Những nhà khoa học đoạt giải Nobel Canada, Hoa Kỳ và cựu chính trị gia Đài Loan được bổ nhiệm vào Hàn Lâm viện Khoa học

586

Tri Khoan chuyển ngữ

PaPicasso | Shutterstock

Media for Aleteia | 02/08/21

Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ thế kỷ 15, và ngày nay có 80 nhà khoa học lỗi lạc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm các nhà khoa học từ Canada và Hoa Kỳ, cũng như cựu Phó Tổng thống Đài Loan, làm thành viên của Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng.

Bà Donna Strickland là giáo sư vật lý quang học tại Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Waterloo, Canada, và là một trong những người nhận Giải Nobel Vật lý năm 2018.

Bà và Giáo sư Gérard Mourou được trao giải Nobel Vật lý vì đã phát minh ra khuếch đại xung cực ngắn cường độ cao (chirped pulse amplification) cho laser, nghiên cứu họ đã công bố năm 1985.

Bà Susan Solomon là một giảng viên về hóa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts của Cambridge.

Bà đặc biệt được công nhận vì công trình của bà trong những năm 80 và 90, đã chứng minh tác hại của chlorofluorocarbon đối với tầng ozone.

Công trình của bà là cơ sở cho Nghị định thư Montreal của Liên hợp quốc, một thỏa thuận quốc tế được ký kết vào năm 1985, nhằm mục đích bảo vệ tầng ozone. Bà là một trong những nhà khoa học của IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007.

Nhà dịch tễ học Chien-Jen Chen (Trần Kiến Nhân) là Phó Tổng thống Đài Loan từ năm 2016 đến năm 2020 và được biết đến trong việc xử lý đại dịch COVID-19 ở Đài Loan.

Ông hoàn thành luận án Tiến sĩ dịch tễ học tại Đại học John Hopkins ở Hoa Kỳ và hiện đang giảng dạy về chủ đề này tại Học viện Nghiên cứu Quốc gia Đài Loan.

Theo New York Times, ông Trần Kiến Nhân đã ba lần đến thăm Tòa Thánh trong cương vị phó tổng thống, không chính thức. Vatican là nhà nước duy nhất ở Châu Âu có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Hàn Lâm viện Khoa học Giáo hoàng có nguồn gốc từ Hàn Lâm viện Lynxes (Accademia dei Lincei) được thành lập tại Rôma vào năm 1603 với vai trò là hàn lâm viện khoa học riêng biệt đầu tiên trên thế giới. Accademia dei Lincei đã được quốc tế công nhận nhưng không tồn tại sau cái chết của người sáng lập, Federico Cesi.

Năm 1847, Đức Giáo Hoàng Piô IX tái lập Hàn Lâm viện với vai trò là Hàn Lâm viện Giáo hoàng New Lynxes. Đức Giáo hoàng Piô XI đã cải tổ và tái thiết Hàn Lâm viện vào năm 1936, và đặt cho hàn lâm viện cái tên hiện tại.

Các Viện sĩ Hàn lâm Giáo hoàng bao gồm 80 người nam và nữ đến từ nhiều quốc gia đã có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực chuyên môn khoa học của họ. Họ được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sau khi được bầu chọn bởi các Viện sĩ.

Họ tham gia vào các nhóm nghiên cứu và các cuộc họp do Hàn Lâm viện tổ chức và những thảo luận và bài viết khoa học của họ được xuất bản. Họ họp tại Vatican trong các Phiên họp chung.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/8/2021]