Một phụ nữ Mông Cổ mong muốn chào đón Đức Phanxicô với truyền thống đổ trà

179
marketscreener.com, Joseph Campbell, 2023-08-30

Theo một truyền thống lâu đời, bà Perlimaa Gavaadandov tỏ lòng tôn kính bầu trời bằng cách đổ một tách trà sữa mới đun sôi ngay bên ngoài chiếc lều yurt của mình ở rìa đồng cỏ Mông Cổ.
Khi kết thúc nghi lễ buổi sáng hàng ngày, người phụ nữ 71 tuổi dừng lại, bà chắp tay trước ngực cầu nguyện ngắn gọn theo nghi thức người kitô giáo.
Bà Gavaadandov, người công giáo thiểu số ở Mông Cổ cho biết: “Tôi cầu nguyện và dâng của vật này lên vị thần chúng tôi, tôi không làm mất văn hóa của chúng tôi. Điều quan trọng là chúng tôi giữ truyền thống Mông Cổ cùng với đức tin công giáo.”
Catholic devotee Perlimaa Gavaadandov, 71, prays during a church service at the Our Mother of Mercy Mission on the outskirts of Arvaikheer city, Mongolia August 29, 2023. REUTERS/Joseph Campbell
Bà Gavaadandov mặc chiếc váy lụa truyền thống nói thêm: “Tôi cũng dạy các con tôi cách bảo tồn di sản quý giá này”.
Bà và một số giáo dân khác hy vọng được chào đón Đức Phanxicô khi ngài đến thủ đô Oulan-Bator ngày thứ năm và theo dõi từng bước đi của ngài cho đến khi ngài rời Mông Cổ ngày thứ hai 4 tháng 9.
Bà nói: “Tôi rất vui và nóng lòng gặp ngài, tôi sẽ có cơ hội trực tiếp gặp ngài, ngài là nhà lãnh đạo công giáo.”
Bà Gavaadandov, sống ở ngoại ô thị trấn trung tâm Arvaikheer, bà trở lại đạo công giáo 18 năm trước đây, ngay sau khi có một đoàn truyền giáo đến trong khu phố của bà, ban đầu bà bị thu hút vì muốn biết những người nước ngoài nói giọng Mông Cổ.
Là cựu thành viên hội đồng chính quyền khu vực thời cộng sản (Mông Cổ sống dưới chế độ cộng sản từ năm 1924 đến 1992), bà Gavaadandov cho biết bà tìm được đức tin mới khi bà gặp khó khăn, lúc đó bà bị thương ở chân.
Chân của bà cuối cùng được lành và bà thành người công giáo mộ đạo. Trong nhiều năm, bà thường đi lễ nhà thờ một mình, nhưng dần dần gia đình bà, gồm cả các cháu và chồng bà cũng cùng đi với bà.
Bà cho biết, tin tức về chuyến đi của Đức Phanxicô đến đất nước không giáp biển này là điều khá bất ngờ.
Đất nước có khoảng 3,3 triệu dân này có tầm quan trọng chiến lược với Giáo hội công giáo, vì Mông Cổ ở gần Trung Quốc, nơi Vatican đang nỗ lực cải thiện bang giao.
Lối sống du mục của người Mông Cổ làm phức tạp cho nhiệm vụ của các linh mục truyền giáo, họ phải giữ liên lạc thường xuyên với giáo dân.
Linh mục James Mate đến từ Kenya, cha thuộc Dòng Đức Mẹ Thương xót, nơi bà Gavaadandov đến nhà thờ trong một yurt nhỏ, chiếc lều hình tròn phổ biến ở Trung Á, cha tổ chức các buổi lễ bằng tiếng Mông Cổ tại một trong ba giáo xứ công giáo nằm bên ngoài thủ đô, cha cho biết: “Sống trong yurt là lối sống truyền thống của người dân Mông Cổ. Họ đến vùng nội địa để chăm sóc động vật, thăm viếng họ hàng.”
Mông Cổ chỉ có hai linh mục công giáo bản địa lo mục vụ cho chín giáo xứ. Theo linh mục Mate, thị trấn Arvaikheer có khoảng 55 người theo đạo. Khoảng 60% người Mông Cổ cho biết họ có một tôn giáo. Theo thống kê, 87,1% dân số theo phật giáo, 5,4% theo hồi giáo và 4,2% theo đạo saman, kitô giáo 2,2% và các tôn giáo khác 1,1%.
Đôi khi bà Gavaadandov hối hận vì đã không đến với đức tin của mình sớm hơn. Bà nói: “Đôi khi tôi nghĩ rằng nếu tôi trẻ hơn một chút, tôi đã có thể theo đạo sớm hơn, gặp các tín hữu trên khắp thế giới và được nhìn thấy nhiều điều thú vị”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Chiếc lều yurt ở vùng thảo nguyên bao la của Mông Cổ.
Hồng y Marengo trong chiếc lều nhà thờ