by phanxicovn
la-croix.com, AFP, 2018-01-18
Một người dân thuộc bộ tộc Ese Eja của vùng Palma Real giương cung trước khi Đức Phanxicô đến thành phố Puerto Maldonado, 17-1-2018 / AFP
Cây cung và mũi tên: Đó là món quà tượng trưng của một cộng đoàn bản địa ở Pêru sẽ tặng Đức Phanxicô để ngài bảo vệ và đòi lại các vùng đất tổ tiên mà họ đã bị tước.
Ông César Jojaje Eriney, 43 tuổi, trưởng bộ tộc Ese Eja của vùng Palma Real tuyên bố: “Chúng tôi là một dân tộc không còn đất đai của tổ tiên”, ông vừa nói vừa sửa lại mũ lông vẹt trên đầu, ông mang dây đeo cổ truyền thống và có hàm răng con báo và con heo rừng. Ông César xem chuyến đi của Đức Giáo hoàng với “cặp mắt hy vọng để Nhà nước Pêru trả lại đất cho chúng tôi. Đó là con đường duy nhất, cơ hội duy nhất của chúng tôi.”
Trong cộng đồng nhỏ chỉ có 230 người dân này, con đường độc đạo để đến nơi họ ở là phải đi tàu hai giờ từ thành phố Puerto Maldonado (miền nam-đông Pêru) băng qua rừng già Amazzonia, trẻ con đi chân đất giữa đám gà và trong số các vật hiếm hoi của thời văn minh hiện đại có vài chiếc điện thoại cầm tay, vài áo thun đá banh và xe môtô.
Một người dân thuộc bộ tộc Ese Eja của vùng Palma Real, ngày 17 -1- 2018 trước khi Đức Phanxicô đến thành phố Puerto Maldonado / AFP
Ngày thứ sáu 19-1-2018, Đức Phanxicô sẽ đến thành phố Puerto Maldonado, tại đây ngài sẽ gặp 3.500 người dân bản địa Pêru, Bôlivia và Ba Tây.
Với người Ese Eja, họ phải đi rất xa để gặp Đức Phanxicô: 187 người dân đã ghi tên để tham dự chuyến đi này ở thành phố mà thường thường họ chỉ đến đây một năm một lần.
“Một cụ già dễ thương”
Các người dân thuộc bộ tộc Ese Eja của vùng Palma Real đi Puerto Maldonado để gặp Đức Phanxicô, 17-1-2018 / AFP
Giáo hội lo vấn đề di chuyển cho cộng đồng này, thường họ không có tàu để đi. Tám chiếc tàu dành cho vùng Palma Real và các người bảo đảm, họ đi cả gia đình, chất đầy hành lý, thức ăn nước uống cho ba ngày. Ông César liên lạc bằng loa phát âm.
Nhưng đối với họ, Đức Giáo hoàng là ai? Ông Martin Ramirez giải thích: “Họ biết đó là một giám mục rất lớn cho tất cả mọi người”, ông Martin là đặc phái viên của cơ quan Caritas gởi đến để lo cho việc di chuyển của cộng đồng này. Tuy nhiên ông cho biết, cũng phải gởi “một ủy ban đến để giải thích cho họ biết, giáo hoàng là ai và vì sao có cuộc gặp này”.
Ông César cho biết: “Chúng tôi gọi ngài là Cha già dễ thương ‘Papachi’”. Các bộ tộc khác của vùng gọi Đức Phanxicô là “cha già Apaktone”.
Ngày thứ sáu, ông muốn nói với ngài hai điều: “Nói lời ngài cám ơn vì đã cứu đời sống chúng tôi” vì Giáo hội Công giáo bảo vệ cộng đoàn chúng tôi từ những năm 1940 trước sự bành trướng của kỹ nghệ cao su, thời gian này đã có rất nhiều người bản địa bị giết. Hồi đó chúng tôi có 25.000 đến 30.000 người, bây giờ chúng tôi chỉ còn 600 người, kể cả hai bộ tộc Ese Eja khác của vùng”.
Các người dân thuộc bộ tộc Ese Eja vùng Palma Real đi Puerto Maldonado, ngày 17 tháng 1 – 2018 để tham dự chuyến đi của Đức Phanxicô / AFP
Ông César lên tiếng báo động: “Nhưng ngài cứu chúng tôi thêm một lần nữa, bởi vì chúng tôi không thể bị biến mất!”, ông tố cáo Nhà nước cưỡng chế một phần đất đai của họ.
Hiểm họa của nghề đãi vàng
Nếu người dân bộ tộc Ese Eja sống đơn giản nhờ trồng trọt thì đất của họ là nguồn tài nguyên phong phú làm cho các công ty đa quốc gia thèm rỏ dãi: Vàng, khí đốt, dầu hỏa.
Hiểm họa của nghề đãi vàng là một tai ương vì nó tạo nên các hố bùn rộng mênh mông trong vùng, làm đổ thủy ngân vào nước, một loại kim loại dùng để đãi vàng.
Ông César than phiền: “Ngày hôm qua họ giết chúng tôi, bắn chúng tôi trên đầu, ngày hôm nay họ muốn trừ khử chúng tôi bằng cách để cho chúng tôi chết đói”, ông tố cáo chính quyền đã có những thỏa thuận với các nhóm tài phiệt lớn.
Ngoài các vật dụng thủ công nghệ của các phụ nữ bộ tộc Ese Eja làm, cộng đoàn còn tặng Đức Phanxicô, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên một “cây cung và mũi tên để ngài bảo vệ chúng tôi”.
Ngồi không xa đó, ông Jacinto Savera Chatawa, 70 tuổi và là cha của 12 người con, ông không xúc động mấy về chuyến thăm này, ông nói phúc âm hóa đã áp đặt trên bộ tộc của ông các luật lệ khác với luật lệ của bộ tộc. Vừa ôm con khỉ trên đầu gối ông vừa nói: “Người ta văn minh hóa chúng tôi, người bản địa chúng tôi có quyền có ba, bốn vợ, cha xứ cấm không được vậy. Chúa của chúng tôi là ‘Edosikiana’ chứ không phải Chúa của người Công giáo”. Ông Jacinto sẽ không đi gặp giáo hoàng ngày thứ sáu ở Puerto Maldonado. Ông nói đùa với gia đình: “Sẽ là một chúa có hai cánh bay từ trời xuống…!”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch