by phanxicovn
fr.aleteia.org, Claire de Campeau, 2017-06-16
Một em bé bồng trên tay khóc, một em bé chập chững đi hét lên, một em bé khác chạy khắp nơi… Giáo dân chia trí. Vậy có nên đem em bé ra ngoài không? Làm sao để có một phản ứng tốt?
Các nhận xét…
Trẻ con khóc, trẻ con chướng thường là đề tài các cha mẹ thảo luận sau thánh lễ. Bà mẹ quá túi bụi hoặc bà mẹ mặc kệ? Nhưng làm sao phản ứng với các người cứ “sụyt sụyt”? Làm sao cầm lòng cầm trí cầu nguyện khi em bé đàng trước hét như giặc? Sau đây là các câu trả lời của các giáo dân thường gặp cảnh này.
Phải đem trẻ con ra khỏi nhà thờ không?
Đa số các giáo dân khi được hỏi đều đồng ý, khó làm cho trẻ con im lặng trong một giờ. Một giờ là quá dài và sức chịu đựng của chúng ta có giới hạn, thêm nữa không phải ai cũng có sức chịu đựng giống nhau…
Cái gì làm cho chúng ta không chịu đựng được?
Tùy! Theo bà Donatienne thì tiếng hét của em bé và các cha mẹ không chịu đem con ra khỏi nhà thờ: “Trong giáo xứ tôi có một nhà trẻ, khi trẻ em quá chướng thì cha mẹ đem ra, nhất là các em còn nhỏ. Tôi phải nói, thật dễ chịu khi các cha mẹ hiểu con họ làm phiền. Tôi không hiểu vì sao cha mẹ không đem con ra khỏi nhà thờ! Tôi không cách nào cầu nguyện khi một em bé khóc 10 phút liền không ngừng!”
Bà Marie-Laurence cho biết: “Tôi không có con. Tiếng hét của trẻ con không làm phiền tôi mấy, nhưng khi em bé hét thì cũng nên đem em bé ra khỏi nhà thờ”. Cũng thường hay thấy các cha mẹ trẻ bồng con đi lui đi tới sau nhà thờ, ánh mắt cúi xuống để tránh phải đối diện với người khác.
Bà Marie-Elisabeth thì không đồng ý đem trẻ con ra khỏi nhà thờ, bà đi ngược dòng với các người khác: “Cá nhân tôi, tôi rất thích có trẻ con. Tôi thấy đây cả là một sự nối kết với thiêng liêng. Tôi không bị phiền khi chúng ồn ào, cả tiếng hét của chúng. Tôi không hiểu vì sao cha mẹ lại phải đem con ra khỏi nhà thờ”.
Ý kiến của bà trùng với bài giảng của Đức Phanxicô, trong một thánh lễ năm 2014, ngài cũng không hiểu vì sao phải đem trẻ con ra khỏi nhà thờ: “Vì sao lại bực mình khi trẻ con khóc và phải đem chúng ra khỏi nhà thờ? Tiếng khóc của chúng là tiếng nói của Chúa: đừng đem trẻ con ra khỏi nhà thờ”.
Những lời trấn an này cũng dựa trên sự thông cảm của cha mẹ. Và rồi thì chuyện cũng được tương đối hóa, trẻ em hét la thì rồi chúng cũng yên ngay khi có bình sữa và chúng cũng không hét lâu… Có thể chúng ta cũng nên học kiên nhẫn, không chia trí khi nghe trẻ con khóc chút chút!
Khi trẻ con làm chia trí cầu nguyện
Marine không có con nhưng bà rất thích sự có mặt của chúng. Nhưng nhiều lúc chúng làm quá bà cũng không chịu đựng được. Bà đơn giản giải thích: “Mỗi người làm phần cố gắng của mình. Thánh lễ ngày chúa nhật là dịp xa lánh ồn ào trong tuần để đến với Chúa. Vì thế người đi lễ mong được thinh lặng để cầu nguyện.”
Bà Monique, lập gia đình nhưng không có con, với chút hài hước, bà nói về sự đi tìm tỉnh lặng của một vài tín hữu: “Giáo xứ chúng tôi có ba thánh lễ chúa nhật (…) chúng tôi thấy các cha mẹ mỗi người đi một lễ khác nhau để được yên!” Đúng, trẻ con có làm chúng tôi chia trí nhưng nếu chúng ta muốn đón các em vào Giáo hội thì các em nên… trật tự hơn một chút! Nhưng nhiều khi chia trí lại có những giây phút êm đềm dịu dàng như khi thấy trẻ em bắt chước mẹ quỳ cầu nguyện, khi em bé 6 tháng nhìn chăm vào các khung kính màu, khi thấy một em bé 3 tuổi hỏi mẹ hơi to, sao con không thấy Chúa Giêsu ở trong đám đông này.
Bà Marie cho biết: “Có, thỉnh thoảng tôi bị chia trí vì cả chục em bé chạy khắp nơi, nhưng bù lại khi nghe một em bé 3 tuổi hét lên… “AMEEEN!”, tôi cảm thấy thật ấm lòng, vì thế tôi không để ý đến mấy chuyện la hét này, tôi thấy dễ thương và đây cả là một sức sống cho nhà thờ!”
Giữa bực mình và dịu dàng, sự hiện diện của trẻ em trong nhà thờ làm mọi người quan tâm! Cả cha xứ, nhiều khi cũng khó tập trung để giảng, bà Marie-Laurence giải thích: “Vì trong gia đình có linh mục nên tôi hiểu, khi trẻ con hét, mình phải xem như không có gì, phải tập trung để giảng trước đông người, cũng không phải dễ!”
Thay thế “cái nhìn trách móc” bằng “cái nhìn cầu nguyện”
Cẩn thận với các ánh nhìn trách móc, những ánh nhìn làm các cha mẹ xa lánh nhà thờ vì sợ con mình làm phiền. Bà Marie-Laurence giải thích: “Tôi rất bực mình khi thấy có người quay lui nhìn chằm chằm vào cha mẹ có con khóc. Tôi thấy khổ cho họ. Chẳng hạn, đôi khi bà mẹ đi lễ một mình với các con, bà không thể chu toàn hết được. Thay vì để ý đến tiếng khóc, tiếng hét của trẻ con thì nên để ý đến ánh nhìn của mình!”
Phải để ý đến hoàn cảnh của các cha mẹ bây giờ. Một bà mẹ đi lễ một mình với các con sẽ làm cho nhiều người xúc động sâu xa, họ muốn tìm cách giúp bà mẹ, một ánh nhìn thông cảm sẽ khuyến khích bà mẹ, sẽ giúp bà mẹ đỡ có mặc cảm làm phiền. Nếu có thể, vì sao bạn không đến bồng em bé đến ngồi gần mình, đến ngồi trên chân mình và lấy một quyển sách ra cùng xem với em? Đôi khi sức mạnh của lời cầu nguyện càng mạnh hơn trong hành động của chúng ta, nơi từng cử chỉ nhỏ, nơi quan tâm của mình vào những chuyện nhỏ cho người bên cạnh.
Bà Anne không ngần ngại: “Tôi rất vui khi tôi có thể bồng một em bé, kể cho em về thánh lễ để em ngồi yên. Con gái của tôi thì lại rất thích các em từ 2 đến 5 tuổi, cô thích lo cho mấy em này. Đôi khi tôi không dám làm gì vì sợ bị hiểu lầm, tôi chỉ cười và tỏ ra thông cảm với họ”.
Chúng ta cùng tiếp đón nhau, không cầu nhầu
“Bình an của Chúa ở với bạn”: Và nếu chúng ta trực tiếp áp dụng? Dù sao, một ánh nhìn dịu dàng thì sẽ có tác dụng hơn là ánh nhìn trách móc, ánh nhìn này ăn sâu vào đầu cha mẹ đã khổ, vì hơn ai hết, họ là người đầu tiên chịu khổ vì tiếng la hét này.
Bà Marine thổ lộ: “Trước đây khi còn là cô sinh viên trẻ ngây thơ, tôi nghĩ mấy đứa bé làm ồn vì chúng không quen đi lễ, tốt hơn cha mẹ nên giữ nó lại. Tôi có cái nhìn phê phán nghiêm khắc và tự cao. Bây giờ tôi ở trong địa vị của các cha mẹ khốn khổ này! Tôi hối hận nhiều”.
Nói với cha xứ để làm dịu căng thẳng?
Khi thánh lễ quá ồn và các cha mẹ ít chịu hợp tác, một vài giáo dân đã không ngần ngại nói với cha xứ hay với cộng đoàn, bà Éloise giải thích cho chúng tôi: “Đôi khi có vài người rất bực mình , họ nói với cha xứ và cha xứ có bài giảng về đề tài “Hãy để trẻ con đến với Ta”, và tất cả mọi chuyện đâu vào đó. Các bà mẹ quan tâm hơn, các giáo dân kiên nhẫn hơn!”
Dù sao có một người thứ ba can thiệp vẫn hay hơn là giáo dân khuyên bảo nhau! Cũng có nhiều giáo xứ có giải pháp như có phòng giữ trẻ, góc chơi, phòng riêng dưới nhà thờ cho các cha mẹ có con nhỏ.
Cầu nguyện cho các em bé, cho các cha mẹ!
Bà Elfège xúc động khi thấy các cha mẹ đem con đi nhà thờ, bà cầu nguyện cho họ, cho các cha mẹ quá bận bịu! Bà nói: “tôi là người dì rất thương cháu, tôi thấy Đức Giáo hoàng nói đúng, trẻ con là người mình phải chào đón vào nhà thờ! (…) Trẻ con chạy, bò có thể làm chúng ta chia trí vài phút nhưng các cháu nhắc cho chúng ta nhớ, các cháu là thế hệ tương lai, là tương lai của Giáo hội. Cá nhân tôi, tôi thật hạnh phúc, cảm thấy mình được ơn sâu đậm khi nhìn các cháu ở trong nhà thờ. Nếu tôi không nghe rõ lời thánh lễ thì tôi đọc theo sách và tôi cầm trí lại được ngay. Ngắn gọn, hoan hô giáo xứ có trẻ con! Và tôi thường cầu nguyện cho các cha mẹ quá bận bịu với con cái! Tôi chắc chắn ơn Chúa xuống dồi dào cho các gia đình này!”
Bà Solenne cũng thấy, các em bé chạy lăng xăng trong nhà thờ bây giờ là các hình ảnh tương lai của Giáo hội: “Một em bé chạy chơi, nằm, bò, nói chuyện rồi thì có thể các em này sẽ là nhà truyền giáo, linh mục, người đi giảng!”.
Nhân hậu với các giáo dân của ngày mai…
Như thế rất khó để hóa giải giữa các cha mẹ để con chạy lung tung và các cha mẹ cố gắng kềm các con lại, những người này họ cũng gây ồn ào với những tiếng “sụyt, sụyt” và loay hoay của họ!
Vì thế chúng ta nên dịu dàng trong quan hệ với người khác, khoan dung với các cha mẹ quá bận bịu với con cái, cầu nguyện cho họ, hoặc chúng ta đi lễ sớm hơn, hoặc đi lễ chiều… với các sinh viên! … Nhưng cũng cẩn thận với tiếng reo của điện thoại di động! Mỗi tuổi có chuyện của nó!
Khi bực mình vì các loay hoay này, chúng ta giữ kiên nhẫn và bình tâm, vì đây là thế hệ mới và tương lai của Giáo hội ngày mai, và chắc chắn thà thấy nhà thờ đông trẻ con như thế, còn hơn là thấy nhà thờ không bóng dáng trẻ con nào!
Marta An Nguyễn dịch