Vài năm trước, trong một buổi hỏi đáp sau bài diễn thuyết, một chàng trai trẻ hơi cáu kỉnh hỏi tôi một câu, thái độ của anh không được thân thiện cho lắm. “Có vẻ cha viết nhiều về tình dục, cha có vấn đề gì với nó thế?” Bài diễn thuyết của tôi nói về lòng thương xót Chúa và không đề cập gì đến tình dục, nên rõ ràng câu hỏi của anh ta có chủ đích khác. Tôi trả lời: “Tôi viết 52 bài báo một năm, và đã làm thế trong 30 năm. Tính trung bình, mỗi hai năm tôi mới viết một bài về chủ đề tình dục, như thế tính trung bình trên 104 lần, thì số bài về tình dục chiếm chưa đến 1%. Anh nghĩ như thế là quá đáng sao?”
Tôi đưa ra cuộc nói chuyện này vì tôi ý thức khá rõ là mỗi khi một người độc thân khiết tịnh viết về tình dục thì sẽ khiến một số người khó chịu, theo cả hai hướng. Và như thế, tôi xin đưa ra đây hai câu đầy thấu suốt của Gary Gutting, để nói lên rằng nền văn hóa của ta nên dũng cảm xem lại quan điểm của mình về tình dục để xem điẻm nào không ổn nơi thái độ đương thời về tình dục. Đây là hai câu đó.
Trong một bài về Công ích (23-9-2016), Gutting đã viết: “Tuy nhiên, chúng ta cần có một đạo đức về tình dục, và điểm khởi đầu cho nó phải là nhận ra rằng tình dục không phải“vui thú.” Nó không phải là một hành động vui thú mà chúng ta có thể yên tâm tách rời nó khỏi những chuyện thực sự có ý nghĩa. Tình dục không phải là nói đùa một câu, uống một ly rượu ngon, hay xem một trận bóng rổ. Không phải tình dục chỉ là những thứ như trên nhưng mạnh mẽ hơn đâu, tình dục chạm đến những chiều sâu tinh thần và cảm xúc mà những thú vui bình thường không thể chạm đến. Những giá trị nhân văn cốt lõi như tình yêu, tôn trọng, và ý thức bản thân luôn tồn tại trong tình dục. “Tình qua đường” là một ảo tưởng nguy hiểm. Tình dục là một vấn đề với chúng ta, chủ yếu là vì chúng ta đánh đồng nó với thú vui.”
Hai năm sau, trong một bài khác về Công ích (19-3-218), bình luận về cơn bột phát đạo đức khơi lên do phong trào #MeToo, Gutting đã viết: “Cơn bột phát của chúng ta có vẻ lạ thường, nhất là trong bối cảnh Hollywood, vì ngành công nghiệp giải trí, cùng với ngành quảng cáo, ngành công nghiệp tự lực, và giới trí thức “khai sáng” – là nguồn chính của khái niệm được chấp nhận rộng rãi rằng tình dục phải tách biệt khỏi sự nghiêm trọng của các phê bình đạo đức và được xem là một cách khác để con người hiện đại có thể tận hưởng. …Tôi không yếm thế, nhưng tôi nghĩ đáng để suy ngẫm về sự căng thẳng giữa cơn bột phát đạo đức đối với nạn quấy rối tình dục và đạo đức của tình dục tự do. Vấn đề cốt lõi là nguyên tắc xử thế này tán thành quan niệm rằng tình dục về đặc thù nên chỉ là một cách vui thú khác mà thôi. …Nguyên tắc xử thế này dĩ nhiên cởi mở với quan niệm rằng tình dục cũng có thể là một biểu lộ của sự thân mật đơn ái, có cam kết, và sâu sắc, nhưng nó vẫn cho thấy chẳng có vấn đề gì với kiểu tình dục khởi đầu và kết thúc chỉ để vui thú.”
Tình dục có thể khởi đầu và kết thúc chỉ để vui thú? Nhiều người trong văn hóa thời nay hẳn sẽ nói là có. Có vẻ chúng ta đã tiến hóa đến mức đó.
Trong khoảng thời gian nửa thế kỷ, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự đảo chiều về luận thuyết trong cách nền văn hóa đánh giá tính dục về mặt đạo đức. Cho đến thập niên 1950, quy chuẩn đạo đức về tình dục phổ biến vẫn gắn chặt tình dục với hôn nhân và có con cái. Tình dục được xem là hợp đạo đức khi được chia sẻ trong hôn nhân và sẵn sàng có con cái. Thập niên 1960 đã loại bớt phần tình dục liên quan đến sinh con cái, vì nền văn hóa đã chấp nhận kiểm soát sinh sản. Nhưng tình dục vẫn cần phải nằm trong hôn nhân. Tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, dù có phổ biến, vẫn không được xem là được chấp nhận về mặt đạo đức.
Thập niên 1970 và 1980 đã thay đổi điều đó. Nền văn hóa của chúng ta trở nên chấp nhận tình dục ngoài hôn nhân, miễn sao có tình yêu sự đồng thuận. Do đó, tình dục trở thành mức tiếp theo trong việc hẹn hò. Thế hệ thời nay sinh ra và lớn lên trong quy chuẩn đạo đức đó. Cuối cùng, đến thập niên 1990, thế hệ millennium vẫn đem lại một sự đảo chiều triệt để hơn nữa, cụ thể là tình dục “qua đường”, một thứ tình dục mà linh hồn, cảm xúc và sự cam kết bị chủ tâm loại trừ khỏi mối quan hệ. Với nhiều người thời nay, tình dục có thể được hiểu là một hoạt động giải trí thuần túy, và vẫn đạo đức nhé, thuần túy chỉ để vui thú.
Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này? Tình dục chỉ để vui thú? Câu trả lời của tôi cũng như của Gutting. Tình dục chỉ để vui thú thì không ổn vì dù có cố hết sức, chúng ta vẫn không thể tách rời tình dục khỏi linh hồn.
Xét cho cùng, tình dục chỉ để vui thú thì chẳng vui, trừ phi trong trí tưởng tượng, trong hệ tư tưởng xa lìa thực tế, và trong những tiểu thuyết và phim ảnh ngây thơ. Với người nhạy cảm, nó luôn đem lại nỗi nhức nhối trong tim, còn với người vô cảm nó luôn khiến trái tim thêm chai đá. Với tất cả mọi người, nó đem lại sự bóc lột tình dục. Nghiêm trọng nhất, nó dẫn đến một sự vô hồn nhất định. Khi tình cảm không có chỗ đứng đúng của nó trong tình dục, thì còn tệ hơn khi bị tách hẳn ra khỏi tình dục, cuối cùng chúng ta hạ giá mình, không còn tôn trọng bản thân hay người khác cho đúng nữa, và cuối cùng, sẽ chẳng đem lại hạnh phúc với bản thân cũng như sự tôn trọng dành cho người khác.
Linh hồn là điều đáng để bảo vệ, nhất là trong tình dục.
J.B. Thái Hòa dịch