Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo chương trình lương thực thế giới

724
Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo chương trình lương thực thế giới
Photo: WFP/ Rein Skullerud

‘Mỗi con người có quyền được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt lành và bền vững’

18 tháng Mười Một, 2019 15:49
ZENIT STAFF

Ngày 18 tháng Mười Một, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp dưới đây đến buổi Khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ hai của Ban Điều hành Cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới, sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng Mười Một.

“Ngoài ra, tôi bảo đảm với quý vị rằng Giáo hội Công giáo đang làm việc để thúc đẩy tình đoàn kết giữa mọi người và mong muốn hợp tác với Chương trình Lương thực Thế giới qua việc tái khẳng định rằng mỗi con người có quyền được hưởng nguồn dinh dưỡng tốt lành và bền vững,” Đức Thánh Cha nói trong thông điệp của ngài.

Cơ quan Liên hợp quốc trụ sở tại Roma là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói kém và thúc đẩy an ninh lương thực trên thế giới. Tổ chức hỗ trợ cho 86,7 triệu người trong 83 quốc gia mỗi năm.

Thông điệp của Đức Thánh Cha

Gửi ông David M. Beasley

Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới

Nhân dịp khai mạc phiên họp thường kỳ lần thứ hai của Chương trình Lương thực Thế giới, tôi vui mừng gửi lời chào tới ông David M. Beasley, Giám đốc điều hành, và ông Đại sứ Hisham Mohamed Badr, là Chủ tịch đương nhiệm của Ban Điều hành, cùng với tất cả các thành viên và tham dự viên.

Ngay khi bắt đầu phiên họp mới này, quý vị tìm cách để phát triển thành hệ thống những sáng kiến thiết thực nhằm mục tiêu làm cho cuộc chiến chống nạn đói kém trên thế giới hiệu quả hơn. Nhiều dự án của quý vị trong đó thúc đẩy những biện pháp quyết liệt để chấm dứt sự lãng phí lương thực, một hiện tượng ngày càng đè nặng trên lương tâm của chúng ta.

Ở nhiều nơi, những anh chị em của chúng ta không có đủ lương thực hoặc không có lương thực tốt lành, trong khi ở những nơi khác, lương thực bị vứt bỏ và lãng phí. Đây là điều mà đấng tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolo II gọi là nghịch lý của sự dư dật, nó tiếp tục là một trở ngại cho việc giải quyết vấn đề lương thực cho nhân loại (x. Diễn từ Khai mạc Hội nghị quốc tế về Dinh dưỡng, 5 tháng Mười Hai 1992).

Nghịch lý này bao gồm những cơ cấu thiển cận, thờ ơ, và ích kỷ làm cơ sở cho văn hóa lãng phí. Nếu chúng ta không nhận biết động lực này và tìm cách kìm hãm lại, thì sẽ rất khó để vinh danh những cam kết của Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu và làm hiện thực những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình Hành động 2030 của Liên Hợp quốc. Thực hiện mục tiêu này là trách nhiệm không chỉ riêng của các tổ chức quốc tế và chính phủ, nhưng là của mọi người. Các gia đình, học đường, và phương tiện truyền thông có nhiệm vụ quan trọng hơn trong việc giáo dục và nâng cao ý thức về vấn đề này. Không ai được miễn khỏi trách nhiệm chống lại loại văn hóa áp bức quá nhiều con người, đặc biệt là người nghèo và người không có khả năng tự bảo vệ trong xã hội.

Chương trình Lương thực Thế giới đóng góp cho công việc này bằng cách gần đây phát động chiến dịch toàn cầu Stop the Waste (ngăn chặn lãng phí), nhấn mạnh sự thật rằng việc lãng phí lương thực phá hủy sự sống của nhiều cá nhân và ngăn cản sự tiến bộ của các dân tộc. Nếu chúng ta muốn xây dựng một tương lai không có người nào bị bỏ rơi phía sau, chúng ta phải xây dựng một hiện tại từ bỏ dứt khoát việc lãng phí lương thực. Không để mất thêm thời gian, cùng nhau góp chung những nguồn lực và ý tưởng, chúng ta có thể giới thiệu một lối sống trao cho lương thực tầm quan trọng xứng đáng của nó. Lối sống mới này bao gồm cách đánh giá phù hợp những gì mẹ Trái đất trao tặng cho chúng ta, và sẽ có một tác động chung cho nhân loại.

Ngoài ra, tôi bảo đảm với quý vị rằng Giáo hội Công giáo đang làm việc để thúc đẩy tình đoàn kết giữa mọi người và mong muốn hợp tác với Chương trình Lương thực Thế giới qua việc tái khẳng định rằng mỗi con người có quyền được hưởng nguồn dinh dưỡng khỏe mạnh và bền vững.

Tôi mong muốn chiến dịch này giúp hỗ trợ cho tất cả những người trong thời đại chúng ta chịu đau khổ do những hậu quả của nghèo khổ, và chứng minh rằng bất cứ khi nào nhân vị được đặt vào trung tâm của các quyết định thuộc chính trị và kinh tế, thì nền hòa bình và ổn định được bảo đảm giữa các dân tộc, thậm chí sự hiểu biết lẫn nhau là nền tảng của sự tiến bộ con người đích thực sẽ nâng cao ở khắp nơi.

Ước mong rằng cam kết và sự cống hiến của quý vị khơi dậy trong tất cả mọi người thiện chí khát khao xây dựng một thế giới mới và tốt đẹp hơn trong tình huynh đệ, công bằng và hòa bình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những ai bước đi trên con đường này.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2019]