PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Tổng Giám mục Kikuchi của Tokyo…

606
PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Tổng Giám mục Kikuchi của Tokyo kêu gọi xã hội Nhật chân nhận sự sống từ lúc thụ thai đến khi chết là vô giá
Copyright: Vatican Media / Archdiocese Of Tokyo

PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức Tổng Giám mục Kikuchi của Tokyo kêu gọi xã hội Nhật chân nhận sự sống từ lúc thụ thai đến khi chết là vô giá (trên Chuyên cơ Giáo hoàng)

Trao đổi với ZENIT về những thực tại ở Nhật

22 tháng Mười Một, 2019 14:43

Đức Giám mục Tarcisius Isao Kikuchi, Tổng Giám mục Tokyo, cảnh báo một số nguy cơ tuyệt chủng dân số do các tiêu chuẩn văn hóa và đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ để chân nhận việc bảo vệ sự sống từ khi thụ thai đến lúc chết tự nhiên.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Deborah Castellano Lubov, phóng viên Vatican của Zenit, trên Chuyên cơ Giáo hoàng tháp tùng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxico tới Nhật Bản và Thái Lan, từ 19 đến 26 tháng Mười Một, Đức Tổng Giám mục Nhật Bản bày tỏ mối quan ngại này. Vị giám mục Châu Á đang tháp tùng chuyến đi và sẽ có mặt cùng với Đức Thánh Cha Phanxico trong tất cả các sự kiện quan trọng trong chuyến đi ‘Nhật Bản mở rộng’ của chuyến tông du kéo dài tám ngày đến hai quốc gia Châu Á.

Trong phỏng vấn, Zenit đã có cơ hội tìm hiểu tất cả về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, những thực tại của người Kitô hữu ở Nhật Bản và của xã hội nói chung, và một số chủ đề có thể quan trọng nhất trong những ngày sắp tới. Đây là cuộc phỏng vấn riêng của chúng tôi:

***

ZENIT: Đức Cha có thể mô tả bầu không khí ở Nhật Bản như thế nào, nơi đang mong chờ được chào đón Giáo hoàng? Và Đức Cha hy vọng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ để lại điều gì cho Nhật Bản?

TGM Kikuchi: Người Công giáo, hoặc thậm chí toàn bộ cộng đồng Ki-tô hữu, là một thiểu số nhỏ bé ở Nhật Bản, do đó Đức Thánh Cha không được công chúng biết đến nhiều. Chúng tôi hiếm khi xem thấy hoặc nghe truyền thông Nhật đề cập đến Đức Thánh Cha. Ngay cả trong số các quan chức chính phủ hoặc các chính trị gia, tầm quan trọng của Đức Thánh Cha trong những quan hệ quốc tế như là người có uy quyền về đạo đức vẫn chưa được hiểu rõ. Với nhiều người, chuyến thăm này được xem là chuyến đi của một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo “nổi tiếng”. Vì vậy, những gì Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản đã và đang làm là cố gắng hết mức để phổ biến thông tin về Đức Thánh Cha, vai trò của Tòa Thánh trong những quan hệ quốc tế, và tất nhiên, về Giáo hội Công giáo nói chung. Tôi hy vọng Đức Thánh Cha sẽ để lại một tác động sâu sắc trong tâm hồn nhiều người thông qua thông điệp yêu thương, hòa bình và hy vọng giúp nhiều người tìm được chìa khóa để chọn con đường tốt hơn để đạt được hy vọng cho tương lai.

ZENIT: Phương châm của chuyến đi đến Nhật Bản là lời kêu gọi để thúc đẩy và bảo vệ sự sống. Phương châm này nhắm đến đến điều gì? Và tại sao nó cần thiết?

TGM Kikuchi: Ngày nay, “Tin Mừng của sự sống” (thuật ngữ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II) là thực sự cần thiết trong xã hội Nhật, nơi sự sống của con người không được tôn trọng, con người được đánh giá bởi mức độ họ có thể đóng góp bao nhiêu cho sự phát triển của xã hội. Và người khuyết tật bị gạt ra bên lề, hoặc đôi khi ngay cả quyền được sống cho người khuyết tật cũng không được bảo vệ. Ngày nay ở Nhật, rất nhiều người bị lạc lối trong việc tìm kiếm niềm hy vọng cho tương lai, cảm thấy bị cô lập hoặc bị gạt ra ngoài. Sự bột phát kinh tế là một chuyện kể của quá khứ. Ngoài một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn thanh niên không thể tìm được việc làm ổn định ngay cả sau khi đã trải qua nhiều năm học ở bậc cao. Người trẻ và người già bị cô lập trong xã hội vì không ai quan tâm đến họ. Truyền thống đẹp đẽ như sự trợ giúp cộng đồng cũng đã trở thành câu chuyện của quá khứ, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi dân số đang tăng nhanh. Ở các vùng nông thôn, dân số đang già đi và những cộng đồng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Sự cô lập, nghèo đói, không tôn trọng sự sống con người và không thể tìm được nguồn hy vọng cho tương lai đang giết chết con người ở nước Nhật hiện đại. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải thúc đẩy và bảo vệ sự sống.

ZENIT: Tại Nhật Bản, Giáo hội Công giáo đã chịu một cuộc bách hại thảm khốc và lâu dài trong các thế kỷ qua. Kinh nghiệm nào đã để lại cho Giáo hội Công giáo Nhật? Ngoài ra, xin Đức Cha có thể cho chúng con biết thêm về cộng đồng nhỏ bé người Công giáo Nhật Bản trong nước?

TGM Kikuchi: Gần đây, chúng tôi đang thúc đẩy lòng sùng kính các vị tử đạo trong thời gian bị bách hại bắt đầu là 188 vị tử đạo được được phong chân phước năm 2008 và ngài Just Ukon Takayama đã phong chân phước năm 2017, là một “kirishitan daimyo” (lãnh chúa) và samurai theo Công giáo, người đã sống và bị đày đến Philippines trong thế kỷ 17. Chúng tôi muốn học từ những vị tử đạo thánh thiện này không những là lòng can đảm trung thành với đức tin mà còn là cách các ngài sống như những chứng nhân của Tin mừng giữa đa số là những người ngoài Ki-tô giáo. Đây là những người không rao giảng Tin mừng bằng lời nói nhưng qua cách họ sống và cư xử với người khác, đặc biệt là những người cần sự giúp đỡ. Vì hành động nhân từ của họ, chẳng hạn như 53 vị tử đạo ở Yonezawa, người Ki-tô hữu thời đó mặc dù bị bách hại vẫn được nhiều người chấp nhận. Chúng tôi muốn noi theo những tấm gương của các vị tử đạo. Chúng tôi là một thiểu số nhỏ trong xã hội Nhật nhưng chúng tôi muốn cho người khác thấy cách chúng tôi sống là con cái của Chúa như thế nào qua lời nói và hành động của chúng tôi, qua mối quan hệ của chúng tôi với người khác.

ZENIT: Làm thế nào người ta có thể nhìn thấy những việc tốt lành đó?

TGM Kikuchi: Chẳng hạn, sau thảm họa ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại khu Tohoku, Caritas Nhật Bản cùng với toàn thể cộng đồng Công giáo tại Nhật đã thành lập tám trung tâm thiện nguyện tại khu vực ven biển để hỗ trợ cho các nạn nhân và góp phần cải tạo những cộng đồng địa phương. Chúng tôi vẫn duy trì 5 trụ sở và được người dân địa phương rất trân trọng, một số người gọi các thiện nguyện viên là “ông Caritas” hoặc “bà Caritas”. Đó là việc truyền giáo của chúng tôi thông qua sự đóng góp cho xã hội bằng sự giúp đỡ cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống và cũng tái xây dựng các mối quan hệ của con người để giải thoát con người khỏi sự cô đơn.

ZENIT: Những thách thức lớn nhất đối với xã hội Nhật là gì?

TGM Kikuchi: Tháng Bảy năm 2016, vụ giết 19 người khuyết tật tại Tsukui Yamayurien cho thấy rằng việc tôn trọng sự sống con người đã vắng bóng trong xã hội của chúng tôi. Một thanh niên giết 19 người vì cho rằng những người khuyết tật đó chẳng có gì để đóng góp cho xã hội, và do đó cần phải kết liễu. Cộng thêm cho sự tàn ác này thì chúng tôi phát hiện ra rằng khá nhiều người thể hiện sự tán đồng với hành động của người thanh niên đó và đánh giá cao tội ác đó trên Internet. Điều đó đã làm tôi kinh hoàng, tôi là một người đã và đang nói về tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống con người. Sự sống con người đang đối mặt với nguy hiểm lớn trong xã hội Nhật Bản. Sự sống con người phải được bảo vệ từ khởi đầu đến kết thúc. Và thông điệp này hoàn toàn biến mất trong xã hội Nhật Bản hiện tại.

ZENIT: Đức Cha có thể chia sẻ một số ví dụ về cách người ta có thể nhìn thấy mối nguy hiểm này ở Nhật Bản không?

TGM Kikuchi: Chúng tôi cũng không quên mối nguy hiểm tiếp theo đối với sự sống con người trong xã hội của chúng tôi. Từ năm 1998 đến nay, hơn 20.000 người, có khi hơn 30.000 người đã tự tử tại Nhật Bản. Ở đất nước hiện đại và tiến bộ này, đầy đủ những của cải vật chất, nhưng người ta lại bị đẩy vào chân tường để hủy đi mạng sống của chính họ. Ngày nay, chúng tôi có khá nhiều cư dân đến từ những quốc gia khác. Một số người trong đó phủ lấp vào sự thiếu hụt nhân lực trong xã hội đang già đi này với một vài đứa con. Nhiều người đã quyết định sống ở Nhật Bản lâu dài. Vì vậy, họ không còn là khách ở đây nữa mà trở thành một phần của cộng đồng chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi nghe nói nhiều người trong đó gặp khó khăn khi hòa nhập với xã hội Nhật và bị cô lập. Một số họ thậm chí còn bị ngược đãi bởi chủ nhân của họ. Người tị nạn thường không được chào đón bởi cả chính phủ và công chúng. Nhiều người hiểu rằng chính phủ Nhật Bản không muốn cấp tình trạng tị nạn cho những người đến Nhật để tìm sự an toàn. Tất cả những vấn đề hoặc thực tại này có thể được phân loại thành các vấn đề đe dọa đến sự sống. Sự sống con người đang đối mặt với thách thức lớn trong đất nước này và việc bảo vệ sự sống con người phải được trao cho sự ưu tiên.

ZENIT: Người dân Nhật Bản biết gì về Công giáo và Giáo hoàng?

TGM Kikuchi: Người ta không biết nhiều về Đức Thánh Cha vì Ngài không thu hút sự chú ý của truyền thông Nhật Bản như lúc này. Công giáo thì được biết đến nhiều vì sự tồn tại của các cơ sở giáo dục Công giáo bắt đầu từ Mẫu giáo đến Đại học. Có rất nhiều cơ sở như vậy trên khắp nước Nhật. Vì vậy, nhiều người đã có cơ hội gặp gỡ với Đức Ki-tô, ít nhất là trong thời gian đi học.

ZENIT: Có rất nhiều dự đoán về những điểm dừng chân của Đức Thánh Cha tại Hiroshima và Nagasaki, là những nơi đã bị sử dụng vũ khí nguyên tử. Ý nghĩa của chuyến viếng thăm của Giáo hoàng đến những nơi đó là gì? Và Đức Cha mong đợi gì từ chuyến viếng thăm của Giáo hoàng đến những nơi đó?

TGM Kikuchi:
 Gửi những thông điệp hòa bình từ các thành phố thực tế đã bị đánh bom nguyên tử sẽ có một tác động sâu sắc đến con người trên toàn thế giới và công chúng ở Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng chính phủ Nhật cũng muốn một người như Đức Thánh Cha có tiếng nói đạo đức mạnh mẽ để đưa ra lập trường rõ ràng chống lại vũ khí nguyên tử và lên tiếng nói từ những nơi đó. Vì vậy, việc đến thăm Hiroshima và Nagasaki của Đức Thánh Cha có ý nghĩa rất quan trọng trong chuyến thăm Nhật Bản. Tôi hy vọng thông điệp của Đức Thánh Cha sẽ truyền cảm hứng cho cả chính phủ Nhật và công chúng nói chung một lần nữa cam kết nghiêm túc về việc Không phổ biến và Loại bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử khi những căng thẳng quốc tế giữa các nước láng giềng đang chạm đến mức báo động.

ZENIT: Hành trình đến Nhật Bản này sẽ là một trong những hành trình dài nhất được Đức Thánh Cha thực hiện cho đến nay, với mục đích gặp gỡ một cộng đồng Công giáo nhỏ bé. Tầm quan trọng của chuyến đi này là gì, cũng như sự tiếp nối của chuyến thăm của đấng tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolo II?

TGM Kikuchi: Tôi tin rằng Đức Thánh Cha đến Nhật Bản để cho chúng tôi thấy chúng tôi nên thực hiện việc truyền giáo như thế nào tại Nhật. Là người kế vị Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha cố gắng hoàn thành sứ mạng hàng đầu của mình là loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, ngài đến với chúng tôi để nhắc nhở chúng tôi về sứ mạng là người Ki-tô hữu và chính ngài sẽ cho chúng tôi thấy chúng tôi nên làm như thế nào qua lời nói và hành động của ngài trong thời gian ở Nhật Bản.

ZENIT: Đức Phanxico / Ngài Jorge Mario Bergoglio luôn có một sự quan tâm đến đất nước của Đức Cha. Sự gắn bó riêng của ngài với đất nước của của Đức Cha có ý nghĩa như thế nào, và chuyến thăm này có ý nghĩa gì với toàn bộ châu Á?

TGM Kikuchi: Dĩ nhiên, có rất nhiều Khu vực Truyền giáo ở những vùng khác trên thế giới nhưng người Ki-tô hữu là một thiểu số nhỏ bé ở hầu hết các quốc gia Châu Á. Tất cả chúng tôi đang phải đấu tranh không phải vì sự tồn tại của chúng tôi mà để làm chứng cho Tin Mừng. Chúng tôi rất cảm kích trước tình yêu của Đức Thánh Cha dành cho châu Á và đặc biệt là tình yêu của ngài dành cho nước Nhật. Đó là sự khích lệ lớn cho tất cả chúng tôi ở Châu Á.

Ở châu Á, chúng tôi đã cố gắng đối thoại với văn hóa, tôn giáo và con người, đặc biệt là với người nghèo, và cuộc đối thoại ba chiều này chắc chắn là vô cùng cần thiết trong những nỗ lực truyền giáo của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ vui mừng chào đón Đức Thánh Cha là người tôn trọng các nền văn hóa và tôn giáo khác, là người thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người thiếu thốn.

ZENIT: Thưa Đức TGM Kikuchi, xin cảm ơn Đức Cha rất nhiều.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/11/2019]