Những dây xích của Thánh Phêrô: Một “thánh tích kép”

488

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh4.googleusercontent.com/sVMWt9wxKMpgrEPwEzJJs9qmpzULDKsFSxJnpjxhWpWncWdRiPW-g_V5giF4SGjSx7UpQPPnG7_BA3yVkWxe3JPYKDWS8EeAhthGnr0rcf0GDo6ISmrn_m0p-slZbjF49izvxWZ7=w640-h359
Stefano_Valeri | Shutterstock

Daniel Esparza | 30/09/21

Truyền thống cho rằng những sợi dây xích của Thánh Phêrô, được lưu giữ trong nhà thờ San Pietro ở Vincoli của Roma, đó là hai bộ dây xích được dùng để giam giữ Thánh Phêrô trong hai lần khác nhau.

Tiểu Vương cung Thánh đường San Pietro của Roma ở Vincoli (nghĩa đen là “Thánh Phêrô bị xiềng xích”) rất nổi tiếng vì là quê hương của kiệt tác Môsê của Michelangelo. Nhưng nhà thờ này còn là chủ nhân của một thánh tích rất đặc biệt, thường không được chú ý.

Nhà thờ còn được gọi là Vương cung thánh đường Eudossiana, và là một ngôi nhà thờ cổ kính. Nó đã được xây dựng lại trên một nền móng cũ vào đầu năm 432, để giữ những sợi dây xích, mà theo truyền thống, được dùng để trói Thánh Phêrô khi ngài bị giam ở Giêrusalem — do đó có tên gọi là Vincoli.

Nữ hoàng Licinia Eudoxia, vợ của Hoàng đế Valentinian III và con gái của Hoàng đế Theodosius II, đã nhận được những sợi dây xích này (một số nguồn cho rằng chỉ là một vài mắt xích) như một món quà từ thân mẫu là Nữ hoàng Aelia Eudocia (một thi sĩ rất tài năng được tôn là thánh bởi các giáo hội Đông phương và Tây phương). Về phần Nữ hoàng Aelia Eudocia đã nhận được những sợi dây xích từ Thánh Iuvenalis, ngài lúc đó là giám mục của Giêrusalem, nơi những sợi dây xích đã được người hành hương tôn kính. Những sợi xích này được cho là đã được đề cập trong trình thuật Giải thoát Thánh Phêrô, trong chương 12 Sách Tông đồ Công vụ. Đoạn văn khá ngắn. Đoạn văn như sau:

Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: “Đứng dậy mau đi!” Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ nói tiếp: “Thắt lưng lại và xỏ dép vào!” Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông: “Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!” Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu.” (Cv 12:6-11.)

Nữ hoàng Licinia Eudoxia sau đó đã dâng những dây xích cho Đức Giáo hoàng Leo I — một tiến sĩ Hội thánh được biết đến nhiều hơn vì đã gặp Attila Hung nô và thuyết phục ông ta không xâm lược nước Ý. Truyền thuyết cho rằng khi đức giáo hoàng so sợi dây xích của Nữ hoàng Eudoxia với sợi xích dùng để giam giữ Thánh Phêrô trước khi ngài tử đạo (rất có thể là trong nhà tù Mamertine, nơi Thánh Phaolô cũng bị giam giữ), cả hai sợi đã hợp nhất lại với nhau một cách kỳ diệu.

Những dây xích này hiện được lưu giữ trong hòm thánh tích dưới bàn thờ chính trong nhà thờ San Pietro ở Vincoli — nhưng bạn có thể tôn kính một vòng mắt xích trong Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rutland, Vermont. Mặc dù được thánh hiến vào năm 439 bởi đức Giáo hoàng Sixtus III, Vương cung Thánh đường đã trải qua một số lần trùng tu xuyên suốt lịch sử, đáng chú ý nhất là dưới thời đức Giáo hoàng Julius II (một trong những nhân vật chính của thời kỳ Thượng Phục hưng) trong thời kỳ Cinquecento của Ý.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/10/2021]