Li Băng: “Số người Kitô giáo trong nước đang giảm đi từng ngày”

598

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 1 26, 2021

https://lh6.googleusercontent.com/CUDbi_yTFTOTXiW1e6Y69YGE_VEumCNkJkZfIpFX_8_jtcq0SeVgn1B3_Cgo5twIb2zdkAGmWZUAXi5Qc9RYnr4gs4A2XZyLbQvNr1seh6WxwImcIRO-V5oRHmY8BWLSrxldNY8w=w640-h320
Aid to the Church in Need

Tobias Lehner – ACN News
15/01/21

Phỏng vấn linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Công giáo Maronite ở Beirut.

Li Băng vẫn thường nổi bật lên như một mô hình của toàn Trung Đông, đặc biệt do tính ổn định của những mối quan hệ liên tôn trong nước. Tuy nhiên sự cân bằng đã bị nghiêng và ngày càng trở nên bất ổn sau khi có nhiều người Kitô hữu rời bỏ quê hương. Vào tháng Tám năm 2020 Beirut bị rung chuyển bởi một trong những vụ nổ kinh hoàng nhất trong thời bình của lịch sử con người. Hiện nay thủ đô Li Băng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về cuộc sống – và trên cả nước – vốn đã bị xấu đi bởi sự quản lý yếu kém về kinh tế và nạn tham nhũng, và cuộc khủng hoảng chính trị và ngân hàng. Cha Jad Chlouk, 38 tuổi, là linh mục xứ tại nhà thờ chính tòa Maronite Thánh George ở Beirut. Cha miêu tả việc Giáo hội hiện diện và giúp đỡ tất cả những người thiếu thốn như thế nào. Bản thân nhà thờ chính tòa cũng đã bị hư hại nghiêm trọng bởi vụ nổ. Tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế và quỹ giáo hoàng Aid to the Church in Need (ACN International) (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) đang cấp quỹ cho việc khôi phục lại nhà thờ chính tòa và 16 cơ sở khác của Giáo hội ở Beirut. Phỏng vấn của Tobias Lehner.

Cuộc sống ở Beirut đã không còn như trước kể từ khi vụ nổ bốn tháng trước. Tâm trạng trong thành phố hiện nay như thế nào?

Chúng tôi vẫn còn bị chấn động bởi những gì xảy ra hồi tháng Tám. Những ký ức của ngày kinh hoàng đó thường tái hiện, đặc biệt khi chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà, những nhà thờ, trường học và bệnh viện đổ nát, hoặc khi chúng tôi nghe thấy một tiếng động bất chợt chẳng hạn tiếng sấm. Chúng tôi không thể nào không nhớ lại biến cố đó!

Tâm trạng vẫn đau buồn và lo lắng, nhưng cho dù như thế nào chúng tôi vẫn đang hết sức chuẩn bị bản thân để sống ngày lễ sắp tới và canh tân lại đời sống thiêng liêng của mình.

Những khu vực thuộc Kitô giáo bị ảnh hưởng nặng bởi vụ nổ vào đầu tháng Tám, vì những khu đó gần bến cảng. Nhà thờ Chính tòa Maronite nơi cha là chủ chăn cũng bị thiệt hại nặng nề. ACN đang hỗ trợ việc tái xây dựng. Cho đến nay công việc sửa chữa đã tiến triển đến đâu, khi mùa đông đã bắt đầu vào đỉnh điểm?

Việc phục hồi Nhà thờ Maronite bắt đầu cách đây một tháng, khi chúng tôi thử một số biện pháp tạm thời để tránh thiệt hại thêm do nước mưa chảy qua mái nhà bị hư hại và cửa sổ và cửa ra vào bị vỡ. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa mái nhà trong vài tuần, trong khi đối với các lỗ hở khác việc sửa chữa các cửa sổ và cửa ra vào bị hư hỏng, công việc này vẫn đang được tiến hành.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác khôi phục và viện trợ nhân đạo ở mức độ nào?

Đại dịch COVID-19 đã làm trì hoãn tiến trình khôi phục nhà thờ chính tòa, đặc biệt trong thời gian 2 tuần phong tỏa, chúng tôi đã phải xin giấy phép đặc biệt để tiến hành công việc, đồng thời luôn tôn trọng các biện pháp an toàn, như giãn cách xã hội, v.v.. Mặt khác, chúng tôi cố gắng duy trì viện trợ nhân đạo, vì với cuộc khủng hoảng kinh tế mà người dân Li Băng hiện đang trải qua, chúng tôi cần hiện diện và gần gũi nhiều hơn với những anh chị em đang gặp khó khăn. Nó khá mạo hiểm, nhưng qua cách áp dụng tất cả các biện pháp an toàn, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ họ tốt hơn.

Ngay sau thảm họa, nhiều người trẻ tuyên bố ý định rời khỏi Li Băng ngay lúc này, vì họ không còn nhìn thấy tương lai nào cho bản thân ở đất nước. Thực tế điều đó đã xảy ra, và nó có ý nghĩa gì cho cộng đoàn Kitô giáo ở Li Băng?

Các số liệu thống kê cho thấy hơn 380.000 đơn xin nhập cư đã được gửi đến các đại sứ quán của EU và các quốc gia Bắc Mỹ, và hầu hết trong số những đơn đó là của người Kitô giáo, những người không may bây giờ cảm thấy mình như người xa lạ chính tại quê nhà. Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thể cộng đồng Kitô giáo, vì họ đang mất đi đa phần những gì tươi sáng nhất và tốt nhất, và đặc biệt là lớp người trẻ là tương lai của người Kitô hữu ở đây. Do đó, số lượng người Kitô hữu ở đất nước này đang giảm đi từng ngày, và nó đang ảnh hưởng xấu đến tình hình và gây thêm áp lực cho những người ở lại, trong tình hình họ có thể bị ngược đãi. Đây không phải là một thuyết âm mưu; đây là thực tế mà chúng tôi đã chứng kiến ở các nước láng giềng gần nhất, bao gồm Syria, Iraq, Palestine, Jordan …

Khi cha hướng về năm mới, cha có lo lắng hơn, hay niềm hy vọng vượt qua sự lo lắng này?

Hy vọng luôn là lương thực hàng ngày của chúng tôi, đặc biệt trong những thời gian đen tối này. Bất chấp mọi thứ, chúng tôi nhìn về tương lai với niềm hy vọng, vì chúng tôi biết rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Chủ của lịch sử, và tất cả lịch sử và cuộc đời của chúng ta ở trong tay Ngài. Với Ngài và nhờ Ngài, chúng ta chắc chắn rằng “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8:28).

***

Trong video này, Cha Jad Chlouk giải thích tầm quan trọng của Nhà thờ Chính tòa Beirut:

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/1/2021]