Tri Khoan chuyển ngữ
Daniel Esparza | 23/08/21
Như chuyện thường xảy ra, tất cả là do vấn đề của bản dịch.
Việc đọc Kinh Thánh (và hiểu đúng) thường cho thấy là một nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và được rèn luyện, chú ý đến từng chi tiết, một số kiến thức chung về bối cảnh mà các văn bản này được viết, và sự khiêm nhường về trí tuệ để thừa nhận rằng con người thường xuyên bị sai lỗi. Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất, Kinh Thánh cần được đọc với tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng đối phó với nhiều “sự khác thường” của nó. Đối với nghệ thuật tôn giáo cũng vậy. Chúng ta thường bị bối rối trước một số tác phẩm nghệ thuật trong các nhà thờ chính tòa, vương cung thánh đường hoặc các bản viết tay, đòi hỏi (hoặc thậm chí thách đố) sự chú giải.
Một trong số những tác phẩm đó là tượng ông Môsê của Michelangelo. Được Đức Giáo hoàng Julius II ủy thác làm năm 1505, tác phẩm điêu khắc khổng lồ khắc họa một cách kỳ lạ người làm luật trong Kinh thánh với hai chiếc sừng trên đầu. Cho dù khi nhìn thấy lần đầu tiên thì bức tượng có vẻ kỳ dị, nhưng sự mô tả này hoàn toàn không phải là một sự lập dị. Thật vậy, mô-típ Môsê Có Sừng có thể được tìm thấy một cách khá dễ dàng trong các bản thảo có ảnh minh họa thời Trung cổ. Đó là kết quả — trường hợp thường xảy ra — của một bản dịch sai lúc đầu từ tiếng Do Thái sang tiếng Latinh được phổ biến rộng rãi. Một lần nữa, đó là do bản dịch Vulgata của Thánh Giêrônimô.
Trong tiếng Do Thái từ được sử dụng với nghĩa là “sáng chói” hoặc “tỏa sáng” là qaran. Nó có cùng một gốc (qrn) của từ được dùng với nghĩa “sừng” là qeren. Anna Pakutina | Shutterstock
Văn bản đọc được trong Sách Xuất hành (Xem Xh 34:29-30) như sau:
“Ông Môsê từ trên núi Xinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa.”
Trong tiếng Do Thái từ được sử dụng để với nghĩa là “sáng chói” hoặc “tỏa sáng” là qaran. Nó có cùng một gốc (qrn) của từ được sử dụng với nghĩa “sừng” là qeren. Thật vậy, trong tiếng Do Thái hiện đại, từ dùng để chỉ về những tia nắng mặt trời là qeren, như thể nói về “những chiếc sừng của mặt trời”. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi khi bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, Thánh Giêrônimô đã mô tả khuôn mặt của ông Môsê là cornuta, “có sừng”, thay vì “sáng chói”. Lựa chọn biên dịch này dẫn đến việc các nghệ sĩ đọc nguyên văn văn bản về sau, trong đó bao gồm cả Michelangelo, tin rằng ông Môsê có sừng khi ông từ núi Sinai đi xuống.
Nhưng bản dịch của Thánh Giêrônimô cũng có thể không hoàn toàn là sai. Trong thế giới cổ đại, sừng được coi là biểu tượng của sức mạnh và uy quyền. Thật vậy, hầu hết các vị thần của thế giới cổ đại đều có sừng, liên quan đến loài thú mạnh mẽ nhất trên trái đất — bò tót, bò hoang, loài Bơhêmốt trong Kinh thánh. Hồi đó, sừng vẫn chưa được coi là độc quyền thuộc về ma quỷ, cũng như không liên quan gì đến sự dữ. Một số học giả thậm chí còn cho rằng Thánh Giêrônimô đang cố truyền đạt quan điểm rằng ông Môsê đã được thấm đẫm sức mạnh như thần thánh sau khi từ trên núi xuống.
Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều khẳng định Thánh Giêrônimô đã mắc lỗi. Trên thực tế, đây không phải là lỗi duy nhất được tìm thấy trong bản dịch của ngài. Bản dịch Bảy Mươi — bản dịch tiếng Hy Lạp từ Kinh thánh tiếng Do Thái — đề cập đến khuôn mặt của ông Môsê như được “tôn vinh” — một bản dịch có vẻ gần hơn với bản gốc tiếng Do Thái “sáng chói”. Thánh Phaolô dường như lặp lại bản dịch này trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (xem 2 Cr 3:7), ngài viết rằng “dân Israel không thể nhìn mặt của ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang”.
Quý vị xem các ảnh dưới để khám phá 5 tác phẩm điêu khắc của Công giáo đẹp nhất mọi thời đại.
Giuseppe Sammartino – The Veiled Christ (Đức Kitô được phủ khăn)
Tác phẩm Cristo Velato (Veiled Christ – Đức Kitô được phủ khăn) là một tác phẩm điêu khắc được hoàn thành vào năm 1753, ban đầu bị nhầm lẫn được cho là của điêu khắc gia Antonio Corradini, và được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất thế giới. Mặc dù thực tế ông Corradini đã được trao phó công việc này ngay từ đầu, nhưng ông qua đời khi mới làm xong một mô hình bằng đất sét cho bức tượng mà sau này trở thành một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh trên đá cẩm thạch. Chính nhà điêu khắc Giuseppe Sammartino đã hoàn tất việc tạo ra tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ mô tả thân xác đã chết của Chúa Giêsu, được bao phủ bởi một tấm vải liệm “trong suốt” được điêu khắc trên chính khối đá cẩm thạch cho toàn thế bức tượng.
Marco D’Agrate – St. Bartholomew Flayed
Trong số tất cả các tác phẩm điêu khắc mà bạn có thể tìm thấy trong Nhà thờ Chính tòa Milan, tác phẩm “St. Bartholomew Flayed” (Thánh Batôlômêô bị lột da) của điêu khắc gia Marco D’Agrate có thể là bức nổi tiếng nhất. Được thực hiện vào năm 1562 cho tổ chức Veneranda Fabbrica, tác phẩm điêu khắc mô tả vị tử đạo mang một dải trông giống như một miếng vải trên vai và quấn quanh cơ thể. Nhưng đó là da của ngài, mô tả cụ thể sự tử đạo mà ngài phải chịu.
Michelangelo Buonarroti – Pietà
Pietà là tác phẩm duy nhất mà Michelangelo từng ký tên. Tượng hiện đang được đặt tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, ban đầu nó được Đức Hồng y người Pháp, Jean de Bilhères, vị đại diện ở Rôma, đặt làm. Tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch Carrara ban đầu nhằm mục đích làm đài kỷ niệm tang lễ của Hồng y, nhưng đã được chuyển đến vị trí hiện tại vào thế kỷ 18.
Gian Lorenzo Bernini – The Ecstasy of Saint Teresa
Santa Maria Della Vittoria, một vương cung thánh đường nhỏ trên đường Via XX Settembre, gần quảng trường Piazza della Repubblica ở Rôma, thuộc dòng Camêlô Đi Chân Đất. Họ nhiệt thành bảo vệ tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của Bernini, “The Ecstasy of Saint Teresa” (Sự xuất thần của Thánh Têrêsa) thánh bổn mạng của họ. Đây là một tác phẩm có từ giữa thế kỷ 17 và được coi là đỉnh cao của thiên tài nghệ thuật Bernini.
Giovanni Strazza – The Veiled Virgin
Có thể không nổi tiếng như tác phẩm Veiled Christ năm 1753 của Sammartino, tác phẩm The Veiled Virgin (Đức Trinh nữ che khăn) của nhà điêu khắc Giovanni Strazza là một tác phẩm điêu khắc đặc biệt khác, mô tả một người được che một tấm vải phủ trong suốt chạm khắc trên cùng một khối đá cẩm thạch của toàn bức tượng. Kỹ năng điêu khắc bậc thầy của nhà điêu khắc, có thể làm cho tấm mạng che đầu của Đức Trinh Nữ có vẻ “trong suốt” như thật, làm cho tác phẩm này được xếp vào vị trí xứng đáng trong lịch sử điêu khắc phương Tây.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2021]