Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah ở Aleppo, bị phá hủy trong chiến tranh Syria, vươn dậy từ đống tro tàn

842

https://lh6.googleusercontent.com/in_QR8lK-t4yH3YioQ42OovUG4Ru5yIYTgQzXlthEF0o3UVDc6U-MCNltRNrqEFhauXByo8f8TzDuyGC-vRjt0FIArOoeOwEhPrPE6nmTG5pdT6Ws7Q45_EKt2unqUbL3g7EfrQK=w640-h382

  • SYRIA
  • 17 tháng Bảy, 2020

Đức Tổng Giám mục Tobji: “Sự khôi phục lại Nhà thờ Chính tòa là bằng chứng cho thấy rằng chúng tôi vẫn ở trong đất nước này. Miệng lưỡi chúng tôi vẫn tiếp tục ca khen Thiên Chúa ở tại nơi này.”

Hôm thứ Hai ngày 20 tháng Bảy, sau nhiều khó khăn trong công cuộc tái xây dựng, Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah thuộc Giáo hội Thánh Maron, nơi đã chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công bằng súng cối trong chiến tranh, sẽ chính thức được mở cửa trở lại và tái cung hiến.

“Việc khôi phục và tái mở cửa nhà thờ chính tòa vừa mang ý nghĩa tượng trưng vừa thực tế,” Đức Tổng Giám mục Joseph Tobij thuộc Giáo hội Thánh Maron của Aleppo nói trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức từ thiện mục vụ Công giáo quốc tế và tổ chức giáo hoàng mục vụ bác ái Công giáo quốc tế Aid to the Church in Need (ACN). “Về ý nghĩa tượng trưng, đó là một thông điệp gửi đến các giáo dân và Kitô hữu ở Aleppo và thế giới rằng chúng tôi vẫn ở trong đất nước này cho dù con số đang thu nhỏ, và việc khôi phục nhà thờ chính tòa là bằng chứng cho điều này. Miệng lưỡi chúng tôi vẫn tiếp tục ca khen Thiên Chúa tại nơi đây bất chấp mọi khó khăn.”

Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah, ở vùng ngoại ô Al Jdeydeh của Aleppo, có lịch sử lâu đời, nhà thờ hiện tại được xây dựng năm 1873 và được nâng cấp năm 1914, thay thế cho nhà thờ nhỏ ban đầu của thế kỷ 15 được xây dựng trên cùng vị trí.

Trong cuộc nội chiến Syria, giữa năm 2012 và 2016, nhà thờ hứng chịu ít nhất ba cuộc tấn công kinh hoàng bằng tên lửa và nhiều cuộc tấn công nhỏ hơn. Tuy nhiên, tổn thất nặng nề nhất xảy ra năm 2013 khi các chiến binh thuộc phiến quân đột kích vào góc thành phố này và cố gắng phá hủy tất cả mọi dấu hiệu của Kitô giáo.

Sau thời gian nằm trong đống đổ nát suốt bốn năm, cuối cùng nhà thờ chính tòa đã có thể mở cửa trở lại cho dịp Giáng sinh 2016, bất chấp tình trạng bị tàn phá của nhà thờ, sau khi khu vực này của thành phố được giải phóng khỏi sự kiểm soát của phiến quân đầu năm đó. “Chúng tôi quyết định gửi một thông điệp hy vọng rằng Con Thiên Chúa đã nhập thế và Người vẫn ở giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trong những buồn phiền và đau đớn, và cùng mang những biến cố đó với chúng ta, để chúng biến thành một đời sống hy vọng, tin tưởng, yêu thương và từ đó trở thành một đời sống thánh thiện,” Đức Tổng Giám mục Tobji giải thích. “Giây phút trong Thánh Lễ khi Chúa Hài đồng Giêsu được đặt trong máng cỏ làm bằng những vật liệu đổ nát của mái nhà thờ sụp xuống thật vô cùng xúc động, khi tôi, và những người tham dự Thánh Lễ, đã khóc và cười cùng lúc, và mọi người vỗ tay và hoan hô vang dậy với sự vui mừng.”

Người Kitô hữu Syria chịu đau khổ rất lớn vì cuộc nội chiến. Trong số 1,5 triệu người Kitô hữu sống trong đất nước trước chiến tranh, hiện nay ước tính chỉ còn một phần ba ở lại. Những con số ở Aleppo cũng tương tự: theo các nguồn tin của ACN có khoảng 180.000 người Kitô hữu trong thành phố trước chiến tranh, trong số đó ước tính không đầy 30.000 người vẫn còn sống ở đó. Nhà thờ Chính tòa phục vụ cho cộng đoàn Công giáo Maron, là cộng đoàn dù không chiếm số đông nhất trong thành phố, tuy nhiên lại cung cấp nguồn cứu trợ chính về xã hội và nhân đạo cho tất cả mọi người. “Mong muốn của chúng tôi đối với việc ở lại là một “Sứ mạng” chứ không chỉ vì chúng tôi đã sinh ra ở đó, hay bởi vì chúng tôi buộc phải ở lại đó ngoài ý muốn của mình. Người Maron chúng tôi không có nơi nào khác để tập họp với nhau ngoài nhà thờ chính tòa này, và quyết định khôi phục lại nó chính là bằng chứng, cũng giống như một gia đình muốn nâng cấp lại căn nhà duy nhất để đem chúng tôi lại với nhau”, Đức Tổng Giám mục giải thích.

Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành của ACN Quốc tế, là nơi cung cấp phần lớn kinh phí cho việc khôi phục nhà thờ, đã gửi một thông điệp video tới người dân Aleppo, vì lý do đại dịch coronavirus nên ông không thể tham dự trực tiếp. Ông nói, “Tôi rất buồn vì không thể cùng quý vị tham dự ngày vui này. ACN đã cùng đồng hành với quý vị trong những thời điểm khó khăn nhất, và thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể cùng chia vui trong ngày hôm nay. Thật đáng buồn, hoàn cảnh không cho phép; tuy nhiên, chúng ta được nhìn thấy Nhà thờ Chính tòa Thánh Elijah và đó là một phép lạ. Thật tuyệt vời khi thấy nó tỏa rạng với vẻ huy hoàng trước đây của nó. Tôi hy vọng rằng một lần nữa nó sẽ trở thành trung tâm của toàn cộng đồng Kitô giáo, giống như trước cuộc chiến tranh kinh hoàng này.”

Từ năm 2011 đến 2019 ACN Quốc tế đã hỗ trợ 900 dự án tại Syria với tổng giá trị 38 triệu Euro. Hiện tại ACN vẫn đang tài trợ cho hơn 100 dự án nhỏ và lớn hơn trong nước.

[Nguồn: acninternational]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/8/2020]