Đức Bà Mân Côi đã cứu thoát Philippines như thế nào

900
Đức Bà Mân Côi đã cứu thoát Philippines như thế nào
Fr Lawrence Lew, O.P. | Flickr CC BY-NC-ND 2.0

Larry Peterson
09 tháng Mười Một, 2019

Giám mục của Manila tuyên bố chiến thắng là một phép lạ.

Người Công giáo ở Philippines có lòng sùng kính đặc biệt với Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc. Họ tìm không biết bao nhiêu cách khác nhau để tôn vinh Mẹ trong cuộc sống hàng ngày của họ. Trong số những cách tôn vinh này là một cuộc rước kiệu trọng thể được tổ chức hàng năm vào Chúa nhật thứ Hai của tháng Mười, để tôn vinh Đức Bà Rất Thánh Mân côi La Naval de Manila. Cuộc rước lần đầu tiên của lễ này diễn ra 373 năm trước, vào ngày 8 tháng Mười năm 1646. Và tất cả bắt đầu từ một bức tượng.

Năm 1593, Don Luis Perez Dasmarinas được bổ nhiệm làm toàn quyền Tây Ban nha ở Philippines. Ít lâu sau khi được bổ nhiệm, cha của ông qua đời, và ông yêu cầu người trợ lý tín cẩn của mình, Đại úy Hernando Coronel, thực hiện một bức điêu khắc để tôn vinh Mẹ. Đại úy Coronel ủy thác cho một nghệ nhân Trung hoa nhập cư thực hiện công việc. Người đàn ông này cũng là một người trở lại Ki-tô giáo và có một lòng yêu mến chân thành dành cho Mẹ Đồng trinh Diễm phúc.

Nghệ nhân điêu khắc (thật đáng tiếc tên ông ta đã bị mất theo dòng lịch sử) điêu khắc bức tượng trên gỗ sồi. Tượng cao 4 feet 8 inch (hơn 142 cm). Ông chạm trổ tinh xảo khuôn mặt và bàn tay của Đức Đồng trinh Diễm phúc và Chúa Giê-su Hài đồng bằng ngà voi. Những đường nét của khuôn mặt Đức Bà và khuôn mặt Trẻ thơ Giê-su phản ánh tính sắc tộc của nghệ nhân điêu khắc.

Toàn quyền Dasmarinas rất quý bức tượng và dành tặng cho người cha quá cố của mình. Bức tượng được đặt tên Đức Bà Rất Thánh Mân côi. Không lâu sau đó, bức tượng được chuyển đến cho các cha dòng Đa-minh, và được đặt trong Nhà thờ Santo Domingo.

Vài năm sau, nước Cộng hòa Hà lan muốn thiết lập một con đường thương mại ngắn hơn đến Châu Á. Con đường ngắn nhất phải đi qua Philippines, vì vậy họ muốn xâm chiếm nước này. Việc đó đòi phải có một hạm đội hải quân tinh nhuệ, và họ đã thành lập nó. Người Hà lan bắt đầu các cuộc tấn công năm 1646.

Lực lượng của Philippines chỉ có hai thuyền buồm lớn để chống lại hạm đội khổng lồ của Hà lan. Họ cầu nguyện trước tượng Mẹ Đồng trinh Diễm phúc, cầu xin Mẹ can thiệp cho họ trong trận chiến sắp xảy ra. Đặt mình dưới sự bảo trợ của Đức Bà Mân côi, họ bắt đầu đọc kinh Mân côi liên lỷ. Họ hứa rằng nếu chiến thắng họ sẽ thực hiện cuộc hành hương chân đất đến đền thờ của Mẹ ở nhà thờ Santo Domingo ở Manila.

Năm trận hải chiến lớn nổ ra sau đó, và lực lượng hải quân nhỏ bé của Philippines, một sự tổng hợp các thủy thủ người Tây Ban nha và Philippines, mỗi lần đều đẩy lùi lực lượng của Hà lan. Chỉ có 15 thành viên của hải quân Tây Ban nha bị thiệt mạng. Cuối cùng khi quân Hà lan đầu hàng, những thủy thủ còn lại của Philippines và Tây Ban nha, thực hiện trọn vẹn lời hứa của họ, đi bộ chân đất với lòng tri ân đến Đền thờ Đức Bà ở Manila. Mẹ Diễm phúc được đặt tước hiệu La Naval và từ đó trở đi được gọi là Đức Bà Rất Thánh Mân côi La Naval của Manila.

Ngày 6 tháng Mười năm 1646, kỷ niệm chiến thắng vinh quang lần đầu tiên được tổ chức ở Manila. Ngày 9 tháng Tư năm 1662, đức giám mục trong Tổng Giáo phận Manila tuyên bố chiến thắng hải quân đó là một phép lạ nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc. Kèm theo trong tuyên bố là lời hướng dẫn cử hành, giảng, và tổ chức các lễ hội để ghi nhớ những phép lạ được thực hiện bởi “Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc và Tràng Mân Côi của Mẹ.”

Năm giáo hoàng đã tôn vinh bức tượng và những phép lạ qua sự cầu bầu của Đức Bà:

  • Đức Giáo hoàng Leo XIII năm 1903.
  • Đức Giáo hoàng Piô X, ngài đã đặt triều thiên lên tượng Mẹ năm 1906.
  • Đức Giáo hoàng Piô XII cũng gửi một Tông thư nhân dịp kỷ niệm 300 năm Hải chiến La Naval de Manila ngày 31 tháng Bảy năm 1946.
  • Đức Giáo hoàng Phaolo VI tuyên bố Mẹ là Bổn mạng của Thành phố Quezon năm 1973.
  • Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II dâng toàn bộ lục địa Châu Á cho Mẹ năm 1981.

Ngày nay Nhà thờ Santo Domingo được biết đến như là Đền thờ Quốc gia Đức Bà Rất Thánh Mân Côi La Naval de Manila. Trước Lễ Đội Triều thiên hơn 310.000 người đã dâng tặng những trang sức, đá quý, vàng, và bạc để trang điểm cho tượng. Bức tượng được xem là tượng chạm khắc ngà voi cổ xưa nhất ở Philippines. Nhà thờ lớn nhất ở Manila và là một trong những nhà thờ lớn nhất ở toàn Châu Á.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2019]