Sáu thử thách trong năm thứ chín triều giáo hoàng Phanxicô

405

by Phanxicovn

cath.ch, I.Media, 2022-03-11

Vấn đề sức khỏe, lạm dụng tình dục, cải cách, công lý, giáo hoàng chưa hết rắc rối | © Keystone / AP Photo / Gregorio Borgia

Năm thứ chín triều giáo hoàng Phanxicô là một trong những năm khó khăn nhất kể từ khi ngài được bầu lên ngai Thánh Phêrô ngày 13 tháng 3 năm 2013. Chúng ta cùng nhìn lại sáu thử thách lớn ngài phải đối diện trong năm vừa qua.

1- Sức khỏe của giáo hoàng

Chưa bao giờ sức khỏe của Đức Phanxicô được nói đến nhiều như năm vừa qua. Phải nói giữa lòng đại dịch Covid, giáo hoàng 85 tuổi vào tháng 12 vừa qua đã có dấu hiệu mệt mỏi, ngài trải qua một ca phẫu thuật rất nặng. Đầu tháng 7, ngài đã phải vào bệnh viện để ruột kết và phải cắt bỏ 33 cmt ruột.

Đức Phanxicô hồi phục tốt sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Gemelli, Rôma tháng 7 năm 2021 | © Vatican Media qua AP / Keystone

Dĩ nhiên lần nhập viện này đã tạo ra những tin đồn ngài sẽ từ chức. Trong một phỏng vấn vào cuối tháng 8, ngài tương đối hóa: “Mỗi lần giáo hoàng bị ốm, luôn có một cơn gió thoảng qua hoặc một trận cuồng phong thổi tới.” Sau đó ngài có hai chuyến đi, chuyến đi Budapest và Slovakia tháng 9, chuyến đi Síp và Hy Lạp tháng 12 đã làm mọi chuyện lắng xuống.

Nhưng trong tuần cuối tháng 2, một lo âu khác về sức khỏe đã làm Đức Phanxicô phải hủy một số cuộc hẹn quan trọng, trong đó có chuyến đi Florence, ngài bị đau đầu gối và đi đứng khó khăn. Tuy nhiên ngài sẽ đi Malta vào đầu tháng 4 và đi Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan vào tháng 7, đó sẽ là những dấu hiệu quan trọng cho thấy sự tiến triển sức khỏe của ngài.

2- Một năm đầy sóng gió trong các bộ

Năm thứ 9 triều giáo hoàng của ngài đáng lẽ là năm công bố Tông hiến được cho là để cải tổ Giáo triều. Nhưng Tông hiến luôn cần xem lại, một số kháng cự và khó khăn đã xuất hiện trong các cấu trúc mới do Đức Phanxicô thành lập trong những năm gần đây.

Trong “bộ khổng lồ” Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện được ngài thành lập, cuối năm vừa qua cho thấy tình trạng quá  phức tạp. Vì thế hồng y Czerny đã thay thế hồng y Turkson làm tổng trưởng lâm thời; một thay đổi người đứng đầu có thể như vô hại nhưng cho thấy có một tình trạng bất ổn nội bộ.

Đức Phanxicô chỉ trích “chủ nghĩa quan liêu” trong các cơ cấu truyền thông của Vatican | © Vatican media

Một thực thể thiết yếu khác của guồng máy Giáo triều cũng đã lung lay trong những tháng gần đây: Bộ Truyền thông có hơn 500 nhân viên. Trong chuyến thăm đáng nhớ tới các cơ sở của Bộ, ngài đã công khai đặt vấn đề về hiệu quả của các phương tiện truyền thông Vatican, gây xôn xao trong giới nhân viên và có những chất vấn về quá trình cải cách bắt đầu từ năm 2015.

3- Rắc rối pháp lý và khó khăn tài chính

Năm vừa qua cũng được đánh dấu bằng việc mở phiên tòa vào tháng 7 để xử vụ mua bán tòa nhà ở London, và xét xử trách nhiệm của mười người trong các lãnh vực khác nhau của vụ bê bối lớn nhất triều giáo hoàng, trong số các bị can có hồng y Angelo Becciu, người thân cận với giáo hoàng.

Phiên tòa này, trong sáu tháng đầu tiên, đã được chứng minh là một thử thách nghiêm trọng với những cải cách do Đức Phanxicô thực hiện nhằm hiện đại hóa nền tư pháp Vatican. Năng lực và tính hợp pháp của cơ quan tư pháp đã bị đặt vấn đề nhiều lần trong các phiên điều trần đầu tiên. Nếu trở ngại này bây giờ có vẻ được khắc phục, thì năng lực của cơ cấu tư pháp nhỏ do Đức Phanxicô thiết lập để “dọn dẹp các chuồng ngựa của Augias” vẫn còn được chứng minh.

Trong số các vấn đề lớn khác của Vatican, phiên tòa sẽ xác nhận uy tín của các cuộc cải cách của Đức Phanxicô  | © Vaitcan News

Trong vụ án này, uy tín đạo đức của Giáo hội công giáo dường như cũng bị đe dọa. Khoảng cách lớn giữa những lời kêu gọi của Đức Phanxicô chống lại nền tài chính toàn cầu hóa và sự thái quá của mafia được thấy ngay cả gần ngai Thánh Phêrô, trên thực tế dường như rất khó duy trì. Ngoài ra, Tòa thánh đang trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn.

Báo cáo vào tháng 1 vừa qua cho biết ngân sách năm 2022 thâm hụt, Tòa Thánh tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Sự sụt giảm các khoản quyên góp vì đại dịch – và nhất là việc đóng cửa các Bảo tàng Vatican – là cái gai dưới gót chân Đức Phanxicô, ngài vẫn mong Tòa Thánh hiệu quả hơn trong công việc bác ái và truyền giáo.

4- Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti bị chiến tranh thử thách

Một năm sau chuyến tông du lịch sử đến Irak của Đức Phanxicô, dường như đã mang thành quả tốt đẹp cho thông điệp Fratelli tutti, cho thấy sức mạnh của đối thoại giữa các tôn giáo trong một đất nước bị tổn thương vì chia rẽ, chính tại châu Âu, mà ngài đã phải đối diện với một cuộc chiến tranh tầm cỡ không ngờ tới. Kể từ cuối tháng 2, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm đảo lộn địa chính trị toàn cầu, nhưng cũng làm suy yếu nỗ lực của Đức Phanxicô trong việc cởi mở tinh thần đại kết với Giáo hội chính thống Nga.

Trong tất cả các bài phát biểu của ngài, Đức Phanxicô vẫn tránh lời chỉ trích trực diện Nga, để duy trì các đường dây liên lạc ngoại giao tiềm năng. Chuyến đi bất ngờ của ngài đến sứ quán Nga ngày 25 tháng 2 vẫn là một trong những cử chỉ quan trọng nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Trong khi cố gắng duy trì quan điểm trung dung, Tòa thánh đặc biệt nhấn mạnh vào việc đảm bảo các hành lang nhân đạo cho người dân được thoát ra khỏi vùng giao tranh.

5- Kiên quyết với những người theo chủ nghĩa truyền thống

Dù đã được mong đợi từ nhiều tháng, việc công bố tự sắc  Traditionis custodes, Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng mùa hè vừa qua đã gây sốc – tạo phản ứng giữa khó hiểu và tức giận – trong giới truyền thống. Từ nay, tự sắc này quy định nghiêm nhặt cử hành thánh lễ theo nghi thức Tridentin, và phải gọi là “nghi thức cũ”, không còn gọi là “hình thức ngoại thường” nữa.

Ngài ban hành một ngoại lệ cho Huynh đoàn Thánh Phêrô.

Một biện pháp được Đức Phanxicô thực hiện, xem lại các điều khoản mở đầu được thông qua dưới thời Đức Bênêđíctô XVI để ngăn chặn sự phản đối Công đồng Vatican II, đưa đến sự bất đồng về phụng vụ. Tuy nhiên, sự kiên định của ngài về các nguyên tắc sau đó đã nhường chỗ cho một hình thức uyển chuyển mục vụ, khi tháng 2 vừa qua ngài quyết định ban hành một ngoại lệ cho Huynh đoàn Thánh Phêrô.

6- Tai họa của các vụ lạm dụng

Năm nay cũng không tránh được tai họa của các vụ lạm dụng: được đánh dấu qua quyết định của nhiều Hội đồng Giám mục ủy nhiệm cho các ủy ban kiểm toán bên ngoài điều tra các vụ lạm dụng trong giáo phận. Hai báo cáo đã gây xôn xao dư luận, nhấn mạnh đến mức độ của cuộc khủng hoảng hiện nay: ở Pháp là báo cáo của CIASE – hay “báo cáo Sauvé” – và ở Đức là báo cáo của Tổng giáo phận Munich-Freising. Và các nhà điều tra đã  không ngần ngại đặt câu hỏi về việc xử lý một số trường hợp của giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI khi ngài đứng đầu tổng giáo phận Bavaria.

Đức Bênêđíctô XVI bị buộc tội có “hành vi sai trái” liên quan đến việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục ở giáo phận cũ Munich-Freising của ngài | © Keystone / MaxPPP / F. Frustaci / EIDON

Tòa thánh đã không bất động, Đức Phanxicô trình bày một phiên bản mới của Quyển VI của Bộ Giáo luật, về các hình phạt, nhằm củng cố khả năng chống lại các vụ lạm dụng. Tháng 1, ngài kêu gọi Bộ Giáo lý Đức tin “thực thi công lý” cho các nạn nhân bị lạm dụng bằng cách áp dụng luật “một cách nghiêm khắc”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch