lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-08-30
Đức Phanxicô, người mơ một ngày đến Bắc Kinh, ngài sẽ đi gặp một trong những Giáo hội công giáo nhỏ nhất trên thế giới.
Chắc chắn đây là chuyến đi lạ lùng nhất của ngài. Chiều thứ năm 31 tháng 8, ngài sẽ rời Rôma để đi Mông Cổ và sẽ về Rôma ngày thứ hai. Ở đó ngài sẽ gặp một trong những Giáo hội công giáo nhỏ nhất thế giới, nhưng lại có một trong những kỷ lục phát triển của toàn công giáo hiện nay.
Được ba nhà truyền giáo người nước ngoài thành lập năm 1992, không một người Mông Cổ nào rửa tội lúc đó, năm 1995 họ có được 14 người công giáo địa phương, ba mươi năm sau họ có một trăm lần hơn. Chính xác bây giờ họ có 1.394 giáo dân, nhận thức rõ về tính chất chưa từng có của chuyến đi của người đứng đầu Giáo hội công giáo, giáo dân sẽ nồng nhiệt chào đón Đức Phanxicô tới thủ đô Oulan-Bator, được cho là nơi lạnh giá nhất thế giới. Họ đại diện cho 0,04% dân số của quốc gia cựu cộng sản với 3,4 triệu dân, 53% theo đạo phật, có diện tích lớn gấp ba lần diện tích nước Pháp.
Nhưng vì sao giáo hoàng sắp 87 tuổi, bị đau chân và đang chuẩn bị cho một trong những công việc bận rộn nhất của ngài, với một thượng hội đồng mang tính quyết định vào tháng 10, lại muốn dành gần 20 giờ bay, với 16.500 cây số khứ hồi, chỉ để gặp một giáo xứ đô thị nhỏ gồm 1400 người nằm cách sa mạc Gobi không xa?
Hồng y Giorgio Marengo, 49 tuổi là hồng y trẻ nhất Giáo hội công giáo, ngài đã đi truyền giáo ở Mông Cổ 20 năm nay, được Đức Phanxicô phong hồng y năm ngoái, ngài hóm hỉnh trả lời: “Vì Giáo hội chúng tôi là Giáo hội duy nhất trên thế giới mà tất cả giáo dân đều có thể lọt vào ảnh với Đức Phanxicô!” Sinh ra ở Piedmont, nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết thuộc Hội dòng truyền giáo Consolata, một dòng tu Ý được thành lập vào đầu thế kỷ 20, chuyên đồng hành với các Giáo hội trẻ. Cựu vận động viên đấu kiếm, người nắm vững nghệ thuật trả lời rõ ràng và sống động, ngài nói: “Với Đức Phanxicô, mỗi người công giáo đều đáng một chuyến đi.”
“Mỗi người công giáo đều đáng một chuyến đi”
Trên thực tế, giáo hoàng thích những tình huống không thể phân loại này. Với ngài, họ là những người quan trọng nhất trong Giáo hội công giáo. Ngài sẽ phát triển ý tưởng này trong bài giảng thánh lễ chúa nhật tại khu liên hợp thể thao Steppe Arena rộng lớn ở thủ đô Oulan-Bator – thành phố tập trung một nửa dân số cả nước và là thành phố mà ngài sẽ ở đó trong suốt chuyến đi của ngài – cũng như trong cuộc gặp gỡ một ngày trước đó với hàng giáo sĩ, 6 linh mục, trong đó có 2 linh mục người Mông Cổ, 19 nam tu sĩ, 30 nữ tu, 35 giáo lý viên ở nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô-Phaolô được xây dựng năm 2002 .
Đức Phanxicô sẽ nói lên sự tồn tại của “thiểu số”, trong một thông điệp có tầm ảnh hưởng toàn cầu đối với Giáo hội công giáo đang gặp khủng hoảng: một tấm gương về sự ra đời từ con số không của Giáo hội Mông Cổ có thể giúp thuyết phục các quốc gia công giáo lâu đời, nơi có những nhà thờ chính tòa hàng thiên niên kỷ đang phần nào trống rỗng, rằng kitô giáo luôn có khả năng tái sinh từ đống tro tàn của nó. Chủ đề của chuyến đi do Đức Phanxicô chọn có thể tóm gọn trong câu: “Cùng nhau hy vọng”. Ở đất nước xa xôi này, kitô giáo đã quen thuộc từ lâu đời. Công giáo được biết đến nhiều hơn tin lành giáo phái phúc âm và giáo phái Mặc Môn (2% dân số), và đã được đế chế Thành Cát Tư Hãn vĩ đại (qua đời năm 1227) công nhận.
Về mặt ngoại giao, bị vướng vào cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, Đức Phanxicô phải tránh đi quá xa vào chủ đề gây bùng nổ này, đặc biệt vì Mông Cổ là nước anh em của khối cộng sản cũ và vẫn gần gũi với Nga. Mặt khác, lợi ích quốc tế của chuyến đi này là nước láng giềng Trung Quốc, nơi vẫn còn một tỉnh của Mông Cổ, là nơi mà giáo hoàng vẫn mơ ước một ngày đặt chân đến. Dù vẫn còn khó khăn, ngay cả từ Mông Cổ, nếu chỉ nhờ sự hiện diện mạnh mẽ của phật giáo, sự phục tùng của người Tây Tạng, giáo hoàng sẽ gặp các quan chức địa phương, những kẻ thù không đội trời chung của Bắc Kinh.