn đến lò sát sinh. “Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (Rm 8, 36-39). Chúa Giêsu đã mở ngôi mộ, Ngài đã không đóng lại. Vì thế người tín hữu kitô cũng không đóng cửa nhà thờ, nhà thờ là nơi phục sinh. Tôi biết một số người cho là nguy hiểm hoặc vô trách nhiệm. Nhưng nếu chúng ta nghĩ, sống là không chấp nhận rủi ro, thì chúng ta không sống. Chúng ta chịu đựng.

Mẹ Têrêxa đã nói trong một lời cầu nguyện rất đẹp: “Cuộc sống là một cuộc đấu tranh, hãy chấp nhận nó. Cuộc sống là một thảm kịch, hãy đấu tranh với nó. Cuộc sống là cuộc sống, hãy bảo vệ nó. Cuộc sống là hạnh phúc, hãy xứng đáng được như vậy”. Trong kinh Veni creator, chúng ta xin Chúa Thánh Thần đến an ủi chúng ta. Đây không chỉ là một bài hát hay; nhưng trong lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta phải cầu xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Có còn vết tích của vụ tấn công trong nhà thờ không?

Cảnh sát và các đội chống khủng bố đã phong tỏa tất cả những gì cần thiết cho cuộc điều tra của họ. Sau đó vương cung thánh đường đã được tẩy sạch nhiều lần. Tôi đã đến đó hôm nay. Mọi thứ đều sạch sẽ, nhà thờ còn có mùi thơm. Nhưng điều này không làm mất cảm xúc trong chúng tôi.

Cha biết ông Vincent Loquès, nhân viên phòng thánh bị sát hại của vương cung thánh đường không?

Tôi biết anh ấy mười chín năm trước. Sau đó, anh làm phòng thánh ở nhà thờ Thánh Giăng-Đắc ở Nice, khi đó tôi là chủng sinh. Anh ấy là người có tính cách. Nhưng trên hết, anh là người quảng đại, có rất nhiều tài. Anh làm máng cỏ rất đẹp; trong bữa ăn trưa thứ ba, anh nói chuyện với tôi về các việc sắp đặt trong tương lai. Anh tiếp đón mọi người rất tốt. Anh  dỡ bỏ một phần băng ghế để giáo dân có thêm chỗ cầu nguyện trong nhà thờ. Khi bạn có nhiều sáng kiến như vậy là bạn yêu thích nơi mình phụ trách.

Công việc ở phòng thánh sẽ tiếp tục trong vương cung thánh đường?

(Im lặng) Chúng ta phải sống khoảnh khắc mà Chúa đòi hỏi chúng ta sống. Có thời gian để khóc, có thời gian để tưởng niệm và rồi phải nghĩ đến hành động. Cứ luôn nghĩ trong dự trù, chúng ta không sống giây phút hiện tại. Đến một lúc nào đó phải biết ngừng. Bây giờ, suy nghĩ của chúng tôi là dành cho anh Vincent, bà Nadine, bà Simone.

Cha có thường đến vương cung thánh đường không?

Tôi đến một ngày hai lần. Tôi là cha xứ của ba  giáo xứ, kể cả giáo xứ này. Tôi đến đây gần như mỗi ngày để chào anh Vincent, để nhận thư, để gặp cha quản lý địa phận. Ngày hôm trước vụ tấn công, tôi dâng thánh lễ ở đây lúc 6 giờ chiều. Tôi cũng dâng thánh lễ cũng giờ này ngày thứ năm 29 tháng 10.

Cha có nghĩ cha có thể đã ở nhà thờ trong khi nhà thờ bị tấn công không?

Có chứ. Nhưng tôi cố gắng không nghĩ đến nó. Điều làm cho tôi đứng vững là tình cảm, lời cầu nguyện của giáo dân, của cộng đồng, của gia đình tôi. Nói cách khác, sức mạnh của tình yêu và tình bạn, đó là kinh nghiệm Chúa đích thực là như thế nào. Hôm qua, tôi nhận thư của các nữ tu Dòng Cát Minh ở Lyon. Các sơ cầu nguyện cho chúng tôi. Tôi rất xúc động. Đây là chuyện rất đáng kể, sự hiệp thông cầu nguyện.

Hình © Laurent Carré cho báo Le Pèlerin

Cha có nghĩ vụ này xảy ra vài ngày trước ngày cha nhận chức ở đây có ý nghĩa gì không?

(Cha im lặng một lúc lâu) Đây là câu hỏi mà tôi đã tự hỏi trong các ngày qua. Năm 2015, lũ lụt đã làm 20 người trong giáo xứ Thánh Vincent de Lérins của tôi thiệt mạng. Thật là đau đớn. Năm ngoái lụt lại trở lại và có bảy người chết. Cách đây hai năm, tôi bị một tai nạn khủng khiếp làm cho tôi bị chậm lại. Tôi không nghĩ tôi mang cái xui đến. Nhưng tôi cũng không thể không nghĩ vì sao mình đã trải qua các kinh nghiệm này.

Nhưng, “khi khi mình tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao, thì mình tìm người chịu trách nhiệm, tìm thủ phạm. Còn khi mình tìm câu trả lời để phải làm như thế nào, thì mình gặp đồng minh”. Nhận xét này của nữ văn sĩ Anne-Dauphine Julliand đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi đã sống với nó trong nhiều năm. Mình phải sống với đồng minh, mình không sống cho kẻ thù. Thánh Phaolô đã nói: “Chúa không để cho anh em bị thử thách quá sức”. Nếu Chúa muốn tôi ở đây lúc đó, thì có thể Chúa muốn tôi là chứng nhân. Đức tin của chúng ta buộc chúng ta phải xem trọng thế nào là Chúa Phục sinh, bạo lực, câu hỏi về sự dữ, quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó không phải là các bản văn được trích. Tôi tin vào một Thiên Chúa chiến thắng sự dữ. Người muốn cực mạnh bằng bạo lực, đó là ma quỷ, kẻ xúi Chúa Giêsu ra khỏi đền thờ. Thiên Chúa không muốn làm cho con người khổ. Tình yêu của Chúa cao cả hơn mọi quyền lực.

Dù vậy cha có tức giận không?

Có, tôi đã rất tức giận. Nhưng có hai loại tức giận. Cảm giác của mình khi thế giới không như mình muốn. Và điều này đã xảy ra khi thực tế của thế giới nằm ngoài tầm chúng ta.

Cơn giận đầu tiên là kiêu ngạo. Chúng ta muốn thế giới giống như chúng ta. Tuy nhiên, thế giới là hình ảnh của Chúa. Sự tức giận thứ hai mà tôi cảm nhận là sự tức giận có một cái gì vượt quá chúng ta vô hạn. Đó là cuộc nổi dậy chống cái ác. Nhưng chúng ta không được đáp lại cái ác bằng cái ác. Điều này có nghĩa là mình đã để cho Satan chiến thắng. Sự tức giận của chúng ta không được giống như Satan, nhưng phải giống Chúa. Trong Thánh Kinh, Chúa đôi khi cũng nổi giận. Nhưng đó là giận dữ của tình yêu: Ngài muốn chúng ta sống trong tình yêu. Sự tức giận của chúng ta phải khơi dậy trong chúng ta sức mạnh của tình yêu, chứ không phải sức mạnh của hủy diệt, của trả thù, của hận thù.

Làm sao đạt được khi thế giới ngày nay vốn đã quá đau khổ?

Chính bây giờ là lúc đức tin của chúng ta bắt đầu. Thực tế làm chúng ta chạm trực tiếp đến những gì chúng ta tuyên xưng. Đức tin không chỉ là niềm tin, là học thuyết, là hệ thống, nhưng còn là mối quan hệ với Chúa. Lời Chúa không chỉ cho những người sống cách đây 2000 năm, mà còn cho người ngày nay. Bạn xem bài đọc trong ngày nhà thờ bị tấn công: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quy. (…) Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính,  chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an;16 hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ê-phê-sô 6, 10-20).

Hình © Laurent Carré cho báo Le Pèlerin

Cha có sợ không?

Đây không phải là vấn đề sợ mà là có biện pháp cho những gì đã xảy ra. Khi chúng ta đối diện với vực thẳm của bạo lực … (cha dừng lại, chùi mắt). Bạn biết đó, thời gian đã ngừng vào ngày hôm đó. Tôi đến vương cung thánh đường lúc 9:39 sáng, xung quanh là còi báo động, cảnh sát, các chính trị gia. Rất nhiều người đáng ngưỡng mộ. Chúng tôi không đơn độc; bên ngoài có những con người tuyệt vời, và bên trong có tâm hồn này với tâm hồn kia cùng với Chúa.

Bị thương, kẻ khủng bố hiện đang được điều trị. Cha có nghĩ về ông ấy không?

Khi Đức Gioan-Phaolô II bị tấn công ngày 13 tháng 5 năm 1981, kẻ tấn công ngài không chết. Nhiều người muốn cho người này chết. Nhưng có một cái gì đó đã biến đổi ông khi ông ở tù. Đức Bênêđictô XVI cho rằng cần phải “hy vọng chống lại mọi hy vọng”. Tôi hy vọng người đàn ông này sẽ tìm được một nơi để hoán cải cuộc sống. Nơi ông sẽ từ bỏ cái chết, bạo lực, các ngụy thần của mình cho một Thiên Chúa yêu thương. Tôi có hy vọng này. Nó không thuộc về tôi, cũng không thuộc về Đức Gioan-Phaolô II khi ngài gặp kẻ tấn công ngài. Đây không phải là điều không tưởng. Chính vì Giáo hội tin rằng một người vẫn có thể hoàn thành một điều gì đó lớn hơn các hành động của họ, nên Giáo hội chống án tử hình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch