‘Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ.’
26 tháng Chín, 2018 16:50
ZENIT STAFF
Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên trong Diễn đàn Liên Tôn G20 (G20 Interfaith), diễn ra tại Buenos Aires, Argentina, 26-28 tháng Chín, 2018 về chủ đề “Xây Dựng Tính Thống Nhất Về Sự Phát Triển Bền Vững Và Công Bằng: Những Đóng Góp Của Tôn Giáo Cho Một Tương Lai Có Phẩm Giá”:
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý vị tổ chức và tham dự trong Diễn đàn Liên Tôn G20, năm nay diễn ra tại Buenos Aires. Những hội nghị liên tôn, diễn ra trong khuôn khổ của các cuộc họp Thượng đỉnh G20, mong muốn đưa ra sự đóng góp của những truyền thống và kinh nghiệm tôn giáo và triết học khác nhau cho cộng đồng quốc tế, để làm rõ những vấn đề xã hội mà chúng ta quan tâm một cách đặc biệt ngày nay.
Trong những ngày trao đổi và phản ánh vừa qua, diễn đàn nhằm mục tiêu khám phá sâu rộng hơn về vai trò của các tôn giáo và sự đóng góp cụ thể của tôn giáo trong việc xây dựng tính thống nhất cho sự phát triển bền vững và công bằng để bảo đảm một tương lai xứng đáng cho tất cả mọi người.
Chắc chắn, lúc này thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách đố, và vô cùng phức tạp. Chúng ta hiện đang đương đầu với những tình hình khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến nhiều anh em bị gạt bỏ và bị lãng quên của chúng ta, nhưng còn phải đương đầu với sự đe dọa tương lai của toàn nhân loại. Và những người có đức tin không thể giữ thái độ thờ ơ trước những đe dọa này.
Suy nghĩ về tôn giáo, tôi tin rằng ngoài những sự khác biệt và những quan điểm khác nhau, sự đóng góp mang tính nền tảng đầu tiên cho thế giới hôm nay là khả năng thể hiện tính hiệu quả của sự đối thoại mang tính xây dựng để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề đang ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Một sự đối thoại không nhằm chối bỏ bản sắc của một tôn giáo (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 251), nhưng sẵn sàng bước ra để gặp gỡ người khác, để thấu hiểu những lý do của họ, để có thể xây dựng những mối quan hệ nhân văn đầy tính tôn trọng, với sự xác tín rõ ràng và dứt khoát rằng việc lắng nghe người có suy nghĩ khác biệt trước hết là một cơ hội để làm phong phú lẫn nhau và phát triển trong tình huynh đệ. Không thể xây dựng một ngôi nhà chung nếu gạt bỏ những người có suy nghĩ khác biệt, hoặc những gì họ cho là quan trọng và những gì thuộc bản sắc rất riêng của họ. Điều cần thiết là phải xây dựng một tình huynh đệ không như một “phòng thí nghiệm,” vì “tương lai lệ thuộc vào sự chung sống biết tôn trọng tính đa dạng, chứ không lệ thuộc vào việc thừa nhận một lối suy nghĩ trung lập thuần tính lý thuyết” (Diễn từ trước Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên Tôn, 28 tháng Mười Một, 2013).
Đứng trước một thế giới trong đó mô hình phát triển theo kỹ trị được khẳng định và củng cố, với luận lý thống trị và điều khiển thực tại chỉ quan tâm đến lợi nhuận và kinh tế, Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ. Bất kỳ nỗ lực nào tìm kiếm sự phát triển kinh tế, xã hội hay kỹ thuật phải suy xét đến phẩm giá của con người; tầm quan trọng của việc nhìn đến con người qua đôi mắt của họ chứ không xem họ chỉ là một con số hay một sự thống kê lạnh lùng. Chúng ta cần có một sự vững tin rằng “con người là nguồn lực, là trung tâm, và là mục tiêu cho mọi đời sống kinh tế và xã hội” (Tông huấn Gaudium et Spes, 63). Vì thế, chúng ta hãy đưa ra một cách nhìn mới về con người và thực tại, không nhằm mục đích thao túng hay thống trị, nhưng với sự tôn trọng bản chất của riêng họ và ơn gọi của họ trong toàn thể tạo vật, vì “được mời gọi đi vào sự hiện hữu bởi một Chúa Cha, tất cả chúng ta được kết nối bởi những mối dây ràng buộc vô hình và cùng nhau tạo nên một gia đình hoàn vũ, một sự kết hiệp cao cả lấp đầy chúng ta bằng một lòng tôn trọng thánh thiêng, cảm mến và khiêm tốn” (Tông huấn Laudato si’, 89).
Các bạn thân mến, trước hội đồng vô cùng cao quý này, một lần nữa tôi tha thiết lặp lại lời kêu gọi bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta qua sự quan tâm đến toàn gia đình nhân loại. Một lời mời gọi khẩn thiết đến với một cuộc đối thoại mới về cách chúng ta xây dựng xã hội, trên con đường đi tìm sự phát triển bền vững với lòng vững tin rằng mọi việc đều có thể thay đổi.
Xin cho phép tôi kết luận bằng việc lặp lại một lần nữa rằng tất cả chúng ta đều là cần thiết trong nhiệm vụ này, và chúng ta có thể hợp tác với nhau như những khí cụ của Thiên Chúa để bảo vệ và chăm sóc cho tạo vật, mọi người đóng góp văn hóa và kinh nghiệm của họ, tài năng và niềm tin của họ.
Và thưa quý vị, xin cầu nguyện cho tôi.
Vatican, 6 tháng Chín, 2018
FRANCIS
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2018]