by phanxico.vn
fr.zenit.org, Marina Droujinina, 2019-11-20
Các phái đoàn đại diện Việt Nam, Trung quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân đến Thái Lan gặp Đức Phanxicô
Ngày thứ tư 20 tháng 11, trang mạng của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris cho biết, trong chuyến tông du Thái Lan từ 20 đến 23 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ gặp các đoàn đại diện các nước Việt Nam, Trung quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân, dự kiến có hàng chục ngàn người đến Thái Lan gặp ngài.
Theo Đức Hồng y Thái Lan François-Xavier Kriensak Kovitvanit, Thái Lan được chọn đóng vai trọng tâm trong vùng giúp anh chị em giáo dân các nước khác ở Đông Nam Á đến cùng chúng tôi để gặp giáo hoàng.
Từ đầu, Bangkok đã là căn cứ truyền giáo cho toàn vùng Á châu, nhất là các công việc truyền giáo ở Việt Nam và Trung quốc. Trang mạng của Hội cho biết: “Ngay cả ngày nay, trụ sở Hội Thừa sai Hải ngoại Paris tại Bangkok vẫn là nơi gặp gỡ, nơi chúng ta có thể gặp các linh mục làm việc trên toàn Đông Nam Á đến nghỉ ngơi hoặc giao lưu sau những ngày dài ở các vùng miền núi.”
Đối với các nhà truyền giáo và các cộng đoàn này, chuyến đi Thái Lan của Đức Phanxicô có một “giá trị biểu tượng.” Linh mục Miguel, giám đốc chủng viện Lux Mundi ở quận Sam Phran cho biết: “Biểu tượng đặc biệt vì Đức Phanxicô là giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, một Dòng có lịch sử đặc biệt trong việc truyền giáo ở Á châu.”
Sáng thứ sáu 22 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ đến quận Sam Phran để gặp các gia đình công giáo và các giám mục Thái Lan ở nhà thờ Thánh Phêrô không xa chủng viện, chỉ cách thủ đô Bangkok hai mươi phút xe. Quận Sam Phran là thủ đô biểu tượng của hàng giáo sĩ Thái Lan. Ngoài nhà thờ và chủng viện, ở đây có đài tưởng niệm chân phước Nicholas Bunkerd Kitbamrung (1895-1944) chết vì bệnh lao trong tù và được Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước ngày 5 tháng 3 năm 2000.
Ở Thái Lan, các nhà truyền giáo công giáo hoạt động chủ yếu trong lãnh vực giáo dục qua các trường học, trong khi giáo hội tin lành hoạt động trong lãnh vực y tế.
Hầu hết các linh mục trẻ Thái Lan được đào tạo ở đại chủng viện Lux Mundi, họ đến từ các tỉnh bang miền Bắc và gần như tất cả đều trở lại gần đây.
Ngược với người Việt Nam và Phi Luật Tân, người Thái Lan không bao giờ trở lại hàng loạt. Linh mục trẻ người Thái John Pattawee cho biết: “Đối với người Thái, đạo công giáo có quá nhiều bó buộc. Thánh lễ mỗi chúa nhật, cấm chuyện này, cấm chuyện kia… Điều này không tương hợp với văn hóa địa phương, một văn hóa rất tự do.” Ngoài các lý do lịch sử giải thích việc truyền giáo không thành công ở Thái, còn có thái độ của các nhà vua Thái khi đón tiếp các nhà truyền giáo, họ cấm các nhà truyền giáo không được giảng bằng tiếng Thái.
Với các nhà truyền giáo này cũng như với hàng giáo sĩ, việc Đức Phanxicô đến Thái Lan là một khích lệ lớn lao cho họ trong công việc khó khăn của họ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm:
Linh mục người Pháp Nicolas Lefébure bên cạnh người Karen ở Thái Lan
Giáo xứ Pháp ngữ Bangkok chuẩn bị đón Đức Phanxicô
Hình ảnh đồng bào Công giáo Việt Nam sang Thái gặp Đức Phanxicô (Vietcatholic)
Đức Phanxicô tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh Bangkok ngày thứ tư 20 tháng 11-2019