Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá (#1)

934
https://lh6.googleusercontent.com/bIUqZZ2R7N5ByvIJHJOSPaDQrJBQCx8NCkWr_b3_1xsI8RE3PFmxTU8D_w5s-3H8spjUDGd3gSftpYtn6A1YC692r3hDTbBQa3sPDjaeJMxQzSe1mfr6ZIof-srwOtGQSCavh6zl
Copyright: Vatican Media

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá, Đức Thánh Cha nói với Bộ Truyền thông (#1)

Ngài bỏ bài diễn từ soạn trước để nói những điều xuất phát từ trong lòng

23 tháng Chín, 2019 14:35

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Hãy truyền tải niềm vui của Tin mừng bằng chứng tá … 

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến điều này trước các thành viên của Bộ Truyền thông Vatican, ngài tiếp họ nhân dịp diễn ra phiên họp khoáng đại của bộ. Ngài chuyển cho những người có mặt bản diễn từ soạn trước của ngài, nói rằng tốt hơn là đọc nó bằng không có nguy cơ làm họ buồn ngủ, ngài thích nói những điều xuất phát từ tâm hồn hơn.

“Tôi có một bài diễn từ để đọc … nó cũng không dài lắm đâu, nó chỉ có bảy trang thôi [dù trước đó có 3 trang] … nhưng tôi bảo đảm rằng chỉ sau trang đầu là phần lớn anh chị em sẽ buồn ngủ, và tôi sẽ không thể truyền tải được nữa,” Đức Thánh Cha Phanxico hài hước, và nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những gì tôi muốn nói trong bài diễn từ này sẽ được hiểu rõ hơn bằng cách đọc nó, trong sự suy tư.”

Đức Thánh Cha tiếp tục lưu ý đến những điều mà truyền thông nên và không nên, nhấn mạnh đặc biệt rằng nó phải phục vụ cho Sự thật.

Ngài nhấn mạnh rằng người Ki-tô hữu là những chứng nhân, và rằng ‘trong việc làm chứng,’ ơn gọi này đưa đến chiều kích tử đạo.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại việc làm truyền thông chỉ đơn thuần mang tính “quảng cáo.”

Truyền thông phải mang tính Ki-tô giáo

“Anh chị em không được làm như việc kinh doanh của con người là cố thu hút thật nhiều người … nói bằng một từ ngữ chuyên môn: anh chị em không được chiêu dụ tín đồ,” ngài nói nhấn mạnh: “Tôi muốn truyền thông của chúng ta phải mang tính Ki-tô giáo chứ không phải là một yếu tố để chiêu dụ. Chiêu dụ không phải là Ki-tô giáo.”

Đức Thánh Cha trích dẫn, “Đức Benedict XVI nói về điều này rất rõ ràng: ‘Giáo hội phát triển không bằng cách chiêu dụ, nhưng bằng cách cuốn hút,’ tức là bằng chứng tá.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico do Vatican cung cấp, cũng như bản soạn ban đầu của ngài:

*****

Diễn từ Đức thánh Cha trình bày

Anh chị em thân mến,

Tôi có một bài diễn từ để đọc … nó cũng không dài lắm đâu, nó chỉ có bảy trang thôi … nhưng tôi bảo đảm rằng chỉ sau trang đầu là phần lớn anh chị em sẽ buồn ngủ, và tôi sẽ không thể truyền tải được nữa. Tôi tin rằng những gì tôi muốn nói trong bài diễn từ này sẽ được hiểu rõ hơn bằng cách đọc nó, trong sự suy tư. Vì lý do này, tôi chuyển bài diễn từ này cho Tiến sĩ Ruffini để ông sẽ chuyển đến cho tất cả anh chị em, tôi phải cảm ơn ông về những lời gửi đến tôi. Và tôi muốn nói chuyện có một chút tự phát với anh chị em, để nói lên những gì tôi tâm tư trong lòng về truyền thông. Ít nhất tôi nghĩ sẽ không làm nhiều người buồn ngủ, và chúng ta có thể giao tiếp tốt hơn!

Cảm ơn anh chị em vì công việc, cảm ơn vì Bộ này, quá đông … tôi hỏi ông Tổng trưởng: “Vậy … mọi người có làm việc hết không?” – “Vâng có”, ông nói – để tránh cái giai thoại rất nhiều người biết đó … [Một ngày kia Đức Gioan XXIII được hỏi, “Có bao nhiêu người làm việc trong Vatican?” và ngài trả lời: “Khoảng phân nửa trong số họ”]. Tất cả họ làm việc, và họ làm việc với thái độ thể hiện lòng khao khát Chúa: để truyền đạt với chính mình, theo cách mà các nhà thần học gọi là perichoresis: con người tự truyền đạt cho chính mình, và người khác truyền đạt cho chúng ta. Đây là sự khởi đầu của truyền thông: nó không phải là một công việc văn phòng, chẳng hạn như việc quảng cáo. Truyền đạt chính là học lấy từ Thiên Chúa và mang lấy cùng thái độ đó; không thể duy trì sự đơn độc: cần phải truyền đạt lại những gì tôi có và tôi nghĩ rằng nó là chân lý, là công bình, là thiện và là mỹ. Hãy truyền đạt. Và anh chị em là chuyên gia trong truyền thông, anh chị em là những chuyên viên trong truyền thông. Chúng ta không được quên điều này. Anh chị em làm truyền thông bằng cả linh hồn và thể xác; anh chị em làm truyền thông bằng trí óc, bằng con tim, bằng đôi bàn tay; anh chị em làm truyền thông bằng tất cả mọi thứ. Người làm truyền thông đích thực là người cho đi tất cả, người đó cho đi tất cả những gì của chính mình – như một câu ở đất nước của tôi nói, “anh ta đặt tất cả thịt lên trên vỉ nướng,” anh ta không giữ lại một chút nào cho bản thân. Và thật đúng khi nói rằng truyền thông lớn nhất chính là sự yêu thương: trong tình yêu luôn có sự kiện toàn của truyền thông: tình yêu với Chúa và với nhau.

Vậy truyền thông phải như thế nào? Một trong những điều anh chị em không được làm đó là tính quảng cáo, thuần tính quảng cáo. Anh chị em không được làm như việc kinh doanh của con người là cố thu hút thật nhiều người … nói bằng một từ ngữ chuyên môn: anh chị em không được chiêu dụ tín đồ. Tôi muốn truyền thông của chúng ta phải mang tính Ki-tô giáo chứ không phải là một yếu tố để chiêu dụ. Chiêu dụ không phải là Ki-tô giáo. Đức Benedict XVI nói về điều này rất rõ ràng: “Giáo hội phát triển không bằng cách chiêu dụ, nhưng bằng cách cuốn hút,” tức là bằng chứng tá. Và truyền thông của chúng ta phải là làm chứng. Nếu anh chị em muốn làm truyền thông chỉ với sự thật mà không có thiện và mỹ thì hãy dừng lại, đừng làm nữa. Nếu anh chị em muốn làm truyền thông về một sự thật nhiều hay ít, nhưng lại không để bản thân mình can dự vào, không làm chứng cho sự thật bằng chính đời sống của mình, không bằng chính con người của mình thì dừng lại, đừng làm nó. Luôn luôn có chữ ký của chứng nhân trong mỗi việc chúng ta làm. Những chứng nhân. Ki-tô hữu là những chứng nhân, “những người tử đạo. Đây là chiều kích “tử đạo” trong ơn gọi của chúng ta: trở thành những chứng nhân. Đây là điều đầu tiên tôi muốn nói với anh chị em.

Một vấn đề khác nữa đó là sự đầu hàng nào đó, nó thường xâm chiếm tâm hồn người Ki-tô hữu. Chúng ta hãy nhìn đến thế giới …: nó là một thế giới ngoại giáo, và đây không phải là điều gì mới lạ. “Thế gian” vẫn luôn là một biểu tượng của tâm tính ngoại giáo. Tại bữa Tiệc Ly Chúa Giê-su đã xin với Chúa Cha gìn giữ cho các môn đệ của Người để họ không thuộc về thế gian (x. Ga 17: 12-19). Không khí của tính thế gian không phải là điều gì mới trong thế kỷ 21 này. Nó vẫn luôn là một mối nguy hiểm, vẫn luôn có những cám dỗ, nó vẫn luôn là một kẻ thù: là tính thế gian. Lạy Cha, xin bảo vệ những người này để họ không thuộc về thế gian, để thế gian không mạnh hơn họ. Và tôi nhìn thấy nơi họ có nhiều người suy nghĩ: “Đúng, chúng ta phải khép kín lại một chút, tuy nhỏ nhưng là một giáo hội đích thực” – tôi rất dị ứng với những từ ngữ này: “nhỏ nhưng là một giáo hội đích thực.” Nếu có điều gì đó đã là xác thực thì chẳng cần phải nói như vậy. Tôi sẽ quay trở lại vấn đề này. Đây là sự co cụm vào trong con người mình, với cám dỗ chịu đầu hàng. Có một số người chúng ta: nhưng không giống như những người tự bảo vệ mình vì họ chỉ có một số người trong khi kẻ thù có con số rất đông; một số ít như men, một số ít như muối: đây là ơn gọi của người Ki-tô hữu! Chúng ta chẳng cần phải xấu hổ với con số ít; và chúng ta không được nghĩ rằng: “Không, Giáo hội trong tương lai sẽ phải là một Giáo hội của những người được chọn.” Nếu vậy chúng ta lại có nguy cơ quay lại với dị giáo Essenes. Và như vậy tính xác thực của Ki-tô giáo bị đánh mất. Chúng ta là một Giáo hội của số ít, nhưng như men bột. Chúa Giê-su đã nói như vậy, giống như muối. Sự đầu hàng trước chiến thắng của văn hóa – cho phép tôi gọi nó như vậy – xuất phát từ tinh thần xấu xa, nó không đến từ Thiên Chúa. Nó không phải là tinh thần của Ki-tô giáo, kêu ca than phiền rồi đầu hàng. Đây là điều thứ hai tôi muốn nói với anh chị em: đừng sợ hãi. Có phải chúng ta có ít người không? Đúng, nhưng với khao khát thực hiện “sứ vụ,” để cho người khác nhìn thấy chúng ta là ai, bằng chứng tá. Một lần nữa tôi lặp lại lời nói của Thánh Phanxico với các anh em của ngài, khi ngài sai họ đi giảng dạy: “Hãy rao giảng Tin mừng, nếu cần thiết, thì mới dùng lời nói.” Điều đó có nghĩa là làm chứng trước đã.

Tôi nhìn đến Đức Tổng Giám mục người Lithuania phía trước tôi đây, và tôi nghĩ đến vị đã nghỉ hưu của Kaunas, ngài sẽ trở thành một hồng y; con người đó đã phải ngồi lao tù bao nhiêu năm? Ngài đã làm được quá nhiều điều tốt lành bằng chứng tá, bằng sự đau đớn … Chính những người tử đạo của chúng ta là những người trao tặng sức sống cho Giáo hội; không phải những nghệ sĩ, những nhà thuyết giáo vĩ đại, những người bảo vệ “giáo lý thật và toàn vẹn” của chúng ta … Không, là những người tử đạo. Một Giáo hội của những người tử đạo. Và để làm truyền thông trong vấn đề này: hãy truyền đạt sự phong phú lớn lao này mà chúng ta có. Đây là điều thứ hai.

Điều thứ ba là điều tôi rút ra từ vấn đề tôi đã nói trước, vấn đề tôi hơi dị ứng: “Đây mới là Ki-tô giáo đích thực,” “điều này thật sự như vậy.” Chúng ta rơi vào cái văn hóa của các tính từ và trạng từ, và chúng ta quên đi sức mạnh của danh từ. Người làm truyền thông phải làm cho mọi người hiểu được sức mạnh thực tế của danh từ phản ánh thực tại của con người. Và đây là sứ mạng của truyền thông: làm truyền thông với thực tại, không tô điểm bằng những tính từ hay trạng từ. “Đây là một vấn đề thuộc Ki-tô giáo”: tại sao là phải nói là Ki-tô giáo đích thực? Nó là Ki-tô giáo! Chỉ cần sự thật của danh từ “Ki-tô giáo”, “tôi thuộc về Đức Ki-tô” là đủ mạnh rồi: nó là một tính từ sử dụng như danh từ, đúng vậy, nhưng nó là một danh từ. Chuyển từ văn hóa tính từ sang thần học của danh từ, và anh chị em phải làm truyền thông theo cách này. “Anh thấy người đó như thế nào?” – À, người đó như thế này, như thế kia …” ngay lập tức sử dụng các tính từ. Trước hết là tính từ, rồi có lẽ sau đó là con người đó như thế nào. Cái văn hóa tính từ này đã đi vào Giáo hội, và chúng ta tất cả đều là anh em, nhưng lại quên là anh em của nhau, bằng cách nói rằng đây là “loại huynh đệ này,” là “loại huynh đệ kia”: cái đẹp không phải là nghệ thuật rococo (ND: Rococo là phong cách nghệ thuật và thiết kế nội thất cầu kỳ và tinh xảo của Pháp thế kỷ 19), cái đẹp không cần những thứ thuộc nghệ thuật rococo: cái đẹp tỏ lộ chính nó trong chính danh từ, không cần phải bỏ thêm dâu tươi trên bánh kem! Tôi nghĩ chúng ta cần phải học điều này.

Làm truyền thông bằng chứng tá, làm truyền thông bằng cách đặt mình vào trong truyền thông, làm truyền thông với danh từ chỉ mọi sự, làm truyền thông như những người tử đạo, tức là làm chứng nhân của Đức Ki-tô, như những người tử đạo. Để học được ngôn ngữ của người tử đạo, đó là ngôn ngữ của các Tông đồ. Các Tông đồ làm truyền thông như thế nào? Chúng ta hãy đọc quyển sách quý giá là Sách Tông đồ Công vụ của các Tông đồ, và chúng ta sẽ thấy truyền thông được làm như thế nào vào thời đó, và truyền thông Ki-tô giáo là như thế nào.

Cảm ơn, cảm ơn anh chị em rất nhiều! Anh chị em đã có trong tay [văn bản bài diễn từ] nó có “bố cục” hơn, vì căn bản là do anh chị em làm. Tôi thì đọc nó, phản ánh về nó. Cảm ơn về những điều anh chị em làm, và hãy tiếp tục với niềm vui. Truyền tải niềm vui của Tin mừng: đây là điều Chúa đang yêu cầu chúng ta thực hiện ngày hôm nay. Và cảm ơn, cảm ơn vì sự phục vụ của anh chị em và cảm ơn anh chị em có mặt trong Bộ đầu tiên dưới sự hướng dẫn của một giáo dân. Chúc mừng! Hãy tiếp tục! Cảm ơn anh chị em.

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]