Đối diện với cái chết

1353

Ronald Rolheiser, 2010-01-03

Vài năm trước đây, người em họ của tôi chết trong một tai nạn nghề nghiệp. Anh phụ trách chất hàng lên toa xe lửa và khi sợi giây cáp bật đứt dưới sức nặng ngàn cân của sức ép, thì người anh như bị cắt đôi. Anh chết trên đường đến bệnh viện. Anh còn trẻ, đang độ tuổi xuân, là lực sĩ tài năng có mặt trong các đội thể thao địa phương.

Cái chết của anh thật đau đớn và buồn thảm, tuy vậy gia đình và bạn bè anh có vài chuyện an ủi: Những ngày cuối cùng của anh thật dễ thương, các hành vi cuối cùng của anh thật nồng ấm: Trước đó vài ngày, anh tạt qua thăm mẹ và ăn trưa với mẹ, có một thời gian vui vẻ tuyệt vời, và khi đi về anh hôn mẹ chào từ giã, mẹ anh yên lòng biết anh thương mẹ. Cách đó mấy tuần, anh đưa người em út, người em rất thần tượng anh, đi nghỉ vài ngày để xem các trận đấu bóng bầu dục. Theo cách mọi người vẫn nghĩ, anh đã từ giã thế gian trong bình an, anh chết trong khi làm việc. Chất hàng là công việc của anh, khi giây cáp bị đứt, anh bị chết, anh ở đúng nơi anh phải ở, đúng giây phút làm việc của anh. Nếu anh không ở đó vào lúc đó, một người khác cũng sẽ ở đó và họ sẽ chết. Anh chết ở cương vị của anh, đang làm công việc của anh, làm việc lương thiện, anh kiếm sống, anh là nạn nhân của một chuyện bất ngờ, ở nơi mà anh phải ở.

Rốt cùng đó là những gì chúng ta cố gắng để đảm trách cho chính chúng ta. Chúng ta cố gắng trụ nơi chúng ta phải trụ.

Mỗi người chúng ta, không ngoại trừ ai, bất kể tuổi tác, sức khỏe như thế nào, chúng ta đều mong manh, đều không biết gì trước, đều có thể chết, một nhịp tim hụt là rời thế gian, một cú đột quỵ là mất cuộc sống, một tai nạn cho chúng ta biết sức mạnh của chúng ta là phù du, sợi giây cáp đứt và chết trong xe cứu thương. Chúng ta có thể cẩn trọng với mạng sống của mình, sống thận trọng, cố gắng đảm bảo an toàn cho mình, cho người thân, nhưng cuối cùng vẫn không đủ. Chúng ta không thể bảo đảm tim của chúng ta luôn đập.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Chúng ta có thể sống cẩn thận, săn sóc sức khỏe và sự an toàn của chúng ta, và nếu chúng ta có đức tin, chúng ta có thể xin Chúa quan phòng. Đương nhiên đó là điều tốt. Nhưng chúng ta có thể làm những chuyện khác, những chuyện còn quan trọng hơn.

Chúng ta cố gắng trụ nơi chúng ta phải trụ. Chúng ta có thể luôn luôn cố gắng giữ nhiệt tâm, phòng hờ đó là những hành vi cuối cùng của chúng ta. Chúng ta có thể ăn điểm tâm với mẹ và tỏ lòng âu yếm mẹ. Chúng ta có thể đưa người thân đi xem trận đấu bóng bầu dục và cố gắng hoà thuận với mọi người. Cốt yếu, chúng ta có thể trung tín, chân thật với những người chúng ta thương, chân thật với những gì chúng ta tin. Chúng ta ở đúng trách vụ của mình, trong dấn thân, trong tình yêu và bổn phận.

Rốt cùng, đó là những gì chúng ta có thể làm, và, rốt cùng, như thế là đủ. Ý thức về tính mong manh và về cái chết không có nghĩa là chúng ta sợ hãi, khiếp nhược, rụt rè trước cuộc đời hay cảm thấy tội lỗi vì vui sướng. Chúng ta không buộc phải hướng về một cuộc sống ở thế giới khác mà buông bỏ cuộc sống này. Ngược lại, chúng ta cũng không buông tuồng vui hưởng vì cuộc sống này ngắn ngủi và đầy chuyện không ngờ tới được. Đó là lời mời gọi lòng trung tín; luôn luôn cố gắng để trụ nơi chúng ta phải trụ, trong nhiệt tâm, tình yêu, bổn phận và vui hưởng.

John Powell đã viết có thể có hai thảm kịch trong cuộc sống, mà chết trẻ không nằm trong số đó. Hai thảm kịch đó là: Sống mà không yêu, yêu mà không bao giờ nói lên được tình yêu và lòng biết ơn. Quả đúng như vậy.

Có thể vì tuổi của tôi và cũng có thể đó là chỉ là một thời gian khác thường, nhưng suốt năm vừa rồi, không một tháng nào trôi qua mà thần chết không lấy đi một người tôi thương mến. Chưa bao giờ tôi ý thức tính mong manh của cuộc sống như bây giờ. Về mặt bên ngoài nó làm cho tôi phải nhìn lại sức khỏe của tôi: Tôi đã săn sóc đủ cho tôi? Tập thể dục đủ chưa? Chế độ ăn uống đúng không? Nghỉ ngơi đủ không?

Tuy nhiên, ở tầng mức sâu hơn, nó buộc tôi nhìn lại sức khỏe của tôi theo nghĩa rộng hơn: Tôi có đang trụ nơi tôi phải trụ? Liệu tôi có trung tín với con người của tôi và với những gì tôi tin để mà thanh thản biết rằng tôi đang làm những việc tôi phải làm, giả như hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi? Những gì tôi làm có nồng ấm không?

Tôi cố gắng trung tín mỗi ngày – cầu nguyện, dâng thánh lễ, nhiệt tâm với mọi người, làm công việc của tôi tốt nhất có thể, biết rằng, nếu tôi làm như vậy, tôi đang trụ nơi tôi phải trụ và tôi có thể vui hưởng cuộc sống tốt đẹp này, không mặc cảm tội lỗi, không sợ hãi, sẵn sàng, đứng trụ ngay thẳng, dù sợi giây cáp có đứt thình lình.

J.B. Thái Hòa dịch