Đức Hồng y Parolin: Công trình tạo dựng đẹp nhất của Thiên Chúa là gia đình

1134

Diễn từ tại Đại hội các Gia đình Thế giới lần thứ 12.

Website Đại hội các Gia đình Thế giới

17 tháng Chín, 2018 16:13
ZENIT STAFF

Dưới đây là văn bản diễn văn của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Vatican, đọc vào thứ Bảy ngày 15 tháng Chín năm 2018, tại Đại hội các Gia đình Thế giới lần thứ 12, diễn ra từ 13-16 tháng Chín, 2018 tại Chisinau, Moldova:

Diễn văn của Đức Hồng y Parolin

“Công trình đẹp nhất mà Thiên Chúa tạo dựng – Kinh Thánh kể cho chúng ta biết – là gia đình. Người đã tạo dựng nên người nam và nữ. Và Người trao tặng cho họ mọi thứ. Ngài trao phó thế giới cho họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố những lời này trong Đêm Canh thức của Đại hội Gia đình Công giáo ở Philadelphia năm 2015 (Huấn từ, 26 tháng Chín 2015) mời gọi chúng ta phản ánh và suy tư về vẻ đẹp của gia đình và ngạc nhiên trước công trình vĩ đại của Công trình tạo dựng.

Trong Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới gần đây được tổ chức ở Dublin, các gia đình trên khắp thế giới đào sâu kiến thức của họ về chương trình của Thiên Chúa dành cho Tạo vật và suy tư về những thách đố mà các gia đình đang phải đối mặt trong xã hội đương thời. Họ lắng nghe những chứng ngôn cụ thể về cuộc sống, các vấn đề, và những niềm vui của gia đình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đại hội đã mang những khái niệm và lý thuyết vào thực tiễn của cuộc sống và kinh nghiệm. Rất nhiều quan điểm và chứng ngôn trình bày rất bổ ích, vì chúng vẽ nên hình ảnh cụ thể về nét đẹp độc nhất của tình yêu vợ chồng và gia đình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong hôn nhân, chúng ta nhìn thấy sự phản ánh của tình yêu tràn đầy niềm vui đó là đời sống của Ba Ngôi Cực Thánh. Đó là niềm vui của yêu thương và được yêu, niềm vui của việc cho đi và đón nhận, niềm vui của sự hy sinh cho nhau, đó là nguồn mạch cho sự kiện toàn của chúng ta với tư cách là những cá nhân và một gia đình nhân loại.

Những chứng ngôn chúng ta được nghe ở Dublin hội tụ vào một điểm không thể tranh cãi, đó là những mối quan hệ trong gia đình cần phải được đặt nền móng vững chắc trong Tin mừng của gia đình để họ đối thoại một cách hiệu quả với văn hóa ngày nay. Với bản chất được trao tặng bởi Thiên Chúa và ơn gọi là tình yêu, có lẽ hơn bao giờ hết, gia đình hôm nay được kêu gọi phải trở thành một tín hiệu của hy vọng, một ánh sáng trong thế giới chúng ta. Chân lý của hôn nhân và gia đình là vĩnh viễn. Một điều vô cùng quan trọng là phải tiếp tục tuyên bố tính nguyên tuyền của hôn nhân, đặc biệt trong những thời đại như thời đại của chúng ta, khi chúng ta nhận thấy có quá nhiều những mối quan hệ của con người trở nên vô cùng mong manh.

Gia đình là trường học đầu tiên nơi chúng ta học về ý nghĩa của gia đình nhân loại. Cho dù có nhiều thách đố đè nặng, điều này tôi sẽ phân tích ngắn sau, nhưng rất nhiều gia đình tiếp tục đưa ra một chứng tá đầy thuyết phục cho nét đẹp của tình yêu vợ chồng và sức mạnh cứu chuộc của hy tế trên thập giá của Đức Kitô. Chứng tá trung thành của họ cho thấy vượt xa hơn bản thân họ để thể hiện giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được tiên báo trong “mầu nhiệm vĩ đại” của sự kết hiệp giữa Thiên Chúa và Giáo hội của Người. Cư ngụ trong tình yêu đó, các gia đình Ki-tô hữu trở nên một dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới ngày nay. Cả văn hóa truyền thống và văn hóa “tiến bộ”, cả trong những quốc gia giàu và những quốc gia nghèo, chứng tá này của các gia đình vẫn bất biến. Ngay cả khi họ là một cộng đồng nhỏ, rất nhiều gia đình với tinh thần trách nhiệm và đầy lòng quảng đại giữ vững những giá trị nhân văn và giá trị Ki-tô giáo như là một nguồn mạch của sự khôn ngoan và sức mạnh cho xã hội nói chung. Ở nhiều quốc gia, chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều những sáng kiến với mục đích trợ giúp gia đình. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến các hội đoàn, cả tôn giáo và dân sự, đã cống hiến để hỗ trợ đời sống gia đình và các giá trị. Đại hội của riêng anh chị em đây, mà tôi vinh dự được tham dự, là một cách thể hiện vô cùng quan trọng cho sự hỗ trợ cho hôn nhân và gia đình.

Sự cần thiết phải động viên và duy trì nền tảng gia đình vững vàng là một thực tại mà Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn lưu tâm suy nghĩ. Trong Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của Tình yêu), Đức Thánh Cha nói về niềm vui của tình yêu trong các gia đình và nét đẹp của hôn nhân. Phân tích về những thách đố thường là nặng nề mà các gia đình đang phải đối mặt, ngài mời gọi tất cả chúng ta cùng hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành với họ (x. Nos. 217-258).

Để có thể làm được việc này, điều quan trọng, và quả thật là tối quan trọng, là chúng ta phải thấu hiểu những thực tại cụ thể đang đe dọa nền tảng hôn nhân ngày nay.

Nói theo những thuật ngữ mở rộng, những thách đố nặng nề mà các gia đình ngày nay đang phải đối mặt xuất phát từ một văn hóa theo cá nhân chủ nghĩa, vị lợi và tiêu thụ. Trong Tông huấn Amoris Laetitia Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại “một mối nguy hiểm đang ngày càng lớn mạnh xuất phát từ cá nhân chủ nghĩa cực đoan làm suy yếu những mối dây ràng buộc trong gia đình và kết cục tạo ra lối suy nghĩ rằng mỗi thành viên của gia đình là một đơn vị riêng rẽ, trong một số trường hợp dẫn đến lối suy nghĩ cho rằng tính cách của một con người được hình thành bởi chính những mong ước của người đó, và nó được xem là tuyệt đối” (s. 33).

Văn hóa cá nhân chủ nghĩa được hưởng lợi thế rất lớn trong thế giới truyền thông, tài chính, và chính trị, nhưng cuối cùng nó hạ bậc những cơ cấu trung gian như gia đình xuống thành một tùy chọn không quan trọng. Chúng ta có thể nhìn thấy sự thiếu quan tâm này trong lối suy nghĩ cho rằng phải giới hạn các cộng đoàn Giáo hội và tôn giáo có tổ chức, và duy trì phạm vi “riêng tư”. Lập luận cho rằng nếu những mối quan hệ chẳng hạn như gia đình hoặc những mối quan hệ trong Giáo hội không còn cần thiết cho tiến trình tạo ra lợi nhuận, vậy giá trị thật của chúng cho xã hội là gì? Khuynh hướng này đánh đồng mọi mối quan hệ, và đặt ưu tiên cho thành tựu kinh tế vượt trên những mối dây ràng buộc xã hội, dẫn đến quan điểm về luân lý chỉ tập trung vào tính tư lợi. Trong một văn hóa như vậy, các gia đình thường đòi hỏi phải có đức anh dũng để phát triển và hưng thịnh, đặc biệt ở những nơi có các chính sách xã hội làm hao mòn giá trị của gia đình và bỏ qua những nhu cầu thật sự của nó.

Đứng trước tình hình như vậy, là một Giáo hội, chúng ta phải tái khẳng định sự vững tin vào chương trình của Thiên Chúa cho gia đình. Có thể nói rằng Một Chúa Ba Ngôi theo một ý nghĩa chính là một “gia đình” gồm ba người, như Thánh Phaolô nói, là nguồn gốc của mọi gia đình trên trời và dưới đất (Eph 3:15). Mỗi gia đình được kêu gọi phải phản ánh lại sự sống kết hiệp và trổ sinh hoa trái là trung tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong mọi cuộc hôn phối thành sự, ngay cả bên ngoài Giáo hội, người nam và nữ thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa đến mức độ họ sống tình yêu như là một món quà cho nhau, ngay cả khi họ không ý thức được việc đó (x. GIOAN PHAOLO II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7; Gratissimam Sane, 6). Vì ngay từ khởi đầu của Công trình tạo dựng, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1:27). Bản chất tự nhiên của hôn nhân, hình thành ngay từ khởi thủy của công trình tạo dựng, được Đức Kitô hoàn thiện và nâng giá trị lên thành một bí tích của Giao ước mới.

Là hình ảnh của Thiên Chúa, gia đình có những chức năng độc nhất để tạo thành một khối xây dựng cho mọi xã hội. Nó là một cộng đồng của sự yêu thương và sự sống nơi mà những khác biệt căn bản của con người, giữa giới tính và giữa các thế hệ, làm thăng tiến sự phát triển và lớn mạnh lẫn nhau. Đây là lý do tại sao chúng ta phải giữ vững và khẳng định dứt khoát rằng gia đình góp phần, và sẽ luôn luôn góp phần, cho sự hòa hợp và phát triển của mọi xã hội: cơ cấu của một xã hội lệ thuộc vào cơ cấu của gia đình và những mối quan hệ được nuôi dưỡng trong đó.

Tình yêu tỏ lộ bản chất thật và tính cao thượng của nó khi nó được đặt nền tảng trên cội nguồn tối thượng của nó, đó là Thiên Chúa, Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4: 8). Vì thế, Giáo hội nhìn thấy thực tại của con người từ nguyên thủy này trong bối cảnh của một tình yêu như một món quà cho nhau, một sự hiệp nhất với nhau, và một sự chia sẻ sự sống đích thực của Thiên Chúa. Và sự sống này trổ sinh hoa trái: bởi bản chất tự nhiên của nó, nó tìm cách để được chia sẻ vì lợi ích cho mọi người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng: “Chỉ có thể nhìn thấy toàn bộ vẻ đẹp và sự cuốn hút của hôn nhân và đời sống gia đình Kitô giáo nếu chúng được neo đậu trong tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người để chúng ta có thể dâng lên Ngài niềm vinh quang như là những biểu tượng của tình yêu và sự thánh thiện cho thế gian” (Huấn từ tại Đại hội Gia đình, 25 tháng Tám 2018).

Luôn ghi nhớ điều này, tôi động viên tất cả anh chị em tham dự Đại hội hãy xem cuộc gặp gỡ này như một cơ hội để làm mới lại sự vững tin của chúng ta vào chương trình của Thiên Chúa cho gia đình: Tình yêu và hoa trái của đời sống gia đình làm chứng tá và hợp tác trong chương trình yêu thương của Người cho toàn thể gia đình nhân loại. Đây là niềm hy vọng của chúng ta, đây là nền tảng vững mạnh giúp chúng ta tiến bước.

Cuối cùng, tôi muốn thêm vào một điểm để suy xét. Gia đình là một cầu nối ra thế giới xung quanh chúng ta. Với lòng tôn trọng tất cả những người không cùng chia sẻ quan điểm Kitô giáo về hôn nhân và gia đình, người Ki-tô hữu phải thật can đảm và hân hoan trong việc loan báo “Tin mừng của Gia đình” như là nguồn mạch hy vọng cho thế giới chúng ta. Đến đây tôi chỉ có thể lặp lại những lời đầy tâm huyết mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến các gia đình ở Ireland: “Là gia đình, anh chị em là niềm hy vọng của Giáo hội và của thế giới! … Bằng chứng tá Tin mừng của anh chị em, anh chị em có thể giúp ước mơ của Thiên Chúa trở thành sự thật. Anh chị em có thể giúp lôi kéo tất cả những người con của Chúa xích lại gần nhau hơn để họ có thể lớn lên trong tình hiệp nhất và học cách sống hòa bình như một đại gia đình trên toàn thế giới” (nt.). Kinh nghiệm sống vẻ đẹp gia đình là một luận cứ mạnh mẽ nhất chúng ta có được vì nó hướng đến việc chào đón hơn là loại trừ, thể hiện lòng thương xót hơn là kết án, cuốn hút hơn là áp đặt. Nhờ vào bản chất của nó, gia đình tạo động lực cho chúng ta bước ra khỏi bản thân, tỏ lòng thương xót đối với những người đang mang những vết thương trong tinh thần và linh hồn vì họ chưa bao giờ có được cơ hội nếm trải tình yêu thương trong gia đình. Cách làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa như vậy là một sự đóng góp quý báu và vô cùng thiết yếu để biến đổi một văn hóa theo cá nhân chủ nghĩa, vị lợi và tiêu thụ thành một “văn hóa gặp gỡ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi. Nó có nghĩa là noi gương Chúa Giêsu Kitô “theo con đường đơn sơ”: Không chỉ là nhìn thấy, nhưng phải chiêm ngắm; không phải là nghe thấy, nhưng là lắng nghe; không phải là đi ngang qua người khác, nhưng là dừng lại với họ; không chỉ là thốt lên ‘thật đáng thương, những con người tội nghiệp!’ nhưng hãy để cho bản thân được đánh động bởi lòng thương xót; và rồi tiến lại gần, đụng chạm đến và nói: ‘Đừng khóc nữa’ và ít nhất cho đi một chút sự sống” (x. Suy niệm sớm mai trong Nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, 13. Tháng Chín, 2016).

Để kết luận, cho phép tôi gửi đến anh chị em tình hiệp thông tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, và nhắc lại hy vọng của ngài rằng gia đình sẽ đón lấy sinh khí canh tân ơn gọi của họ để chia sẻ trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội nói chung. Chắc chắn sẽ có nhiều thách đố đặt ra. Chắc chắn công cuộc có thể làm thoái chí. Nhưng Đức Kitô là niềm hy vọng và là sức mạnh của chúng ta. Chiến thắng của Người trên thập giá là chiến thắng tuyệt đối của tình yêu vượt trên tội lỗi và sự ích kỷ. Chiến thắng của Người là chiến thắng của sự sống trên cái chết, chiến thắng của thiện vượt trên ác. Người nói với chúng ta điều này trong Bữa Tiệc Ly: “Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Ước mong rằng tất cả chúng ta thực hiện phận vụ của mình để thi hành chương trình của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình. Tôi sẽ cùng anh chị em dâng lời cầu nguyện mỗi ngày cho các gia đình và nguyện xin Đức Mẹ củng cố đức tin của chúng ta vào Con của Mẹ. Nguyện xin Mẹ phó thác các gia đình cho tình yêu của Người, nó vượt qua mọi trở ngại và làm cho mọi điều cùng kết hiệp với nhau vì thiện ích (x. Rm 8:28).

[01382-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Anh]

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2018]