Những lời nguyện của linh mục trong thánh lễ mà bạn không thể nghe thấy

1584

by phanxicovn

Aleteia | Philip Kosloski

Trong phần lớn lịch sử Giáo hội, có nhiều lời nguyện của linh mục trong thánh lễ mà cộng đoàn không nghe thấy. Đây không phải bởi không có micro hay bởi các linh mục quay mặt về phía nhà tạm như nghi thức cũ.

Ngay cả thời nay, trong thánh lễ hậu Công đồng Vatican II, khi các linh mục quay mặt về phía giáo dân và phần lớn phụng vụ có thưa đáp, vẫn có những lời nguyện của linh mục mà cộng đoàn không nghe thấy.

Tại sao thế?

Theo cha Edward McNamara thì “Trong nghi thức thông thường của Nghi lễ Roma, lời nguyện này hầu như chỉ dành riêng cho linh mục cầu nguyện riêng.” Đôi khi những lời nguyện này được gọi là “lời tạ tội của linh mục” là lời nhìn nhận bản tính thấp hèn của mình và xin Chúa đổ ơn để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Một ví dụ cho những lời nguyện này là trong phần Tiến lễ, khi linh mục dâng lên Chúa bánh và rượu. Hướng dẫn của nghi lễ Roma nói rằng:

Linh mục đứng ở bàn thờ, cầm đĩa thánh đựng bánh, nâng lên cao một chút và đọc:

“Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất,

Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này

là hoa màu ruộng đất và công lao của con người,

chúng con dâng lên Chúa

để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”

Rồi cũng đến lời nguyện trên rượu tương tự như thế.

Lúc này linh mục hành động như người chuyển cầu cho dân, dân những lễ vật của cộng đooàn lên Chúa và xin Chúa ban phúc lành xuống bánh rượu này. Trong thánh lễ Chúa nhật, chúng ta thường không nghe những lời nguyện này, bởi lúc đó chúng ta có ca đoàn hát bài tiến lễ. Còn nếu không có bài hát tiến lễ, cộng đoàn có thể nghe thấy linh mục nhẩm những từ này, và chúng ta đáp lại “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.”

Một ví dụ nữa của lời nguyện thầm là khi linh mục rửa tay. Sách lễ Roma viết:

“Rồi đặt chén thánh lên khăn thánh. Sau đó linh mục cúi mình đọc thầm:

Lạy Chúa là Thiên Chúa,

xin thương nhận chúng con

đang hết lòng khiêm nhường thống hối,

và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay

được đẹp lòng Chúa.”

Sau đó, linh mục rửa tay ở góc bàn thờ và đọc thầm:

“Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm,

tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy.” (Thánh vịnh 51, 2)

Những lời nguyện này chỉ đọc thầm, rõ ràng là bởi chỉ liên quan đến linh mục và mối liên kết của ngài với Chúa.

Trên đây chỉ mới là vài ví dụ những lúc linh mục đọc lời nguyện thầm, dâng riêng cho mình hay thay mặt cả cộng đoàn.

Gần đây, hồng y Robert Sarah đã nói về khía cạnh này của phụng vụ: “Lời nguyện thầm trong giờ Tiến lễ và trong toàn lễ điển Roma có thể làm phong phú cho nghi lễ hiện đại thời nay. Trong thế giới chúng ta có quá nhiều lời, và những lời thinh lặng hơn là điều cần thiết, ngay cả trong phụng vụ.”

Thinh lặng là phần mấu chốt của thánh lễ, một điều mà Nghi lễ Roma đã nói cụ thể. “Những khoảng thinh lặng ngắn là thích đáng, cho cả cộng đoàn, nhờ đó, dưới sự tác động của Thánh Thần, Lời Chúa sẽ đi vào lòng và được đáp lại với những lời nguyện.”

Tương tự như ông Elijah đã không nghe thấy tiếng Chúa trong bão tố, động đất, lửa, nhưng là trong “làn gió nhẹ” thì đôi khi chúng ta cũng cần dừng lại một giây và lắng nhe sự thinh lặng trong những lời nguyện của linh mục. Chúa đang cố nói chuyện với chúng ta, và đơn giản là chúng ta cần mở lòng ra để nghe tiếng Ngài.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch