Làm sao Chúa Giêsu và Thánh Phêrô có thể giảng cho 5.000 người cùng một lúc?

390

Tri Khoan chuyển ngữ

Phát biểu thành công trước một đám đông lớn không phải là không thể, và lịch sử đã chứng minh điều này.

https://lh5.googleusercontent.com/QyMsPbFGGIOUqndoYZc3Nz9QL9A0yLvRaNtjW3xJXvTEmlFMOGgHJcHV1YTi9uleeInwYjv1JPcW7gl0jMNy1kRXrT3EA5uBBlRqahPWLw2cGD4aHSK6YMWokPNHCvXJbaclCLXk=w640-h427

Carl Bloch, “Bài giảng trên núi,” 1877 (photo: Wikimedia Commons / Public Domain)

Dave Armstrong

21 tháng Hai, 2022

Tin Mừng theo Thánh Máccô (4:1-2) kể, “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.”

Và sách Công vụ Tông đồ Chương 2 tường thuật, “Có nhiều người kéo đến … ông Phêrô lớn tiếng nói với họ … Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.”

Một số học giả và nhà phê bình Kinh thánh hoài nghi đã lập luận rằng Chúa Giêsu và Thánh Phêrô không thể nói với hàng ngàn người mà không có micrô. Trên thực tế, phát biểu thành công trước 5.000 người hoặc thậm chí nhiều hơn nữa không phải là điều không thể, và lịch sử đã minh chứng điều này.

Nhưng chúng ta sẽ giả định thoáng qua rằng tất cả những tường thuật về các bài giảng như vậy đều là phóng đại hoặc hoàn toàn sai sự thật. Khoa học cho chúng ta biết điều gì? Theo báo cáo cho biết nhà truyền giáo Tin lành George Whitefield (1714 – 1770) khi còn trẻ đã thuyết giảng trước các đám đông 20.000 người hoặc hơn nữa (cho đến khoảng năm 1739). Những người đã nghe mục sư giảng nói rằng ông có một giọng nói “giống như tiếng một con sư tử.” Benjamin Franklin đã thực hiện một thử nghiệm trong cùng năm đó để kiểm tra phạm vi có thể nghe tiếng của mục sư Whitefield.

Ông Braxton Boren, năm 2014, là ứng viên tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Âm nhạc và Âm thanh tại Đại học New York, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu “cập nhật của Franklin”. Chuyên ngành của ông là vật lý âm thanh và kỹ thuật mô phỏng âm thanh. Trong một cuộc phỏng vấn riêng, độc giả được thông tin về những điều ông đã khám phá được. Sử dụng nhiều biến số khác nhau, thật đáng kinh ngạc cường độ giọng nói của mục sư Whitefield được ước tính là 90 decibel (thông thường, cường độ được coi là “lớn” là 74 trở lên, và mức độ nói chuyện bình thường là 60). Các diễn viên và ca sĩ opera đã được kiểm tra độ lớn của giọng nói, và mức cao nhất mà họ có thể đạt được, chắc chắn là khoảng 90 decibel.

Nghiên cứu kết luận rằng người ta có thể nghe thấy mục sư Whitefield trong một khu vực rộng từ 25.000 đến 30.000 mét vuông, trong “điều kiện tối ưu.” Diện tích đó có thể chứa 50.000 người. Chắc chắn 20.000 hoặc 30.000 có thể dễ dàng nghe thấy ông. Hơn nữa, các tòa nhà xung quanh cộng thêm khoảng sáu decibel vào cường độ của giọng nói. Đó là trường hợp của Thánh Phêrô ở Giêrusalem. Như vậy Thánh Phêrô có thể nói chuyện với hơn 5.000 người không? Theo khoa học về âm thanh thì không có vấn đề gì. Tất cả những gì ngài cần có là một giọng nói lớn. Thánh Phaolô (người được ghi lại là đã có nhiều bài nói và bài giảng trong Tân Ước) cũng được cho là có “tiếng nói lớn” (Cv 14:10; 16:28). Thánh Phêrô không được mô tả theo cách như vậy, nhưng đưa ra giả định tương tự cũng là điều hợp lý.

Một yếu tố khác khi nói trước đám rất đông người (trừ trường hợp có micrô) là địa hình của môi trường. Khi tôi và vợ tôi, Judy đến thăm Israel vào năm 2014, người hướng dẫn viên du lịch đã giải thích về việc Chúa Giêsu có thể đã giảng Bài giảng trên Núi từ dưới chân núi như thế nào. Các ngọn đồi trong khu vực đó tạo thành một giảng đường tự nhiên cho phép việc nghe được âm thanh dễ dàng. Âm thanh hướng lên phía trên và bị “chặn” bởi hình dạng của giảng đường (đó chính là lý do tại sao người Hy Lạp cổ đại và những dân tộc khác sử dụng kiểu thiết kế đó). Hướng dẫn viên của chúng tôi nói rằng anh ấy đã đến thăm Nhà thờ Các Mối Phúc vào ban đêm khi không có ai xung quanh, và có thể nghe rõ những ngư dân nói chuyện dưới biển.

Sau đó, nhóm du lịch của chúng tôi đã kiểm nghiệm giả định này tại một vị trí “giảng đường” tương tự, nơi Chúa đã cho 4.000 ăn (bên kia Biển Galilê). Giả định hoàn toàn đúng: Chúng tôi có thể nghe thấy nhau (nói chuyện khá nhỏ tiếng để kiểm tra) cách rõ ràng từ dưới lên trên và ngược lại.

Chúa Giêsu được mô tả năm lần là đã “nói lớn tiếng” — ngay cả trên thập giá (Mt 27:46, 50; Mc 15:34; Lc 23:46; Ga 11:43). Ngoài Bài giảng trên Núi, trong các trường hợp khác Ngài được mô tả là giảng dạy từ một chiếc thuyền trên Biển Galilê (Mt 13:1-9; Mc 4:1-9), nơi thường có độ dốc lớn cạnh bờ. Ngài giảng cho “rất đông người” (Mt 13: 2), “một đám người rất đông” (Mc 4:1), “một đám đông rất nhiều người” (Lc 8:4) và“ đoàn lũ dân chúng” (Lc 6:17). Nếu Ngài có giọng nói lớn và độ vang âm phù hợp, Ngài có thể dễ dàng nói với hàng ngàn người. Nhà khảo cổ học B. Cobbey Crisler và kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp Mark Miles đã thử nghiệm điều này ở cùng những vị trí trên Biển Galilê và nhận được kết quả hoàn toàn tương ứng.

Trở lại với Thánh Phêrô: khi ngài giảng vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2), và 3.000 người đã lãnh nhận phép rửa và gia nhập Giáo hội, tại địa điểm (Phòng Tiệc Ly, gần mộ Đavít hiện nay) hiện nay là Núi Zion, một ngọn đồi phía tây Giêrusalem. Vì vậy, có thể (hoàn toàn có thể) ngài đã rao giảng từ trên Núi Zion xuống các đám đông (xem ảnh dưới): Nơi diễn ra Ngày Lễ Ngũ Tuần và nhận lãnh Chúa Thánh Thần (sau đó ngài bắt đầu giảng dạy). Điều đó giúp dễ nghe thấy tiếng nói hơn, và nếu ngài thật sự có giọng nói lớn, thì còn hơn thế nữa. Bài giảng thứ hai trước một nhóm đông người của Thánh Phêrô ở trong khu phức hợp Đền thờ (Cv 3:1-2, 11-12). Như đã lưu ý ở trên, các tòa nhà hoặc các bức tường làm tăng cường độ giọng nói của một người, và đám đông chen chúc chật chội hơn.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/9f/MtZion_from_Abu_Tor.jpg/1280px-MtZion_from_Abu_Tor.jpg

[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2022]