Đức Thánh Cha Phanxicô năm 2020: Một năm đại dịch qua hình ảnh

899

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 1 12, 2021

Elise Ann Allen 30 tháng Mười Hai, 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô đeo khẩu trang khi ngài tham dự nghi thức hòa bình liên tôn trong Vương cung Thánh đường Santa Maria ở Aracoeli, tại Roma hôm Thứ Ba, 20 tháng Mười, 2020 (Credit: Gregorio Borgia/AP.)

ROMA – Mặc dù mỗi năm đều có nét riêng của nó, nhưng năm 2020 được cho là một trong những năm đáng nhớ nhất trong lịch sử gần đây. Có lẽ một số hình ảnh mang tính biểu tượng nhất dành cho thế kỷ tới đã xuất hiện trong 12 tháng qua, hầu hết đều liên quan đến đại dịch coronavirus COVID-19.

Từ tháng Một đến tháng Mười Hai, thế giới đã trải qua vô số thăng trầm, những khủng hoảng bất ngờ, những hành động anh dũng xả thân và những khoảnh khắc lịch sử. Vatican cũng có phần chia sẻ trong những sự kiện này và đã trải qua hàng loạt thăng trầm của riêng mình.

Những bức ảnh dưới đây cố gắng ghi lại gánh nặng của những khoảnh khắc quan trọng nhất đối với Giáo hoàng Phanxicô và Tòa thánh Vatican trong năm 2020, cho dù đó là những khoảnh khắc hân hoan hoặc sầu thảm, mang đến cho người xem cơ hội bước đi trên hành trình cùng với đức giáo hoàng qua một năm không chỉ gồm những tranh cãi và khủng hoảng , mà cả niềm vui, chiến thắng và những sự kiện lịch sử. 

Tháng Một

Đức Thánh Cha Phanxicô đập nhẹ vào tay một phụ nữ đang cố kéo ngài về phía bà trong Ngày cuối năm trước Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. (Credit: Youtube screen capture.)

Năm nay bắt đầu bằng một sự ồn ào khi Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày đầu năm mới đã đưa ra lời xin lỗi công khai trong bài huấn từ Kinh Truyền tin của ngài vào sáng hôm đó vì đã đánh nhẹ vào tay một người phụ nữ nắm lấy tay của ngài và kéo ngài về phía chị ta, khiến ngài trượt chân, trong khi Giáo hoàng đang chào những người hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đọan phim đã lan truyền nhanh chóng, thu hút sự chú ý của báo chí toàn cầu, một số người đồng cảm với đức giáo hoàng và những người khác chỉ trích phản ứng của ngài. Cuối cùng, Đức Phanxicô đã xin lỗi và sau đó gặp người phụ nữ này trong một buổi tiếp kiến chung trong Khán phòng Phaolô VI của Vatican. 

Đây là bìa gốc của quyển “From the Depths of Our Hearts” (tạm dịch: Từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta), một quyển sách về luật độc thân của linh mục của Đức Hồng y Robert Sarah với sự cộng tác của Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI. (Credit: CNS photo/Ignatius Press.)

Cuối tháng Một nội bộ thế giới Công giáo lại bùng lên khi nguồn tin cho biết Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI và Đức Hồng y Robert Sarah người Guinea đồng tác giả một quyển sách mới bảo vệ luật độc thân linh mục khi Đức Thánh Phanxicô đang cân nhắc một trường hợp ngoại lệ được đề xuất trong thượng hội đồng Amazon vào tháng Mười năm 2019.

Trong cuộc tranh luận gay gắt và mang tính luận chiến sau đó, vai trò của đức nguyên giáo hoàng được đặt vấn đề khi các phe bảo thủ và tiến bộ của Công giáo trao đổi những tranh luận về những ý định của Đức Benedict XVI trong quyển sách, được lên kệ nhà sách ngày 15 tháng Một ở Pháp.

Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Benedict XVI, nói rằng đức nguyên giáo hoàng yêu cầu rút tên của ngài là đồng tác giả khỏi phần giới thiệu và kết của quyển sách. Tuy nhiên, trích dẫn của quyển Cẩm nang Văn phong Chicago, nhà xuất bản tiếng Anh, Ignatius Press, cho biết họ xem ấn bản là “đồng tác giả.”

Tháng Hai

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc diễn từ trong Vương cung Thánh đường Thánh Nicholas nhân dịp hội nghị “Địa Trung hải: một biên giới hòa bình” diễn ra tại Bari, nước Ý, ngày 23 tháng Hai năm 2020. (Credit: AP Photo/Gregorio Borgia.)

Trong một chuyến công du bên ngoài thành Roma năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành phố Bari của Ý, tại đó khoảng 50 giám mục và thượng phụ từ các giáo hội Công giáo khác nhau trên khắp Địa Trung hải họp để thảo luận về tình hình đau thương mà nhiều người Kitô hữu thuộc Trung Đông phải đối mặt, và cách để bảo đảm sự sống sót của họ.

Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ những người dân bản địa từ vùng Amazon trong tuần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon tại Vatican ngày 17 tháng Mười, 2019. Trong một đoạn trích dẫn của quyển sách phỏng vấn xuất bản ngày 4 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng Giáo hội Công giáo phải theo lệnh truyền của Chúa Giêsu để rao giảng Tin mừng cho mọi người, bằng không Giáo hội sẽ không hoàn thành sứ mệnh của mình là làm chứng cho Đức Kitô. (Credit: CNS photo/Vatican Media.)

Ngày 12 tháng Hai, Tông huấn hậu thượng hội đồng được mong đợi của Đức Thánh Cha Phanxicô về Amazon, Querida Amazonia (Amazon yêu quý) được phát hành. Hai vấn đề nóng được nhiều người mong đợi đức giáo hoàng giải quyết hay thậm chí bật đèn xanh là khả năng cho phép các linh mục đã kết hôn và nữ phó tế trong vùng. Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã khéo léo né tránh cả hai vấn đề trong văn bản, thúc giục tìm ra những giải pháp khác để giải quyết tình trạng thiếu linh mục và những mục vụ phù hợp với phụ nữ, nhưng sử dụng ngôn ngữ đủ mập mờ để gợi ý rằng cánh cửa vẫn chưa khép lại hoàn toàn.

Tháng Ba

Những quan tài trong vùng Bergamo, thị trấn của Ý là tâm điểm của sự bùng phát tại Châu Âu, được đưa xuống từ một xe tải quân sự tại nghĩa trang Cinisello Balsamo, gần Milan, hôm thứ Sáu (Credit: Claudio Furlan/LaPresse/AP.)

Ngày 8 tháng Ba, Ý bắt đầu cuộc phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tháng để chống lại sự lây lan của đại dịch coronavirus COVID-19, bùng phát trong nước trước đó vài tuần lễ, đánh dấu sự bùng phát đầu tiên ở Châu Âu. Vùng Lombardy phía bắc của Ý phải chở các quan tài đến những lò hỏa thiêu trong các vùng khác vì bản thân Bergamo không thể xử lý hết con số những ca chết vì coronavirus mỗi ngày.

Trong tấm ảnh này chụp ngày 27 tháng Ba năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô, nhân vật màu trắng đứng một mình ở giữa, đang ban phép lành Urbi et orbi trong Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, tại Vatican. Nếu có một thời khắc đánh dấu của của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong trận đại dịch coronavirus, thì đó là ngày 27 tháng Ba, ngày nước Ý ghi nhận số ca tử vong hàng ngày tăng cao nhất. Từ lối đi trước Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô dưới cơn mưa rả rích, Đức Phanxicô nói rằng virus đã cho thấy rằng tất cả chúng ta cùng trên một con thuyền, rằng chúng ta cần nhau và cần phải định lại những ưu tiên của chúng ta. (Credit: Yara Nardi/Pool Photo via AP.)

Trong tấm ảnh có thể sẽ được nhớ nhất như là tấm ảnh mang tính biểu tượng nhất của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 27 tháng Ba cử hành một giờ cầu nguyện trực tuyến chưa từng có xin chấm dứt đại dịch COVID-19 coronavirus.

Đứng trước một quảng trường trống vắng, mưa rả rích, và tối tăm trên sagrato của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, là thềm trên đỉnh các bậc tam cấp ngay mặt chính diện của nhà thờ, Đức Phanxicô đã ban phép lành ngoại thường Urbi et Orbi, “cho thành phố và toàn thế giới” – thường được các giáo hoàng ban vào Lễ Giáng sinh và Phục sinh – cho dân tộc và thế giới đang phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng của coronavirus, mà sau đó đã cướp đi 800 sinh mạng một ngày ở Ý. Cùng với Phép lành là ơn Toàn xá, có nghĩa là sự tha thứ trọn vẹn mọi tội lỗi phạm nơi dương thế, theo các điều kiện được Vatican đưa ra.

Tháng Tư

Đức Hồng y George Pell người Úc được cảnh sát vây quanh khi ngài rời khỏi Tòa Sơ thẩm Melbourne ở Úc ngày 6 tháng Mười năm 2017. (Credit: CNS photo/Mark Dadswell, Reuters.)

Ngày 7 tháng Tư, tòa án tối cao của Úc đã nhất trí tuyên bố trắng án cho đức Hồng y George Pell về tội lạm dụng tình dục trẻ em lịch sử, đánh dấu sự đảo ngược vận mệnh đối với vị giám mục 78 tuổi, là người vào tháng Mười Hai năm 2018 đã bị kết án trong một phiên tòa của bồi thẩm đoàn và ba tháng sau bị kết án sáu năm tù giam, khiến ngài trở thành vị giáo chức Công giáo cao cấp nhất bị kết tội lạm dụng tình dục. Vào tháng Tám năm 2019, đơn kháng cáo của ngài gửi lên Tòa án Tối cao Victoria đã bị từ chối, khiến việc tuyên bố ngài được trắng án của Tòa án Tối cao trở thành một khoảnh khắc kịch tính đối với Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Đại lễ Canh thức Phục sinh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô không có tín hữu tham dự theo sau lệnh cấm các đám đông tụ tập để ngăn chặn lây lan coronavirus, ở Vatican ngày 11 tháng Tư năm 2020. (Credit: Remo Casilli/Pool Photo via AP.)

Cũng trong Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức một Tuần Thánh và Phục sinh khác thường, cử hành tất cả các phụng vụ cho những ngày lễ quan trọng nhất trong lịch phụng vụ Giáo hội Công giáo truyền hình trực tuyến, không có sự tham dự của tín hữu, do việc cấm tất cả các nghi thức tế lễ công cộng giữa lệnh phong tỏa vì coronavirus của Ý.

Tháng Năm

Silva Romano được chào đón trở về khu Milan của cô bằng những tràng pháo tay. (Credit: Luca Bruno/AP.)

Giữa tháng năm, khi nước Ý đang chuẩn bị tái mở cửa sau 3 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, các tiêu đề báo lại bùng lên với việc phóng thích Silvia Romano, một phụ nữ trẻ người Ý, người đã trải qua 18 tháng bị nhóm Hồi giáo cực đoan giam giữ ở Đông Phi.

Chị Romano, 24 tuổi, là người tình nguyện tại một ngôi làng nhỏ ở Kenya và bị bắt cóc bởi nhóm Hồi giáo al-Shabaab có trụ sở tại Somalia vào tháng Mười Một năm 2018. Sau 18 tháng thương thuyết, cuối cùng cô ta đã được thả ngày 8 tháng Năm, tuy nhiên, niềm vui mừng ban đầu của người Ý về việc cô được thả nhanh chóng biến thành sự giận dữ và chỉ trích khi cô ta bước ra khỏi máy bay trong bộ trang phục Hồi giáo truyền thống, là tín hiệu cho biết cô ta đã chuyển sang đạo Hồi trong thời gian bị bắt giữ.

Đối mặt với những chỉ trích đôi khi bạo lực và kêu gọi trả cô lại cho những kẻ bắt giữ chị, vị giám chức hàng đầu của Ý là đức Hồng y Gualtiero Bassetti của Perugia và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, ca ngợi Romano vì sức mạnh và sự phục vụ nhân đạo của chị, đồng thời nhấn mạnh rằng quốc gia cần phải đón nhận chị như một “người con”.

Tháng Sáu

Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI trong ảnh đang cầu nguyện với anh trai của ngài là Đức ông Georg Ratzinger trong nhà nguyện riêng của ngài tại Vatican. Vatican thông báo ngày 18 tháng Sáu năm 2020 rằng Đức Giáo hoàng XVI, khi đó 93 tuổi, sẽ đi Đức để thăm người anh đang đau bệnh 96 tuổi. (Credit: CNS photo/L’Osservatore Romano via Reuters.)

Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng Sáu, Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, 94 tuổi, đã có chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi ngài từ chức vào năm 2013, tới Regensburg để thăm người anh đau yếu là Đức ông Georg Ratzinger. Khi ở đó, Đức Benedict trở lại vùng đất cũ của mình, thăm ngôi nhà xưa từ những ngày ngài còn là giáo sư thần học và viếng mộ của thân phụ mẫu ngài. Ngài bị bệnh sau khi trở về Roma nhưng sau đó đã bình phục. Anh trai của Đức Benedict là Georg qua đời vài ngày sau đó ở tuổi 96. Hai anh em được thụ phong cùng ngày, được biết là đã gắn bó trong suốt cuộc đời của hai vị.

Một người đang trương một biểu ngữ với dòng chữ “đảng Cộng sản Trung quốc là trơ trẽn, thất hứa,” hô to suốt cuộc phản đối chống luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong ngày 1 tháng Bảy, 2020. (Credit: Tyrone Siu/Reuters via CNS.)

Vào ngày 30 tháng Sáu, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nhất trí thông qua luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong và liệt kê nó theo Phụ lục III của Luật Cơ bản, phớt lờ sự chấp thuận của Hong Kong, tạo ra một làn sóng biểu tình khổng lồ. Trong số các điều khoản, luật mới cấm các hành vi mưu phản, ly khai, dụ dỗ, lật đổ, can thiệp nước ngoài và khủng bố. Kể từ khi luật được triển khai, hàng trăm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt giữ, bao gồm các doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật truyền thông và sinh viên.

Tháng Bảy

Người Hồi giáo cầu nguyện buổi tối bên ngoài đền thờ Hagia Sophia thuộc kỷ nguyên Byzantine, một trong những điểm chính thu hút khách du lịch của Istanbul trong quận Sultanahmet lịch sử của Istanbul, theo sau quyết định của Hội đồng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, thứ Sáu, 10 tháng Bảy, 2020. Tòa án hành chính cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra phán quyết hôm thứ Sáu, mở đường cho chính phủ chuyển đổi Hagia Sophia – một nhà thờ chính tòa trước đây bị biến thành đền thờ Hồi giáo, hiện là bảo tàng – trở lại thành một nơi thờ phượng của Hồi giáo. Hội đồng Nhà nước đã dồn sức nặng vào một bản kiến nghị do một nhóm tôn giáo đưa ra và hủy bỏ quyết định của nội các năm 1934 về việc thay đổi tòa nhà từ thế kỷ thứ 6 thành bảo tàng. (AP Photo/Emrah Gurel)

Ngày 10 tháng Bảy, tòa án hành chính cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra phán quyết mở đường cho việc hoàn nguyên tòa nhà Hagia Sophia nổi tiếng của đất nước thành một đền thờ Hồi giáo, hủy bỏ quyết định năm 1934 tuyên bố tình trạng của nó là một bảo tàng. Một nhà thờ chính tòa trước đây đã trở thành đền thờ Hồi giáo trước khi chuyển đổi thành bảo tàng, Hagia Sophia, được UNESCO công bố là di sản thế giới từ năm 1985, trong nhiều năm đã là biểu tượng của sự thống nhất và trung lập, mở cửa cho mọi tín ngưỡng. Việc mở cửa trở lại như một đền thờ Hồi giáo vào ngày 24 tháng Bảy bị tranh cãi bởi nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Đức Giáo hoàng Phanxicô là người nói rằng ngài “rất buồn” trước quyết định này.

Tháng Tám

Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội một trong số 32 trẻ em khi ngài dâng Lễ Chúa chịu Phép Rửa trong Nhà nguyện Sistine tại Vatican ngày 12 tháng Một, 2020. (Credit: CNS photo/Vatican Media.)

Vào tháng Tám Vatican gây ra một khuấy động nho nhỏ khi phát hành một giải thích trình bày rằng các phép rửa được thực hiện với một công thức sửa đổi sử dụng các đại từ số nhiều như, “chúng ta rửa con” thay vì công thức truyền thống là “cha rửa con” không còn giá trị. Sau khi bản giải thích được phát hành, ít nhất một linh mục có đoạn video ghi lại phép rửa của chính linh mục 30 năm trước nhận ra rằng linh mục đã được rửa tội với công thức sửa đổi “chúng ta rửa con”, có nghĩa là phép rửa của linh mục đó – chưa kể đến việc thụ phong linh mục của vị linh mục đó và tất cả các bí tích khác mà linh mục cử hành từ năm 2017 – đều vô hiệu, buộc linh mục đó phải vội vàng lãnh nhận lại các bí tích có giá trị, và tạo ra một nỗ lực tổ chức những cơ hội lãnh nhận các bí tích cho tất cả những người đã lãnh nhận bí tích từ linh mục đó, gồm cả bí tích Thêm sức, Rước Lễ Lần đầu, Rửa tội, v.v..

Tháng Chín

Hồng y Angelo Becciu nói chuyện với các nhà báo trong cuộc họp báo tại Roma hôm thứ Sáu, ngày 25 tháng Chín, 2020. (Credit: Gregorio Borgia/AP.)

Ngày 24 tháng Chín, Vatican đưa ra một thông báo gây ngạc nhiên khi tổ chức một cuộc họp báo tối hôm đó cho biết rằng Hồng y Angelo Becciu người Ý, là cựu tham mưu của giáo hoàng, từ nhiệm khỏi vị trí là người đứng đầu của phòng phong thánh của Vatican và cả “những quyền liên quan đến một hồng y.” Tuy nhiên, không có một lý do nào được đưa ra cho động thái khác thường trong cuộc họp báo ngày hôm sau, ngài Becciu nói rằng ngài bị tố cáo biển thủ, và do đó đức giáo hoàng đã mất niềm tin nơi ngài. Sự bãi nhiệm ngài Becciu được nhiều người giải thích như một cố gắng của đức giáo hoàng tiếp tục cải tổ lại tài chính của Vatican.

Tháng Mười

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ trong hầm của Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi, nước Ý, hôm thứ Bảy ngày 3 tháng Mười năm 2020. Đức Thánh Cha Phanxicô đi về quê hương của vị thánh yêu thiên nhiên cùng tên với ngài hôm thứ Bảy để ký một tông huấn trình bày tầm nhìn của ngài về một thế giới hậu COVID được xây dựng trên tình đoàn kết, tình huynh đệ và sự chăm sóc cho môi trường. Trong chuyến đi ra ngoài Roma kể từ khi phong tỏa vì coronavirus, Đức Phanxicô cử hành Thánh Lễ trong tầng hầm của Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô trong thị trấn Umbrian trên đồi của Assisi. (Credit: Vatican Media via AP.)

Trong chuyến đi ra ngoài sau thời gian phong tỏa vì COVID-19 của nước Ý và lần thứ hai trong cả năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thị trấn Assisi của Ý, nơi Thánh Phanxicô cùng tên với ngài được chôn cất, để cử hành Thánh Lễ trước khi công bố tông huấn của ngài về tình huynh đệ nhân loại, Fratelli Tutti, vào ngày hôm sau. Trong nhiều vấn đề, tài liệu dài 300 trang trình bày đánh giá riêng của đức giáo hoàng về việc thế giới không thể hợp sức với nhau trong phản ứng chung đối với COVID-19, và tài liệu thường xuyên lặp lại những chỉ trích về chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa tự do, và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và ủng hộ cho những nỗ lực và chính sách đa phương ưu tiên cho người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người di cư và tị nạn.

Xác của Chân phước Carlo Acutis, qua đời năm 2006, được chụp sau khi mộ của cậu được mở trong Nhà thờ Santa Maria Maggiore ở Assisi, nước Ý, ngày 1 tháng Mười năm 2020. Mộ được mở trước Lễ phong chân phước ngày 10 tháng Mười cho cậu thiếu niên người Ý, và sẽ được mở để tôn kính đến ngày 17 tháng Mười. (Credit: CNS photo/courtesy Diocese of Assisi-Nocera Umbra-Gualdo Tadino.)

Ngày 15 tháng Mười, Carlo Acutis, một thiếu niên người Ý đã sử dụng kỹ năng lập trình vi tính của mình để lan truyền lòng sùng kính Thánh Thể và qua đời vì bệnh bạch cầu khi 15 tuổi, được phong chân phước ở Assisi, làm cho cậu có lẽ trở thành vị thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo được tôn kính trong trang phục quần jeans, giày tennis, và áo len.

Trong ảnh hồ sơ ngày 18 tháng Tư năm 2018 này, Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ một nhóm tín hữu từ Trung Quốc vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican. Hôm thứ Ba, ngày 29 tháng Chín năm 2020, Vatican đã trả lời những người chỉ trích và giải thích cho quyết định theo đuổi việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc đề cử giám mục, thừa nhận những khó khăn nhưng nhấn mạnh rằng đã đạt được những kết quả tích cực, tuy còn hạn chế. (Credit: Gregorio Borgia/AP.)

Mặc dù có nhiều sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và từ các giới chức của mình, ngày 22 tháng Mười Tòa thánh đã gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, kéo dài thêm hai năm trong một động thái mà nhiều chuyên gia cho rằng đó là một khoản đặt cọc về mối quan hệ ngoại giao cuối cùng.

Tháng Mười Một

Tháng Mười Một là một tháng có nhiều biến cố đối với Giáo hội Công giáo, và là một tháng đặc biệt quan trọng đối với Vatican. Vào thứ Ba, ngày 3 tháng Mười Một Hoa Kỳ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, và vào chiều thứ Sáu, ngày 7 tháng Mười Một, các ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden và Kamala Harris đã đảm bảo đủ số phiếu đại cử tri để được tuyên bố là người chiến thắng, khiến ông Biden trở thành người Công giáo thứ hai được bầu vào chức vụ tổng thống Mỹ, và bà Harris là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm phó tổng thống.

Tổng thống đắc cử Joe Biden nắm tay Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris khi họ ăn mừng chiến thắng bầu cử ở Wilmington, Del. ngày 7 tháng Mười Một năm 2020. (Credit: AP.)

Ít ngày sau, sau hơn hai năm chờ đợi, ngày 10 tháng Mười Một Vatican đã công bố báo cáo được mong đợi về việc lên nắm quyền của cựu hồng y và linh mục Theodore McCarrick, cho biết chi tiết một chương buồn trong lịch sử Giáo hội, nhưng là một bước tiến lớn về tính minh bạch.

Cuối tháng đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tổ chức một công nghị vào ngày 28 tháng Mười Một để lập 13 tân hồng y, trong đó có tân tổng giám mục Washington, là đức Hồng y Wilton Gregory.

Hồng y Theodore E. McCarrick tham dự một thánh lễ ở Roma ngày 13 tháng Tư năm 2018. Vào ngày 28 tháng Bảy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Hồng y McCormick rời khỏi Hồng y đoàn sau khi có những cáo buộc rằng ông đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng như các chủng sinh trưởng thành. (Credit: CNS.)
Đức tân Hồng y Wilton D. Gregory của Washington tham dự thánh lễ do Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành cùng với các tân hồng y tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican ngày 29 tháng Mười Một năm 2020. (Credit: Gregorio Borgia/Reuters pool via CNS.)

Tháng Mười Hai

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi (tiếng Latinh có nghĩa là ‘cho thành phố và thế giới’) Giáng sinh trong phòng ban phép lành của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, tại Vatican, Thứ Sáu, ngày 25 tháng Mười Hai năm 2020. (Credit: Vatican Media via AP.)

Ngày 21 tháng Mười Hai, Bộ Giáo lý và Đức tin của Vatican với sự chấp thuận của Giáo hoàng đã ban hành một văn bản giải thích dài, bật đèn xanh cho việc sử dụng các loại vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna COVID-19, cả hai loại đều sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ những bào thai bị phá thai trong thế kỷ trước trong quá trình thử nghiệm xác nhận. Tuy nhiên, Vatican giải thích rằng do thiếu các lựa chọn thay thế phù hợp về mặt đạo đức, và mối liên hệ xa với việc phá thai mà các tế bào được lấy ra, không có vấn đề gì khi sử dụng vaccine, điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài huấn từ phép lành Urbi et Orbi Giáng sinh trực tuyến gọi là “tia sáng của hy vọng,” thúc giục các quốc gia giàu có bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho các quốc gia nghèo hơn.

Follow Elise Ann Allen on Twitter: @eliseannallen

[Nguồn: cruxnow]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/12/2020]