Linh mục Dòng Tên Frank Browne, nhiếp ảnh gia cuối cùng của tàu Titanic

885
By phanxico.vn –
http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/08/linh-muc-dong-ten-frank-browne-nhiep-anh-gia-cuoi-cung-cua-tau-titanic-474x480.jpg

la-croix.com, Émilie Massemin, 2012-04-13

Năm 1912 tàu Titanic bị chìm ở vùng biển lạnh giá Bắc Đại Tây Dương, hơn 1500 người bị chết trong vụ đắm tàu này. Linh mục Dòng Tên Frank Browne kể những ngày cuối cùng trên tàu, các hình ảnh này được in lại trong dịp kỷ niệm đau buồn (2012).

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/08/la-poupe-titanic-photographiee-p-browne-dans-port-cobh_0_730_406.jpg

Tàu Titanic ở cảng Cobh, hình chụp của Linh mục Browne / Titanicphotographs.com

Linh mục Francis Browne sinh ngày 3 tháng 1 năm 1880 ở Sunday’s Well, gần thành phố Cork, Ai Len và qua đời năm 1960 ở Dublin. Cha là linh mục Dòng Tên nổi tiếng trong ngành nhiếp ảnh, nhất là các tấm hình chụp trước khi tàu Titanic bị đắm ngày 15 – 04 – 1912.

Linh mục Francis Browne là người con thứ tám của ông bà James và Brigid Browne. Mẹ của cha qua đời ngay ngày hôm sau cha rửa tội (8 tháng 1), ngày 2 tháng 9 năm 1889 thân phụ của cha chết đuối khi cha còn nhỏ. Sau đó cha được bác Robert Browne, giám mục ở giáo phận Cloyne đem về nuôi.

Năm 1897 sau khi thi đậu trung học, cha đi du lịch với chiếc máy ảnh do bác giám mục tặng. Trong chuyến đi này, cha khám phá mình có tài chụp hình và cha là một trong các nhiếp ảnh gia Ai Len đáng kể trong thời đầu thế kỷ 20.

Cha vào chủng viện Dòng Tên năm 1897. Học ở Đại học Hoàng gia Dublin cùng với văn hào James Joyce, học triết học ở Chieri, gần thành phố Turin. Từ năm 1912 đến 1916, cha học thần học ở Viện Thần học và Triết lý Miltown Park (Dublin). Cha thụ phong linh mục ngày 31 tháng 7 – 1915.

Chính trước khi vào học thần học, cha được bác giám mục Robert tặng một vé hạng nhất đi trên tàu Tinanic từ Southampton, Queenstown và Cobh. Frank Browne chụp tấm hình đầu tiên ở ga Waterloo, Luân Đôn trước khi lên xe lửa “Titanic Special” với chiếc máy chụp hình không bao giờ rời.

Trên tàu Titanic

Linh mục Franck Browne lên tàu Titanic ngày 10 tháng 4 năm 1912, ở cabin A37. Cha bắt đầu chụp hình các sinh hoạt trên tàu, sau này nhiều tấm hình của cha là các tấm hình mẫu cũng như tấm hình của giáo sư thể dục thể thao E. T. MacCawley chụp ở phòng thể dục. Cha chụp các nơi trên tàu như thư viện, phòng ăn, boong tàu…, các khuôn mặt của hành khách hạng ba, chết trong làn nước lạnh giá, cũng như các người nổi tiếng và thủy thủ đoàn như thuyền trưởng Edward Smith và sĩ quan Archibald Butt.

“Xuống tàu!”

Giữa Cherbourg và Queenstown, cha quen một cặp vợ chồng người Mỹ, họ muốn tặng cha vé đi tiếp đến New York. Cha gởi điện tín về xin phép bác giám mục, bác trả lời ngắn gọn: “Xuống tàu ngay – Bề trên Tỉnh Dòng”, bức điện tín cứu đời cha! Browne xuống cảng Queenstown và về lại Dublin học thần học. Khi cha nghe tin tàu bị đắm, cha xếp lại bức điện tín và cất trong ví, cha giữ bức điện tín này suốt đời. Sau này cha thổ lộ: “Đó là lần duy nhất tôi thấy dưới mắt tôi, đức vâng lời thánh thiện đã cứu đời một người”.

Sau kinh nghiệm Titanic

Trong thời gian Thế Chiến Thứ Nhất, cha làm tuyên úy quân đội và nhận được huân chương Quân đội Anh và Bỉ. Sau chiến tranh, cha là bề trên nhà thường trú Dòng Tên ở Dublin (Gardiner Street) và đảm trách công việc mục vụ giáo xứ. Cha tiếp tục đi khắp nơi trên thế giới để chụp hình, tổng cộng suốt đời cha chụp 42.000 tấm hình.

Cha qua đời ở Dublin năm 1960. Các bức hình của cha được Linh mục Edward O’Donnell tìm thấy vào tháng 9 năm 1985 ở căn nhà Dòng Tên Ai Len ở Dublin, sau đó các bức hình này được xuất bản trong nhiều tác phẩm.

Sau vụ đắm tàu, các bức hình đã có một tầm quan trọng đáng kể, được xuất bản, được triển lãm khắp nơi trên thế giới từ trên hai mươi năm nay. Đặc biệt các bức hình tàu Titanic được các sử gia, các kỹ sư hàng hải, các điện ảnh gia nghiên cứu rất kỹ, trong số này có điện ảnh gia James Cameron đã dùng để trang trí cho cuốn phim Titanic của ông.

Marta An Nguyễn dịch