ĐTC Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

708

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 3 18, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cho Đồng bằng Ninivê quyển sách kinh lịch sử được cứu thoát khỏi Nhà nước Hồi giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại bản kinh viết tay lịch sử cho Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ở Bakhdida, Iraq, 7 tháng Ba, 2021. Credit: Vatican Media.

Courtney Mares

Rome Newsroom, 8 tháng Ba , 2021 / 06:05 am MT (CNA). – Trong chuyến thăm Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lại một bản kinh viết tay lịch sử bằng tiếng Aram, đã được khôi phục sau khi Nhà nước Hồi giáo xúc phạm nhà thờ Công giáo nơi đã từng lưu giữ bản kinh.

Có niên đại khoảng giữa thế kỷ 14 và 15, quyển sách bao gồm các kinh theo phụng vụ bằng tiếng Aram cho mùa Phục sinh theo truyền thống Syria.

Bản kinh viết tay trước đây được lưu giữ trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (ảnh dưới) ở Bakhdida, cũng được gọi là Qaraqosh. Nhà thờ Công giáo Syria bị cướp phá và đốt cháy khi Nhà nước Hồi giáo nắm quyền kiểm soát thành phố từ năm 2014 đến 2016.

Đức Thánh Cha Phanxicô đến viếng nhà thờ ngày 7 tháng Ba và đọc Kinh Truyền tin với người Kitô hữu địa phương từ các thành phố và làng mạc trên khắp Đồng bằng Ninivê. Nhà thờ đã được khôi phục hoàn toàn bởi tổ chức Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn).

Khi viếng nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha trao lại bản kinh viết tay cho Đức Tổng Giám mục Công giáo Syria Yohanna Boutros Mouche của Mosul.

Cũng như chính Nhà thờ Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, bản viết tay gần đây trải qua tiến trình phục chế toàn diện.

Quyển sách được tìm thấy tại miền bắc Iraq vào tháng Giêng năm 2017 bởi các nhà báo – khi Mosul vẫn còn nằm trong tay của Nhà nước Hồi giáo – và chuyển đến cho giám mục địa phương là Đức Tổng Giám mục Mouche, ngài giao nó cho một liên minh Kitô giáo phi chính phủ để bảo quản an toàn.

Quyển sách được giấu dưới tầng hầm của nhà thờ cùng với những quyển sách quan trọng khác, nhưng cuối cùng lại ở Erbil trước khi được gửi ra nước ngoài để phục chế.

Viện Trung ương Bảo tồn Sách (ICPAL) ở Roma giám sát việc phục chế bản viết tay, công việc được tài trợ bởi Bộ Di sản Văn hóa Ý.

Quá trình phục chế kéo dài 10 tháng bao gồm việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tại Thư viện Vatican, nơi có những quyển sách tiếng Syria cổ có cùng niên đại. Thành phần nguyên thủy duy nhất của quyển sách được thay thế là loại chỉ khâu kết nối các trang sách.

Đức Thánh Cha Phanxicô được một phái đoàn nhỏ trình lên văn bản phụng vụ đã được phục chế trong thư viện của Điện Tông tòa vài tuần trước chuyến đi Iraq.

Phái đoàn bao gồm người đứng đầu phòng phục chế của ICPAL là Đức cha Luigi Bressan, tổng giám mục hưu trí của Trento, và là nhà lãnh đạo của Liên đoàn các tổ chức Kitô giáo phục vụ tình nguyện quốc tế (FOCSIV), liên đoàn 87 tổ chức phi chính phủ của Ý đã giúp đảm bảo sự an toàn của quyển sách khi nó được tìm thấy ở miền bắc Iraq.

Bà Ivana Borsotto, chủ tịch FOCSIV, là một thành viên của phái đoàn. Bà nói rằng sự trở lại của quyển sách tượng trưng cho sự hồi hương của người Kitô giáo sau cuộc diệt chủng do Nhà nước Hồi giáo gây ra.

Bà Borsotto nói: “Để đưa nó trở về quê hương và bảo đảm rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể trả lại Sidra [quyển sách kinh] – trong chuyến đi lịch sử và quan trọng đến vùng đất này – cho các tín hữu và nhà thờ của nó có giá trị tượng trưng mạnh mẽ về sự hồi hương và phục hồi những cội nguồn chung ở các nơi mà chiến tranh không những phá hủy mà còn cố gắng xóa bỏ các truyền thống và… tẩy xóa mọi dấu vết ký ức… về lịch sử chung sống hòa bình của Kitô giáo hiện diện suốt nhiều thế kỷ ở những nơi này.”

Bà nói thêm: “Công việc được cùng nhau thực hiện để bảo đảm rằng quyển Sidra trở về nhà cũng là sự thể hiện vai trò tích cực của sự hợp tác quốc tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới: thúc đẩy sự phát triển của con người, nhưng cũng để thúc đẩy sự gắn kết và sự phát triển của các vùng lãnh thổ và các cộng đồng để làm cho người dân có thể tự lực và tự chủ.”

“Không có những quyển sách, không có cộng đồng và không có điều này, không thể có lịch sử của một dân tộc và văn hóa của nó.”

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2021]