Đức Thánh Cha: Quốc gia được kêu gọi phải có trách nhiệm lớn hơn’

917
Đức Thánh Cha: Quốc gia được kêu gọi phải có trách nhiệm lớn hơn’
© Vatican Media

Đức Phanxico đọc diễn từ trước các tham dự viên tại Hội nghị Khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội

03 tháng Năm, 2019 16:02
Ngày 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp các tham dự viên trong Hội nghị Khoáng đại của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội tại Vatican, được tổ chức từ ngày 1 đến 3 tháng Năm, 2019, trong Khán phòng Casina Pio IV của Vatican, về chủ đề “Dân tộc, Quốc gia, Quốc gia-Dân tộc.”
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT diễn từ của Đức Thánh Cha trước các thính giả.
* * *
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Tôi xin chào mừng anh chị em và xin cảm ơn ngài Chủ tịch, Giáo sư Stefano Zamagni, vì những lời của ngài gửi đến tôi và vì ngài đã nhận lời làm chủ tọa cho Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Năm nay anh chị em cũng chọn một chủ đề là thực tại muôn thuở. Thật đáng tiếc, trước mắt chúng ta có những tình hình trong đó một số Quốc gia dân tộc thực thi những mối quan hệ của họ trong tinh thần đối kháng nhiều hơn là hợp tác. Ngoài ra, những xác minh cho thấy các ranh giới của Quốc gia không luôn trùng khớp với các biên giới của dân chúng nói chung và rất nhiều sự căng thẳng xuất phát từ sự đòi hỏi quá mức về quyền tối cao về phía Nhà nước, mà thật ra thường là một phạm vi họ không có khả năng hoạt động hiệu quả để bảo vệ cho ích chung.
Trong Tông huấn Laudato Si’ và trong Diễn từ gửi tới các thành viên của Ngoại giao đoàn năm nay, tôi kéo sự chú ý đến những thách thức của một đặc tính toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt, chẳng hạn như sự phát triển toàn diện, hòa bình, chăm sóc ngôi nhà chung, biến đổi khí hậu, nghèo đói, chiến tranh, di cư, buôn người, buôn bán các bộ phận cơ thể, bảo vệ ích chung và những hình thức nô lệ mới.
Thánh Tô-ma có một khái niệm rất đẹp về một dân tộc là gì: “Cũng như dòng sông Seine không phải là một con sông được xác định bởi dòng nước chảy trong nó, nhưng bởi một đầu nguồn và một lòng sông, để nó luôn luôn được xem là cùng một dòng sông, cho dù có dòng nước khác chảy vào, vì vậy một dân tộc cùng là một dân tộc không phải bởi bản sắc của một linh hồn hay của con người, nhưng bởi bản sắc của địa hạt, hay thậm chí còn hơn thế là bởi luật pháp và cách sống, như Aristotle nói trong quyển thứ ba về Chính trị (The Spiritual Creatures, a. 9 to 10). Giáo hội luôn luôn thúc đẩy lòng yêu dân tộc, yêu quê hương, tôn trọng gia tài của những cách thể hiện văn hóa khác nhau, các giá trị và truyền thống và những lối sống đúng đắn theo cội nguồn của các dân tộc. Đồng thời, Giáo hội khuyên răn mọi người, các dân tộc, và các chính phủ phải xem xét đến những sự lệch hướng ra ngoài tinh thần gắn kết này, khi bị nghiêng về sự loại trừ và lòng thù ghét người khác, khi nó trở thành chủ nghĩa dân tộc xung khắc xây dựng nên những bức tường, thậm chí cả phân biệt sắc tộc hoặc bài Do thái. Giáo hội rất lo lắng khi quan sát thấy sự tái hiện hầu như khắp nơi trên thế giới, những chiều hướng gây hấn chống lại người ngoại kiều, đặc biệt là người nhập cư, cũng như chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên chối bỏ ích chung. Từ đó dẫn đến nguy cơ thỏa hiệp những hình thức hợp tác quốc tế đã được củng cố, ngầm hủy hoại những mục tiêu của các Tổ chức Quốc tế như là những không gian đối thoại và gặp gỡ cho các quốc gia trên căn bản tôn trọng lẫn nhau, và cản trở việc đạt được những mục tiêu của sự phát triển bền vững đã được nhất trí thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 25 tháng Chín năm 2015.
Nguyên tắc chung là Quốc gia phục vụ con người và những nhóm người cấu thành theo tự nhiên, chẳng hạn gia đình, nhóm văn hóa, dân tộc và sự bày tỏ lý tưởng và những truyền thống sâu xa của một dân tộc, ích chung và hòa bình. Tuy nhiên, rất thường khi các Nhà nước chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm chi phối, nói chung là cho các động cơ lợi nhuận kinh tế đàn áp các nhóm thiểu số sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo trong địa hạt của họ.
Trên quan điểm này thì cách mà một Dân tộc đón nhận người di cư cho thấy tầm nhìn của họ về nhân phẩm và mối quan hệ của họ với nhân loại. Mỗi nhân vị đều là một thành viên của nhân loại và có cùng phẩm giá. Khi một người hay một gia đình bị buộc phải rời bỏ mảnh đất quê hương của họ thì họ phải được đón nhận với tình người. Tôi đã nói nhiều lần rằng những nghĩa vụ của chúng ta đối với người di cư được thể hiện xoay quanh bốn động từ: đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Người di cư không phải là một mối đe dọa đối với văn hóa, đối với phong tục truyền thống và đối với các giá trị của dân tộc đón nhận họ. Người di cư có bổn phận phải hội nhập bản thân vào với dân tộc đón nhận mình. Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa, nhưng là chia sẻ lối sống của quê hương mới của mình, mặc dù bản thân người đó vẫn giữ mình là một người, là người mang theo câu chuyện tiểu sử riêng của mình. Theo cách này, người di cư sẽ có thể thể hiện bản thân họ và được xem như một cơ hội để làm phong phú cho dân tộc hội nhập người đó. Đó là trách nhiệm của chính quyền dân sự phải bảo vệ người di cư và kiểm soát những dòng di cư trong sự cẩn trọng, cũng như thúc đẩy sự tiếp nhận để người dân địa phương được hiểu và được khuyến khích tham gia một cách có ý thức trong tiến trình hội nhập người di cư được tiếp nhận.
Vấn đề di cư, nó là một cứ liệu muôn thuở của lịch sử con người, cũng phản ánh lại bản chất tự nhiên của một Quốc gia dân tộc. Tất cả các dân tộc đều là kết quả của sự hội nhập từ những làn sóng con người và các nhóm di dân liên tục, và hướng tới trở thành những bức tranh đa dạng của nhân loại, nhưng được kết hiệp bởi các giá trị, những tài nguyên văn hóa chung, và các truyền thống tốt đẹp. Một Quốc gia khuấy động những cảm thức về chủ nghĩa dân tộc nơi người dân để chống lại các dân tộc khác hoặc các nhóm người khác là không đi đúng với sứ mạng của mình. Nhìn lịch sử chúng ta biết những sự lệch hướng đó dẫn đến đâu; tôi đang nghĩ đến Châu Âu của thế kỷ trước.
Nhà nước dân tộc không được xem như một sự tuyệt đối, như một hòn đảo giữa bối cảnh chung quanh. Trong tình hình toàn cầu hóa hiện nay, không chỉ nền kinh tế nhưng kể cả những trao đổi về kỹ thuật và văn hóa, Quốc gia dân tộc không thể tìm kiếm lợi ích chung cho riêng dân tộc mình. Ích chung đã trở thành toàn cầu và các dân tộc phải hiệp sức trong đó vì lợi ích của mình. Khi một lợi ích chung siêu quốc gia được xác định rõ ràng, phải có một cơ quan pháp lý đối lập hợp pháp và đồng ý trong hiến pháp của nó, có khả năng tạo điều kiện cho việc thực thi của nó. Chúng ta hãy nghĩ đến những thách thức lớn của sự biến đổi khí hậu hiện nay, của những hình thức nô lệ mới và của hòa bình.
Trong khi đó, theo nguyên tắc phân quyền, quyền hạn của các quốc gia riêng lẻ phải được công nhận để hoạt động cho những gì họ có thể đạt được, mặt khác, những nhóm của các quốc gia láng giềng — như đã từng xảy ra — có thể củng cố sự hợp tác của họ khi thực hiện một số chức năng và phục vụ cho các tổ chức liên chính phủ quản lý lợi ích chung của họ. Chẳng hạn, người ta hy vọng rằng ý thức về những lợi ích được đóng góp bởi con đường gần gũi và hòa hợp này giữa các dân tộc được thực thi trong giai đoạn sau chiến tranh thứ hai không bị mất ở châu Âu. Thay vào đó, tại châu Mỹ La-tinh, Simon Bolivar đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo trong thời đại của ông hun đúc ước mơ về một Quê hương Vĩ đại, có thể tiếp nhận, tôn trọng, ôm lấy và phát triển sự phong phú của mọi dân tộc. Tầm nhìn hợp tác này giữa các quốc gia có thể làm nên lịch sử bằng cách tái khởi động chủ nghĩa đa phương, đối lại với những sức đẩy của chủ nghĩa dân tộc, đối lại với một chính sách bá chủ.
Từ đó, loài người có thể tránh được mối đe dọa đối với các cuộc xung đột vũ trang mỗi khi có tranh chấp xảy ra giữa các Quốc gia dân tộc, và nó cũng sẽ tránh được nguy cơ thực dân hóa kinh tế và hệ tư tưởng của các siêu cường, tránh được sự áp bức của kẻ mạnh nhất đối với người yếu nhất, chú ý đến chiều kích toàn cầu nhưng không đánh mất tầm nhìn của những chiều kích địa phương, quốc gia và khu vực. Đứng trước đồ án về một sự toàn cầu hóa giả định như là “hình cầu”, trong đó việc phân cấp những sự khác biệt và bóp nghẹt những điểm đặc thù sẽ dễ dàng tạo điều kiện để biến thành chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đế quốc bá quyền tái xuất hiện. Để sự toàn cầu hóa tạo lợi ích cho tất cả mọi người, cần phải nghĩ đến việc thực hiện nó theo một cách “đa diện”, tiến hành một cuộc đấu tranh trong hòa bình cho sự công nhận lẫn nhau giữa bản sắc chung của mỗi dân tộc và quốc gia và với chính sự toàn cầu hóa, phù hợp với nguyên tắc rằng cái chung phải đứng trước các phần riêng lẻ, để đi đến một trạng thái hòa bình và hòa hợp chung.
Các thực thể đa phương được thành lập với hy vọng có thể thay thế luận lý của sự trả thù, luận lý của sự thống trị, áp bức và xung đột bằng luận lý của sự đối thoại, hòa giải, thỏa hiệp, hòa hợp và nhận thức về việc cùng thuộc về một gia đình nhân loại trong ngôi nhà chung. Đương nhiên, điều cần thiết là các tổ chức như vậy phải đảm bảo rằng các Quốc gia được đại diện một cách hiệu quả với những quyền và nghĩa vụ bình đẳng để tránh sự bá quyền ngày càng lớn của các nước mạnh và nhóm lợi ích áp đặt tầm nhìn và lý tưởng của họ, cũng như các hình thức thuộc địa hóa hệ tư tưởng mới, thường không tôn trọng bản sắc, những tập quán và phong tục, phẩm giá và sự nhạy cảm của các dân tộc. Sự vươn lên của những khuynh hướng như vậy đang làm suy yếu hệ thống đa phương, với hệ quả là sự tín nhiệm yếu kém trong đời sống chính trị quốc tế và việc gạt ra bên lề ngày càng nhiều đối với các thành viên dễ bị tổn thương nhất của Gia đình các Dân tộc.
Tôi khuyến khích anh chị em hãy kiên trì tìm kiếm những quy trình nhằm vượt qua những gì gây chia rẽ các dân tộc và đề ra những con đường hợp tác mới, đặc biệt liên quan đến những thách thức mới của sự biến đổi khí hậu và các hình thức nô lệ mới, cũng như lợi ích xã hội cao cả đó là nền hòa bình. Thật đáng buồn, mùa giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương ngày nay dường như đã lỗi thời và không còn thức tỉnh lương tâm chính trị của các quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Thay vào đó, một mùa mới dường như đang mở ra cuộc đối đầu hạt nhân đầy quan ngại, vì nó hủy bỏ tiến trình của quá khứ vừa qua và làm dấy lên nguy cơ chiến tranh, cũng vì sự cố có thể xảy ra của các công nghệ rất tiên tiến, luôn luôn phải chịu tình trạng không lường trước được của tự nhiên và của con người. Nếu bây giờ, vũ khí nguyên tử tấn công và phòng thủ được đặt không chỉ trên trái đất mà cả trong không gian thì cái gọi là biên giới công nghệ mới sẽ làm gia tăng chứ không làm giảm nguy cơ của một vụ thảm họa hạt nhân.
Vì vậy, Quốc gia được kêu gọi phải có trách nhiệm lớn hơn. Cho dù vẫn phải giữ những đặc tính của sự độc lập và chủ quyền và tiếp tục theo đuổi lợi ích của dân tộc của mình, ngày nay nhiệm vụ của Quốc gia là tham gia vào việc xây dựng ích chung của nhân loại, là yếu tố cần thiết, và thiết yếu cho trạng thái cân bằng toàn cầu. Ngược lại, lợi ích chung này phải có được tình trạng pháp lý nổi bật hơn ở cấp độ quốc tế. Tất nhiên, tôi không nghĩ đến một thuyết phổ quát mang tính khái quát hay một chủ nghĩa quốc tế chối bỏ bản sắc của từng dân tộc: thực tế, điều này luôn được đánh giá là một đóng góp độc đáo và không thể thiếu trong đồ án hòa hợp rộng lớn hơn.
Các bạn thân mến, với tư cách là cư dân của thời đại chúng ta, là người Ki-tô hữu và là các học giả của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, tôi mời gọi các bạn cộng tác với tôi trong việc truyền bá nhận thức về tình đoàn kết quốc tế mới, tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng ích chung, tôn trọng hành tinh và lợi ích tối cao của hòa bình.
Tôi chúc phúc cho tất cả anh chị em; tôi chúc phúc cho công việc và những sáng kiến của anh chị em. Tôi cùng đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện, và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2019]