‘Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của các điều kiện thời tiết cực đoan trên toàn thế giới từ vùng biển Caribbe đến Thái Bình dương.’
28 tháng Một, 2019 18:49
Ngày 25 tháng Một năm 2019, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Khâm sứ Tòa Thánh, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh, bày tỏ lo ngại về những thảm họa khí hậu toàn cầu. Phát biểu của ngài tại LHQ ở New York trong Phiên Tranh luận Mở của Hội đồng Bảo an nhằm giải quyết những tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với nền hòa bình và an ninh quốc tế.
*****
Dưới đây là bài phát biểu của đức Tổng Giám mục:
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh xin cảm ơn đoàn Chủ tịch Cộng hòa Dominica đã triệu tập Phiên Tranh luận Mở này nhằm giải quyết những tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với nền hòa bình và an ninh quốc tế. Ngài Tổng Thư ký đã nói rằng “biến đổi khí hậu là vấn đề xác định của thời đại chúng ta – và chúng ta hiện đang ở một thời điểm xác định.[1] Đó là lý do tại sao buổi thảo luận này là kịp thời.
Những thảm họa liên quan đến môi trường ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, giàu cũng như nghèo. Chúng ta đang chứng kiến những hậu quả của các điều kiện thời tiết cực đoan trên toàn thế giới từ vùng biển Caribbe đến Thái Bình dương.
Trong năm qua, “sự khốn cùng và đau khổ quá lớn do mưa lớn, lũ lụt, hỏa hoạn, động đất và hạn hán đã tấn công những cư dân ở các khu vực khác nhau của châu Mỹ và Đông Nam Á.” [2] Tháng Tám năm ngoái tại Kerala, mưa lớn đã gây ra lũ lụt dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng và sự di tản dân số, trong khi đó ở các khu vực khác trên hành tinh có những nơi không đủ lượng mưa, “những nơi hạn hán và sa mạc hóa làm tăng thêm sự bất ổn và xung đột do sự mất đi sinh kế và mất an ninh lương thực, [3] do đó làm gia tăng số lượng những người cần hỗ trợ nhân đạo.
Ngoài những tổn thất nặng nề về nhân mạng do những thay đổi khí hậu cực đoan như vậy và thiệt hại tài chính khổng lồ do các thảm họa đó gây ra, cần phải có sự nhạy cảm và chủ động hơn để ngăn ngừa những xung đột rất thường xuyên nổ ra vì sự ổn định quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng do thiếu khả năng tiếp cận được với thực phẩm và nước sạch và những tác động rõ rệt của chúng đối với những hoạt động của các dân tộc, đôi khi dẫn đến tình trạng di tản cưỡng bức và mở rộng. Chỉ cần nhắc lại những căng thẳng gia tăng do hiện tượng di chuyển đàn gia súc theo mùa, khi sự bất hòa giữa nông dân và những người chăn nuôi tranh giành vì nguồn tài nguyên hạn chế hoặc bị thu hẹp dần đang trở nên xấu đi, và trong một số trường hợp trở thành yếu tố gây ra sự bất ổn, đặc biệt là ở các khu vực với sự có mặt của các nhóm vũ trang, lợi dụng sự thiếu vắng các cơ cấu Nhà nước và sự quản lý yếu kém.
Trong lưu vực hồ Chad, từ lâu đã cung cấp nguồn sống trong sa mạc cho hàng triệu người, do các cuộc xung đột khu vực đang diễn ra và sự đe dọa cùng với sự bành trướng chủ nghĩa cực đoan, chúng ta phải đối mặt với những người tị nạn và người di tản trong nước đang phải chật vật để tìm nước, chưa nói gì về tác động đối với việc đánh bắt cá, làm tăng thêm tình trạng nghèo đói và khiến người dân dễ bị xúc phạm nhất rơi vào điều kiện tuyệt vọng hơn nữa. Nếu thực sự thảm họa khí hậu cực đoan không loại trừ ai, thì những ví dụ vừa rồi cho thấy người nghèo nhất phải trả giá cao nhất. Theo các nghiên cứu gần đây, những người ở các quốc gia nghèo hơn có khả năng phải di tản do thời tiết khắc nghiệt cao gấp 5 lần so với những người ở các quốc gia giàu có hơn.[4] Mối tương quan giữa nghèo đói cùng cực và tác động của biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm các tác động tiêu cực đối với sự nghèo đói có thể gây ra tình trạng dễ dàng chấp thuận của các cá nhân trước các chiến thuật tuyển dụng quân của những nhóm vũ trang không thuộc nhà nước, cho thấy sự cần thiết của việc làm xứng đáng, đào tạo, giáo dục, đoàn kết, bảo vệ xã hội và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất trước những hiện tượng cực đoan của khí hậu.[5]
Chúng ta phải hành động khẩn trương. Báo cáo Đặc biệt gần đây của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nhấn mạnh đến năm yếu tố cơ bản cho hành động ứng phó toàn cầu đối với sự biến đổi khí hậu: tăng cường sự quản lý đa cấp, nâng cao năng lực thể chế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, củng cố những công cụ chính sách và tài chính khí hậu, và giúp thay đổi lối sống và hành vi.[6] Hành động cấp bách đối với các yếu tố này là rất cần thiết không chỉ để ngăn chặn hậu quả nhiều mặt do sự tăng nhiệt độ trong ngôi nhà chung của chúng ta, mà còn để ngăn chặn các mối lo ngại về hòa bình và an ninh từ những thảm họa khí hậu có thể phòng ngừa. Những hành động này là một phần của việc thực hiện “hoán cải môi sinh” mà Đức Giáo hoàng Phanxico thúc giục mạnh mẽ cộng đồng quốc tế và mỗi người.[7]
Thưa ông Chủ tịch,
Buổi Tranh luận Mở này là một cơ hội để xem xét thật kỹ một số vấn đề vừa rồi và đưa ra các giải pháp đầy tham vọng, mạch lạc và có định hướng hành động thể hiện sự tôn trọng hành tinh và quan tâm đến sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người. Nói chuyện với các nhà ngoại giao tại Tòa Thánh vào đầu Năm Mới này, Đức Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ hy vọng về một “cam kết mang tính dứt khoát hơn về phía các quốc gia nhằm tăng cường hợp tác để gấp rút chống lại hiện tượng đáng lo ngại của sự nóng lên toàn cầu.” Về vấn đề này, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là cấp bách dành cho sự phát triển những cơ sở hạ tầng, phát triển triển vọng cho các thế hệ tương lai, và giải phóng cho các khu vực dễ bị tổn thương nhất của xã hội,”[8] vì những người này bị buộc phải đấu tranh vì lương thực và khởi chiến vì nguồn nước sử dụng vì chúng ta không có động thái nào.
Cảm ơn ông Chủ tịch.
………….
1. Phát biểu của Tổng Thư ký về Biến đổi Khí hậu, New York, 10 tháng Chín 2018.
2. Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh trong dịp Chúc mừng Năm mới theo truyền thống, 7 tháng Một, 2019.
3. Lá thư ngày 2 tháng Một, 2019, từ Đại diện Thường trực của Cộng hòa Dominica gửi Tổng thư ký LHQ, S/2019/1.
4. Loại trừ Biến đổi Khí hậu, Oxfam International, Tháng Mười Một 2017.
5. Hồng y Phê-rô Parolin, phát biểu tại Phiên Hội nghị cấp cao lần thứ XXIV của các bên về Công ước Khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu, Katowice (Ba Lan), 3 tháng Mười Hai 2018.
6. Sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C, Báo cáo Đặc biệt của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, Chương 4, Tháng Mười 2018.
7. Tông huấn Laudato Si’, các đoạn 216-221.
8. Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh trong dịp Chúc mừng Năm mới theo truyền thống, 7 tháng Một, 2019.
________
Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
[Nguồn:zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2019]