Đức Phanxicô gặp các người tị nạn và cử hành lễ rước lễ lần đầu cho 245 em

1322

parismatch.com, Ban biên tập, 2019-05-06

Đức Phanxicô ở trung tâm tị nạn Vrajdebna, Bulgari. Vatican Media / -Handout / Reuters

Đức Phanxicô đến trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Bulgari, tại đây ngài gặp các gia đình di cư đến từ Syria và Irak.

Đức Phanxicô, người ủng hộ không mệt mỏi cho người tị nạn, sáng thứ hai ngài đã mang đến sự nâng đỡ của mình cho các gia đình tị nạn Syria và Irak ở Bulgari, đất nước nghèo nhất của Liên Hiệp Âu Châu, ngài nhấn mạnh đến mức độ khó khăn của “những người phải rời quê hương để hội nhập ở một nơi khác”.

Trung tâm tị nạn ở thành phố Vrajdebna, vùng ngoại vi thủ đô Sofia, Bulgari nơi có khoảng 50 người tị nạn, đa số là các em còn nhỏ tuổi, các em hơi rụt rè khi gặp Đức Phanxicô.

Đức Phanxicô thăm trung tâm tị nạn Vrazhdebna :

Soad, một phụ nữ người Irak sống ở trung tâm này, trước đây là trường học nhưng từ năm 2013, nơi này là trung tâm tạm thời đón nhận người tị nạn đang chờ xin tị nạn, bà chân thành nói: “Tôi không có quy chế gì, hoàn cảnh của tôi rất khó khăn với 7 đứa con (…). Đức Giáo hoàng có thể làm tất cả, có thể thay đổi tất cả vì ngài giúp mọi người, đặc biệt là những người tị nạn.”

Trong các chuyến đi của ngài, Đức Phanxicô mong muốn có các cuộc gặp gỡ đơn sơ và không chính thức với các người lưu vong thuộc đủ mọi quốc tịch và ngài thường đến gặp họ.

Ở trung tâm tiếp nhận người tị nạn Syria và Irak, một ca đoàn trẻ con hát bằng tiếng Bulgari chào mừng Đức Phanxicô và tặng ngài các bức vẽ của các em.

Đức Phanxicô nói: “Các bài hát trẻ em mang nguồn vui đến cho con đường đầy đau khổ của anh chị em, anh chị em đã rời bỏ đất nước mình để tìm nơi hội nhập ở một đất nước khác”.

Ngài nói thêm một cách nghiêm trọng: “Ngày nay thế giới của những người tị nạn, những người di cư giống như thập giá, thập giá của nhân loại, thập giá đau khổ của nhiều người”.

Bà Soad xác nhận: “Chúng tôi ở lại Bulgari, bây giờ các con chúng tôi nghĩ đây là đất nước của chúng”. 

“Chúng ta hy vọng giáo hoàng truyền cảm hứng cho nhà cầm quyền một thái độ tích cực đối với người tị nạn”

Tuy nhiên kinh nghiệm của nhiều người tị nạn ở Bulgari là cả một tiến trình đấu tranh vì đất nước này không có chương trình hội nhập cho những người làm đơn xin tị nạn, chỉ có các thiện nguyện viên và một ít hiệp hội giúp đỡ họ.

Bà  Linda Auanis, chủ tịch Hội đồng Phụ nữ Tị nạn nói với hãng tin AFP trước chuyến đi của Đức Phanxicô: “Chúng tôi hy vọng giáo hoàng truyền cảm hứng cho nhà cầm quyền một thái độ tích cực đối với người tị nạn.”

Cộng đồng thiểu số người Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng là một cộng đồng quan trọng (chiếm khoảng 10% dân số) đã ở đây từ thời đế quốc Thổ cai trị Bulgari nên họ được hội nhập và được đại diện về mặt chính trị, còn các người hồi giáo từ Trung Đông đến bị cả chính quyền cánh hữu, đồng minh dân tộc chủ nghĩa của họ cũng như phe đối lập xã hội từ khước.

Ngay cả Giáo hội Chính thống cũng thấy đây là “mối đe dọa cho sự ổn định quốc gia” và “cân bằng sắc tộc” của đất nước.

Ngày chúa nhật, trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô kêu gọi Bulgari “mở lòng” ra với “những người chạy trốn chiến tranh và nạn khó nghèo”.

Tổng thống Roumen Radev, người gần với phái xã hội, bảo đảm với Đức Phanxicô, “nước Bulgari không dung túng nạn kỳ thị chủng tộc”.

Nhưng năm 2017 một gia đình người Syria được cộng đoàn Béléné (miền bắc) đón nhận theo sáng kiến của một linh mục công giáo, gia đình này đã phải ra đi vì áp lực của những người biểu tình phái xã hội và linh mục thì bị đe dọa giết.

Trung tâm Vrajdebna được Đức Phanxicô thăm viếng có khoảng 60 người xin tị nạn trên tổng số 300 chỗ. Bốn trung tâm tiếp nhận khác trong nước gần như trống đến ba phần tư. 

“Một kỷ niệm khó quên” 

Kể từ năm 2016, số lượng người nhập cư đến Bulgari đã giảm đáng kể với sự chậm lại của những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và việc dựng lên một hàng rào dọc theo biên giới dài 274 cây số chung cho cả hai nước.

Cộng đoàn Rakokski cũng nhận được sự hỗ trợ của Đức Giáo hoàng, Rakovski là ngoại lệ của đất nước chính thống giáo, là thành phố có đa số người dân là công giáo dù đất nước chỉ có ít hơn 1% người công giáo.

Ở nhà thờ chính tòa Rakoski chật ních người và được trang hoàng rất đẹp trong dịp này, Đức Phanxicô đã tự tay cho 245 em rước lễ lần đầu, lần đầu tiên trong một chuyến tông du của ngài.

Ông thị trưởng Pavel Gudjerov vui mừng: “Đây là một kỷ niệm khó quên cho các em.”

Các em rước lễ lần đầu hôm nay 6-5 ở Rakoski:

Khoảng 10 000 người đứng hai bên đường của thị trấn có 17 000 người dân này vỗ tay chào Đức Phanxicô, thị trấn Rakoski ở cách thủ đô Sofia 160 cây số.

Bà Sonya Naumova từ miền đông đã đến đây trong dịp này: “Chồng tôi theo đạo công giáo, tôi theo chính thống giáo. Nhưng chúng tôi là tín hữu kitô và chúng tôi tin ở Chúa!”

Vào cuối ngày, Đức Phanxicô sẽ trở lại thủ đô Sofia để có cuộc gặp liên-tôn giáo “vì hòa bình”, các nhà lãnh đạo Giáo hội chính thống sẽ không đến dự, họ miễn cưỡng phải đối thoại với Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm:

Không được Giáo hội Chính thống ủng hộ, Đức Phanxicô cầu nguyện một mình ở nhà thờ chính tòa Sofia, Bulgari

Đức Phanxicô xin Bulgari đừng đóng lòng với người di cư 

Đức Phanxicô đến vùng đất chính thống giáo 

Hình ảnh các em trong thánh lễ rước lễ lần đầu do Đức Phanxicô cử hành sáng thứ hai 6 tháng 5 tại nhà thờ Rakoski (Click vào ảnh xem bản phóng lớn)

 

Hình ảnh Đức Phanxicô đến thăm trung tâm tị nạn Vrajdebna sáng thứ hai 6 tháng 5