Nếu chúng ta mời cha xứ về nhà ăn?

1149

by phanxicovn

famillechretienne.fr, Sophie Le Noën, 2018-05-14

Chúng ta không nghĩ về việc này, nhưng mời cha xứ về nhà ăn cũng là một cách làm cho cha xứ có dịp hiện diện và sống gần gũi với giáo dân của mình. Cha xứ chỉ mong điều đó! 

Giỏ thức ăn cho cha xứ

Nếu một linh mục quá bận phải về nhà xứ ngay thì tại sao chúng ta không chuẩn bị một “giỏ thức ăn cho cha”: mỗi chúa nhật, mỗi người đặt một giỏ thức ăn cho cả tuần, như thế sẽ giúp cha sau các buổi hội họp mệt nhọc có bánh mì tươi, bánh xốp và mứt hay một vài món ăn nấu sẵn, cha xứ chỉ cần hâm lại.

“Cha có muốn đến ăn trưa không?” Claire và Joseph đã phát động việc này thành một thói quen tốt, bằng cách đặt câu hỏi ngắn gọn này ở sân nhà thờ, nơi cha xứ đến làm lễ. Mỗi chúa nhật, có một chỗ dành cho ngài ở bàn ăn. Một thói quen mà cha xứ khó từ chối nếu cha không bận chuyện khác.

Giống như các giáo dân khác, khi có dịp bà Rose-Marie thường mời cha xứ về nhà ăn cơm gia đình: “Cha mẹ tôi chưa bao giờ mời cha xứ về nhà ăn cơm! Tôi muốn các con tôi gặp cha xứ của chúng tôi và tiếp cha ở nhà.” Ban phép lành trước bữa ăn mang một tính cách đặc biệt, dù mấy đứa bé nhỏ nhất, chúng cũng không nhấm nháp gì trước khi làm dấu thánh giá. Điều này thường làm cho khách vui, cha xứ thấy được một cuộc sống bình thường và nồng hậu của giáo dân.

Qua dòng lịch sử thánh, bữa ăn là nơi chốn đặc biệt, nơi Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân Người, khởi đi từ bữa tiệc Vượt Qua của người Do thái (Xh 12 và 13), tưởng niệm dân Do Thái đi ra khỏi nước Ai Cập và thoát được ách nô lệ, cho đến bữa tiệc giữa Chúa Kitô và Giáo Hội ở thành Giêrusalem thiên quốc (Cv 19), qua bữa ăn chúng ta được nối kết thành một chi thể: trong bí tích Thánh Thể.

Vì vậy, khi cha xứ ngồi bên bàn ăn gia đình, cha là tác nhân kéo dài sự hiệp thông trong Giáo hội nơi bàn tiệc ly của Chúa. 

Một người như mọi người

Đừng làm mất thiêng liêng tính của linh mục, và đừng quên điều đầu tiên nơi ngài là cầu nguyện, khi mời cha đến nhà là làm cho những điều này gần với chúng ta. “Rất nhiều người nói với tôi, họ không bao giờ nghĩ linh mục có thể là một người bình thường, một người thích cười, thích nói chuyện vật lý thiên văn, chính trị và thích các trò chơi video, mà chỉ nói về Thiên Chúa là Đấng tốt lành hoặc nhắc giáo dân nhớ bài giảng mới nhất của mình”, Cha Viannê thuật lại, giữa khi ăn phô-mai và tráng miệng, cha đã chơi với Mario Kart và trẻ con. Không có chuyện để mình bị thua, cha bảo vệ thứ hạng của mình và cuối cùng cha về hạng nhì: Louis, 9 tuổi, có thể tự hào vì đã chiến thắng cha xứ của mình.

Cuộc sống gia đình đơn sơ là điều thú vị cho các cha xứ của chúng ta. Cha Viannê cho biết, tình bạn với các linh mục rất quan trọng: “Uống một cốc bia ngon, nói chuyện giữa đàn ông với nhau, nhưng cũng cảm nhận khía cạnh nữ tính trong cuộc hiện sinh và trong thế giới, đó là điều đáng kể! Tôi cần các quan hệ nhân bản, chứ không phải chỉ chăm lo đời sống tâm linh”. Như vậy, chúng ta có dám thêm công việc vào thời khóa biểu quá tải của cha xứ không? Cha Viannê nói: “Có! Thật không may, có những giáo dân không dám. Đôi khi tôi tự đến để gây ngạc nhiên!” 

Một làn gió thánh thiện

Việc chấp nhận lời mời không phải lúc nào cũng dễ cho các cha xứ, vì công việc tràn ngập thời khóa biểu, và họ cũng cần có thì giờ tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện. Từ bỏ việc đó là một hy sinh nhỏ. “Nhưng đó là những điều thật là quan trọng!” Cha Didier giải thích: “Đó là chuyện quan trọng, nó làm cho chúng ta biết rõ hơn về giáo dân của mình và biết các thế hệ khác nhau. Và cũng làm cho giáo xứ thành một gia đình”.

Bà Rose-Marie giải thích: “Các cha xứ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với giáo dân. Các cha đến nhà trong dịp rửa tội, dịp rước lễ lần đầu của các con, nhưng cũng đến chia buồn sau đám tang”. Kỷ niệm này để lại nhiều tình cảm sâu đậm giữa các người trong gia đình và các cha xứ trong tình huynh đệ: “Các con chúng tôi thường nói chuyện với các cha. Chúng không còn e ngại trước khi xưng tội!”

Bà Claire ghi nhận: “Việc linh mục hay đến nhà mang đến một luồng gió thánh thiện!” Sự hiện của linh mục là tấm gương và giúp cảm hóa cho các người trong gia đình: có biết bao nhiêu ơn gọi được nảy sinh từ kỷ niệm với một linh mục, với hình ảnh phụ tử và thiên chức linh mục, để các em bé nhỏ được gần với một người có tầm quan trọng gần như thiêng liêng.

Niềm vui của một linh mục ngồi dưới đất trong chiếc áo chùng thâm để đón các bước chân đầu tiên của em mình đã đánh động cha Viannê khi cha còn nhỏ. Cha làm chứng: “Đứa bé cảm động đến khóc. Sự việc thấy cha mẹ mình tiếp linh mục ở nhà  chắc chắn đã giúp tôi rất nhiều trên con đường riêng của tôi. Thấy một người hạnh phúc và hoàn thiện, với các yếu đuối và khó khăn của họ đã cho các đứa con trai xác tín, nếu người đó làm linh mục được, thì mình cũng làm được”.

Nhưng Cha Viannê công nhận rằng, cha không thực sự nghĩ đến ơn gọi có thể nảy sinh: “Rất hiếm khi tôi trực tiếp nói đến vấn đề này. Thỉnh thoảng tôi nghe các nhận xét của mấy đứa con trai, tôi không ngần ngại nháy mắt trả lời: ‘Con sẽ thấy, khi con ở địa vị của cha!’ Một vài đứa nhăn mặt khó chịu, một vài đứa cười…”.

Trong chỗ trũng của làn sóng

Nếu có một vài linh mục được nhiều người thích và hay được mời, thì cũng có một số linh mục khác không được như vậy, bà Armelle, mẹ của năm đứa con giải thích: “Chúng tôi mời các cha xa nhà như cha phó người Togol của chúng tôi”.  Một cách để lên tinh thần và giúp họ tìm lại… gốc rễ. Các linh mục của chúng ta vẫn là con người như bao nhiêu người khác: đôi khi mang lại một chút cho chỗ trũng của làn sóng, vì họ ở xa nhà hoặc họ cảm thấy cô thân. Còn gì quý hơn là tình bạn chân thành vô vị lợi, hoặc đơn giản là trò chuyện bình thường giúp các linh mục lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Bà Claire cho biết: “Tôi còn nhớ kỷ niệm của một linh mục bạn, cha ở lại nhà tôi đến 2 giờ sáng. Cha rất căng thẳng và cần trò chuyện, vui cười và cần được bảo bọc chung quanh”, hôm đó bà biết, người mà bà nghĩ họ vui vẻ phục vụ người khác, thì người đó đã rất đau khổ và điều duy nhất họ cần, là được lắng nghe.

Bà Armelle kể: “Năm nay, chúng tôi mời bốn linh mục và anh chủng sinh của gia đình chúng tôi đến nhà ăn hôm trước ngày lễ Nến. Ngày đó được chọn một cách tình cờ, sáng hôm đó tôi mới biết lễ Nến là lễ của đời sống thánh hiến. Một trùng hợp thú vị, và tôi nghĩ từ nay, tôi sẽ làm ngày lễ này thành truyền thống của gia đình!”

Kín đáo giúp cha xứ bị chìm ngập trong công việc món thịt bò nấu rượu vang, kết quả sẽ cho thấy, đây là việc bác ái tích cực và sáng tạo!

Pacôme Hồng Phước dịch