Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

471

Tri Khoan chuyển ngữ

Shutterstock

Magnús Sannleikur | 24/11/21

Người xây dựng chính của bức tượng không phải là người Công giáo, nhưng toàn bộ cuộc đời của ông đã thay đổi sau một sự cố trong quá trình xây dựng.

Lễ khánh thành tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro diễn ra vào ngày 12 tháng Mười năm 1931. Tượng đài — một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Brazil — là tượng Chúa Kitô lớn thứ ba trên thế giới. Tượng cao 125 bộ Anh (hơn 38m) và nặng hơn 1.100 tấn.

Bức tượng được mệnh danh là một trong Bảy tân Kỳ quan của Thế giới và mất 5 năm để hoàn thành. Dự án được bắt đầu bởi nhà điêu khắc người Pháp gốc Ba Lan Paul Landowski, và được xây dựng bởi kỹ sư người Brazil Heitor da Silva Costa, cùng phối hợp với kỹ sư người Pháp Albert Caquot.

Người xây dựng và giám sát chính cho dự án kiến trúc là Heitor Levy. Ông sống trên đỉnh núi Corcovado (đỉnh núi mà tác phẩm điêu khắc đứng trên đó) trong suốt những năm thi công để theo sát công việc xây dựng tượng đài.

Một tai nạn suýt gây tử nạn

Mọi người nói rằng công trình tượng Chúa Cứu Thế nhận được nhiều ơn lành, vì không có tai nạn nghiêm trọng nào được ghi nhận tại công trường xây dựng.

Tuy nhiên, chính kiến trúc sư xây dựng chính, Heitor Levy, đã suýt mất mạng trong quá trình làm việc tại công trường.

Ông Levy rơi ra khỏi một giàn giáo và suýt rơi xuống vực sâu. Trang web của Tổng giáo phận Rio de Janeiro tường thuật: “Công trình không có nền móng vững chắc để dựng giàn giáo, vì đường kính mặt nền của đỉnh núi chỉ rộng 15 mét, chưa bằng một nửa diện tích cần thiết để mở rộng tới các đầu ngón tay của tượng,” và nó được bao quanh ba mặt bởi những vách đá cao hàng trăm bộ (feet).

Kỹ sư vấp ngã khỏi giàn giáo và được các công nhân cứu. Ông chia sẻ những kỷ niệm của mình về những gì đã xảy ra:

Ở khắp mọi nơi, xung quanh chúng tôi, dưới chân chúng tôi, là những vách đá thẳng đứng. Chỉ một bất cẩn nhỏ nhất, một hỏng hóc nhỏ nhất của vật liệu, một lần đặt chân sai là chắc chắn mất mạng, rơi khỏi vách đá. Tôi đã có thể nhìn thấy trước một cú ngã thảm khốc, nhưng điều đó đã không xảy ra do ý của Đấng Tối cao. Nhưng tất cả bây giờ đã trở thành quá khứ, những kỷ niệm của công việc. Trước mặt chúng ta có hình ảnh của Chúa Kitô, với đôi tay của Người giang rộng để đón lấy những đau khổ và lời cầu nguyện của chúng ta.

Sự trở lại đạo

Levy là người Do Thái, nhưng sau tai nạn, ông đã trở lại Công giáo. Levy thậm chí còn viết tên các thành viên trong gia đình mình lên một cuộn giấy và đặt nó trong phần bên trong trái tim của tượng Chúa Cứu Thế, nằm ở độ cao của tầng thứ tám.Tình cờ, tượng đài là hình ảnh của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính từ đỉnh núi Corcovado, nơi tượng đài tọa lạc, đã diễn ra lễ cung hiến nước Brazil cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, vào ngày 12 tháng Mười năm 1931, cùng với lễ khánh thành tượng.

Tóm lại, sự trở lại đạo của người kỹ sư là một minh họa theo nghĩa đen của một trong những lời hứa của Thánh Tâm, rằng “Những ai truyền bá lòng sùng kính này sẽ ghi tên họ mãi mãi trong trái tim Ta.”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/11/2021]