Đức TGM Tin Lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”

1183

PHỎNG VẤN TẠI TALLINN: Đức Tổng Giám mục Tin lành của Estonia: “Cuộc thăm viếng của Đức Giáo hoàng sẽ là sự thể hiện tình yêu thương cho nhau”

Đức Giám mục Urmas Viilma nói: Vì đại đa số là người vô thần, ‘Nếu chỉ một Giáo hội muốn rời khỏi liên minh đại kết, toàn thể tiếng nói của Kitô giáo trong xã hội Estonia sẽ bị tan tác’

Vatican Media Photo

25 tháng Chín, 2018 06:21
DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Thư mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Estonia hôm nay, 25 tháng Chín, 2018, được ký chung bởi các vị giới chức cao nhất của Công giáo và Tin Lành ở Estonia. Và dù rằng nhà thờ chính tòa Công giáo quá nhỏ không đủ để chào đón Đức Thánh Cha, và cũng không đủ cho đám đông giới trẻ họp mặt, Hội thánh Tin Lành sẽ cho mượn một trong các nhà thờ của họ để tổ chức sự kiện. Đức Giám mục Urmas Viilma là Tổng Giám mục của Giáo hội Tin Lành Phúc Âm Estonia, cộng đoàn Kitô hữu lớn nhất trong đất nước. Người Công giáo chỉ chiếm không đầy 1%. Trong cuộc phỏng vấn dưới đây với Zenit, Đức Giám mục Viilma nói về không khí tốt đẹp của sự đối thoại đại kết và hợp tác ở Estonia và về “khoảng trống tâm linh của xã hội Estonia, ngày nay lớn hơn 30 năm về trước, trước khi hệ thống Cộng sản sụp đổ, cho dù mức sống ngày nay đã cao hơn.

Ngài cảnh báo, “về vấn đề tôn giáo, những thế hệ trẻ của Estonia hầu như không biết gì. Sự kết nối với Thiên Chúa đã bị gián đoạn, Giáo hội chỉ có thể liên lạc được với giới trẻ khi chúng tôi tương tác với họ theo từng cá nhân.”

Dưới đây là bài phỏng vấn của Deborah Castellano Lubov thuộc Zenit theo sau chuyến đi đến vùng Baltics theo chuyến bay giáo hoàng và hôm nay đang ở Tallinn.

***

ZENIT: Thưa Đức Giám mục, Giáo hội Tin Lành sẽ cùng cộng tác trong chuyến đi của Đức Giáo hoàng qua việc cho mượn một trong những nhà thờ lớn nhất của mình cho buổi gặp gỡ giới trẻ … Tại sao điều này là cần thiết?

Vâng, buổi gặp gỡ Đức Giáo hoàng sẽ diễn ra trong Nhà thờ Thánh Charles, một trong những nhà thờ Tin Lành lớn nhất ở Tallinn. Vì Nhà thờ Chính tòa Công giáo chỉ đủ chỗ cho vài ba trăm người, Tin Lành chúng tôi được nhờ giúp tìm một nhà thờ phù hợp. Cũng trong nhà thờ đó, năm ngoái chúng tôi có buổi cầu nguyện chung Tin Lành-Công giáo để kỷ niệm 500 năm Cải cách.

ZENIT: Đức Giám mục đánh giá không khí của những mối quan hệ đại kết ở Estonia như thế nào?

Ở Estonia, không Giáo hội nào chiếm được tỷ lệ cao trong dân số. Theo điều tra dân số năm 2011, chỉ có một phần ba, 29 phần trăm trong tổng số người dân trưởng thành của Estonia nói rằng họ là người có tín ngưỡng. Con số này bao gồm tất cả các thành viên của mọi tôn giáo. Số tín hữu đông nhất của Estonia là người Tin Lành với 150.000 người và một nhóm đông tương đương như vậy là Chính Thống giáo với 160.000 người, những người này đa phần thuộc nhóm dân tộc thiểu số nói tiếng Nga. Có khoảng 8000 người Baptist và 6000 người Công giáo.

ZENIT: Thế còn những người khác?

Đại đa số, hay gần 70% dân số là không xác định tôn giáo, theo điều tra dân số năm 2011. Vì người Kitô hữu chỉ là một nhóm thiểu số, về phía các Giáo hội không có quyền điều chỉnh cách rao truyền cho phù hợp với những mong đợi của đại đa số người dân và của xã hội. Đồng thời, vị trí của nhóm thiểu số lớn nhất trong xã hội đóng góp cho sự hợp tác đại kết giữa các Giáo hội.

ZENIT: Bằng cách nào?

Các Giáo hội đang cố gắng liên kết để định hình một thông điệp cho xã hội. Điều này giải thích tại sao không có giáo hội hay giáo phái nào ở Estonia tách biệt khỏi các giáo hội khác về các vấn đề luân lý và đạo đức và là lý do tại sao các Giáo hội cố gắng cất lên tiếng nói chung bằng ngôn ngữ truyền thống. Nếu chỉ một Giáo hội muốn rời khỏi liên minh đại kết, toàn thể tiếng nói của Kitô giáo trong xã hội Estonia sẽ bị tan tác.

ZENIT: Đức Giáo hoàng và chuyến viếng thăm của ngài có ý nghĩa như thế nào đối với đức cha là một người Tin Lành?

Tôi rất vui khi nói rằng thư mời Đức Giáo hoàng Phanxicô được gửi đi từ Estonia với chữ ký – một là của Đức Tổng Giám mục Urmas Viilma của Hội thánh Tin Lành Phúc âm của Estonia và một chữ ký của Đức Giám mục Philippe Jourdan thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Trước đây tôi đã có cơ hội gặp trực tiếp Đức Giáo hoàng khi là Phó Chủ tịch của Liên đoàn Tin Lành Thế giới hồi tháng Mười Hai. Trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng vào tuần tới, tôi sẽ chào đón ngài trong Nhà thờ Thánh Charles và cũng sẽ có cơ hội đưa ra thông điệp của riêng tôi. Sự hợp tác đại kết như vậy cho phép xã hội Estonia và cả thế giới nhìn thấy rằng người Kitô hữu đang tìm kiếm những cơ hội để hợp tác, đồng thời khi mà thế giới đang trở nên phân cực.

ZENIT: Trong suốt 30 năm qua, đã có những gì thay đổi trong đất nước? Đức Giám mục có ý kiến như thế nào về nhiều thay đổi đã diễn ra ở đây?

Estonia là một quốc gia rất sáng tạo và đang phát triển nhanh. Chúng tôi nhanh chóng đạt được mức sống khá cao và nền kinh tế của đất nước rất tốt. Nhưng ngoài việc này ra, sự khoảng trống về tinh thần và tâm linh của con người đã trở nên sâu rộng hơn. Estonia có lẽ là một quốc gia duy nhất ở Châu Âu có các môn học về tôn giáo trong một trường công. Điều này có nghĩa là trẻ em Estonia đạt được những kết quả cao nhất trong các bài thi PISA về khoa học, nhưng trong các vấn đề liên quan đến tôn giáo, các thế hệ trẻ của Estonia thì hầu như không biết gì.

ZENIT: Bây giờ nói về giới trẻ ngày nay … Khi họ còn là trẻ thơ, tôn giáo là vô cùng quý giá đối với cha mẹ và ông bà vì nó bị cấm đoán. Đó là sự thử thách sức chịu đựng. Ngày nay có tự do. Làm sao chúng ta làm cho giới trẻ hiểu được sự quan trọng của đức tin?

Estonia là một xã hội, nơi sự kết nối với Thiên Chúa đã bị gián đoạn trong các gia đình và là nơi không có sự giáo dục cho thiếu nhi về những vấn đề này ở trường. Giới trẻ chỉ đến nhà thờ khi họ vấp phải những vấn đề về cuộc sống riêng tư. Có một số ít giới trẻ như vậy, nhưng sự thúc đẩy trong tâm hồn sau đó thường sâu đậm hơn và họ đi sâu vào đức tin. Giáo hội chỉ có thể đến được với giới trẻ khi chúng tôi tương tác với họ theo từng cá nhân.

ZENIT: Những mong chờ của Đức Cha từ cuộc gặp gỡ giới trẻ này là gì?

Các Giáo hội Kitô giáo có chung cơ hội rất tốt trong một xã hội bị phân cực để thể hiện tình yêu thương cho nhau. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng sẽ là một cách thể hiện cho một tiếng nói chung và tình yêu thương lẫn nhau đó. Nó là một minh chứng tích cực của tính đại kết thật sự cho một lối sống tốt lành thay cho sự phân cực. Tôi hy vọng rằng giới trẻ sẽ chú ý đến điểm đó và muốn noi theo tấm gương đó trong cuộc sống của họ.

 

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2018]