Khám phá những hang toại đạo quan trọng nhất của Kitô giáo bên ngoài Rôma | Tri Khoan

1099

Khám phá những hang toại đạo quan trọng nhất của Kitô giáo bên ngoài Rôma

MTA – Malta Tourism Authority | 31/05/21

Quần đảo, nằm ở vị trí chiến lược ngay trung tâm Địa Trung Hải, nổi tiếng với các di tích thời tiền sử được bảo tồn rất tốt. Nhưng nhiều công trình kiến trúc của Kitô giáo thời sơ khai nằm trong số những di tích quan trọng nhất trên toàn thế giới, và cung cấp bằng chứng duy nhất về đời sống của các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai trong khu vực.

Một số người nói rằng Malta là một nhà thờ lớn. Về một mặt nào đó thì họ đúng. Nó thật sự đúng như vậy về nhiều mặt. Để bắt đầu, quần đảo là quê hương của hơn 365 nhà thờ. Một cách rất tự nhiên, người Malta thường nói đùa với nhau rằng họ có thể mỗi ngày tham dự một Thánh Lễ ở một nhà thờ khác nhau trong suốt năm nếu họ muốn. Điều có vẻ như là một sự cường điệu (làm sao lại có quá nhiều nhà thờ ở một quốc gia nhỏ hơn thành phố New York 2,5 lần?) lại trở thành hợp lý khi xét Malta không chỉ là quốc gia châu Âu có mật độ dân số cao nhất (gần 1300 người trên một km vuông), mà còn là quốc gia có tỷ lệ người Công giáo cao nhất trên toàn lục địa: gần 98% người Malta (đáng tự hào!) là Công giáo.

Ngoài ra, cảnh quan của quần đảo thật xứng đáng để bạn chiêm ngưỡng. Nếu đúng là người ta có thể thoáng nhìn được sự thập toàn thập mỹ của Thiên Chúa qua việc ngắm nhìn vẻ đẹp của tạo hóa, như những triết gia thuộc trường phái Augustine và Kitô giáo khác đã tuyên bố, thì Malta có thể là một loại công viên giải trí cho những người chiêm niệm: quần đảo này có những bãi biển đầy cát trắng hiếm có, những vách đá vươn lên sừng sững từ vùng biển hoang sơ, những hang động tự nhiên hùng vĩ và những thung lũng xanh tươi căng tràn sức sống.

Nhưng một cái nhìn bên dưới mặt đất theo nghĩa đen thậm chí còn tiết lộ nhiều hơn (không, chúng tôi không đề cập đến các địa điểm lặn nổi tiếng của Malta): một hệ thống hang toại đạo phức tạp cho thấy rõ ràng rằng Kitô giáo của người Malta cũng lâu đời như chính Kitô giáo. Thật vậy, cộng đoàn Kitô giáo Malta cũng lâu đời như những cộng đoàn Êphêsô, Giêrusalem, Côrinhtô và Rôma, nhờ vụ đắm tàu (theo sự quan phòng) của Thánh Phaolô, như được kể trong Sách Công vụ.

Hãy hình dung cảnh này: Đó là vào năm 60 sau Chúa Giáng sinh. Phaolô đang trên thuyền vượt qua những vùng nước đầy sóng gió của Địa Trung Hải, trên một con tàu thuộc hạm đội của hoàng đế La Mã. Đích đến của con thuyền này là thành Rôma, nơi Thánh Tông đồ sẽ bị xét xử sau cáo buộc rao giảng đạo Kitô ở Giêrusalem.

Nhưng sau khi gặp trận bão, con tàu La Mã bị lật úp. Điều nghe có vẻ như là một biến cố bất hạnh, gần như là biến cố bi thảm lại trở thành sự ra đời của truyền thống Kitô giáo của người Malta kéo dài hai nghìn năm không bị gián đoạn. Nó là trên một trong những hòn đảo nhỏ ở phía tây bắc hiện được biết đến (với những lý do rõ ràng) là Quần đảo Thánh Phaolô (vâng, bạn có thể ghé thăm chúng trong chuyến đi tiếp theo đến quần đảo này), nơi Thánh Phaolô đã đặt chân lên đất liền. Đoạn văn trong Tông đồ Công vụ (28:1-5) miêu tả như sau:

“Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Manta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: ‘Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.’ Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì.”

Cảnh này (cảnh Thánh Phaolô bị rắn cắn, nhưng không hề hấn gì) đã truyền cảm hứng cho các họa sĩ trong suốt nhiều thế kỷ, trở thành một trong những chủ đề được yêu thích cho ảnh tượng về thánh Phaolô. Nhưng, quan trọng hơn, chính biến cố đó đã làm cho người dân địa phương hiếu khách này hiểu rằng có điều gì đó rất đặc biệt ở vị khách của họ. Nhiều người bắt đầu lắng nghe ngài rao giảng (trong đó có ông Púpliô, khi đó là thống đốc La Mã của hòn đảo, và là người chẳng bao lâu sau trở thành giám mục và vị thánh đầu tiên của hòn đảo), và từ đó cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên của Malta ra đời.

Cho dù sự ra đời của cộng đoàn Kitô giáo này chắc chắn là một điều tốt lành, nhưng trong suốt hai, gần ba thế kỷ sau đó, Kitô giáo bị các hoàng đế La Mã thống trị coi là bất hợp pháp. Cũng giống như trong đại lục, người Kitô hữu thời sơ khai sống ở quần đảo này phải thực hành đức tin của mình một cách bí mật, giấu giếm. Việc chôn cất những người đã khuất cũng không ngoại lệ. Vì việc chôn cất trong thành chỉ được cho phép đối với các tôn giáo được cho là hợp pháp (bao gồm cả Do Thái giáo), người Kitô giáo chôn cất người của họ trong các hang toại đạo, bên ngoài các tường của kinh thành La Mã lúc bấy giờ là Melite (ngày nay là Mdina).

Ngày nay, những Hang toại đạo rộng lớn, phức tạp của Malta là bằng chứng khảo cổ học lớn nhất về Kitô giáo sơ khai ở Malta. Trên thực tế, những hệ thống hang toại đạo này là một trong những hệ thống lớn nhất trong tất cả các truyền thống Kitô giáo, chỉ đứng sau hệ thống được tìm thấy ở Rôma. Được xây dựng từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ tám, những Hang Toại đạo Thánh Phaolô uốn lượn quanh co trên diện tích hơn 22.000 bộ vuông (hơn 6700 mét vuông). Và theo truyền thống địa phương, chúng thậm chí còn được kết nối với hang động Thánh Phaolô, nơi Thánh Tông đồ lấy làm chỗ trú ngụ ngay khi ngài lên đảo. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng hang toại đạo Thánh Phaolô không phải là những hang Toại đạo duy nhất ở Malta: Chẳng hạn, hang toại đạo Thánh Agatha gồm có hơn 500 mộ, dành cho người Kitô giáo, người Do Thái và người ngoại giáo; và Ta’ Bistra là Hang toại đạo lớn nhất bên ngoài Rabat (nơi tọa lạc của hang toại đạo Thánh Phaolô và Thánh Agatha). Hang toại đạo Thánh Phaolô và Ta’ Bistra (và những Hang Toại đạo khác) được quản lý bởi cơ quan bảo tồn di sản Heritage Malta, trong khi Hang Toại đạo Thánh Agatha thuộc trách nhiệm Dòng Truyền giáo Thánh Phaolô (M.S.S.P). Heritage Malta cũng quản lý các Hang Toại đạo Thánh Augustine, Ta’ Mintna, Salina và Abbatija tad-Dejr. Heritage Malta là cơ quan quốc gia phụ trách quản lý các bảo tàng, những nơi bảo tồn, và di sản văn hóa rộng lớn của quần đảo.

Trong những ngày đầu, mồ chôn của người Kitô giáo ở Malta chủ yếu gồm một lỗ sâu lộ thiên hình chữ nhật và một hoặc hai ô phòng ở hai bên, nơi các thi thể sẽ được đặt theo đúng cách thức và theo nghi lễ. Một số cấu trúc tương đối đơn giản vẫn có thể được đánh giá cao trong các hang toại đạo này. Nhưng trong suốt nhiều thế kỷ, khi những cộng đồng này phát triển, người Kitô hữu rõ ràng cần phải xây dựng những ô phòng lớn hơn, bao gồm các yếu tố phụng vụ và sùng kính (không chỉ để trang trí) như một phần của những công trình này. Cuối cùng, có quá nhiều ngăn như vậy kết nối với nhau, chúng hình thành những hang toại đạo hoàn chỉnh với các bức tường chứa đầy những hình tượng mang tính biểu tượng sâu sắc, và vì vậy một hệ thống đường hầm phức tạp dẫn từ mộ này sang mộ tiếp theo cho đến ngày nay, và hoàn toàn mở cửa cho công chúng. Sau một công trình trùng tu mở rộng được Heritage Malta bắt đầu trở lại vào năm 2015 (với kinh phí khoảng 4 triệu euro, được cung cấp một phần bởi Quỹ Phát triển Khu vực Châu Âu), tất cả những người muốn khám phá thêm về truyền thống Địa Trung Hải hấp dẫn này đều có thể đến tham quan những hang toại đạo. Hang toại đạo Thánh Agatha đã được trùng tu vào năm 2017 và cũng mở cửa cho khách tham quan.

Kỹ năng mà những người Kitô giáo Malta thời kỳ đầu áp dụng để có thể đào những hành lang và ô phòng này bằng cách đục trực tiếp trên đá vôi thô có thể nói là điểm ấn tượng nhất, nói như vậy mới chỉ là cách nói giảm bớt. Du khách đặt chân vào khu phức hợp chính của Hang toại đạo Thánh Phaolô sẽ chú ý đến hai đại sảnh được khắc bằng các những cột trụ theo phong cách Doric, và sự lặp lại liên tục của các bản khắc với mẫu hình xoắn ốc đánh dấu lối vào và lối ra của hầu hết các hành lang. Trong hai sảnh này đều có những chiếc bàn tròn làm bằng đá vôi được bảo quản tốt, đặt trên một bệ thấp với các mặt dốc trông giống như kiểu giường cổ (ghế trường kỷ) của hầu hết các ngôi nhà La Mã. Những chiếc bàn này có lẽ được sử dụng cho các nghi thức chôn cất, và có lẽ cho các buổi cử hành thánh thể thuở ban đầu.

Có thể đến tham quan những kho báu ấn tượng của Kitô giáo thời sơ khai như dưới đây:

Hang toại đạo Thánh Phaolô mở cửa từ thứ Năm đến Chủ Nhật từ 10:00 đến 16:30, nhưng từ ngày 1 tháng Sáu sẽ mở cửa cả tuần từ 10:00 đến 17:00 và bạn có thể đặt vé trước trên trang web của Heritage Malta (là một phần của vé kết hợp để tham quan các địa điểm khác trong cùng khu vực). Các chuyến thăm đến Bistra, Abbatija tad-Dejr, Salina và Hang toại đạo Thánh Augustine chỉ được thực hiện theo lịch hẹn (bạn có thể đặt lịch tham quan của mình bằng cách liên hệ với chị Mary Rose Muscat qua: mary-rose.b.muscat@gov.mt; và chị Stephanie Mifsud – cả hai đều đại diện cho Hertiage Malta – qua stephanie.b.mifsud@gov.mt nếu bạn muốn đến thăm Ta’ Mintna). Hang toại đạo Thánh Agatha sẽ mở cửa từ ngày 15 tháng Sáu, nhưng bạn nên liên lạc với Tu huynh Domnic Borg qua địa chỉ borgdominic@gmail.com để lên kế hoạch cho chuyến thăm của bạn.

Mời bạn xem loạt ảnh dưới đây để thưởng thức một số hình ảnh độc đáo của những cấu trúc Kitô giáo thời sơ khai này, một trong những cấu trúc quan trọng nhất trên toàn thế giới.

Quý vị xem ảnh tại đây

Chúng tôi gửi lời cảm ơn anh David Cardona (nhà khảo cổ học thực địa và giám đốc khảo cổ của Heritage Malta), và Tu huynh Dominic Borg (M.S.S.P), người phụ trách Khu phức hợp Thánh Agatha, đã cung cấp tài liệu và hình ảnh liên quan đến các địa điểm do họ phụ trách.

Cũng lâu đời như chính Kitô giáo

Nhưng một cái nhìn bên dưới phong cảnh quyến rũ của Malta tiết lộ một hệ thống hang toại đạo phức tạp cho thấy rõ ràng rằng Kitô giáo của người Malta cũng lâu đời như chính Kitô giáo. Thật vậy, cộng đoàn Kitô giáo Malta cũng lâu đời như những cộng đoàn Êphêsô, Giêrusalem, Côrinhtô và Rôma, nhờ vụ đắm tàu (theo sự quan phòng) của Thánh Phaolô, như được kể trong Sách Công vụ.

Những hang toại đạo quan trọng nhất của Kitô giáo bên ngoài Rôma

Ngày nay, những Hang toại đạo rộng lớn, phức tạp của Malta là bằng chứng khảo cổ học lớn nhất về Kitô giáo sơ khai ở Malta. Trên thực tế, những hệ thống hang toại đạo này là một trong những hệ thống lớn nhất trong tất cả các truyền thống Kitô giáo, chỉ đứng sau hệ thống được tìm thấy ở Rôma. Được xây dựng từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ tám, những Hang Toại đạo Thánh Phaolô uốn lượn quanh co trên diện tích hơn 22.000 bộ vuông (hơn 6700 mét vuông).

Trong những ngày đầu …

… mồ chôn của người Kitô giáo ở Malta chủ yếu bao gồm một lỗ sâu lộ thiên hình chữ nhật và một hoặc hai ô phòng ở hai bên, nơi các thi thể sẽ được đặt theo đúng cách thức và theo nghi lễ. Một số cấu trúc tương đối đơn giản vẫn có thể được đánh giá cao trong các hang toại đạo này.

… Nhưng sau nhiều thế kỷ

… khi những cộng đồng này phát triển, người Kitô hữu rõ ràng cần phải xây dựng những ô phòng lớn hơn, bao gồm các yếu tố phụng vụ và sùng kính (và không chỉ trang trí) như một phần của những công trình này. Cuối cùng, có quá nhiều ngăn như vậy kết nối với nhau, chúng hình thành những hang toại đạo hoàn chỉnh với các bức tường chứa đầy các yếu tố hình tượng mang tính biểu tượng sâu sắc, và vì vậy một hệ thống đường hầm phức tạp dẫn từ mộ này sang mộ tiếp theo cho đến ngày nay, và hoàn toàn mở cửa cho công chúng.

Khi Kitô giáo là bất hợp pháp

Cho dù sự ra đời của cộng đoàn Kitô giáo này chắc chắn là một điều tốt lành, nhưng trong suốt hai, gần ba thế kỷ sau đó, Kitô giáo bị các hoàng đế La Mã thống trị coi là bất hợp pháp. Cũng giống như trong đại lục, người Kitô hữu thời sơ khai sống ở quần đảo này phải thực hành đức tin của mình một cách bí mật, giấu giếm. Việc chôn cất những người đã khuất cũng không ngoại lệ.

Bằng chứng khảo cổ học lớn nhất của Kitô giáo sơ khai ở quần đảo.

Vì việc chôn cất trong thành chỉ được cho phép đối với các tôn giáo được cho phép hợp pháp (bao gồm cả Do Thái giáo), người Kitô giáo chôn cất người của họ trong các hang toại đạo, bên ngoài các tường của kinh thành La Mã lúc bấy giờ là Melite (ngày nay là Mdina). Ngày nay, những Hang toại đạo rộng lớn, phức tạp của Malta là bằng chứng khảo cổ học lớn nhất về Kitô giáo sơ khai ở trên quần đảo.

Những gia tài tranh tượng hình

Các bức tường chứa đầy các yếu tố hình tượng mang tính biểu tượng sâu sắc. Sau một công trình trùng tu mở rộng được Heritage Malta bắt đầu trở lại vào năm 2015 (với kinh phí khoảng 4 triệu euro, được cung cấp một phần bởi Quỹ Phát triển Khu vực Châu Âu), tất cả những người muốn khám phá thêm về truyền thống Địa Trung Hải hấp dẫn này đều có thể đến tham quan những hang toại đạo.

Nghi thức chôn cất theo phụng vụ, hay là những cử hành thánh thể ban đầu?

Trong hai sảnh này đều có những chiếc bàn tròn làm bằng đá vôi được bảo quản tốt, đặt trên một bệ thấp với các mặt dốc trông giống như kiểu giường cổ (ghế trường kỷ) của hầu hết các ngôi nhà La Mã. Những chiếc bàn này có lẽ được sử dụng cho các nghi thức chôn cất, và có lẽ cho các buổi cử hành thánh thể thuở ban đầu.

Đào trên đá

Kỹ năng mà những người Kitô giáo Malta thời kỳ đầu áp dụng để có thể đào những hành lang và ô phòng này bằng cách đục trực tiếp trên đá vôi thô có thể nói là rất ấn tượng nhất, nói như vậy mới chỉ là cách nói giảm bớt.

Đều dành chung cho người Kitô giáo, người Do Thái và dân ngoại.

Hang toại đạo Thánh Phaolô không phải là những hang Toại đạo duy nhất ở Malta: Chẳng hạn, hang toại đạo Thánh Agatha gồm có hơn 500 mộ, dành cho người Kitô giáo, người Do Thái và người ngoại giáo.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2021]