18 tháng Mười Một, 2018
Bữa ăn trưa Chúa nhật sau Thánh Lễ của Đức Thánh Cha kỷ niệm Ngày Người nghèo Thế giới trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy bắt chước Chúa Giê-su trong việc giúp đỡ tất cả những người thiếu thốn, trong đó có những thai nhi, người già, và những người bị buộc phải di cư.
Hôm nay Chúa nhật Đức Thánh Cha Phanxico dùng bữa ăn trưa với các món gồm mì lasagna, gà chiên cốm, khoai tây nghiền và bánh ngọt tráng miệng tiramisu với 1.500 người thiếu thốn, người kém may mắn và người nghèo (xem hình ở dưới).
Sự kiện trong Đại sảnh Phaolô VI là một phần của Ngày Người nghèo Thế giới hôm nay, một ngày được tổ chức thường niên do Đức Thánh Cha Phanxico thiết lập năm 2016 vào dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót.
“Bây giờ tất cả chúng ta sẽ cùng dùng bữa chung với nhau,” Đức Thánh Cha nói khi đến đại sảnh trước 12.30 một chút. “Chúng ta hãy cảm ơn những người đã mang đến cho chúng ta bữa trưa này, những người sẽ phục vụ bữa cho chúng ta.”
Ngài nói thêm: “Chúng tôi cám ơn mọi người và chúng con xin Chúa chúc phúc cho tất cả chúng con, xin ơn lành của Người đổ xuống trên tất cả, tất cả mọi người chúng con ở đây. Xin Chúa chúc phúc cho mỗi người chúng con, chúc phúc cho tâm hồn chúng con, chúc phúc cho những dự định của chúng con, và giúp chúng con tiến bước. Amen. Và chúc anh chị em bữa ăn ngon miệng!”
Bảy mươi người tình nguyện từ các giáo xứ Roma và nhân viên từ các hiệp hội thiện nguyện góp sức tổ chức bữa trưa. Thực phẩm được cung cấp bởi chuỗi Khách sạn Hilton.
Giới trẻ từ Đền thánh Pompeii chơi nhạc trong bữa tiệc trưa, và cuối sự kiện, nhà sản xuất mì pasta nổi tiếng của Ý, Pastificio Rummo, tặng hơn 1500 túi có một kg mì pasta cho những người có mặt và các hiệp hội.
Sự bảo đảm vững chắc của Chúa Giê-su
Trước đó Đức Thánh Cha dâng Lễ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô cho 6.000 người nghèo và người thiện nguyện để đánh dấu ngày này với chủ đề năm 2018 lấy trong Thánh vịnh 34: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời” (xem toàn thông điệp phát hành tháng Sáu tại đây).
Phân tích bài đọc Tin mừng trong ngày, Đức Thánh Cha suy tư trong bài giảng theo Thánh Mát-thêu 14:22-33 về việc Chúa Giê-su đi trên mặt nước để đến với các môn đệ của Người trên thuyền đang bị sóng vùi dập. Ngài phân tích nhiều bài học Chúa Giê-su dạy trong trích đoạn Tin mừng.
Trước hết, ngài nói, là “sự can đảm dám buông bỏ một đời sống tiện nghi” của sự thành công và cuộc sống “để tích lũy”, và thay vì vậy hãy dám lội “ngược dòng.” Thiên Chúa đánh thức chúng ta thoát khỏi “sự nhàn rỗi,” khỏi những “lãnh địa an toàn” và “những sợi dây neo của sự đam mê” để dấn bước lên đường “tiến đến với Thiên Chúa và đến với anh em,” Đức Thánh Cha giải thích.
Bài học thứ hai Chúa Giê-su dạy là “sự bảo đảm chắc chắn” cho các môn đệ rằng qua việc đi trên mặt biển, thật ra là Người đang “đạp lên những kẻ thù thâm hiểm của con người” chẳng hạn như “ma quỷ, tội lỗi, sự chết, sự sợ hãi, tính thế gian” và động viên các môn đệ của Người “cứ yên tâm, chính Thầy đây; đừng sợ.”
Đức Thánh Cha nói, “con thuyền cuộc đời của chúng ta thường bị chao đảo và vùi dập bởi những trận cuồng phong” và cơn phong ba có thể “chỉ là vấn đề của riêng chúng ta.” Nhưng ngài nói thêm rằng vấn đề chính không phải là cơn phong ba nhưng là “cách chúng ta tiếp tục hành trình suốt đời” và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc biết mời “Chúa Giê-su lên thuyền” để “Người lái con thuyền đi đúng lộ trình.”
Ngài nói: “Hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa Giê-su lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Cũng như các môn đệ, ngay lập tức chúng ta sẽ nhận ra Người trên thuyền, và gió sẽ lặng và con tàu sẽ không bị đắm.” Được an ủi bởi sự bảo đảm chắc chắn của Chúa, ngài tiếp tục, “chúng ta sẽ có thể đem đến sự an ủi thật sự cho người khác.”
Đức Thánh Cha nói, một bài học thứ Ba mà Chúa dạy là “Người đưa tay ra” cho Phê-rô đang hãi sợ và hoài nghi, và đây là “bước khởi đầu của đức tin”, nó đánh bật niềm kiêu hãnh làm cho chúng ta “tự mãn” và giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta “đang rất cần ơn cứu độ.” Đức tin lớn lên trong môi trường này, ngài nói, và đây là lý do tại sao điều quan trọng cho “tất cả chúng ta là phải sống đức tin trong sự tiếp xúc với những người đang cần giúp đỡ.”
Giang rộng đôi tay
Đức Thánh Cha nói thêm rằng nó không phải là một “tùy chọn của xã hội, một phong cách của một triều đại giáo hoàng nào đó” nhưng “là một sự đòi hỏi của thần học,” buộc chúng ta chân nhận rằng tất cả chúng ta là “những người hành khất cầu xin ơn cứu độ,” đặc biệt “những người nghèo mà Chúa yêu.”
Một bài học thứ tư là qua tiếng kêu xin cứu giúp của Phê-rô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy cách để nghe thấy được “tiếng kêu của người nghèo” là những tiếng kêu mà Đức Thánh Cha phân định rõ như “tiếng kêu bị bóp nghẹt của những bào thai chưa chào đời, của những trẻ em bị chết đói, các thiếu nhi là nạn nhân của chiến tranh, những người không có bạn bè, những người bị buộc phải di cư, “người già, bị gạt ra và bị bỏ rơi,” và tất cả những người là nạn nhân của sự bất công điều ngài gọi là “nguyên nhân gốc rễ của sự nghèo đói.” Đức Thánh Cha nhận xét, “Tiếng kêu của người nghèo mỗi ngày mỗi lớn nhưng mỗi ngày lại càng ít được nghe thấy hơn,” ngài nói thêm rằng nó bị “chìm nghỉm trong tiếng ầm ỹ hỗn loạn của một thiểu số rất ít người giàu, với con số ngày càng ít hơn nhưng lại giàu có hơn.”
Đức Thánh Cha kêu gọi, “Người Ki-tô hữu chúng ta không thể đứng khoanh tay thờ ơ,” nhưng hãy học những bài học này của Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi, “Chúng ta có đôi mắt để nhìn thấy không, có đôi tai để lắng nghe không, có đôi tay để đưa ra sự giúp đỡ không? Hay chúng ta cứ lặp lại câu: ‘Ngày mai hãy trở lại’?”
Ngài nói thêm, “Chúa đã đưa tay Ngài ra một cách tự do và đầy trách nhiệm. Và chúng ta cũng phải thực hiện như vậy. Chúng ta được kêu gọi không chỉ làm điều tốt cho những người yêu quý chúng ta” nhưng hãy trao tặng cho những người “chẳng có gì để trả lại, yêu thương một cách nhưng không.” Ngài thúc giục tín hữu hãy quan sát chung quanh xem có điều gì có thể làm “hoàn toàn nhưng không” mà không cần phải được trả lại. Ngài nói, “Đó sẽ là bàn tay đưa ra của chúng ta, là gia tài thật sự của chúng ta trên thiên đàng.”
Đức Thánh Cha cầu nguyện kết thúc, “Lạy Chúa, xin Người giang tay ra để đón lấy chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu thương như Người. Xin dạy chúng con biết bỏ lại sau lưng tất cả những gì chóng qua, để trở thành một nguồn mạch làm chúng con an tâm, và trao tặng một cách nhưng không cho tất cả những người thiếu thốn. Amen.”
Các ảnh dưới đây của Daniel Ibanez thuộc CNA/EWTN:
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2018]