Người Công giáo Prague vui mừng khi dựng lại tượng đài Thánh Mẫu bị giật đổ bởi đám đông giận dữ

576

https://lh5.googleusercontent.com/2Ord8t5GUsNXAUsQZwCqqvPUYDEC4wNl6UkK2alcyDV-ZMNHPnE3jKI4hMQGC-NpbCxM-OaLu8LGZXP4IrbDA7RW36DP-Kpetu2EPf9oK95UfoL9AwdfTBgwhZa3othCmdsQSuUc
Tượng đài Thánh Mẫu được dựng lại ở Quảng trường Phố cổ của Prague ngày 4 tháng Sáu năm 2020. Credit: Petr Šálek (CC BY-SA 4.0)

Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 15 tháng Sáu, 2020 / 05:30 sáng MT (CNA). – Một tượng Mẹ Maria lịch sử đặt trên đỉnh cột, bị giật sập bởi một đám đông giận dữ hơn 100 năm trước, đã được dựng lại tại vị trí ban đầu của tượng ở Prague.

Việc đặt bức tượng nguyên bản theo tượng của thế kỷ 17 tại Quảng trường Phố cổ của thủ đô Cộng hòa Tiệp Khắc ngày 4 tháng Sáu là một sự kiện sau 30 năm xây dựng.

Tượng đài Thánh Mẫu, như tên gọi của nó, đã được dựng lên “trong tiếng vang ca những bài tán tụng Mẹ Maria, cùng tiếng chuông ngân vang trên tháp Mẹ Thiên Chúa trước mặt [Nhà thờ] Týn và tiếng vỗ tay hoan hô của những người có mặt,” ông Karel Kavička nói với CNA qua email.

Kavička là thành viên sáng lập của hiệp hội các nhà sử học, nghệ sĩ và người Công giáo đã làm việc trong hơn ba thập kỷ để tạo ra nguyên bản bức tượng, và để có được sự cho phép của thành phố trả lại tượng đài Thánh Mẫu về vị trí lịch sử của nó.

Ông Kavička nói, “Ngay từ đầu, chúng tôi đã cố gắng làm cho trụ tượng đài trở thành biểu tượng của sự hòa giải. Ai có thể là biểu tượng của hòa bình tốt hơn Đức Trinh Nữ Maria?”

Ông nhấn mạnh đến niềm vui của người Công giáo Tiệp Khắc tại lễ dựng lại bức tượng, nhưng cho biết thêm rằng nhiều người Tin lành và không theo đạo cũng ủng hộ dự án này vì bức tượng có tầm quan trọng lịch sử và nghệ thuật ở Prague.

Mẹ Maria đội triều thiên các vì sao và trụ cột tượng cao 52 bộ (gần 16m) mà Mẹ được đặt trên đỉnh đã bị một đám đông giận dữ giật sập, dẫn đầu bởi nhà văn Franta Sauer, vào ngày 3 tháng Mười Một năm 1918.

Người Công giáo Prague vui mừng khi dựng lại tượng đài Thánh Mẫu bị giật đổ bởi đám đông giận dữ

Bức tượng được Hoàng đế Habsburg Ferdinand III dựng lên sau khi kết thúc Chiến tranh Ba mươi năm vào năm 1648, để tạ ơn việc chấm dứt cuộc bao vây Prague của quân đội Thụy Điển.

Sau sự sụp đổ của Đế chế Công giáo Áo-Hung, bức tượng Đức Trinh Nữ Maria “được trình bày như một biểu tượng chính trị, một biểu tượng của sự nô lệ của quốc gia,” ông Kavička giải thích.

Jan Bradna, một nhà điêu khắc và là thành viên của hiệp hội tượng đài Thánh Mẫu, nói với BBC rằng “chính người Prague” muốn có bức tượng nguyên thủy, và “họ đã vận động Hoàng đế Habsburg Ferdinand III cho phép dựng lên.”

Sau khi Tiệp Khắc trở thành một nước cộng hòa độc lập vào năm 1918, Giáo hội Công giáo liên kết với chế độ quân chủ đã sụp đổ và bị phỉ báng, ông Kavička nói.

Petr Vana, nhà điêu khắc tượng Thánh Mẫu theo nguyên bản, nói với BBC rằng việc giật đổ tượng nguyên thủy xảy ra do một đám đông bị Sauer giật dây trong một quán rượu, và “người dân ở đó không thực sự ghét bức tượng.”

Đệ nhị Thế chiến và 40 năm chế độ cộng sản theo sau, và kể từ đó số tín hữu Kitô giáo chỉ là thiểu số ở Cộng hòa Tiệp Khắc, một quốc gia chủ yếu là vô thần.

Kavička là người đồng sáng lập Hiệp hội Khôi phục Tượng đài Thánh Mẫu trên Quảng trường Phố cổ ở Prague, được thành lập vào tháng Tư năm 1990, “ngay sau khi chế độ cộng sản toàn trị sụp đổ.”

Đối với Kavička, vì lịch sử đất nước của ông, việc khôi phục lại tượng đài Thánh Mẫu thể hiện “một cơ hội hòa bình với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.”

Ông nói, “Chúng tôi đi theo các sáng kiến của tổ tiên của chúng tôi, những người đã tìm cách khôi phục lại tượng đài ngay sau khi bị phá hủy. Những hoạt động đó bị gián đoạn bởi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, Đệ nhị Thế chiến và sau đó là chế độ cộng sản. Chúng tôi tự hứa với bản thân rằng sáng kiến của chúng tôi sẽ là sáng kiến sau cùng để thực hiện trọn vẹn mong muốn của nhiều thế hệ.”

https://lh6.googleusercontent.com/VYtWSj9X-hKjihKS1G62697EwEtZRbpc_cc2ex4BNbGtJeU7hfCwa6dESFuONFtwFft4VFkDdg8wuAHHfLn3pUuHb_MorU8BS15tSAmUtv5lpwwp49LRSPwsuCh8I7X3j7fclApD

Kavička, người có bằng cấp cao về triết học và thần học, đang viết một cuốn sách về lịch sử và sự khôi phục tượng đài Thánh Mẫu.

Ông nói rằng ông không có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông dẫn đầu việc giật sập bức tượng vào năm 1918, Franta Sauer, có phải là người Công giáo hay không, nhưng người ta tin rằng điều đó là có thể, một phần vì ông ta đã chết trong một tu viện Công giáo.

Người ta cho rằng sự kết thúc cuộc đời Sauer được kể lại trong một bài thơ dựa trên lịch sử của nhà thơ và nhà viết kịch người Tiệp Khắc Václav Renč.

Trong Truyền thuyết Prague, Renč kể câu chuyện giật đổ bức tượng đài Thánh Mẫu, được dẫn đầu bởi một nghệ sĩ trẻ theo phái Bô-hem nhiệt thành tên là Oskar. Bài thơ kể lại sự ăn năn của Oskar đối với những hành động của anh ta, và kể rằng nằm trên giường bệnh trong một nhà thương do các nữ tu Công giáo điều hành, anh ta đã có thị kiến về Đức Maria Đồng trinh và hối cải trong lòng.

Bức tượng Mẹ Maria hiện được khôi phục lại trong Quảng trường Phố cổ của Prague không phải là tượng duy nhất thuộc loại này ở Cộng hòa Tiệp Khắc. Trên khắp đất nước có “hàng chục những tượng đài Thánh Mẫu trong các quảng trường của nhiều thành phố,” ông Kavička nhấn mạnh.

Những bức tượng thuộc kỷ nguyên Baroque – và, trong một số trường hợp thuộc thời kỳ Phục hưng – “được xây dựng bởi người dân và đại diện của các thành phố này để cám ơn họ vì đã bảo vệ trong những thời gian đại dịch hoặc tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria,” ông Kavička nói.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/6/2020]