Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi những biện pháp để chống lại chủ nghĩa khủng bố

1203
https://lh5.googleusercontent.com/yRUT4ez0Q1aazPRn1V7UaMv-dXUjtZ7zN4TEt5FThOBZAW8edRXgaJh9gC0_6EXrYE14kAgzXTbHxImYQenb3lVwZitYOFzCK5HsIw8SK6j7TJVFNVJ0RQOJlegKAtPY4FNF84X1
Copyright © 2019 Permanent Observer Mission Of The Holy See To The United Nations, All Rights Reserved.

Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi những biện pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố

‘Chỉ khi nào sự đòi hỏi căn bản này về sự công bằng được tôn trọng thì sự chung sống hòa hợp và đạt hiệu quả tốt giữa các cá nhân và cộng đồng mới có thể xảy ra’

01 tháng Bảy, 2019 18:38

ZENIT STAFF

Trong bài phát biểu tại sự kiện “Chống Chủ nghĩa Khủng bố và Những Hành động Bạo lực khác đặt cơ sở trên Tôn giáo hoặc Niềm tin: Thúc đẩy sự Khoan dung và Bao dung” được tổ chức tại Liên Hợp Quốc ngày 24 tháng Sáu, Đức Tổng Giám mục Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, bảo vệ cho “quyền căn bản về tự do tôn giáo của tất cả mọi công dân (và) sự bình đẳng trước pháp luật.” Chỉ khi nào sự đòi hỏi căn bản này về sự công bằng được tôn trọng thì “sự chung sống hòa hợp và đạt hiệu quả tốt giữa các cá nhân và cộng đồng” mới có thể xảy ra, ngài nói.

Phái bộ Thường trực của Pakistan tại LHQ, cùng với Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, Phái bộ Thường trực Thổ Nhĩ kỳ tại LHQ và Văn phòng Chống Khủng bố LHQ, tổ chức sự kiện này để thảo luận về những bước đi cần thiết đối với tình trạng bạo lực nhằm vào các tín đồ tôn giáo.

Các tham luận viên lên án những vụ tấn công gần đây vào các khu vực tôn giáo và những người thờ phượng. Theo lời của ĐGM Auza, những vụ tấn công này đang biến “các nơi của bình an và tĩnh lặng” trở thành “những phòng hành hình” cho những người “chỉ đơn giản đến với nhau để thực hành tôn giáo.” Đại sứ Maleeha Lodhi, Đại diện Thường trực của Pakistan, nêu rõ rằng “những lời nói và quan điểm thù hận có thể giết người,” nhắc lại những vụ tấn công vào các khu vực tôn giáo ở Christchurch, Sri Lanka, và Pittsburgh. Bà kêu gọi tất cả những người có mặt cùng chung sức để quét sạch hệ tư tưởng cực đoan.

Đại sứ Feridun Hadi Sinirlioğlu, Đại diện Thường trực của Thổ Nhĩ kỳ tại LHQ, trình bày rằng “chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ” trước sự phát triển của bạo lực chống lại các tín đồ tôn giáo, cũng như những hình thức ngày càng tăng của chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và những hình thức bất khoan dung khác.

Đức Tổng Giám mục Auza phác thảo ra một phương pháp gồm bảy bước để chống lại những hành động bạo lực nhằm vào các tín đồ tôn giáo, bắt đầu từ sự cần thiết đối với các quốc gia phải bảo vệ tất cả các công dân của họ một cách bình đẳng và giải quyết những yếu tố văn hóa cần thiết liên quan đến sự khoan dung và bao gồm.

ĐGM Auza kêu gọi một “sự thúc đẩy mạnh mẽ về quyền tự do lương tâm, tôn giáo, và niềm tin, như đã được nêu một cách trịnh trọng trong Mục 18 của Hiến chương Toàn cầu về Nhân quyền.” Ngài nói việc thất bại trong việc bảo vệ những quyền này “sẽ thúc đẩy một môi trường trong đó những quyền của người tín đồ, trong đó có quyền đối với sự sống, dễ bị vi phạm.”

Ngài kéo sự chú ý đến các báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ, Ủy ban về Tự do Tôn giáo Hoa kỳ và Báo cáo 2018 về Tự do Tôn giáo trên thế giới của Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN), tất cả đều cho thấy rằng, ngài nói, “những hình thức gây hấn ngày càng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc thù địch với các nhóm thiểu số tôn giáo đã dẫn đến tình trạng kỳ thị và đe dọa có hệ thống đối với các nhóm thiểu số tôn giáo.”

Đức Auza cũng làm nổi bật lên sự cần thiết của một “sự cách ly rõ ràng và đầy tôn trọng giữa tôn giáo và nhà nước,” nhưng lưu ý rằng hai bên phải cộng tác, không có sự lẫn lộn về vai trò của mỗi bên. Trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxico, ngài lưu ý rằng nếu không có sự quản lý cẩn thận, “tôn giáo có nguy cơ bị hút vào việc quản trị những công việc của trần tục và bị cám dỗ bởi sức quyến rũ của các thế lực khai thác nó.”

Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lên án việc sử dụng tôn giáo để biện minh cho bạo lực và bảo đảm rằng “bản thân các tôn giáo không bị cáo buộc về sự giết người điên cuồng.” Đúng ra sự cáo buộc đó phải dành cho những kẻ “diễn giải sai lệch hoặc thao túng niềm tin tôn giáo để thực hiện điều ác.”

Ngài bày tỏ lòng tri ân của Tòa Thánh đối với nghị quyết của Đại Hội đồng lên án “mọi cuộc tấn công khủng bố nhắm vào những nơi thờ phượng xuất phát từ động cơ thù ghét tôn giáo, trong đó có sự ghét sợ Hồi giáo, bài Xê-mít, và thù ghét Ki-tô giáo.” Ngài lưu ý rằng những vụ tấn công người Ki-tô hữu thường không được để ý hoặc được mô tả bằng cách dùng “những từ ngữ nói giảm nói tránh theo kiểu tiểu thuyết.” Ngài nói đối đầu với cái ác của chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi “lòng can đảm và ngay thẳng để gọi tên mọi việc theo đúng tên riêng của nó.”

Để đạt thành công trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và bạo lực có động lực từ tôn giáo, buộc phải có một cam kết thật sự cho việc đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo. ĐGM Auza nhấn mạnh rằng “tôn giáo không phải là một vấn đề nhưng là một phần của giải pháp.”

Nét đặc trưng của “Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại cho nền Hòa bình Thế giới và sự Chung sống,” được ký ngày 4 tháng Hai ở Abu Dhabi bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa để hiểu biết lẫn nhau, khoan dung nhau, và hợp tác với nhau.

Tương tự như vậy, Đức Imam Feizel Abdul Rauf, người sáng lập Cordoba House, trình bày rằng khi các tín đồ tôn giáo thuộc nhiều niềm tin khác nhau “sống hướng đến Đấng Tuyệt đối, thì những khuynh hướng bạo lực thuộc mọi hình thức trong con người chúng ta sẽ giảm bớt.”

Đức Tổng Giám mục Auza, Tiến sĩ Lodhi và Đại sứ Sinirlioğlu nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc chiến đấu chống lại sự thù ghét. “Tầm quan trọng của việc đào tạo trí óc và tâm hồn không thể xem nhẹ,” ngài Auza nói, “đặc biệt đối với người trẻ.”

Các tham luận viên cũng thảo luận về những thách thức của công nghệ và truyền thông xã hội vì chúng có thể tuyên truyền những cách nói gây thù ghét vượt biên giới. Ông Adama Dieng, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về sự Ngăn ngừa Diệt chủng, lưu ý rằng “không có quốc gia nào miễn nhiễm với những ngôn ngữ thù ghét và ảnh hưởng của nó gây ra cho các xã hội của chúng ta.”

Trong khi việc đối đầu với bạo lực và thúc đẩy sự khoan dung và bao dung sẽ khó khăn, ngài Auza và các tham luận viên bày tỏ hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể cùng chung sức để trở thành một phần của giải pháp.

Toàn văn phát biểu của ĐTGM Auza:

Kính thưa quý ngài, thưa quý vị tham luận viên, thưa quý ông, quý bà,

Tòa Thánh rất hân hạnh được cùng với các Phái bộ Thường trực của Pakistan và Thổ Nhĩ kỳ cũng như Văn phòng chống Khủng bố của LHQ đồng tài trợ cho sự kiện chiều nay về các bước đi thực tế cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và những hành động bạo lực khác chống lại những người tín đồ tôn giáo vì niềm tin của họ bằng cách thúc đẩy một văn hóa khoan dung và bao dung.

Tất cả chúng ta đều kinh hoàng trước những vụ tấn công gần đây chống lại người Do thái ở Pittsburgh, Poway và Paris, chống lại người Hồi giáo ở Christchurch, Queens, Quebec City, và London, chống lại người Ki-tô giáo ở Sri Lanka, ở Sahel, ở một số vùng thuộc Nigeria, ở Iraq và Syria. Cũng vậy chúng ta đều biết có nhiều vụ tấn công được ghi chép chống lại tín đồ các tôn giáo khác. Sự thật là nhiều vụ tấn công bạo lực này được thực hiện nhằm vào các tín đồ khi họ đang tập trung để cầu nguyện trong những nơi thờ phượng của họ thì thật là thấp hèn: những nơi của sự bình an và tĩnh lặng nhanh chóng trở thành những phòng hành hình, khi những trẻ em, những người nam và nữ không có khả năng bảo vệ đã bị mất mạng sống chỉ đơn giản vì họ đến với nhau để thực hành tôn giáo của họ.

Nhiều cuộc tấn công này cuối cùng nhận được sự chú ý, lên án và tuyên bố đáp trả thích đáng. Nó là một bước đi lớn theo chiều hướng đúng mà cộng đồng quốc tế đang kêu gọi sự chú ý đến những vụ tấn công này nhắm vào các tín đồ tôn giáo, những nơi thờ phượng và những địa điểm tôn giáo khác qua Nghị quyết Đại Hội đồng 73/285, Chương trình Hành động của LHQ để Bảo vệ những Địa điểm Tôn giáo được đề xuất gần đây, và những cơ cấu khác. Đồng thời, ngay cả những văn kiện quốc tế tốt nhất cũng chưa đủ. Cần phải có sự tập trung vào trách nhiệm và hành động của các Nhà nước để bảo vệ cho tất cả các công dân của họ một cách bình đẳng cũng như giải quyết dứt khoát những yếu tố thuộc văn hóa cần thiết để thúc đẩy tính khoan dung và bao dung.

Tôi sẽ liệt kê ngắn gọn bảy điều mà tôi nghĩ là quan trọng.

Trước hết, sự khoan dung và bao dung đạt được thông qua một sự thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo và niềm tin, như được nêu một cách trịnh trọng trong Mục 18 của Hiến chương Toàn cầu về Nhân quyền và Mục 18 của Thỏa ước Quốc tế về những Quyền Dân sự và Chính trị. Sự thất bại trong việc bảo vệ những quyền này sẽ thúc đẩy một môi trường trong đó những quyền của người tín đồ, trong đó có quyền đối với sự sống, dễ bị vi phạm.

Báo cáo 2018 của Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo và Niềm tin lưu ý rằng 24 Nhà nước với một tôn giáo Nhà nước chính thức áp đặt các mức độ giới hạn “rất cao” hoặc “cao” đối với những việc thực hành tôn giáo trong khi 11 Nhà nước khác với “những tôn giáo được ưu ái” cũng có các mức độ giới hạn “rất cao” và “cao” tương tự như vậy. Những báo cáo khác, chẳng hạn như báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa kỳ và Báo cáo 2018 về Tự do Tôn giáo trên Thế giới của Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, đều chứng thực những điều này. Ngoài những vi phạm ngày càng nhiều đối với quyền tự do tôn giáo của các Nhà nước thông qua luật pháp, những báo cáo này cũng chỉ ra những phiền nhiễu mang tính quan liêu và những gánh nặng quản trị liên quan đến việc xây dựng những nơi thờ phượng và trường học, những cơ cấu phân biệt đối xử trong luật gia đình và giáo dục, và thậm chí là những hành động tàn bạo tập thể, giết người, và cưỡng hiếp được thực hiện vì sự thù ghét niềm tin hoặc tôn giáo của các nạn nhân. Những báo cáo này cũng ghi chép lại những hình thức gây hấn ngày càng gia tăng của chủ nghĩa dân tộc thù địch với các nhóm thiểu số tôn giáo đã dẫn đến tình trạng kỳ thị và đe dọa có hệ thống đối với các nhóm thiểu số tôn giáo. Vì vậy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do lương tâm và niềm tin, là một bước khởi đầu quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và những hành động bạo lực khác chống lại các tín đồ tôn giáo, và trong việc thúc đẩy một văn hóa khoan dung và bao dung.

Bước thứ hai là bảo đảm sự bình đẳng của tất cả mọi công dân trước pháp luật, bất kể tôn giáo hay sắc tộc, đây là một đòi hỏi căn bản của công bằng. Ngay cả ở những nơi mà một tôn giáo được cấp cho uy tín hiến pháp đặc biệt, thì quyền của mọi công dân và các cộng đồng tôn giáo đối với sự tự do tôn giáo, đều bình đẳng trước pháp luật, và những phương tiện thỏa đáng cho sự cầu viện khi quyền của họ bị vi phạm phải được công nhận và bảo vệ để duy trì sự chung sống hài hòa và đạt kết quả tốt giữa các cá nhân và cộng đồng.

Bước thứ ba là một sự cách ly rõ ràng và đầy tôn trọng giữa tôn giáo và nhà nước. Hai lĩnh vực này phải hợp tác theo năng lực cụ thể của họ vì lợi ích của mọi công dân, nhưng họ không được nhầm lẫn hay hòa trộn vào nhau, vì như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nói trong một bài phát biểu năm 2017 tại Đại học Al-Azhar ở Cairo, trong những trường hợp đó tôn giáo có nguy cơ bị hút vào việc quản trị những công việc của trần tục và bị cám dỗ bởi sức quyến rũ của các thế lực khai thác nó.”

Bước thứ tư là kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội và tôn giáo lên án việc sử dụng tôn giáo để kích động hận thù và bạo lực hoặc biện minh cho các hành động áp bức, lưu đày, giết người hoặc khủng bố. Để có hiệu quả và không trở nên xa vời, lời kêu gọi này phải đồng thời đảm bảo rằng bản thân các tôn giáo không bị cáo buộc về sự giết người điên cuồng, nhưng đúng ra sự cáo buộc đó phải dành cho những kẻ diễn giải sai lệch hoặc thao túng niềm tin tôn giáo để thực hiện điều ác, nhân danh Thượng đế cho những mục đích chính trị hoặc hệ tư tưởng.

Điểm thứ năm là phải đảm bảo rằng chúng ta không bỏ rơi bất kỳ nạn nhân nào của bạo lực chống tôn giáo. Tòa Thánh tri ân đối với nghị quyết của Đại Hội đồng lên án “mọi cuộc tấn công khủng bố nhắm vào những nơi thờ phượng xuất phát từ động cơ thù ghét tôn giáo, trong đó có sự ghét sợ Hồi giáo, bài Xê-mít, và thù ghét Ki-tô giáo.” Đó là lần đầu tiên trong một nghị quyết của LHQ đề cập rõ ràng những vụ tấn công nhắm vào người Ki-tô hữu song song với những cuộc tấn công nhắm vào người Hồi giáo và Do thái giáo. Tuy nhiên, trong nhiều báo cáo của các viên chức cấp cao của LHQ, chưa nói đến các nhà lãnh đạo quốc gia và các nguồn truyền thông, những vụ tấn công chống lại người Ki-tô hữu thường không được để ý hoặc được mô tả bằng cách dùng những từ ngữ nói giảm nói tránh theo kiểu tiểu thuyết để tránh đụng chạm trực tiếp đến bản chất bài Ki-tô giáo của bạo lực, chẳng hạn cách gọi những nạn nhân gần đây ở Sri Lanka là “Những người Thờ phượng Phục sinh.” Để đối đầu với cái ác của chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi “lòng can đảm và ngay thẳng để gọi tên mọi việc theo đúng tên riêng của nó.

Thứ Sáu, cần phải có một cam kết thật sự cho việc đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo. Trong Văn kiện đặc biệt về Tình Huynh đệ Nhân loại cho nền Hòa bình Thế giới và sự Chung sống, được ký ngày 4 tháng Hai ở Abu Dhabi, Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, ngài Ahmed el-Tayeb, nhấn mạnh rằng sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa là cần thiết để mở ra con đường hiểu biết lẫn nhau, khoan dung cho nhau, chấp nhận người khác, hợp tác và chung sống hòa bình. Khi Đức Giáo hoàng Phanxico đến thăm Đức Đại Imam el-Tayeb tại Đại học Al-Azhar hai năm trước, ngài nhấn mạnh, “Tôn giáo không phải là một vấn đề nhưng là một phần của giải pháp.” Vì thế, sự đối thoại liên tôn hiệu quả phải được thúc đẩy và ủng hộ một cách mạnh mẽ bởi tất cả các Nhà nước, gồm cả những Nhà nước thế tục.

Điểm thứ bảy và là điểm cuối cùng của tôi là về sự cần thiết của một nền giáo dục hiệu quả. Xã hội gặt những gì nó gieo. Điều quan trọng là việc giảng dạy trong các trường học, các nơi giảng thuyết và trên internet không xúi giục sự bất khoan nhượng và cực đoan quá khích nhưng là đào tạo sinh viên biết đối thoại, tôn trọng phẩm giá của người khác, hòa giải, công bằng và tôn trọng pháp quyền. Tầm quan trọng của việc đào tạo trí óc và tâm hồn không thể xem nhẹ, vì nền giáo dục thích đáng trao tặng cho con người, đặc biệt đối với người trẻ, khả năng phê phán để đánh giá những cách nói phá hoại và những lời kêu gọi mị dân, cũng như sự tự tin để công bố một thông điệp khác biệt và xây dựng để sống như những công dân.

Thưa quý vị,

Như tất cả chúng ta đều biết, việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và những hành động bạo lực khác chống lại các tín đồ tôn giáo và thúc đẩy sự khoan dung và bao dung sẽ không thể thực hiện trọn vẹn một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng sẽ đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, kiên trì, sự khôn ngoan, lòng can đảm, và tình bạn. Tôi xin cảm ơn các Phái bộ của Pakistan và Thổ Nhĩ kỳ, cũng như Văn phòng chống Khủng bố của LHQ, vì vai trò lãnh đạo của họ trong việc truyền tải sự kiện hôm nay, cũng như tất cả quý vị đã đến tham dự. Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ trở thành một phần của giải pháp ngắn và dài hạn.

Cảm ơn quý vị rất nhiều.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/7/2019]