Linh mục: Sẽ hết gọi là “Cha”?

971

by phanxico.vn

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2019-08-29

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 29-8 tại quảng trường Thánh Phêrô 

Trong các thập niên sắp tới, chúng ta sẽ không gọi linh mục là “Cha” nữa?”

Càng ngày càng có nhiều người đặt vấn đề về việc dùng từ “Cha” để gọi linh mục. Giữa các triệu chứng của giáo quyền và yêu cầu cần thiết của mục vụ, nhà luân lý học Thierry Collaud và linh mục Joël Pralong, bề trên chủng viện Sion, Givisiez, nước Pháp đưa ra ý kiến của họ trong cuộc họp về vấn đề này.

Trong lần họp thượng đỉnh bảo vệ trẻ vị thành niên vào cuối tháng 2 năm 2019, nữ tu Veronica Openibo lên tiếng: “Con ngưỡng mộ cha, Cha Phanxicô!” Việc sơ bỏ cụm từ “Đức Thánh Cha” đã làm cho những người tham dự hội nghị chú ý, cũng như bài diễn văn của sơ về sự tàn bạo của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

Câu nói của nữ tu người Nigeria không phải là không có căn cứ, câu nói này trong bối cảnh chung đặt vấn đề cho một số “trụ” của truyền thống công giáo, trong đường hướng cải cách được Đức Phanxicô đưa ra và trong bối cảnh khủng hoảng lạm dụng. Vì thế các chức danh của một số trong các thể chế càng ngày càng được nhắm đến. Ngoài các chữ như hồng y, đức ông (éminences, monseigneur ou révérends), đặc biệt một số người yêu cầu ngưng gọi các linh mục là “cha.” Một đề nghị dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Giêsu: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là “Cha” (Mt 23.9). 

Tội lỗi của người pharisêu

Linh mục Parlong nhấn mạnh, lập luận nếu nó có trọng lượng thì cần phải đặt đúng bối cảnh: “Lúc đó Chúa Giêsu muốn nói đến các người pharisêu, khi họ dùng danh hiệu “cha” để tự đặt mình là cấp trên và để cai trị dân. Chúa Giêsu chống sự lạm dụng từ này.

Giáo sư Thierry Collaud, dạy luân lý ở Đại học Fribourg xác nhận sự cần thiết phải xem lại bối cảnh của đoạn này: “Chúa Giêsu nghiêm khắc chỉ trích người pharisêu giả hình, họ chỉ đi tìm danh dự cá nhân mà không quan tâm đến những người được giao phó cho họ, cũng không quan tâm đến Chúa, người mà họ nhân danh để hành động. Tuyệt đối họ không được mang danh hiệu “Cha” vì trên họ luôn có một Người Cha thực sự mà họ phải nhìn nhận và tuân phục.” Trong bối cảnh này, giáo sư Collaud cho rằng bản chất chức vị không quan trọng nhưng là cách hành xử theo chức vị mình mang, cũng như khả năng làm cho người mang chức vị này kiêu ngạo.

Sự sinh ra về mặt thiêng liêng

Theo linh mục Pralong, danh hiệu “cha” có ý nghĩa khi nó truyền đạt các giá trị kèm theo: “Linh mục là ‘cha’, vì lời của linh mục có thể giúp cho sự tăng trưởng của con người. Tôi nghĩ chữ này không bị lạm dụng khi nó mô tả vai trò ‘sinh ra về mặt thiêng liêng’ của người được chọn để chuyển Lời mà họ tuyên xưng, đó là Lời Chúa.”

“‘Người Cha’ là la bàn trong thế giới công giáo đầy hoài nghi”

Giáo sư Thierry Collaud công nhận có một “truyền thống lâu đời của tình phụ tử, tình mẫu tử thiêng liêng mà nếu loại bỏ nó sẽ là một điều đáng tiếc.” Tuy nhiên giáo sư cảnh giác có một nguy cơ làm cho tín hữu bị ấu trĩ hóa. Theo ông, nạn giáo quyền phát triển trong Giáo hội khi họ dùng danh hiệu “Cha” để nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các giáo sĩ. “Chúng ta có thể nói, việc dùng này tạo điều kiện thuận lợi cho cái nhìn này thành hư hỏng. Giáo sĩ, cảm thấy mình ở cấp trên, đi quá vai trò người cha và xem giáo dân như con cái mà họ có thể nói cái gì tốt phải tuân theo, dù đôi khi giáo dân không hiểu gì.”

Theo giáo sư, sự ấu trĩ này và việc nhấn mạnh quá độ hình ảnh người linh mục làm cho họ trở nên người không đụng chạm đến được, đã đóng một vai trò trong nạn dịch các vụ lạm dụng (tình dục và các chuyện khác). Ông khẳng định: “Ở đây, một cách thảm thương, Giáo hội đã để phát triển trong nội bộ của mình một cấu trúc thực sự tội lỗi. Chữ ‘Cha’ không chịu trách nhiệm, nhưng chắc chắn nó có một vai trò thuận lợi”. Theo nhà luân lý học, các vụ lạm dụng trên một bình diện lớn cho thấy “triệu chứng của sự rối loạn chức năng của giáo hội rất nghiêm trọng” làm cho việc cải cách cấu trúc Giáo hội trở nên cần thiết. Theo nghĩa này, ông cho rằng một vài chức tước “hoàn toàn có tính cách danh dự” như “hồng y (éminence)” hoặc “Đức ông (Monseigneur)” phải được thay đổi trước khi thay đổi danh hiệu “Cha”. 

San bằng “các Hồng y”?

Linh mục Pralong cũng hiểu mong ước này và chính Đức Phanxicô cũng đã nói lên, ngài muốn chấm dứt các tước vị “huy hoàng” của giáo sĩ không liên quan gì đến tình phụ tử thiêng liêng.

Tuy nhiên linh mục cũng cảnh giác không vì khiêm tốn và bình đẳng mà rơi vào “chủ nghĩa bình quân” có tính cách hủy hoại. Theo linh mục giám đốc chủng viện Sion, vai trò “người cha” trong xã hội hiện nay rất quan trọng vì chúng ta hoàn toàn thiếu các điểm chuẩn. “Rất nhiều lý thuyết bao gồm cả lý thuyết gọi là ‘giới tính’ muốn san bằng mọi khác nhau giữa con người. Thậm chí người ta còn nói đến cha mẹ 1, cha mẹ 2…” Linh mục Pralong nhắc lại, các khác biệt này, cha-mẹ, đàn ông-đàn bà được đưa lên hàng đầu trong Kinh Thánh. Nó giúp cho cấu trúc căn tính của mỗi người. Các nhà phân tâm học nhấn mạnh vai trò của người cha và người mẹ dùng để nâng cao giá trị và khẳng định phù theo nam tính và nữ tính của đứa bé.

Nhìn cái gì là quan trọng ẩn đàng sau

Linh mục Pralong cảnh báo: “Rất nhiều người trẻ khi đứng trước sự trống rỗng này đã chọn một kiểu khắc nghiệt cũng có hại như thế”. Danh hiệu “Cha” có thể là chiếc la bàn trong thế giới công giáo chìm trong hoài nghi. Và khi “tình phụ tử” được dùng đúng chỗ, thì theo linh mục đây không phải là giáo quyền: “Chắc chắn các vụ lạm dụng tình dục cho thấy rất nhiều linh mục không xứng đáng với tước vị ‘cha’ của họ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thay vì hạ tất cả mọi danh hiệu thì phải làm sao để những người mang các danh hiệu này được xứng đáng”. Và linh mục Pralong lấy làm tiếc chúng ta có khuynh hướng không nhìn cái gì là quan trọng ẩn đàng sau, muốn vứt nước dơ nhưng quên rằng có em bé trong chậu nước này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch