Tri Khoan chuyển ngữ
Lyon, Pháp, 21 tháng Năm, 2022 / 04:00 am
Năm 1859 là năm Thánh Gioan Vianney qua đời, ngài đã tặng một cây thánh giá cho chị Pauline Jaricot, người sẽ trở thành vị chân phước mới nhất của Giáo hội vào Chúa nhật này.
Khi làm việc đó, thánh nhân nói những lời này: “Chỉ duy nhất Thiên Chúa là chứng nhân, Chúa Giêsu Kitô là khuôn mẫu, Đức Maria là chỗ dựa, và sau đó không có gì, không gì khác ngoài tình yêu và sự hy sinh.”
Ngày nay, có thể nhìn thấy thánh giá đó tại Maison de Lorette, một tòa nhà mới được phục hồi gần đây ở Lyon là thành phố ở trung tâm miền đông nước Pháp, nơi chị Jaricot sẽ được phong chân phước vào ngày 22 tháng Năm.
Chị Jaricot là một nhân vật nổi bật trong giới Công giáo Pháp thế kỷ 19 nhưng ít được biết đến bên ngoài nước Pháp hơn Thánh Vianney là người đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời chị.
Chị đã gặp vị linh mục khi còn nhỏ. Cha mẹ chân phước có một ngôi nhà ở miền quê, ở Tassin, gần Lyon, trong giáo xứ Dardilly nơi Cha Vianney phục vụ. Thỉnh thoảng cha đến ăn trưa tại nhà Jaricot vào Chúa nhật, cho đến khi được bổ nhiệm làm cha sở Curé of Ars.
Jaricot sinh tại Lyon ngày 22 tháng Bảy năm 1799, sau Cách mạng Pháp và sáu tháng trước cuộc đảo chính của Napoléon Bonaparte. Vùng Lyon là một trung tâm quan trọng của cuộc kháng chiến chống lại Cách mạng và Jaricot đã được rửa tội bởi một refractory priest (refractory priest: linh mục từ chối lời thề trung thành với nhà nước Pháp hơn là những ảnh hưởng từ nước ngoài như Giáo hoàng).
Chị là con út trong gia đình có bảy người con. Mẹ là một công nhân dệt tơ lụa — một công việc có thu nhập thấp — nhưng nhờ người cha làm chủ nhà máy, gia đình chị sống sung túc ở trung tâm Lyon, cạnh Nhà thờ Saint-Nizier.
Vào một ngày kia, chính trong nhà thờ đó đã làm thay đổi cuộc đời chị. Năm 17 tuổi, chị nghe một bài giảng lễ khiến chị rung động cực độ. Cho đến thời điểm đó, chị sống một đời sống Kitô hữu nhuốm màu phù phiếm. Nhưng vào lễ Giáng sinh năm 1816, chị đã khấn đồng trinh trọn đời trong một nhà nguyện nhỏ cung hiến cho Đức Trinh nữ Maria trên đồi Fourvière, một quận của thành phố Lyon nằm về phía tây của khu phố cổ.
Năm 1815, gia đình chuyển đến một địa điểm khác trong thành phố, gần khu phố La Croix-Rousse, nơi những người thợ tơ lụa nghèo khó sinh sống. Sau cuộc hoán cải năm 1816, Jaricot bắt đầu cầu nguyện nhiều và quyết định ăn mặc như những người thợ tơ lụa để gần gũi với người nghèo và là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Đức Kitô giữa họ.
Chị vẫn tiếp tục đi Nhà thờ Saint-Nizier (nơi chị được chôn cất), nhưng cũng bắt đầu đến Nhà thờ Thánh Polycarp ở La Croix-Rousse (nhà thờ ngày nay lưu giữ trái tim của chân phước). Tại đây, chị thành lập một nhóm trong giáo xứ với những người thợ tơ lụa được gọi là Réparatrices du cœur de Jésus méconnu et méprisé.
Trong những giờ cầu nguyện dài, chân phước nghe tiếng Chúa Giêsu than van về sự vô ơn bạc nghĩa của loài người. Chị thành lập một nhóm đền tạ và an ủi Chúa Giêsu thông qua việc cầu nguyện và hành động. Linh đạo của nhóm tập trung vào Thánh Thể và lòng sùng kính Thánh giá.
Một ngày nọ, Jaricot nghe được một vài tin xấu từ các bạn của một người anh của chân phước, Philéas, đang là một chủng sinh ở Paris. Hội Thừa sai nước ngoài Paris, được thành lập năm 1663 để truyền giáo cho vùng Châu Á, đang gặp khó khăn về tài chính.
Cùng với các thành viên khác trong nhóm của mình, chân phước bắt đầu quyên tiền cho Hội vào thứ Sáu hàng tuần trên các đường phố của Lyon. Từ đó xuất hiện tổ chức tiền thân được gọi là Hội Truyền bá Đức tin và sau này là Hiệp hội truyền bá Đức tin.
Vào năm 1922, Đức Piô XI đã thêm tước hiệu “Giáo hoàng” và ngày nay hiệp hội là lâu đời nhất trong số bốn Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng, một nhóm bao gồm các hội truyền giáo của Công giáo dưới quyền của Giáo hoàng.
Khi sáng kiến này mở rộng, cha linh hướng của Jaricot yêu cầu chân phước dành tâm trí nhiều hơn nữa cho việc cầu nguyện. Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với chân phước vì chị muốn được hoạt động. Nhưng trong thời gian này, chân phước đã viết quyển sách “Infinite Love in the Divine Eucharist”, một bài suy niệm đơn sơ nhưng sâu sắc về Bí tích Thánh Thể được nhiều thế hệ người Công giáo Pháp đọc.
Năm 1825, Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã tổ chức Đại Năm Thánh, kêu gọi người Công giáo lần hạt Kinh Mân Côi để bảo vệ Giáo hội và thế giới khỏi những mối nguy hiểm như chủ nghĩa phản giáo quyền và vô tôn giáo.
Để đáp lại, chân phước Jaricot đã thành lập Hội Kinh Mân côi. Ý tưởng rất đơn giản: 15 thành viên của một nhóm kết hợp với nhau để đọc đủ 15 chục kinh mân côi mỗi ngày. Sáng kiến này đã thành công lớn ở Pháp và nhanh chóng lan rộng ra bên ngoài.
Một số nhóm Kinh Mân Côi tiếp tục phát triển mạnh ở Lyon. Các thành viên của họ thỉnh thoảng gặp nhau tại các địa điểm liên quan với Jaricot, chẳng hạn như Maison de Lorette. Chị mua lại ngôi nhà trên Đồi Fourvière vào năm 1832. Cùng với những phụ nữ khác, chị thành lập một cộng đoàn giáo dân nhỏ ở đó có tên gọi là Filles de Marie (“Con Đức Mẹ”). Họ tuân thủ thói quen cầu nguyện nghiêm ngặt và các hoạt động như cổ động Kinh Mân Côi và thăm viếng người bệnh.
Sức khỏe của chị Jaricot không ổn định và vào năm 1835, chị lên đường đến Mugnano, một thị trấn ở miền nam nước Ý nơi lưu giữ các thánh tích của Thánh Philomena. Chị bị thu hút bởi những câu chuyện về phép lạ nhờ sự chuyển cầu của thánh nhân ở đó.
Vào ngày lễ Thánh Philomena, Jaricot rước lễ gần đền thờ lưu giữ thánh tích. Ngồi trên một chiếc ghế dành cho người tàn tật, chị cảm nhận sự chữa lành mà sau này được gọi là “phép lạ vĩ đại của Mugnano.” Bạn có thể nhìn thấy chiếc ghế ở đền thờ ngày nay.
Khi từ nước Ý trở về, Jaricot mang về một số thánh tích nhỏ và dâng cho Thánh Gioan Vianney.
Nhờ Hiệp hội Truyền bá Đức tin và Hội Kinh Mân Côi, danh tiếng của Jaricot ngày càng lan rộng. Chị nhận được thư từ khắp nơi trên thế giới từ các nhà truyền giáo và các nhân vật trong Giáo hội. Nhưng những năm cuối đời của chị được đánh dấu bằng sự đau khổ rất nhiều và sống dưới bóng của Thánh giá.
Vào thời điểm chị hoán cải, Jaricot đã nghe thấy Chúa Giêsu hỏi chị trong lời cầu nguyện: “Con có muốn chịu đau khổ và chết vì Ta không?” Chị viết trong một cuốn sổ rằng “Tôi đã tự hiến mình như một nạn nhân cho Đức Chúa thượng.”
Kinh hoàng trước tình trạng của những người công nhân ở Lyon, chị đã đề nghị mua nhà máy vào năm 1845 mà chị hy vọng sẽ phục vụ như một doanh nghiệp Kitô giáo kiểu mẫu. Nhưng chị đã bị lừa và dự án thất bại nặng nề. Chị trải qua quãng đời còn lại để cố gắng trả các khoản nợ cho những người mà chị đã thuyết phục đầu tư cùng với chị.
Danh tiếng của chị bị giảm sút đáng kể, và vào cuối đời, chị được đưa vào danh sách người nghèo của thành phố. Chị qua đời gần như cô đơn vào năm 1862.
Sau cái chết của chị, một bản văn dài được phát hiện và được xem là di chúc thiêng liêng của chị. Bản văn có những lời này: “Hy vọng của tôi là nơi Chúa Giêsu! Kho báu duy nhất của tôi là Thánh giá! Tôi sẽ luôn chúc tụng Chúa và lời ngợi khen Ngài sẽ không ngớt trong miệng tôi”.
Chân phước Jaricot được biết đến nhiều nhất với các tổ chức do chị thành lập. Nhưng việc chị được phong chân phước vào ngày 22 tháng Năm sẽ thu hút sự chú ý đến đời sống thiêng liêng sâu sắc của chị, được đánh dấu với lòng sùng kính Thánh Thể và Thánh Giá, tuân phục thánh ý và hy vọng không ngừng nơi Chúa. Mối quan hệ của chị với Thiên Chúa sâu sắc đến mức một số tác giả đã mô tả chị là một nhà thần bí có thể so sánh với Thánh Catherine thành Siena.
[Nguồn: catholicnewsagency]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2022]