Nhà của Thánh Luca, ngục tù của Thánh Phaolô:
Viếng Vương cung Thánh đường Santa Maria ở via Lata
Marinella Bandini | 23/03/21
Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 34: Những gì các bức tường này đã chứng kiến!
Quý vị bấm vào đường dẫn này để xem ảnh
Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: Mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.
Ngày 34
Vương cung thánh đường Santa Maria in via Lata được cho là nằm trên vị trí Thánh Luca đã viết sách Công vụ Tông đồ và vẽ bức ảnh chân dung đầu tiên trong số bảy bức chân dung Đức Trinh Nữ. Bức chân dung của thế kỷ 12 trên bàn thờ chính được cho là bản sao của bức ảnh này.
Một lòng sùng kính xa xưa cho rằng nơi này là ngôi nhà nơi Thánh Phaolô đã sống hai năm trong thời gian bị giám sát, được thể hiện bởi một dòng chữ khắc tại lối vào tầng hầm — một truyền thống bị tranh cãi bởi nhà thờ San Paolo alla Regola. Dòng chữ cũng đề cập đến một vị tử đạo nào đó tên là Martialis (có lẽ là người cai ngục của Thánh Phaolô, sau này trở lại đạo?). Thánh Phêrô cũng được cho là đã đi qua đây.
Trong tầng hầm có một cột Côrinhtô mà truyền thống nói rằng Thánh Phaolô đã bị xiềng xích trói vào đó. Trên đầu cột có một câu của Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Verbum Dei non est alligatum” (Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích). Những cuộc khai quật gần đây đã giúp người ta có thể tìm thấy nhiều đồ vật khác nhau, bao gồm cả một sợi dây xích sắt dài khoảng hai thước Anh (hơn 1,8 m), phù hợp với các dấu vết để lại trên cột.
Vào thế kỷ thứ 3, tòa nhà có thể được sử dụng làm nhà kho. Vào cuối thế kỷ thứ 6, nó trở thành Diaconia của Đức Giáo hoàng Sergius I, có lẽ do các tu sĩ Đông phương điều hành. Năm 1049, nhà thờ thượng được xây dựng đối diện với với hướng hầm mộ. Vương cung thánh đường ngày nay được xây dựng vào thế kỷ 15 và được trùng tu nhiều lần.
Vì Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần, để nghe kẻ tù đày rên siết thở than và phóng thích những người mang án tử. (Tv 102:20-21)
* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (bên ngoài). Vương cung thánh đường hiện tại được xây dựng vào thế kỷ 15.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (bên trong).
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (cung thánh). Theo truyền thống, vương cung thánh đường được xây dựng trên vị trí Thánh Luca đã vẽ bức ảnh chân dung đầu tiên trong số bảy bức chân dung Đức Trinh Nữ Maria, trong đó bức ảnh của thế kỷ 12 trên bàn thờ chính được cho là một bản sao.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso. Ở giữa gian cung thánh là hình ảnh cổ xưa của Đức Mẹ, Đấng bênh vực, với dòng chữ “Fons Lucis Stella Maris,” tác phẩm của “Petrus pictor,” có niên đại vào thế kỷ 12.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso. Lối vào các khu khai quật. Dòng chữ đề cập đến nhà nguyện của Thánh Phaolô Tông đồ, Thánh sử Luca, và Martialis, một vị tử vì đạo.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (khu khai quật). Khu vực này được xác định là phòng của Thánh Luca và nhà tù của Thánh Phaolô, một tuyên bố bị tranh cãi bởi nhà thờ San Paolo alla Regola.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (khu khai quật). Cột trụ nơi Thánh Phaolô được cho là đã bị xiềng xích trói vào.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso khu (khu khai quật). Một câu trích trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê được khắc vào cột: “Verbum Dei non est alligatum” (“Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích”).
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (khu khai quật). Các cuộc khai quật gần đây giúp người ta có thể phát hiện ra nhiều đồ vật khác nhau, trong số đó có một sợi xích sắt dài khoảng 2 thước Anh (hơn 1,8 m), phù hợp với các dấu vết để lại trên cột.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (khu khai quật). Bức tường màu sáng hơn có từ thế kỷ 1.
Vương cung thánh đường Santa Maria ở Via Lata al Corso (khu khai quật). Từ cuối thế kỷ thứ 6 đã có những ghi chép về một diaconia (một trung tâm bác ái) do các tu sĩ Đông phương quản lý. Khu vực này có lẽ đã được sử dụng như một nhà nguyện.
Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2021]